Ảo tưởng về sức mạnh Trung Quốc
Những nhà tiên tri về sự nổi lên của Trung Quốc (TQ) đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ vừa qua. Họ đều tô vẽ hình ảnh của thế giới vào thế kỷ thứ 21 với TQ là một tác nhân thống soái. Sự tin tưởng này là một điều có thể hiểu được, và rất phổ biến; nhưng thực ra, đó là một sai lầm.
Chắc chắn TQ là cường quốc đang nổi lên quan trọng nhất của thế giới, vượt xa các quốc gia khác như Ấn Độ, Brazil hay Nam Phi. Và trên một số phương diện, TQ đã vượt qua một số cường quốc hạng trung như Nga, Nhật, Anh, Pháp, Đức; và theo nhiều thước đo, TQ đã trở thành cường quốc lớn thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ, và về một số phương diện, họ đã vượt qua người Mỹ. TQ có nhiều nhân tố để trở thành cường quốc thế giới: Dân số đông nhất thế giới, diện tích lục địa lớn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, quĩ dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, ngân sách quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới, chương trình không gian, mẫu hạm, viện bảo tàng lớn nhất thế giới, đập thủy điện lớn nhất thế giới, hệ thống xa lộ lớn nhất thế giới, và hệ thống đường xe lửa cao tốc tốt nhất thế giới. TQ là quốc gia dẫn đầu về mậu dịch quốc tế, là người tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, là người phát sinh ra nhiều nhất các loại khí thải gây ảnh hưởng nhà kính, là quốc gia đứng hàng thứ hai về nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI – Foreign Direct Investment) và là quốc gia đứng hàng thứ ba về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI – Oversea Direct Investment). Và sản xuất nhiều nhất thế giới về nhiều loại hàng hóa.
Tuy thế, khả năng sản xuất chỉ là một chỉ số về sức mạnh của quốc gia, và trên trường quốc tế, đó không phải là chỉ số quan trọng nhất. Nhiều thế hệ các học giả xã hội học đã xác định chỉ số quan trọng nhất của sức mạnh quốc gia là ảnh hưởng đối với nước khác. Đó là khả năng định hình các sự kiện và hành động của các quốc gia khác. Như học giả nổi tiếng Robert Dahl đã nhận xét: “A có quyền lực trên B khi có khả năng xui khiến B làm chuyện gì đó mà B không thể làm khác được”. Dĩ nhiên có nhiều cách thức mà các quốc gia có thể sử dụng để tác động tới hành động của nước khác, hay tới diễn biến của một sự kiện: lôi kéo, chinh phục bằng ngôn từ, hợp tác, ép buộc, chi tiền, lôi cuốn hay đe dọa dùng vũ lực. Sức mạnh và sự thực hiện nó có quan hệ nội tại tự có.
Có rất ít lĩnh vực mà người ta có thể nói TQ thực sự có ảnh hưởng lên các quốc gia khác, tạo ra tiêu chuẩn toàn cầu hay định hình khuynh hướng toàn cầu. Họ cũng không cố gắng giải quyết các vấn đề quốc tế. TQ là một cường quốc thụ động, phản ứng của họ là né tránh những thách thức, và lẩn trốn khi có khủng hoảng quốc tế xảy ra. Các cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria và Ukraina là những ví dụ điển hình về tính thụ động của Bắc Kinh.
Hơn thế nữa, nếu lục lọi các con số thống kê đầy ấn tượng về TQ, bạn sẽ thấy những yếu kém tràn lan, những khó khăn quan trọng, khiến TQ có thể là con hổ giấy của thế kỷ 21.
Điều này có thể được cảm nhận trong năm lĩnh vực: Chính sách ngoại giao quốc tế của TQ, khả năng quân sự, hiện diện văn hóa, sức mạnh kinh tế và các yếu tố nội địa làm giảm vị trí của TQ trên trường thế giới.
1- CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO
Trong 40 năm qua, TQ đã đi từ tình trạng bị cô lập đối với cộng đồng quốc tế trở thành một thành viên của cộng đồng quốc tế. Ngày nay, Bắc Kinh có quan hệ ngoại giao với 175 nước; TQ trở thành thành viên của hơn 150 tổ chức quốc tế, và tham gia hơn 300 hiệp ước đa phương. Mỗi năm, Bắc Kinh tiếp đón nhiều chính khách nước ngoài hơn hẳn các quốc gia khác, và các nhà lãnh đạo TQ đi ra nước ngoài đều đặn. Nhưng đến nay trong lĩnh vực ngoại giao Bắc Kinh vẫn chỉ giữ vai trò cường quốc bán phần một cách rõ nhất. Một mặt, TQ được coi là biểu hiện của một đại cường thế giới; họ là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, thành viên của nhóm G-20, và là người tham gia vào các hội nghị quốc tế thượng đỉnh quan trọng. Mặt khác, các viên chức TQ vẫn còn rụt rè và thụ động trong các hoạt động này, và trước những thách thức mang tính toàn cầu. TQ không lãnh đạo, họ cũng không định hình nền ngoại giao quốc tế, không hướng dẫn chính sách ngoại giao của nước khác, không thành lập được những đồng thuận toàn cầu, không thành lập được liên minh để giải quyết vấn đề. Bắc Kinh không chủ động tham gia giải quyết những vấn đề lớn của thế giới, mà ngược lại, họ tỏ ra thụ động và hay phân vân khi tham gia vào những nỗ lực đa phương do nước khác tổ chức (thường là do Hoa Kỳ tổ chức). Bắc Kinh thích ngồi bên lề và chỉ giản dị kêu gọi các nước khác giải quyết tranh chấp bằng các “biện pháp hòa bình”, và tìm ra giải pháp “cùng thắng”. Những ngôn từ trống rỗng đó không giúp giải quyết được gì cả. Bắc Kinh cũng dị ứng với những biện pháp áp đặt, và chỉ đi theo những biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, khi tình hình cho thấy rõ rệt là nếu không làm như vậy, Bắc Kinh sẽ bị cô lập, và hình ảnh quốc tế của Bắc Kinh sẽ bị hoen ố. Đó không phải là cách hành xử của một quốc gia lãnh đạo thế giới.
Ngoại giao của Bắc Kinh giữ nguyên tính chất ích kỷ, thiển cận, và sự tham gia của họ vào chính sách quản trị toàn cầu là tối thiểu và mang tính chất chiến thuật, chứ không phải mang tính cách tiêu chuẩn và chiến lược. |
Chính sách ngoại giao của Bắc Kinh thực sự là màn tuồng trình diễn, chỉ mang tính tượng trưng hơn là có nội dung. Chúng có mục đích hàng đầu là củng cố tính hợp pháp của Đảng Cộng sản TQ đối với quần chúng trong nước; bằng cách cho thấy các nhà lãnh đạo TQ vai kề vai với các nhà lãnh đạo thế giới. Cùng lúc báo hiệu cho cộng đồng thế giới là đất nước đã trở lại vị trí đại cường sau nhiều thế kỷ bất lực.
Tính chất thụ động này có những ngoại lệ, nằm trong các vấn đề được coi là quyền lợi cốt lõi và hạn hẹp của họ: Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, nhân quyền và tranh chấp lãnh thổ. Trong những vấn đề này, Bắc Kinh tỏ ra siêu cứng rắn, với những chính sách ngoại giao áp chế để bảo vệ quyền lợi của họ và thường tỏ ra vụng về phản tác dụng cho hình ảnh và mục đích của họ. TQ có đóng góp trên nhiều vấn đề quản trị thế giới: Các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, hoạt động chống cướp biển vùng vịnh Eden, các biện pháp chống khủng bố ở Trung Á, viện trợ phát triển cho nước ngoài, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, y tế công, cứu trợ thiên tai, và chống tội phạm quốc tế – trong những lĩnh vực này, TQ có đóng góp không đáng kể so với tầm vóc của sự giàu có, hay ảnh hưởng tiềm ẩn của họ.
Tại sao chính sách ngoại giao quản trị thế giới của TQ lại bị gò bó như vậy? Có ba lý do chính:
Thứ nhất, có sự bi quan sâu sa ở trong nội bộ TQ về những ý tưởng tự do và về quan điểm cơ bản trong quản trị thế giới. Họ nghĩ đó là những cái “bẫy” cuối cùng do phương Tây lập ra (nhất là Hoa Kỳ) để làm chảy máu TQ khi đề nghị TQ can thiệp vào những cuộc khủng hoảng và những nơi mà TQ không có quyền lợi trực tiếp. Như thế sẽ làm phân tán nguồn lực, và ngăn cản “sự nổi lên” của TQ.
Thứ hai, người dân TQ sẽ phê phán chính phủ TQ phân tán của cải ra nước ngoài, trong khi ở trong nước vẫn còn nhiều nhu cầu khẩn cấp.
Thứ ba, TQ có một phương án tiếp cận mang tính “đổi chác”, để mở rộng nỗ lực, nhất là khi liên quan tới tiền bạc. Điều này bắt nguồn từ văn hóa thương mại, nhưng được nới rộng ra cho nhiều lĩnh vực trong cách hành xử của TQ. Người TQ muốn biết chính xác họ sẽ được lợi gì, và khi nào, từ những dịch vụ đầu tư nào đó. Như thế, quan niệm toàn bộ về hoạt động từ thiện, và đóng góp bất vụ lợi cho phúc lợi quần chúng rất xa lạ đối với lối suy nghĩ của TQ.
Kết quả là trong lĩnh vực ngoại giao – quản trị song phương, đa phương và toàn cầu – Bắc Kinh đã cho thây sự thụ động rõ rệt và ngập ngừng tham gia. Họ còn lâu mới trở thành người tham gia có trách nhiệm như Robert Zoellick kêu gọi vào năm 2005. Ngoại giao của Bắc Kinh giữ nguyên tính chất ích kỷ, thiển cận, và sự tham gia của họ vào chính sách quản trị toàn cầu là tối thiểu và mang tính chất chiến thuật, chứ không phải mang tính cách tiêu chuẩn và chiến lược. Tính chất thực sự của ngoại giao TQ là kinh doanh. Hãy coi kỹ những phái đoàn tháp tùng Chủ tịch nước hay Thủ tướng của TQ đi ra nước ngoài, người ta thấy có rất nhiều CEO của các công ty đi tìm nguồn cung cấp năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, cơ hội mậu dịch hay đầu tư. Chính sách ngoại giao trọng thương như vậy không giúp cho Bắc Kinh được sự kính nể của thế giới, và thực ra thì đã có sự phê phán và thầm thì khắp thế giới. (Nhất là ở châu Phi và châu Mỹ La-tinh).
2- SỨC MẠNH QUÂN SỰ
Khả năng quân sự của TQ là một lĩnh vực khác cho thấy tính chất đại cường bán phần của nước này. Họ ngày càng trở thành cường quốc khu vực, nhưng không bao giờ là cường quốc mang tính toàn cầu.
Chắc chắn là TQ đã hiện đại hóa quân đội từ 25 năm qua. Hiện nay ngân sách quốc phòng của họ đứng thứ hai trên thế giới (131,6 tỉ USD cho năm 2014). Họ có đạo quân thường trực lớn nhất thế giới, chế tạo nhiều vũ khí tối tân, hải quân ngày càng du hành xa bờ hơn nữa ở miền Tây Thái Bình Dương, đôi khi qua tới Ấn Độ Dương, và tàu sân bay hiện đại. Do đó, quân đội TQ không dễ bị đánh bại. Chắc chắn nó có đủ sức để bảo vệ Tổ quốc, và có thể gây chiến thành công với Đài Loan (nếu không có sự can thiệp nhanh chóng của Hoa Kỳ). TQ được nhìn nhận như một đại cường quân sự khu vực ở châu Á, và như vậy, làm thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực. Nhưng lực lượng quân sự TQ vẫn còn chưa có sức mạnh viễn phóng ra toàn thế giới: TQ không có căn cứ quân sự ở nước ngoài, không có mạng lưới viễn thông và hậu cần dài tay, hệ thống vệ tinh bao phủ thế giới còn thô sơ; hải quân chủ yếu vẫn là lực lượng ven bờ; không quân không có khả năng tấn công tầm xa, hay khả năng tàng hình được chứng thực; và bộ binh không có khả năng triển khai nhanh chóng.
Hơn thế, về chiến lược mà nói, TQ là một “đại cường cô đơn”, thiếu bạn bè thân thiết và không có đồng minh. Ngay cả đối với người bạn thân cận nhất (Nga), có nhiều yếu tố bất tín nhiệm, và nghi ngờ mang tính lịch sử, nằm sâu dưới cái vỏ quan hệ hài hòa giữa hai nhà nước. Không một quốc gia nào trông vào Bắc Kinh để tìm kiếm an ninh và bảo vệ (có lẽ ngoại trừ Pakistan). Điều này chứng tỏ TQ thiếu một ảnh hưởng chiến lược, với tư cách là một đại cường. Ngược lại, các quốc gia khác ở châu Á lại tìm cách tăng cường liên kết quân sự với Hoa Kỳ, và tìm cách cải thiện quan hệ giữa họ với nhau. Nguyên nhân chính vì sự bất trắc và mối đe dọa họ nhìn thấy từ TQ.
3- QUYỀN LỰC MỀM
Mặc dù chính phủ TQ đã có nhiều chi phí và nỗ lực để xây dựng quyền lực mềm, và để cải thiện hình ảnh trên khắp thế giới kể từ năm 2008 nhưng uy tín toàn cầu của TQ tiếp tục ở mức từ trung bình tới xấu.
TQ không phải là cục nam châm cuốn hút mọi người – cả về văn hóa, xã hội, kinh tế hay chính trị do cả trong bốn lĩnh vực này đều mang tính riêng biệt (sui generis), thiếu sự hấp dẫn phổ quát ngoài biên giới và ngoài các cộng đồng người Hoa.
Các sản phẩm văn hóa TQ – nghệ thật, phim ảnh, văn chương, âm nhạc, giáo dục – vẫn được ít người biết đến ở bên ngoài TQ. Và những sản phẩm này không tạo được chiều hướng văn hóa toàn cầu. Nền kinh tế phát triển đáng ngưỡng mộ của TQ chỉ là sản phẩm của một tập hợp riêng biệt các nhân tố (features) – kinh tế cạnh tranh tầm vóc lớn, kế hoạch hóa nhà nước theo kiểu Liên Xô, kinh doanh cá thể, lực lượng lao động lớn có kỷ luật, định chế lớn cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D), và nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài khổng lồ không thể đem áp dụng cho các quốc gia khác. Hệ thống chính trị TQ giống như một hỗn hợp điện tử, gồm có Chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa chuyên chế châu Á, chủ nghĩa Khổng giáo truyền thống, và một nhà nước có guồng máy an ninh nội bộ mạnh mẽ. Sự đặc thù của TQ không thể nhân rộng ra – không có quốc gia nào muốn thử nghiệm làm như vậy; và người ta cũng không thấy người nước ngoài nào muốn xin tị nạn chính trị hay xin mang quốc tịch của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
4- SỨC MẠNH KINH TẾ
Sức mạnh kinh tế TQ có gì lạ? Đây là lĩnh vực mà người ta hy vọng TQ sẽ là một đại cường mang tính toàn cầu, và là người định hướng cho thế giới. Tuy nhiên, ảnh hưởng của TQ lên thế giới quá nông cạn so với kỳ vọng.
TQ là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhưng hàng hóa xuất khẩu thường là hàng tiêu dùng cấp hạng thấp; hàng của họ cũng có ít thương hiệu nổi tiếng quốc tế. Chỉ có một số nhỏ công ty đa quốc gia của họ thành công ở nước ngoài. Toàn bộ số vốn TQ mang đầu tư ra nước ngoài chỉ chỉ đứng hàng thứ 17 trên thế giới; và các chương trình viện trợ nước ngoài chỉ là một phần nhỏ của quĩ viện trợ của Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản hay Ngân hàng Thế giới.
TQ vẫn là một nền kinh tế chế biến và lắp ráp, chứ chưa phải là nền kinh tế sáng tạo và sáng chế. Hầu hết hàng hóa sản xuất ở TQ để xuất khẩu ra nước ngoài đã được sáng tạo ra ở nước khác. Tình trạng ăn cắp phổ biến quyền sở hữu trí tuệ, và chính sách nhà nước “sáng tạo bản địa” (đã đổ hàng tỷ USD cho R&D mỗi năm), là chỉ dấu cho thấy rõ rệt họ đã thất bại trong việc sáng tạo ra các mặt hàng. Điều này có lẽ sẽ thay đổi với thời gian, nhưng cho tới nay, TQ đã không tạo được tiêu chuẩn quốc tế trong công nghệ hay dây chuyền sản xuất. (Cũng giống như trong khoa học tự nhiên, khoa học y tế, xã hội và nhân văn). Tương tự, TQ chỉ có hai trường đại học nằm trong danh sách 100 đại học tốt nhất thế giới (theo báo cáo của Times Higher Ranking- World University Ranking for 2013-2014).
Khi chúng ta khảo sát sự hiện diện của TQ và cách hành xử của họ trên thế giới ngày nay, chúng ta cần bỏ qua những nét gây ấn tượng bề ngoài và tự hỏi: “Liệu ngày nay TQ có được ảnh hưởng lên các quốc gia và lên quĩ đạo các sự kiện quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau? Câu trả lời ngắn gọn là: “Không nhiều lắm, nếu không nói là chẳng có gì cả”. |
Nếu TQ muốn đẩy mạnh sáng tạo, dĩ nhiên họ phải đầu tư thêm cho R&D. Theo National Science Foundation (Quĩ Khoa học Quốc gia), năm 2009, TQ chỉ dành có 1,7% GDP cho R&D; so với Mỹ 2,9%, Đức 2,8%, và Nhật Bản 3,3%. Chi phí cho R&D của TQ cũng không nằm trong danh sách 20 quốc gia chi phí nhiều nhất cho R&D của thế giới. 80% quĩ này ở TQ được dùng cho phát triển hàng hóa, và chỉ có 5% dùng cho nghiên cứu cơ bản. Một chỉ dấu cho hiện tượng này là TQ không có nhiều giải Nobel. Từ 1949-2010, có 584 giải Nobel được phát ra, người gốc Hoa chỉ được có 10 giải. Nhưng tám trong số 10 người này lại sống ở nước ngoài. Chỉ có hai ngoại lệ là Lưu Hiểu Ba được Giải Hòa bình năm 2010, và Mạc Ngôn được giải Văn chương 2011. Một chỉ dấu khác là những bài viết có trích dẫn sách TQ. Số bài viết (trong mọi ngành khoa học) của TQ được trích dẫn là 4%, so với Mỹ 49%.
Kết quả là quốc gia này đang tiến tới “cái bẫy thu nhập trung bình”. Con đường duy nhất để tránh cái bẫy này là sáng chế, giống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đã làm trước đây. Và điều này đòi hỏi nhiều thứ hơn là quĩ đầu tư cho R&D của chính phủ. Nó đòi hỏi hệ thống giáo dục dựa trên tư duy phê phán, và tự do khám phá. Điều này lại đòi hỏi một hệ thống chính trị tương đối cởi mở và dân chủ, và không cho phép chính sách kiểm duyệt hay “vùng cấm” trong nghiên cứu. Các điểm yếu của TQ cũng nằm trong ODI. Mặc dù chính phủ dành đặc quyền cho các công ty đi ra ngoài, nhưng tới giờ vốn đầu tư ra nước ngoài của TQ còn quá nhỏ, chỉ nằm trong danh sách 20 quốc gia hàng đầu thế giới, mặc dù tiền vốn chảy ra ngoài tăng rất nhanh, và đứng hàng thứ ba trên thế giới. (88.2 tỷ USD vào năm 2012). Điểm đến và cơ cấu của ODI TQ thay đổi nhanh chóng từ năm 2011, nhưng một số lớn là quĩ porfolio (đầu tư vào chứng khoán hay gửi ngân hàng) chảy qua các vùng như Virgin Islands thuộc Anh, hay đảo Grand Cayman. Như thế, một số lớn ODI của TQ không phải là đầu tư hải ngoại. Chúng là những số tiền mang ra nước ngoài để trốn thuế. Điều này không chỉ đúng với chính phủ TQ, mà còn đúng cho vốn của các cá nhân nữa. Trong Sách Xanh về Di dân TQ trên thế giới do Center for Chinese Globalization ấn hành, người ta báo cáo là từ năm 1990, đã có 9.3 triệu người TQ di cư ra nước ngoài, mang theo 2.800 tỷ Nhân dân tệ (46 tỷ USD). Đây không phải là điều mới mẻ, nhưng khuynh hướng này ngày càng tăng trong thập kỷ vừa qua. Khi giới tinh hoa kinh tế rời bỏ đất nước với số lượng lớn như vậy, và quá lo lắng bảo đảm an toàn cho số tiết kiệm cá nhân của họ, điều đó nói lên sự thiếu tin tưởng vào hệ thống chinh trị, kinh tế của chính phủ.
Tuy nhiên, gần đây, cách thức đầu tư hải ngoại của TQ có thay đổi: TQ tăng cường đầu tư và mua sắm khắp châu Á, Mỹ La-tinh, châu Âu và Hoa Kỳ. Người mua TQ mua hết các loại tài sản – bất động sản thương mại hay gia cư, xí nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở nghiên cứu, nông trại, rừng, mỏ, mỏ dầu khí, và các tài nguyên khác. Các công ty TQ tích cực mua hoặc hòa nhập với công ty nước ngoài. Các tư nhân TQ cũng mua nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị trên thị trường đấu giá. Như thế, cách thức đầu tư hải ngoại của TQ đã thay đổi, nhưng kết quả thế nào chưa ai biết rõ.
Còn các công ty đa quốc gia TQ đang làm gì? Ở nước ngoài, họ có sức cạnh tranh không? Cũng như các loại hình hoạt động khác, họ có nhiều yếu kém hơn là sức mạnh. Về mặt bề ngoài, theo số liệu của Fortune Global 500, các công ty TQ xếp hàng thứ hai, chỉ thua các công ty đa quốc gia của Mỹ. Nhưng việc xếp loại này chỉ dựa trên tổng thu nhập và lợi nhuận, chứ không dựa vào nơi chốn công ty làm ra tiền. Khi quan sát danh sách công ty TQ trong năm 2013, người ta thấy ngay rất ít công ty hoạt động ở nước ngoài, và chỉ có một số nhỏ kiếm được hơn nửa số thu nhập ở hải ngoại. Như thế, chúng không phải là những công ty đa quốc gia thực thụ, mà đúng hơn, chỉ là những công ty hoạt động nội địa.
Nhiều công ty kỳ vọng vươn ra thế giới và đã thử sức nhưng không thành công. Có nhiều câu chuyện thất bại hơn là thành công cho những công ty đa quốc gia TQ. Những vụ mua bán, sáp nhập công ty thường đổ vỡ, bởi vì lãnh đạo công ty TQ không hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ, hoặc vì va chạm văn hóa.
Về nhiều mặt, điểm yếu kém của các công ty đa quốc gia TQ là nguồn nhân lực, nhất là trong quản lý. Các công ty TQ thường không thuê người nước ngoài có chuyên môn làm quản trị cao cấp (hai trường hợp ngoại lệ là Huawei và Haier) vì họ chú trọng tới thứ bậc, và vị trí nhân viên rõ ràng, người TQ không thích hợp với cách quản trị ngang hàng – nguồn gốc của phân quyền và sáng kiến cá nhân. Khuynh hướng này đã mang lại hậu quả là sự va chạm văn hóa trong các vụ sáp nhập công ty TQ với công ty của phương Tây. Các công ty TQ còn cho thấy họ khó thích ứng với môi trường luật lệ, thuế má, chính trị của nước ngoài. Sự minh bạch trong quản trị công ty thường không được thực hiện. Qui trình lấy quyết định của họ bị mờ đục, cách hành xử phổ biến trong kinh doanh là đút lót/tham nhũng, qui trình kế toán bị gian dối. Người ta khám phá ra nhiều công ty TQ đã khai man với các cơ quan kiểm tra chứng khoán ở Mỹ, trước khi phát hành IPO (bán cổ phiếu lần đầu tiên cho công chúng).
Sự yếu kém của các công ty TQ trong cạnh tranh nổi rõ trong nhãn hiệu quốc tế về hàng hóa. Chỉ có một số ít công ty có khả năng hoạt động ở nước ngoài: Bia Tsingtao, smartphone màu trắng của Haier, viễn thông của Huawei, hàng không TQ, ô tô Geely, và một số ít nhãn hiệu khác.
5- MỘT SỐ THƯỚC ĐO KHÁC
Một số thước đo khác về sản xuất nội địa cũng cho thấy không có cấp hạng tốt. Năm 2014, Freedom House xếp hạng TQ thứ 183 trên tổng số 197 quốc gia về tự do báo chí. Năm 2013, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) xếp TQ hạng thứ 29 về chỉ số cạnh tranh thế giới; hạng thứ 68 về tham nhũng; và hạng thứ 54 về đạo đức làm việc.
Bản báo cáo về Phát triển Con người của Liên hiệp quốc năm 2013 cho thấy rõ: mặc dù TQ có những tiến bộ kinh tế, xã hội, đáng khâm phục của từ thập kỷ 1980, quốc gia này vẫn mang tính chất của một nước đang phát triển. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đứng hàng thứ 101 trên tổng số 187 quốc gia về chỉ số tổng hợp. Thu nhập bình quân đầu người (tính theo sức mua tương đương – ppp) khoảng 8.000USD/năm, tuy thế 13,1% dân số vẫn sống dưới mức 1,25USD/ngày. Về tuổi thọ, tử vong trẻ sơ sinh, bảo hiểm y tế, chất lượng giáo dục, và bất bình đẳng xã hội… TQ còn thua xa các quốc gia công nghiệp. Trong khi sự hủy hoại môi trường và ô nhiễm của nước này đứng vào hạng xấu nhất trên thế giới, và là nguyên nhân của sự phát triển mạnh mẽ của bệnh ung thư. Mặc dù những nỗ lực gần đây của chính phủ – mở rộng hoạt động y tế, bảo hiểm sức khỏe – hầu hết người dân TQ vẫn phải đối mặt với những bất trắc lớn khi bị bệnh tật. Chỉ số Gini (để đo độ bất bình đẳng xã hội, với 0 là bình đẳng hoàn toàn, 1 là bất bình đẳng hoàn toàn) nằm gần mức 0.5 là mức cao nhất thế giới. Các trường học sơ cấp và trung cấp đã có thành tựu ngang tầm quốc tế, nhưng hệ thống đại học còn chậm lụi rất nhiều so với các trường tốt trên thế giới.
Qua những thước đo như vậy, rõ rệt là uy tín trên trường quốc tế chỉ ở mức trung bình là cao nhất. Trong nhiều khía cạnh, TQ đứng ngang hàng với các quốc gia có thành tựu thấp, và ít được kính trọng trên thế giới.
KẾT LUẬN
Những nhận xét này không phải để làm giảm bớt những thành tựu phát triển thần kỳ của TQ trong ba thập kỷ vừa qua, nhưng chúng chỉ giúp ta nhận thức rõ là TQ không đứng đầu thế giới trong các lĩnh vực phát triển và TQ chỉ là một đại cường thế giới bán phần. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng quốc gia này đã đi tới điểm ngoặt về nhiều phương diện: Tăng trưởng tổng thể đang nằm ngang (lý do vì chi phí sản xuất tăng cao, và lợi thế so sánh giảm), và chính phủ đang cố duy trì mức tăng trưởng 7%, rất quan trọng để tạo đủ công ăn việc làm cho người dân, thâu nhận nhân công mới vào thị trường lao động, và duy trì ổn định xã hội. Có lẽ họ đã thử làm, nhưng chính phủ không thể chuyển đổi nền kinh tế từ phụ thuộc vào xuất khẩu, đầu tư qua một nền kinh tế dựa trên tiêu thụ nội địa, và một nền kinh tế dựa trên tri thức sáng tạo. Nền sản xuất không leo lên được bậc thang cao hơn về giá trị và công nghệ, và “cái bẫy thu nhập trung bình” đã xuất hiện, và có thể tồn tại lâu dài. Nợ của nhiều địa phương tăng cao, và nhiều địa phương nằm bên bờ vực phá sản. Bất bình đẳng xã hội trở nên gay gắt, và tham nhũng tràn lan ở cả trong nhà nước và ngoài xã hội, mọi lĩnh vực xã hội đều bất mãn. Số người giàu có chạy trốn khỏi đất nước ngày càng tăng, giới trung lưu bị tù hãm, hệ thống chính trị bị hóa thạch và trở nên đàn áp. Cùng lúc đất nước không chấp nhận cải tổ chính trị và luật pháp. (Những cải tổ này rất cần cho giai đoạn tăng trưởng sắp tới), bởi vì chúng va chạm trực tiếp tới tính độc quyền của Đảng Cộng sản TQ.
Nhiều nhà TQ học hiện nay cho rằng chính Đảng Cộng sản TQ là chướng ngại cho sự tăng trưởng và phát triển trong tương lai của TQ. Đảng trở thành một định chế ngày càng bất an, sơ cứng, yếu ớt, đã bị tê liệt từ năm 2008. Một phần lý do của sự tê liệt này là sự chuyển đổi lãnh đạo xảy ra vào năm 2012 và cuộc đấu tranh phe phái (vụ Bạc Hi Lai là một). Họ còn phải đối phó với các cuộc nổi loạn ở khắp nước (đặc biệt là ở Tây Tạng và Tân Cương). Còn có thêm một số nhân tố khiến Đảng co cụm lại, và tăng cường đàn áp trong năm năm qua, kể cả mối lo sợ do Mùa xuân Ả Rập mang lại.
Nhưng người ta không nhận thấy tiến triển về cải tổ từ khi Tập Cận Bình được chuyển giao quyền lực. Ngược lại, đàn áp chính trị lại được tăng cao từ khi họ Tập nắm quyền. Ngay cả Hội nghị toàn thể lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII tháng 11-2013 được loan báo là sẽ có cải tổ chính trị, cuối cùng chỉ là một mơ ước chứ không phải sự thật.
Đó là những vấn đề cháy bỏng rất nguy hiểm mà các chuyên gia về TQ nghĩ rằng quốc gia này đang đối mặt. Đó là một loạt thách thức cho người dân và chính phủ TQ phải giải quyết. Như thế, người quan sát không thể mù quáng nghĩ rằng tương lai TQ sẽ có được động lực phát triển như 30 năm qua trên con đường đi tới vị thế của một đại cường thế giới.
David Sambaugh là giáo sư về chính trị và chính sách đối ngoại tại Đại học George Washington, Giám đốc Chương trình Chính sách TQ, thành viên của Viện nghiên cứu Brookings. Ông đã xuất bản cuốn “China goes global: The Partial Power”, Oxford University Press 2013.