22 tỉ phú có tài sản nhiều hơn mọi phụ nữ châu Phi
Chỉ trong một thập kỷ qua, số lượng tỷ phú trên thế giới đã tăng gấp đôi và 22 người đàn ông giàu nhất thế giới hiện nay có nhiều tài sản hơn tất cả phụ nữ ở châu Phi.
Ảnh phụ nữ châu Phi của Oxfam.
Đó là những thông tin được Oxfam đưa ra trong thông điệp về bất bình đẳng tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tổ chức hôm 20/1.
“Phụ nữ và trẻ em gái là một trong số những người hưởng lợi ít nhất từ hệ thống kinh tế ngày nay”, Amitabh Behar, giám đốc Oxfam Ấn Độ phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới thường niên ở Davos.
Theo thông tin của Bloomberg, sẽ có ít nhất 119 tỷ phú sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 500 tỷ USD tham dự Davos trong năm nay, chủ yếu đến từ Mỹ, Ấn Độ và Nga.
Báo cáo của Oxfam chỉ ra các nền kinh tế méo mó (broken economies) của chúng ta thường bơm thêm tài sản vào túi người giàu đồng thời bỏ qua lợi ích của những người nghèo nhất trong xã hội, mà chủ yếu là phụ nữ. Những người giàu nhất đang tích lũy tài sản với tốc độ đáng kinh ngạc. “Nhìn vào phần chóp của kim tự tháp kinh tế thấy hàng nghìn tỷ USD tài sản trong tay một nhóm rất nhỏ, chủ yếu là đàn ông”, báo cáo của Oxfam cho biết.
Báo cáo thường niên của Oxfam về bất bình đẳng toàn cầu đã đưa ra những con số giật mình như sau:
Nếu một phần trăm người giàu nhất thế giới chỉ trả 0,5% thuế tài sản của họ trong 10 năm, thì đã tương đương với khoản đầu tư cần thiết để tạo ra 117 triệu việc làm mới trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người già và trẻ em.
Số liệu trên được Oxfam đưa ra dựa trên dữ liệu của tạp chí Forbes và ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ, tuy nhiên một số nhà kinh tế vẫn đang bàn cãi về các con số này.
Những con số khác đáng suy ngẫm cũng được Oxfam đưa ra: cho thấy 2.153 tỷ phú hiện có nhiều tài sản hơn 4,6 tỷ người nghèo nhất hành tinh.
Trong số những người thiệt thòi, phụ nữ và trẻ em gái thường chịu gánh nặng đặc biệt bởi vì họ thường là những người chăm sóc giữ cho “bánh xe của nền kinh tế, doanh nghiệp và xã hội của chúng ta chuyển động”, Behar nói.
Họ “thường có ít thời gian để có được một nền giáo dục, kiếm được một cuộc sống kha khá hoặc lên tiếng về cách các xã hội của chúng ta vận hành” và “do đó bị mắc kẹt dưới đáy của nền kinh tế”, ông nói thêm.
Báo cáo của Oxfam cho biết phụ nữ và trẻ em gái đã dành 12,5 tỷ giờ làm việc các công việc chăm sóc hằng ngày – ước tính trị giá ít nhất 10,8 nghìn tỷ USD mỗi năm mà không được trả lương. Trên toàn cầu, 42% phụ nữ không thể có việc làm vì họ chịu trách nhiệm cho tất cả công việc chăm sóc, so với chỉ 6% của nam giới.
Báo cáo của Oxfam kêu gọi các chính phủ trên thế giới cần “xây dựng một nền kinh tế nhân văn thay vì thúc đẩy sự theo đuổi vô tận lợi nhuận và giàu có”.
Bảo Như dịch
Nguồn bài và ảnh: https://phys.org/news/2020-01-billionaires-richer-percent-world-population.html