Anh Sáu Dân thân thiết của mỗi chúng ta

Hôm anh Nguyễn Khải mất vậy mà cũng có chuyện rắc rối về nơi an táng theo các thứ thủ tục rườm rà và kỳ lạ của chúng ta. Việc ấy đến tai anh Võ Văn Kiệt - Sáu Dân, anh liền gọi điện thoại cho một đồng chí lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, bảo: “Nếu không giải quyết được chỗ an táng cho anh Khải theo nguyện vọng của gia đình và anh em, thì tôi xin nhường suất của tôi cho anh ấy. Chắc tôi cũng có được một suất ở nghĩa trang thành phố, phải không?”…

Hôm sau, tang lễ anh Khải được tiến hành rất sớm, lúc sáu giờ sáng,
mà dạo ấy chưa sang hè, sáu giờ trời còn rất tối. Tôi phải đón taxi đi cho kịp. Vậy mà khi đến nơi đã thấy anh Sáu Dân ở đấy rồi. Sau đám tang, anh bảo tôi lúc nào sang nhà chơi, bên quận 2. Buổi tối ăn cơm ở nhà anh, có người nhắc lại chuyện hôm trước, anh nói: “Mình có đến ba suất, một ở thành phố này, một ở nghĩa trang Mai Dịch Hà Nội, một ở dưới quê, khi nào có anh em cần mình xin sẵn sàng nhường!”.
Những người ít nhiều có được quen anh Sáu Dân đều biết một nét trong tính cách của anh: anh nói cứ tưởng như đùa vui, nhưng đấy là anh nói rất thật. Bằng cái trí trông nhẹ nhàng mà rất cao và rất sâu, và bằng cái tình rất chân thật hòa quyện với tầm nhìn xa cả về hai phía quá khứ và tương lai, thấm đượm suy tư sâu xa và có thể cả trằn trọc về lịch sử, anh thường có những ứng xử vượt khuôn khổ, phá vỡ những cứng nhắc của cơ chế, khiến cho cuộc sống bỗng dễ sống hơn, con người đối với nhau hiền hòa, nhân hậu hơn, lòng người nhẹ nhõm, xã hội an bình hơn. Vì anh biết, cuộc đời này còn lắm nhọc nhằn, vốn chẳng hề đơn giản một bề, cả trong những chuyện đại sự quốc gia, những tình huống con người bị kẹt trong những éo le của lịch sử, cho đến những chuyện tưởng thường tình mà không dễ hằng ngày, sống cho có nghĩa có tình, có trước có sau với nhau là quan trọng, quan trọng lắm, có khi lại là quan trọng nhất, hơn tất cả những
lời nói ồn ào, to tát. Ngồi nói chuyện với anh, có thể nghe thấy cùng lúc, giản dị mà thâm trầm, cả mấy chiều kích ấy trong con người anh: sự trầm tư lịch sử, sự sắc sảo của một người lãnh đạo từng trải, sự quyết liệt, rất nhiều khi không khoan nhượng về những vấn đề có tính quyết định, tính minh triết do bao nhiêu trầm luân tích lũy, cả một chút nỗi buồn vì sự bất lực của tình thế và của chính mình, và đồng thời, rất lạ, vẫn còn nguyên tấm lòng nhân hậu và niềm vui trong veo, hồn nhiên của một người nông dân, một người nông dân rất Nam Bộ, rất Việt Nam. Tôi vẫn nghĩ rằng chính vì có tất cả những điều đó, không phải trộn lẫn mà nhuần nhuyễn, mà anh đã nói được những lời thật cần, thật đẹp, thật công bằng, thật thâm thúy và đầy sức thuyết phục, cả về những nhân vật lịch sử từng khó được minh định như Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Lê Văn Duyệt… cho đến những con người hiện đại như tướng Dương Văn Minh, những con người do những éo le của tình thế đã từng đứng ở phía bên này hay phía bên kia của một cuộc chiến tranh mà ta, mà anh từng làm như những người anh hùng, song giá như đừng phải làm để trở thành anh hùng như vậy thì còn tốt hơn nhiều… Vậy đó, trong tất cả những điều ấy, trộn lẫn vô cùng phức tạp do số phận kỳ lạ của đất nước và dân tộc ta suốt thế kỷ qua, thật lạ và thật tuyệt, anh hiện lên như một người lãnh đạo
xông xáo, quyết liệt như ít ai xông xáo và quyết liệt bằng, lại cùng lúc như một nhà hiền triết, vừa đầy ưu tư vừa thanh thản giữa cuộc thế này. Có lẽ còn một nét khác nữa, cũng rất đặc biệt trong con người anh: ta biết anh từng trằn trọc lo biết bao nhiêu cho những người nông dân nghèo khốn, vẫn còn rất nghèo khốn, hẳn suốt đời anh chưa từng bao giờ ngớt đau vì bài toán nông dân, nông thôn đến nay vẫn chưa hoàn toàn có lời giải thỏa đáng, anh là một người nông dân Nam Bộ đến tận xương tủy…, đồng thời cũng ít người có quyền chức lớn hiểu, yêu quý, thân thiết, tôn trọng trí thức và những người trí thức bằng anh. Anh biết nền
tảng của cuộc sống, của đất nước là những người lao động chân lấm tay bùn kia, những người thợ cuộc sống vẫn còn rất gian nan kia…, nhưng dắt dẫn đời sống tinh thần của dân tộc, ngẫm sâu về trí tuệ cha ông và nhìn xa về phía trước, nhìn rộng ra toàn cầu, nghiệm suy và dự báo, nhen nhúm niềm tin và cảnh
báo hiểm nguy thì phải là trí thức, trong đó có những người văn nghệ sĩ, tất cả, theo chỗ tôi được biết, đều coi ông là một người anh, một người bạn lớn, có thể tâm sự với ông tất cả, và ông cũng tha thiết mong muốn và sẵn sàng chia xẻ với họ mọi điều, gửi gắm cho họ những trách nhiệm thật lớn…
Con người 86 tuổi đã dậy rất sớm, khi còn mờ đất, để đến đám tang Nguyễn Khải, khi chưa có vị lãnh đạo nào khác đến, và cả nhiều bạn bè cũng chưa kịp đến, là một con người như vậy đó, tôi biết, không dễ có nhiều đâu trên đời này. Chúng ta vừa phải vĩnh biệt một con người như vậy, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một vị tướng hàng đầu của công cuộc Đổi mới, anh Sáu Dân thân thiết của mỗi chúng ta.

Nguyên Ngọc

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)