4 giải pháp chống tham nhũng
ác vụ tham nhũng gần đây, đặc biệt là PCI, cho thấy hiểm họa nghiêm trọng của tham nhũng đối với sự phát triển của đất nước vì tham nhũng đã trực tiếp xâm hại hình ảnh và thể diện quốc gia, chứ không chỉ đơn thuần làm thất thoát tiền bạc của Nhà nước và xã hội. Vì vậy, nếu trước kia đó chỉ là một trong các ưu tiên, thì nay phải là vấn đề sống còn hàng đầu, không thể không thực hiện bằng mọi quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chứ không phải chỉ là việc riêng của các cơ quan hay quan chức Nhà nước.
Nhiều người lý giải rằng do hệ thống pháp lý còn nhiều thiếu sót, thậm chí sơ hở, khiến các thế lực tham nhũng luôn thoát khỏi sự trừng phạt thích đáng của luật pháp, vì thế chỉ cần kiện toàn và bổ sung các văn bản pháp luật. Thật ra, luật pháp sẽ vẫn chỉ là những quy định trên giấy nếu các biện pháp chống tham nhũng không được bảo đảm thực thi trên thực tế. Sự hiệu quả của việc áp dụng và thực thi luật mới là điều cần quan tâm.
Người ta cũng nói đến đề nghị kê khai tài sản của cán bộ khi nhậm chức, hoặc ý định tăng lương cho bộ máy hành chính và tư pháp để công chức và thẩm phán yên tâm làm việc mà không tơ tưởng đến tư lợi. Đề nghị này tốt, nhưng lại thiếu thực tế trong hoàn cảnh Việt Nam, vì có quá nhiều cách để bọn tham nhũng giấu giếm tài sản, chúng cũng đủ khôn ngoan để không bao giờ trực tiếp nhận của hối lộ, và dù lương có cao chăng nữa thì món lợi từ tham nhũng vẫn hấp dẫn hơn so với sự thanh liêm cần phải gìn giữ.
Chiều hướng gia tăng các vụ tham nhũng nghiêm trọng trong thời gian qua cho thấy nhiều chính sách, biện pháp chống tham nhũng hiện tại chỉ mang tính hình thức nhiều hơn thực chất. Vì vậy để loại bỏ thực trạng tham nhũng mất lòng dân này, cuộc chiến chống-tham-nhũng cần thực thi 4 giải pháp có tính đột phá sau:
Thứ nhất, từ bỏ tuyệt đối nền hành chính xây dựng trên quan niệm “xin-cho” hay “cấp phép” tồn tại hơn 50 năm nay. Đây là gốc rễ của tham nhũng. Cho đến khi nào quyền của người dân chỉ có thể được hành xử hoặc các hành vi và giao dịch pháp lý chỉ có thể phát sinh hiệu lực khi xin được sự chấp thuận hoặc phê duyệt của nhà chức trách dưới hình thức cấp phép, thì khi ấy tham nhũng vẫn tiếp tục còn đất sống.
Thứ hai, bảo đảm nâng cao hơn nữa sự độc lập và tính chuyên nghiệp của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp nhằm tăng cường sự nghiêm minh của luật pháp và tính công minh của các bản án trừng phạt bọn tham nhũng. Bộ máy tư pháp cần được khởi động ngay lập tức khi phát hiện hành vi tham nhũng, thay vì xem xét trách nhiệm hành chính trước như lối “xử lý nội bộ” hiện nay.
Thứ ba, công nhận quyền thách thức của người dân trước tòa án về tính hợp hiến của các văn kiện lập quy do cơ quan hành pháp ban hành, như Nghị định, Quyết định, Thông tư, Chỉ thị, v.v…, ít nhất tạm thời trong khuôn khổ các tòa án hành chính hiện nay, nhưng sẽ lý tưởng hơn, trước Tòa bảo hiến. Cơ quan công quyền chắc chắn sẽ thận trọng hơn khi ấn định những quy tắc hạn chế quyền hiến định của người dân, dù vô tình hay cố ý. Chậm trễ thiết lập Tòa bảo hiến sẽ vô hiệu hóa nỗ lực chống nạn lạm quyền, nguồn gốc của tham nhũng.
Thứ tư, tôn trọng quyền được cung cấp và tiếp cận thông tin trung thực, đầy đủ và độc lập của người dân đối với mọi vấn đề xã hội, đặc biệt liên quan đến hoạt động của các cơ quan công quyền và công việc của các viên chức Nhà nước, thông qua báo chí và truyền thông. Sự công khai và minh bạch trước công luận sẽ giúp phá tan thành lũy ẩn nấp của các thế lực tham nhũng.
Thật ra những giải pháp nêu trên đều đã được nhiều người đề xuất và phân tích khi bàn đến cải cách hành chính và tư pháp từ nhiều năm nay.Vấn đề là các giải pháp này cần được tổ chức thực hiện đồng bộ, nhanh chóng và hiệu quả với sự tham gia của toàn xã hội, chứ không phải đây là việc riêng của các cơ quan hay quan chức Nhà nước.
Những tháng còn lại của năm 2009 có thể nói là rất quan trọng đối với sự phát triển đất nước, bởi đây là giai đoạn tâm điểm của những ảnh hưởng và thách thức thực sự đối với nền kinh tế đang hội nhập toàn diện của chúng ta. Đứng vững để vượt qua và tiếp tục phát triển sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu là bài toán khó của nhiều quốc gia, với Việt Nam lại còn khó hơn vì chúng ta chưa kịp có được tiềm lực kinh tế nội tại đủ mạnh, lại thiếu vắng bộ máy kỹ trị chuyên nghiệp giúp chống đỡ hữu hiệu các cơn bão táp kinh tế thị trường. Tham nhũng đang tạo ra hiểm họa lớn vì làm xói mòn nghiêm trọng nội lực vốn yếu kém đó. Chống tham nhũng do vậy cần một cuộc cách mạng thật sự.