4 vấn đề chính cần quan tâm

Hai bài báo của GS Phạm Duy Hiển và PGS Trần Ngọc Vương đều mạnh dạn nói thẳng vào những điều còn tồn tại, còn e dè trong các lĩnh vực khoa học xã hội và tự nhiên; đồng thời nêu ra mối quan hệ giữa đối tượng (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) với người làm nghiên cứu (các nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên và xã hội) và cách tiếp cận giải quyết vấn đề này của xã hội (chiến lược quốc gia, cách quản lí) để cho đối tượng nghiên cứu có thể được phát triển đúng mức. Điều đó cũng có thể nói là một phần trong văn hóa của nghiên cứu. Do tầm mức của vấn đề được đặt ra, có lẽ trước hết xin trao đổi sơ qua một vài điều sau đây:


1. Tới nay chúng ta bị lẫn lộn giữa khoa học và công nghệ, nhiều tổ chức khoa học nay khoác thêm cái áo công nghệ nhưng tư duy vẫn chỉ thuần khoa học chứ chưa có dáng dấp của công nghệ. Từ đó làm cho khoa học không làm đúng vai trò của mình mà công nghệ cũng không được phát triển đúng tầm.
2. Chiến lược khoa học và chiến lược công nghệ khác nhau. Chúng ta nhiều khi lấy chiến lược khoa học để thế vào chỗ chiến lược công nghệ là không hợp vì một đằng đối tượng của khoa học là nghiên cứu qui luật một đằng đối tượng của công nghệ là sản xuất và dịch vụ, ra sản phẩm.
3. Trong khoa học, nghiên cứu phụ thuộc nhiều vào sáng tạo cá nhân với sự hỗ trợ của tiến bộ khoa học mới. Trong công nghệ, yếu tố tổ chức con người làm việc theo kĩ nghệ, theo qui trình hiện đại là rất cần thiết và cũng là điều chúng ta còn thiếu. Công nghệ và kỹ nghệ dựa trên việc phối hợp có bài bản của nhiều chuyên gia để làm ra sản phẩm mới là chính.
4. Xu hướng hành chính hóa mọi thứ trong xã hội chúng ta làm trì trệ các phát triển sáng tạo. Không chỉ trong khoa học, trong giáo dục, trong y tế, trong mọi lĩnh vực xu hướng hành chính hóa đang diễn ra quá phổ biến và làm cho nhiều tổ chức bị xơ cứng không đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện đại. Việc đề cập tới vấn đề này ở tầm mức xã hội để báo động những nguy cơ của nó là cần thiết, bài của GS Phạm Duy Hiển có thể mở màn cho trao đổi này. Tuy nhiên cũng cần chỉ ra những cách thức vượt qua xu thế này trong xã hội ta.
5. Đi vào phê phán những nhược điểm của khoa học xã hội hiện tại là cần thiết nhưng chưa phải cấp bách, vì việc sửa chữa các nhược điểm đó chưa thể vượt ra ngoài cái khuôn khổ đã quen biết. Vì vậy cần đề cập tới vấn đề khoa học xã hội trong bối cảnh hiện tại, trước sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới đang đưa vào làm cho khoa học xã hội buộc phải biến đổi. Đây là điều cấp bách cần định hướng đúng thì mới góp phần làm thay đổi cách nhìn nhận và nghiên cứu cổ điển của khoa học xã hội.
6. Sự trì trệ trong khoa học xã hội cũng cần được nhận diện với việc hành chính hóa nghiên cứu. Thói quen làm theo khuôn mẫu, làm nghiên cứu theo chỉ đạo từ lãnh đạo chính trị cần được được thay đổi bằng việc đưa các yếu tố mới vào và phát huy sự tích cực chủ động dùng các phương pháp làm việc mới.
7. Sự phối hợp giữa tin học và khoa học xã hội là điều cấp thiết để có thể tạo mặt bằng mới cho các nghiên cứu khoa học xã hội. Cần thay đổi thói quen cũ và hình thành cách làm việc khoa học công nghệ ngay trong nghiên cứu khoa học xã hội.
8. Để khoa học có thể thực sự trở thành động lực của phát triển, cần quan tâm: 1)phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ cho mọi hoạt động nghiên cứu khoa học tự nhiên và xã hội, 2)phát triển đội ngũ người nghiên cứu với tư duy kĩ nghệ và làm việc trên cơ sở hạ tầng công nghệ mới, 3)xây dựng chiến lược đưa tri thức vào mọi hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, phối hợp những hoạt động liên ngành, 4)phát triển xã hội học tập trên cơ sở nền công nghệ mới.

—————
CHÚ THÍCH ẢNH:
Đưa tri thức vào mọi hoạt động nghiên cứu và ứng dụng

Ngô Trung Việt

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)