Ăn ở có hậu
“Phát triển bền vững” là cụm từ đầu môi chót lưỡi trong thiên hạ hiện nay. Ai cũng xài nó, để cổ vũ một cách sống, để ràng buộc sự phát triển của một xã hội, để quảng cáo một thương hiệu, để cải thiện một công nghệ, để cứu Trái đất, để bán một sản phẩm, để áp đặt một chính sách, để tỏ ra thời thượng, để giáo dục thế hệ trẻ, để kiếm tiền, hay mua danh. Khi trở thành lời đầu môi chót lưỡi thì từ ngữ mất đi ý nghĩa thực sự. Như tiếng “cảm ơn” xoen xoét ở cửa miệng mọi người. Nhưng không vì vậy mà chúng ta không thèm nói cảm ơn nữa, hay không cần dạy con trẻ nói “Cảm ơn” khi được giúp đỡ hay cho quà.
Xét ý nghĩa cốt lõi của sự phát triển bền vững thì ông bà chúng ta đã thực hành và răn dạy nhau từ ngàn năm nay, thể hiện qua túi khôn dân gian là tục ngữ ca dao, như làm ăn phải có căn cơ, sống phải tích đức cho con cháu, ăn ở sao cho có hậu, kẻo đời cha ăn mặn đời con khát nước.
Trong nền văn minh lúa nước, con người phải thường xuyên trông trời trông đất để sống hài hòa với thiên nhiên và biết vận dụng qui luật thiên nhiên để phát triển, chuộng sự ăn chắc mặc bền, đề cao những giá trị bền vững, “ăn kỹ no lâu, cày sâu lúa tốt”; phát triển vì tương lai, “con hơn cha nhà có phúc”; và vun bồi quan hệ cộng đồng, “có qua có lại mới toại lòng nhau.” Những thực hành này có thể đã bị một bộ phận dân ta coi là cũ kỹ không hợp thời trước trào lưu sống hiện đại (thực tế là sống chụp giựt trong một xã hội thay đổi quá nhanh, gần như quay cuồng).
Cho nên “phát triển bền vững” được đưa vào Việt Nam như “một khái niệm mới”, theo định nghĩa của Wikipedia tiếng Việt: “Phát triển bền vững là một khái niệm mới nhằm định nghĩa một sự phát triển về mọi mặt trong hiện tại mà vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa”.
Câu này có lẽ diễn dịch lại định nghĩa trong báo cáo của Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển của Liên Hiệp Quốc có tiêu đề “Tương lai chung của chúng ta, chương 2: Hướng tới sự phát triển bền vững.” Phần mở đầu bản báo cáo này viết: Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng những nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng thỏa mãn nhu cầu của những thế hệ tương lai. Nó bao hàm hai khái niệm quan trọng:
Khái niệm “nhu cầu”, đặc biệt là nhu cầu thiết yếu của người nghèo trên thế giới, phải được dành cho ưu tiên trên tất cả, và ý tưởng về sự hạn chế mà trình độ kỹ thuật và tổ chức xã hội áp đặt lên khả năng của môi trường để đáp ứng nhu cầu của hiện tại và tương lai.
Do vậy, theo báo cáo này, những mục tiêu của phát triển xã hội và kinh tế phải được xác định theo quan niệm bền vững ở tất cả mọi quốc gia – đã phát triển hay đang phát triển, theo xu hướng thị trường hay do Trung ương hoạch định. Những cách diễn dịch có thể khác nhau, nhưng phải cùng có những đặc tính chung nhất định và phải cùng xuất phát từ sự nhất trí về khái niệm cơ bản của phát triển bền vững và trên một khuôn khổ chiến lược rộng nhằm đạt được điều đó.
Phát triển bao hàm một sự thay đổi tiến bộ về kinh tế và xã hội. Về mặt lý thuyết, con đường phát triển bền vững theo nghĩa vật chất có thể được theo đuổi ngay cả trong bối cảnh chính trị và xã hội khe khắt nhất. Nhưng sự bền vững vật chất không thể nào an toàn trừ phi những chính sách phát triển quan tâm đến những vấn đề cần được cân nhắc như sự chuyển đổi trong quyền sử dụng nguồn tài nguyên và trong phân phối chi phí cùng lợi nhuận. Ngay cả quan niệm hẹp nhất về sự phát triển bền vững vật chất cũng hàm chứa mối quan tâm đối với công bằng xã hội giữa các thế hệ, một mối quan tâm phải được mở rộng một cách hợp lý đến sự công bằng trong mỗi một thế hệ. (dịch từ http://www.un-documents.net/ocf-02.htm)
Văn chương và ý tưởng trong các văn bản của Liên Hiệp Quốc bao giờ cũng hay ho tốt đẹp.
Nhà văn Lý Lan |
Các nước thành viên thực hiện tới đâu và như thế nào là chuyện khác. Dù sao, phát triển bền vững cũng đã là một vấn đề toàn cầu. Và nhiều người tin đó là con đường tốt nhất để Trái đất còn là nơi sống được cho nhân loại trong tương lai. Hiện có không ít những tổ chức thuộc Chính phủ lẫn phi Chính phủ được hình thành và đặt bản doanh ở các nước tiên tiến, như Canada, Mỹ, Úc, và các nước châu Âu, với nguồn tài trợ dồi dào và hoạt động tích cực rộng khắp, với các chi nhánh đặt tại những nước đang phát triển ở Á và Phi châu, ra sức vận động và tuyên truyền cho sự phát triển bền vững, thông qua nhiều hoạt động từ gây áp lực với các nhà cầm quyền đến quảng bá cách sống cần kiệm trong dân chúng.
Vài thí dụ về những hoạt động này: Gây áp lực với các Chính phủ và tập đoàn kỹ nghệ giảm lượng khí thải carbon vào khí quyển; bảo tồn những khu rừng, đầm lầy, môi trường sống của những sinh vật hoang dã; duy trì đa dạng sinh thái; hỗ trợ những phương thức sản xuất “xanh” ít gây ô nhiễm; phá vỡ những thế độc tôn, độc quyền, độc canh; ngăn chặn việc khai thác bừa bãi cạn kiệt những nguồn tài nguyên thiên nhiên; chống lại sự tước đoạt phương tiện sản xuất và bóc lột sức lao động người nghèo; giáo dục giới trẻ tình yêu thiên nhiên, quan điểm sống vừa đủ, chống xa hoa và chuộng sự công bằng.
Hiện nay ở phần lớn các trường đại học ở Mỹ đều có chương trình phát triển bền vững, tùy từng nơi các hoạt động bao gồm từ vận động sinh viên đi xe đạp xe bus thay vì lái xe hơi, tiêu thụ thực phẩm nuôi trồng tại địa phương, thậm chí tự mình nuôi trồng lấy một số thực phẩm mình dùng hằng ngày; dùng lại, tái chế; hay hạn chế những sản phẩm nhân tạo để giảm lượng rác thải ra; tiết kiệm năng lượng như tắt đèn, tắt các thứ máy móc khi không thực sự cần đến.
Khi công chúng, đặc biệt là giới trẻ có tri thức, quan tâm và ủng hộ phong trào phát triển bền vững thì sức mạnh của phong trào buộc phần lớn các thế lực kinh tế chính trị phải kiêng dè và chuyển thái độ o bế. Chẳng hạn hãng dầu BP sau sự kiện để xì dầu ở vùng vịnh Mexico đã phải cố tô điểm lại mặt mũi bằng nỗ lực tuyên truyền “BP và phát triển bền vững” rằng BP quan tâm (có hỗ trợ tài chánh) đến sức khỏe và an toàn, năng lượng và môi trường, nhân loại và nhân quyền (theo website chính thức của BP, www.bp.com)
Trên website chính thức của Công ty Monsanto (trùm hạt giống cây trồng và kỹ thuật nông nghiệp) cũng đặt lên hàng đầu trong phần cam kết (commitments) mục nông nghiệp bền vững (sustainable agriculture) với các khẩu hiệu: Sản xuất nhiều hơn. Bảo tồn nhiều hơn. Phát triển đời sống. Chẳng là Monsanto đã bị các phong trào thực phẩm hữu cơ qui cho những tội như hủy hoại môi trường thiên nhiên vì phương thức chuyên canh công nghiệp sử dụng phân bón và hạt giống lai hoặc điều chỉnh gene. Nông nghiệp hiện đại (được công nghiệp hóa) cũng dồn các nhà nông nhỏ với phương thức canh tác truyền thống đến chỗ phá sản, và do đó phá hủy truyền thống văn hóa nông thôn.
Mô hình thường được đưa ra cho sự phát triển bền vững là một căn nhà mà cái mái “Phát triển bền vững” được đặt trên ba cây cột “Phát triển kinh tế”, “Bảo vệ môi trường”, và “Tiến bộ xã hội”. Ba cây cột này có to chắc và đồng đều thì cái mái nhà mới bền vững nổi. Nhưng tại sao những ý tưởng hay ho, những vận động rộng khắp của những người tìm kiếm sự phát triển bền vững vẫn chưa đạt tới sự bền vững nhất định cho thế giới hiện nay? Xã hội thì khủng hoảng kinh tế, cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn, đất trời ngày một lắm thiên tai… Câu trả lời còn đang được tìm kiếm hay đã sờ sờ ra đó mà người ta không muốn và không thể làm gì được?