20 năm sự kiện Rostock-Lichtenhagen: Thảm nạn của người nhập cư và vết nhơ nước Đức

Lễ tưởng nhớ 20 năm sự kiện Rostock-Lichtenhagen, vụ bạo động tấn công người nước ngoài lớn nhất nước Đức kể từ thế chiến thứ 2, được thành phố Rostock tổ chức trọng đại sau nhiều năm chuẩn bị công phu, thu hút sự quan tâm cả nước Đức.

Tháng trước tròn 20 năm kể từ vụ bạo động tấn công người nước ngoài lớn nhất nước Đức kể từ thế chiến thứ 2, xảy ra năm 1992, nhằm vào trại tỵ nạn Rostock-Lichtenhagen cùng ký túc xá người Việt kế cạnh.

Đó là thời kỳ Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, số người xin tị nạn tại Đức tăng kỉ lục, tới 430.000 người/năm, gây áp lực lo ngại không thể gánh nổi lên cả nhà nước lẫn dân chúng. Một cuộc thăm dò dư luận tháng 2/1992 cho thấy 74% người Đức mong muốn hạn chế tị nạn vốn được Hiến pháp Đức coi là quyền cơ bản con người nhà nước phải bảo đảm. Các Đảng cực hữu nhân đó đưa ra những khẩu hiệu kích động bài ngoại “thuyền đã đầy”.

Truyền thông cũng ra sức cổ vũ, ngày 9/9/1991, tờ báo lớn Spiegel giật tít: “Cuộc tấn công của người nghèo” kèm bức hình chiếc thuyền Đen-Đỏ-Vàng, mầu cờ Đức, bị đông đảo người tỵ nạn nhấn chìm. Tít trên báo Bild còn đòi: “Tị nạn: Bonn, hãy làm điều gì đó”.

Bị kích động, tại Hoyerswerda, người Việt hành nghề bán dạo bị một nhóm cực hữu và dân chúng tấn công; ký túc xá lao động Mozambique vùng đó bị quậy phá. Rồi phát triển lên đỉnh điểm tại Rostock-Lichtenhagen, khởi đầu từ chính quyền địa phương bị quá tải khi tiếp nhận khoảng 400 người tị nạn, cho dựng lều ngủ trên bãi cỏ trong điều kiện sống thiếu thốn, ồn ào, mất trật tự vệ sinh, trước một chung cư 11 tầng mang tên Sonnenblumenhaus, tầng 7 dùng làm trụ sở tiếp nhận tỵ nạn ZAst.

Phớt lờ trước ta thán của các hộ dân sống chung quanh, trước cảnh báo của Sở Y tế về nguy cơ bệnh tật lây lan, thành phố vẫn không lắp đặt nhà vệ sinh công cộng, cũng không chuyển điạ điểm. Lòng kiên nhẫn của dân chúng, chủ nhân đất nước trước chính quyền chỉ được coi là công bộc của họ, vốn có giới hạn; ZAst lập tức bị đe dọa tấn công, ấn định thời hạn chính quyền phải giải quyết nếu không sẽ dùng bạo lực.

Thời hạn ngày 22/08/1992 đến, khoảng 2.000 người dân tụ tập trước hiện trường toà nhà Sonnenblumenhaus phản đối. Hơn 200 tên cực hữu, nhân cơ hội đó phá tường, ném đá, bom xăng tự chế vào ban công, gào thét khẩu hiệu phát xít: “Nước Đức của người Đức”. 160 nhân viên cảnh sát được huy động tới ngăn chặn, nhiều xe bị đốt phá, 13 cảnh sát bị thương. Ngày tiếp theo 23/8/1992, bọn cực hữu lôi kéo từ khắp nước Đức tới, lên đến 500, dân chúng tăng lên 3.000 đứng vòng ngoài cổ vũ.

Một khi bạo động đã mang khẩu hiệu phát xít thì không ngoại trừ bất kỳ người nước ngoài nào, ngay lập tức ký túc xá lao động người Việt kế cạnh trở thành mục tiêu tấn công. Khi cảnh sát đến ngăn chặn, chúng đã tràn lên được tầng 6. Tới lượt cảnh sát bị đám đông áp đảo tấn công lại bằng gạch, đá, bom xăng tự chế và pháo sáng. Bộ trưởng Nội vụ Liên bang phải báo động, điều hàng trăn cảnh sát Liên bang và cảnh sát biên phòng các nơi tới chi viện, tận 2 giờ sáng ngày 24/8/1992 trật tự mới vãn hồi. Rốt cuộc ZAst vẫn phải di dời địa điểm như đòi hỏi ban đầu của dân chúng.

Nhưng đã quá muộn, cuộc bạo động đã biến thái sang cực đoan với khẩu hiệu Hitler, đòi “người nước ngoài phải cút đi“ – điều nhà chức trách đã không lường trước, phạm tiếp sai lầm thứ 2, khi cảnh sát bị chúng quay lại tấn công, để bảo toàn lực lượng liền ra lệnh triệt thoái. Hậu qủa 120 người Việt lao động hợp tác với nhiều trẻ em và hai phụ nữ mang thai trong ký túc xá bị cảnh sát bỏ rơi, trở thành miếng mồi ngon cho chúng tấn công điên cuồng, không gặp bất kỳ cản trở nào, mặc dù trong đó có cả tổ phóng viên truyền hình ZDF tác nghiệp, lẫn đặc trách ngoại kiều Rostock cũng phải chung số phận.

Cả ký túc xá, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc, hoảng loạn khiếp đảm, đối đầu với bọn cực hữu lúc này đã lên hơn 800 tên hò hét tấn công, được kích động bởi chừng 3000 người dân đứng vòng ngoài hò reo. Gạch, đá, bom tự chế thi nhau ném vào ngôi nhà không được bảo vệ, đơn độc đương đầu chịu trận. Chúng hò nhau tuyên chiến: “Chúng tao sẽ tóm được tất cả bọn mày”, rồi phá cửa nhảy vào đổ xăng khắp nhà châm lửa. Đến 21 giờ 38 phút, lực lượng cứu hoả mới nhận được điện khẩn của một người dân, tới chữa cháy, nhưng bị đám đông cản đường, mãi tận 23 giờ, cảnh sát tới giải toả, mới có thể bắt đầu; lúc đó toàn chung cư đã ngập chìm trong lửa khói. Những người bị kẹt trong đám cháy may phá thông được lối thoát hiểm chui qua mái nhà chung cư cao tới 11 tầng, sang chung cư kế giáp thoát thân. Khoảng 23h30, đám cháy được dập tắt, họ tìm được bao người Việt còn mắc kẹt cùng đường, tuyệt vọng trốn khắp mọi xó xỉnh trong những tầng nhà lửa chưa kịp bén.

Như một điều kì diệu, thật may mắn không ai bị thiệt mạng, được cảnh sát hộ tống sơ tán. Cứu thoát được người Việt, nhưng cảnh sát vẫn không thể làm chủ được tình huống, đụng độ với bọn cực hữu lần này lên tới 1.000 tên tấn công bằng đá, hỏa tiễn và bom tự chế, phải dùng vòi rồng, xịt hơi cay, dai dẳng hết ngày hôm sau mới chấm dứt, kết cục 65 cảnh sát bị thương, nhiều ô tô bị thiêu rụi.

Vụ bạo động rung chuyển xã hội, chấn động chính trường Đức lúc đó, trở thành sự kiện gây lo ngại nhất cho thế giới thời bấy giờ, và mãi mãi đi vào lịch sử đau đớn nhất của nước Đức đối với người nước ngoài, chỉ sau thế chiến thứ 2. Với ý nghĩa cảnh báo to lớn của nó, cuối tháng trước, lễ tưởng nhớ 20 năm sự kiện Rostock-Lichtenhagen, được thành phố Rostock tổ chức trọng đại sau nhiều năm chuẩn bị công phu, thu hút sự quan tâm cả nước, truyền thông không ngày nào không đề cập.

Trước ngày tổ chức lễ tưởng nhớ, gần 6.000 người từ khắp nước Đức đổ về Rostock-Lichtenhagen biểu tình chống phân biệt chủng tộc: “Wo, wo, wo wart Ihr 1992? – Bạo động năm 1992, các người đã ở đâu, ở đâu?”.

Tham gia lễ tưởng nhớ, hơn 3.000 người mang theo hoa hướng dương, tấm trải picnic, và cả sự căm giận, tập trung tại bãi cỏ trước chứng tích ngôi nhà Sonnenblumenhaus, ký túc xá người Việt bị tấn công. Trên lễ đài, bên cạnh một cây xanh được trồng làm biểu tượng hòa bình, Tổng thống Đức, ông Gauck, mở đầu bài phát biểu: “cuộc bạo động đã qua, nhưng vết nhơ cho thành phố Rostock tới nay vẫn còn đây“.

Ở Đức, Tổng thống do Hội nghị toàn liên bang bầu trực tiếp, được coi là niềm tin, chỗ dựa của mỗi người dân bất kể họ là ai, tôn giáo nào, hệ tư tưởng gì, (vì vậy khi trúng cử, tổng thống tự động ngừng tham gia đảng phái); thay vì đổ hết tội lỗi cho cực hữu vẫn còn tồn tại ở một bộ phận, nằm ít nhiều trong tư tưởng dân chúng, Gauck khẳng khái nhận trách nhiệm: “Vụ bạo động chống người nước ngoài năm 1992 chứng tỏ sự bất lực của nhà nước“. Và để khẳng định để giải quyết nó không có phương tiện hữu hiệu nào khác ngoài nền tảng dân chủ, ông nhấn giọng: “Dân chủ phải có khả năng tự bảo vệ”, và để đạt được “cần hai điều kiện tiên quyết, người dân không ngoảnh mặt, dám dũng cảm đương đầu, nhưng trước hết nhà nước phải đủ khả năng bảo vệ nhân phẩm và cuộc sống của mỗi con người, dù đó là ai” – rốt cuộc vẫn là vai trò chủ nhân của từng người dân và trách nhiệm công bộc của nhà nước được dân giao phó.

Trong số 120 nạn nhân người Việt của vụ bạo động, tại Rostock hiện vẫn còn 35 người sinh sống, nhiều người có mặt trong buổi lễ mang theo cả con cháu, nhưng hầu hết đều ngại ngùng từ chối khi được mời làm khách danh dự, mặc dù họ chính là nhân chứng sống của lịch sử không ai có thể thay thế, người Đức rất cần.

Trên khán đài duy chỉ có ba người Việt, trong số đó có Đại sứ Việt Nam Nguyễn Thị Hoàng Anh, và bà Phương Kollath, nguyên lao động hợp tác thời Đông Đức, nay là phiên dịch, thạc sĩ sư phạm, chuyên gia đào tạo chương trình nâng cao cho giáo viên, cảnh sát, doanh nhân, nhân viên sở ngoại kiều Đức, và là thành viên người Việt duy nhất trong các Hội nghị Thượng đỉnh, cùng các bộ trưởng khác bàn về chính sách di trú và hoà nhập do Thủ tướng Merkel chủ trì. Bà lý giải với báo giới hiện tượng ngại ngùng của người Việt, “do không quen xuất hiện trước tập thể đông người. Trước kia, bà cũng thế, như hầu hết người Việt, luôn sống thu mình”.

Nghĩa là ngay cả khi đã sống trong lòng một thế giới cởi mở, vẫn khó hoà nhập cùng thế giới; ai trăn trở, không thể không đặt câu hỏi vì chính dòng giống con Lạc cháu Hồng, vậy phải làm sao để “sánh vai với các cường quốc năm châu” đây, khi mà lợi ích vận hệ của chính mình bị đe doạ vẫn “thu mình”, “ngại” không lên tiếng?!

 

Tác giả

(Visited 62 times, 1 visits today)