Ăn cơm trước kẻng
Phản hồi bài “Vấn đề tiêu chuẩn Đảng viên” của GS. Nguyễn Đức Bình góp ý với dự thảo văn kiện Đại hội Đảng X trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 25/02/2006
Là một doanh nhân, tôi giải quyết bài toán: “Đảng viên có nên làm kinh tế tư nhân hay không?” dựa trên thực tế đang diễn ra trong xã hội, ít quan tâm đến lý luận, học thuyết, mệnh đề. Không hiểu tại sao chúng ta lại mất nhiều thời gian để tranh luận “nên hay không nên…”, trong khi đảng viên đã làm kinh tế gần 20 năm nay rồi. Hãy thử hỏi một doanh nhân bất kỳ, rằng: “Đối tác, bạn hàng, đồng nghiệp của doanh nhân từ trước kia và hiện nay có ai là đảng viên hay không?”; thì người hỏi sẽ nhận được câu trả lời là: “Có!”. Thậm chí, có người còn cho câu hỏi trên là… vớ vẩn!
Thực tế trên thương trường hiện nay, có 3 loại đảng viên tham gia làm kinh tế: (1) đảng viên không còn làm việc cho Nhà nước, nay ra tổ chức kinh doanh thông qua gia đình (vợ, chồng, con, cháu) đứng tên hộ, nhưng đảng viên vẫn là người điều hành. (2) đảng viên có chức, có quyền làm kinh tế “chui” núp dưới nhiều loại hình (như vụ điện kế điện tử, đoàn xe tải ở Đồng Nai…) để giao dịch nội gián hoặc tiện cho việc móc ngoặc, tham ô, tham nhũng. (3) đảng viên vẫn làm việc trong Nhà nước nhưng chỉ giữ một chức vụ bình thường, làm kinh tế theo kiểu “đánh quả”, ăn theo từng phi vụ để tranh thủ cải thiện cuộc sống… Có thể còn nhiều hình thức nữa, nhưng vì chưa giao dịch làm ăn nên tôi chưa biết.
Tiếp xúc, giao dịch làm ăn chung với những loại hình kinh doanh này, tôi nhận ra: cùng một đối tượng đảng viên, nhưng mỗi loại làm ăn mỗi khác. Những đảng viên không còn trong bộ máy Nhà nước và những đảng viên đương chức nhưng giữ chức vụ bình thường thì làm kinh tế rất đàng hoàng. Những người đảng viên này rất chịu khó, cần cù và trong làm ăn thì biết người biết ta. Tuy vậy, do Đảng chưa cho phép đảng viên làm kinh tế, nên họ rất ngại kiện tụng, tranh chấp; nhiều khi gặp đối tác lật lọng, họ đành chấp nhận phần thua thiệt. Và, do làm “chui” nên họ cũng “chui” luôn nhiều loại thuế mà lẽ ra nếu kinh doanh công khai, họ phải chịu nộp thuế sòng phẳng như những doanh nhân khác.
Còn loại đảng viên đang nắm giữ quyền cao chức trọng mà làm kinh tế riêng tư thì thật là “trời ơi đất hỡi”. Ví dụ như hùn làm ăn mà không bỏ vốn, mua cổ phần nhưng không trả tiền… Thị trường nào mà những đảng viên loại này nhúng tay vào thì y như rằng thị trường đó bị méo mó, biến dạng, bởi họ dùng quyền, chức để thao túng, giành giật, tranh chấp. Khi phải cạnh tranh ở thương trường, thay vì thể hiện bản lĩnh của một người chủ doanh nghiệp, tính quyết đoán của một doanh nhân, thì họ lại dùng một câu hỏi mà đối tác nghe phải… lạnh gáy: “Có biết tôi là ai không?”. Chính đối tượng này đã làm lũng đoạn nhiều thị trường, tiêu biểu nhất là những thị trường có tính độc quyền cao.
Thực tế là đảng viên đã làm kinh tế tư nhân từ lâu và nếu đây là chuyện lớn của Đảng (không phải của dân), thì lẽ nào trong suốt thời gian vừa qua, Đảng không biết, không nghe, không thấy? (từ đó suy ra còn biết bao nhiêu điều do cuộc sống bức bách thúc ép phải chuyển biến mà Đảng chưa nắm bắt kịp?). Vì vậy, việc đưa vào văn kiện của Đảng để bàn nên hay không cho phép đảng viên làm kinh tế cũng giống như “hai bên nội, ngoại hợp thức hóa cho những đứa con đã lén cha, mẹ “ăn cơm trước kẻng” vậy”. Nhưng nội, ngoại cũng đừng lạc quan mà tin rằng: khi không cho phép thì dâu, rể sẽ ly dị, chia tay hoặc vì thế mà ốm yếu hay chết yểu!
Còn việc đảng viên làm kinh tế là tham gia “bóc lột”, thì theo tôi cũng nên giải bằng lời giải thực tế từ cuộc sống. Đảng có đánh giá cao đảng viên của mình quá không? Là một doanh nhân tuổi nghề bằng với tuổi của đất nước đổi mới, tôi đã đủ trải nghiệm để nhận định: với môi trường kinh doanh tranh tối tranh sáng như hiện nay, lại đang hội nhập kinh tế quốc tế, thì chỉ để trụ được ở thương trường đã là khó, tìm kiếm được lợi nhuận lại càng khó hơn nhiều. Trong khi đảng viên đã quá quen sống trong môi trường bao cấp, nay, nếu được Đảng cho phép làm kinh tế công khai, phải cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng, thì liệu sẽ có bao nhiêu đảng viên trụ được ở thương trường? Vì vậy, tôi lo lắng ngược lại: “đảng viên chưa bóc lột được ai, thì đã bị thương trường lột trắng tay rồi”.