AI tạo ảo giác cho nhân loại?

Hàng ngàn năm qua, mỗi cá thể đều sống trong giấc mơ của người khác, tôn thờ thần linh, theo đuổi cái đẹp lý tưởng và cống hiến cuộc đời cho những mục đích khởi nguồn từ trí tưởng tượng của những nhà tiên tri, nhà thơ hay chính trị gia. Phải chăng, chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ sống trong ảo giác được tạo ra bởi trí tuệ phi nhân tạo (nonhuman intelligence).

Tiêu đề gốc của bài báo: Đã hết viên thuốc xanh, chỉ còn viên thuốc đỏ. Thuật ngữ này có trong phim khoa học viễn tưởng kinh điển Ma trận: nhân vật chính phải lựa chọn giữa “viên thuốc đỏ” để tìm hiểu sự thật có khả năng gây bất ổn và thay đổi cuộc đời, hoặc “viên thuốc xanh” để chọn hài lòng an phận với sự thiếu hiểu biết.

Thử tưởng tượng, bạn có dám bước lên máy bay nếu một nửa số kỹ sư chế tạo nó cho biết có 10% khả năng xảy ra sự cố chết người?

Năm 2022, hơn 700 học giả hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) trên thế giới tham gia khảo sát về rủi ro của AI trong tương lai. Một nửa trong số họ cho rằng khả năng nhân loại tuyệt chủng, hoặc bị tước đi quyền hạn vĩnh viễn, là từ 10% trở lên. Nhưng các công ty công nghệ xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn đang bị cuốn vào cuộc đua để đưa nhân loại đến ngưỡng cửa đó.

Các công ty dược phẩm không thể bán thuốc mới ra thị trường nếu sản phẩm chưa được thử nghiệm an toàn nghiêm ngặt. Và các hệ thống AI như GPT-4 hay các ứng dụng khác không được phép can thiệp vào đời sống của hàng triệu người với tốc độ nhanh hơn khả năng con người thích ứng và hấp thụ nó. Vậy nhưng thực tế đang xảy ra cuộc chạy đua triển khai công nghệ mới, lấy tốc độ làm trọng tâm.

Nỗi lo sợ về AI đã bắt đầu ám ảnh nhân loại kể từ giữa thế kỷ 20, tuy vậy cho đến gần đây điều đó vẫn là viễn cảnh xa xôi, thuộc về khoa học viễn tưởng hơn là các cuộc thảo luận nghiêm túc về khoa học và chính trị. Nhưng hiện nay, GPT-4 và các công cụ tương tự trở nên khó nắm bắt với trí óc con người, và ngày càng trở nên khó nắm bắt hơn khi các công cụ này đang tiến hóa trở nên mạnh và thông minh hơn, theo cấp số nhân. Hầu hết các công vụ này tập trung vào khả năng chính: thao tác và tạo lập ngôn ngữ, ở dạng văn bản, âm thanh hoặc hình ảnh.

Ngôn ngữ là “hệ điều hành” của văn minh nhân loại. Thông qua ngôn ngữ, chúng ta có huyền thoại và pháp luật, thần thánh và tiền tệ, nghệ thuật và khoa học, tình bạn, các quốc gia, và mã máy tính. AI có khả năng làm chủ ngôn ngữ, nghĩa là chúng có thể kiểm soát “hệ điều hành” của nhân loại, từ kho tiền nhà băng tới hầm mộ thánh thần.

Điều đó có ý nghĩa gì với con người – khi sống trong thế giới của những câu chuyện, giai điệu, hình ảnh, luật lệ, chính sách, công cụ – phần lớn được tạo ra và vận hành bởi loại trí tuệ phi phàm biết cách nắm bắt và khai thác tâm trí triệt để, đến mức vừa thiết lập mối quan hệ mật thiết với con người, vừa khai thác hiệu quả những điểm yếu, sự thiên kiến hay thói nghiện ngập trong tâm trí con người. Trong môn cờ vua, máy tính đã sớm đánh bại con người (với cột mốc Deep Blue thắng Kasparov, tỷ số 4:2, năm 1996 – ND). Liệu điều tương tự xảy ra trong nghệ thuật, chính trị hay tôn giáo?

Ngôn ngữ là “hệ điều hành” của văn minh nhân loại. AI có khả năng làm chủ ngôn ngữ, nghĩa là chúng có thể kiểm soát “hệ điều hành” của nhân loại, từ kho tiền nhà băng và hầm mộ thánh thần.

Trí tuệ nhân tạo có thể nuốt chửng văn minh nhân loại – bằng cách tiêu hóa tư liệu hàng nghìn năm lịch sử của chúng ta  – rồi tuôn ra dòng thác những tạo tác văn hoá mới. Không chỉ là các bài tiểu luận ở trường, mà có thể là bài diễn văn chính trị, tuyên ngôn tư tưởng, kinh thánh cho các giáo phái mới. Biết đâu, đến năm 2028, cuộc đua vào Nhà Trắng không còn do con người điều hành nữa.

Con người thường không tiếp xúc trực tiếp với thực tế, mà bị bao bọc bởi cái kén văn hóa và trải nghiệm thực tế thông qua lăng kính văn hóa đó. Quan điểm chính trị của mỗi người được định hình từ báo chí và từ các câu chuyện mà bạn bè kể. Xu hướng tình dục của chúng ta bị điều chỉnh bởi nghệ thuật và tôn giáo. Cái kén đó hiện vẫn được dệt bởi đồng loại của chúng ta. Trải nghiệm thực tế qua lăng kính do trí thông minh phi nhân tạo ra sẽ như thế nào?

Hàng ngàn năm qua, mỗi cá thể đều sống trong giấc mơ của người khác, tôn thờ thần linh, theo đuổi cái đẹp lý tưởng và cống hiến cuộc đời cho những mục đích khởi nguồn từ trí tưởng tượng của những nhà tiên tri, nhà thơ hay chính trị gia. Phải chăng, chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ sống trong ảo giác được tạo ra bởi trí tuệ phi nhân tạo (nonhuman intelligence).

Loạt phim “Kẻ hủy diệt” mô tả những con robot chạy ngoài phố và bắn người. Trong phim “Ma trận”, AI kiểm soát xã hội loài người bằng cách kết nối trực tiếp bộ não con người vào mạng máy tính. Tuy nhiên, chỉ với ngôn ngữ, AI đã đủ khả năng giam cầm chúng ta trong thế giới ảo y hệt “ma trận” mà không cần bắn giết hoặc cấy chip vào não. AI điều khiển con người bóp cò, chỉ cần trong tâm trí diễn ra câu chuyện hợp lý.

Nỗi sợ hãi bị mắc kẹt trong một thế giới ảo tưởng đã ám ảnh loài người lâu hơn nhiều so với bóng ma của A.I. Sớm thôi chúng ta sẽ đối diện ác quỷ tạo ra một ảo tượng hoàn hảo về thế giới bên ngoài của Descartes, bị giam hãm trong hang tối Plato1 hay mải đắm chìm trong giấc mơ của hoàng hậu Maya. Một bức màn ảo tưởng có thể bao trùm lấy nhân loại, chúng ta không thể xé bỏ, thậm chí không thể nhận ra nó đang tồn tại ở đó.

Mạng xã hội là sự tương tác đầu tiên giữa AI và con người, và con người đã thua trong trận đấu đầu tiên. AI quản lý nội dung do con người tạo ra. AI đứng sau để cá thể hóa các bảng tin, lựa chọn từ ngữ, âm thanh, hình ảnh đến được võng mạc và màng nhĩ của con người sao cho lan truyền rộng nhất, phản ứng mạnh nhất, tương tác nhiều nhất.

Mặc dù chỉ mới ở buổi bình minh trong quá trình phát triển, AI đã có khả năng kích thích sự phân cực trong xã hội, gây suy giảm sức khỏe tinh thần và làm lung lay nền dân chủ2. Hàng triệu người đã bị nhầm lẫn những ảo tưởng này với thực tại. Mặc dù Hoa Kỳ có nền tảng công nghệ mạnh mẽ nhất, nhưng công dân của họ vẫn bất đồng về việc ai đã thắng trong cuộc bầu cử năm 2021. Mặc dù mọi người đều nhận thức được mặt trái của mạng xã hội, nhưng vẫn chưa thể giải quyết vì các cá nhân lẫn các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội đang vướng vào nó quá sâu.

Các mô hình ngôn ngữ là mối tương tác thứ hai giữa chúng ta với AI. Và chúng ta không được phép thua lần nữa. Nhưng dựa trên cơ sở nào để nhân loại tin tưởng mình có đủ khả năng kiểm soát và quản lý AI vì lợi ích của mình? Nếu cứ tiếp tục chạy đua phát triển, AI sẽ lại được sử dụng để mang lại ưu thế thị trường và quyền năng, ngay cả khi nó vô tình phá hủy nền móng xã hội của chúng ta.

AI thật sự sở hữu tiềm năng phi thường, giúp chúng ta đánh bại ung thư, khám phá các thuốc cứu mạng và các giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng và khí hậu, và còn nhiều tiềm năng khác mà chúng ta chưa tưởng tượng ra. Nhưng tòa nhà chọc trời của những lợi ích do AI dựng nên còn quan trọng gì khi nền tảng nhân tính sụp đổ.

Phải kiểm soát AI trước khi chúng ta trở nên phụ thuộc nó để vận hành nền chính trị, kinh tế và cuộc sống hằng ngày. Dân chủ là một cuộc đối thoại, nghĩa là dựa trên ngôn ngữ, và khi ngôn ngữ bị thao túng, thì nền dân chủ sẽ bị phá vỡ. Nếu chúng ta chờ đợi đến lúc xảy ra sự hỗn loạn để tìm cách sửa chữa thì đã quá muộn.

Chúng ta vẫn có thể chọn tương lai mà mình muốn với AI, khi sử dụng sức mạnh thần thánh đó với trách nhiệm và quyền kiểm soát tương xứng.

Chúng ta đã triệu hồi một vị thần. Nhưng chúng ta không biết nhiều về nó3 ngoại trừ việc nó vô cùng mạnh mẽ và mang đến cho chúng ta những món quà tuyệt vời nhưng cũng có thể tấn công nền tảng của nền văn minh của chúng ta. Thời điểm này là lúc phải nhận thức rõ về các nguy cơ, học cách kiểm soát, làm chủ A.I. trước khi nó làm chủ chúng ta.□

Cao Hồng Chiến dịch

Nguồn: https://www.nytimes.com/2023/03/24/opinion/yuval-harari-ai-chatgpt.html?

——–

1 Dụ ngôn về quá trình một người bị trói buộc, cầm tù trong hang và sau đó thoát khỏi hang cũng như ảo giác trong hang khi thiếu ánh sáng. Nhưng anh không thể giải thích cho những người còn lại – vẫn ở lại trong hang – cho rằng mắt anh đã hỏng do ra khỏi hang, và họ không muốn bắt chước anh. Đọc thêm: http://tiasang.com.vn/doi-moi-sang-tao/tu-duy-mo-tu-mot-goc-do-cua-triet-hoc/

2 http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Hinh-thai-kinh-te-moi-Chu-nghia-tu-ban-giam-sat-26683/

3 Đọc thêm http://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khong-the-hieu-duoc-ai/

Tác giả

(Visited 33 times, 1 visits today)