Aristote: Chính trị học của đời sống tốt đẹp

Đối với Aristote, chính trị là một phương diện tự nhiên tạo nên bản chất người, và cộng đồng chính trị là điều tốt đẹp nhất mà con người đã tạo ra cho mình và vì chính mình.

Phù điêu thế kỷ 14 mô tả cuộc tranh luận giữa Aristotle và Plato của Andrea Pisano trên tường nhà thờ Florence, Ý. Nguồn: Shutterstock

Aristote là một trong những lý thuyết gia đầu tiên về chính trị của lịch sử phương Tây. Cùng với Platon, ông góp phần xây dựng những nền tảng căn bản và phổ quát trên đó sẽ phát triển ngành triết học chính trị và khoa học chính trị. Chính trị học, theo phân loại 7 của Aristote, thuộc phạm vi khoa học thực hành (science pratique), hướng tới hành động.
Với loạt hai bài viết, chúng tôi sẽ giới thiệu tư tưởng chính trị cốt lõi cuả Aristote: đời sống tốt đẹp và hạnh phúc con người là mục đích cao nhất mà mọi nền chính trị phải đạt tới, sự hoàn thiện đức hạnh và hoàn thiện bản chất người là nhiệm vụ cao nhất mà mọi nhà nước phải thực thi. Ở bài thứ nhất này, chúng ta sẽ tìm hiểu quan niệm mang tính nền tảng của ông: cộng đồng chính trị là sự kết hợp quan trọng nhất nhằm đạt tới cái Tốt cao nhất. Các khái niệm “cái tốt”, “cái tốt cao nhất” còn được chuyển dịch sang tiếng Việt bằng “cái thiện”, “cái thiện tối cao”. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả những từ đồng nghĩa này, tùy vào ngữ cảnh. Người Pháp cũng dùng nhiều chữ để dịch khái niệm “cái tốt cao nhất” của Aristote : “le souverain bien”, “le bien suprême”, “le bien ultime” …

Cần lưu ý rằng, chính trị học của Aristote về hạnh phúc và thiện hảo phong phú và phức tạp hơn rất nhiều so với những gì chúng tôi trình bày trong hai bài viết ngắn này. Đây chỉ là những gợi mở để độc giả tiếp tục tìm hiểu các trước tác đồ sộ mà vị triết gia người xứ Stagira thuộc Hy Lạp cổ đại để lại cho nhân loại. 

Hãy xuất phát từ nhận định nổi tiếng của Aristote: “con người tự bản chất là một động vật chính trị”. Câu này cần được hiểu như thế nào ? 

Trước tiên, hiểu theo nghĩa đen: “một cách tự nhiên, con người là động vật chính trị”. Có nghĩa là, việc con người tập hợp lại với nhau để tạo thành nhà nước là một hiện tượng tự nhiên, bởi phẩm chất chính trị là một thuộc tính mà tự nhiên quy định cho con người. Những gì được triển khai phân tích tiếp theo đây là để giải thích tại sao, đối với Aristote, chính trị là một phương diện tự nhiên tạo nên bản chất người, và tại sao cộng đồng chính trị là điều tốt đẹp nhất mà con người đã tạo ra cho mình và vì chính mình.

Nhà nước là sự kết hợp cao nhất và quan trọng nhất

Mở đầu cuốn Chính trị luận, Aristote viết:

“Mọi nhà nước dĩ nhiên là một sự kết hợp; và mọi sự kết hợp đều là nhằm đạt được một cái tốt nào đó, bởi vì con người, dù họ là ai, chỉ làm những gì mà họ cho là tốt. Vì vậy, rõ ràng là mọi sự kết hợp đều nhằm tới một cái tốt thuộc loại nào đó, và rõ ràng là cái tốt quan trọng nhất trong mọi cái tốt cần phải là đối tượng của sự kết hợp quan trọng nhất trong mọi sự kết hợp, của sự kết hợp củng cố mọi sự kết hợp khác; sự kết hợp quan trọng nhất đó được gọi là Nhà nước và được gọi là sự kết hợp chính trị”1 .


Ý tưởng về việc nhà nước được hình thành từ sự kết hợp của các thành viên tạo nên nó là ý tưởng đặt nền tảng cho tư duy chính trị học hiện đại, và đặt cơ sở cho mô hình các nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Như vậy, ngay đoạn văn đầu tiên của cuốn sách Aristote đã đưa ra một định nghĩa hết sức rõ ràng: đối với ông, nhà nước là sự kết hợp quan trọng nhất và bao trùm nhất, trong số các hình thức kết hợp mà con người đã tạo ra, để thực hiện mục đích đạt tới cái Tốt cao nhất cho từng cá nhân và cho toàn bộ cộng đồng. Toàn bộ cuốn Chính trị luận là sự triển khai các nội dung để giải thích cho đoạn mở đầu này2.

Ý tưởng về việc nhà nước được hình thành từ sự kết hợp của các thành viên tạo nên nó là ý tưởng đặt nền tảng cho tư duy chính trị học hiện đại, và đặt cơ sở cho mô hình các nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tôi chọn dịch lại đoạn này từ bản tiếng Pháp của Barthélémy-Saint-Hilaire vì nó chuyển tải được tư tưởng của Aristote cho rằng bản chất của nhà nước là một sự kết hợp tự nhiên (theo nghĩa: được con người thực hiện một cách tự nhiên) nhằm đạt tới điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. 

Vậy tại sao nhà nước là một sự kết hợp của tất cả các thành viên?

Cần tìm kiếm câu trả lời trong triết học tự nhiên của Aristote và trong quan niệm của ông về bản chất con người. 

Tái hiện buổi thiết triều trước sân điện Thái Hòa mới được tu bổ. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Aristote nói riêng và các triết gia Hy Lạp cổ đại nói chung nhìn con người ở phương diện tốt đẹp thuộc về bản chất của nó. Trong trích đoạn trên đây, ông nói rõ : “con người, dù họ là ai, chỉ làm những gì mà họ cho là tốt”, vì thế nếu con người kết hợp lại với nhau, dù với hình thức nào, thì là để nhằm đạt tới một cái tốt nào đó. Và khuynh hướng tìm đến những gì tốt đẹp, hướng thiện, là phần tự nhiên trong bản chất con người. Dưới sự thúc đẩy của bản năng tự nhiên này mà con người đã tìm đến hình thức kết hợp đầu tiên: gia đình. Gia đình cho phép đạt tới những điều tốt đẹp và thỏa mãn các nhu cầu của con người trong một phạm vi hẹp. Để có thể làm những việc lớn hơn, tự bảo tồn (bảo tồn nòi giống, bảo tồn loài) và đặc biệt là để phát triển, các gia đình kết hợp lại với nhau để tạo nên các làng. Làng là hình thái xã hội đầu tiên. Nhưng làng thì vẫn chưa đủ để đáp ứng các nhu cầu hết sức đa dạng của con người, và chưa đủ phương tiện và sức mạnh để chống chọi những sự tấn công đến từ bên ngoài, từ các cộng đồng khác. Để làm được những việc ấy, để có một sức mạnh lớn hơn, các làng phải tập hợp lại với nhau để tạo thành một Polis, thành phố / cộng đồng chính trị/ nhà nước3. Như thế, nhà nước là dạng thức kết hợp cao nhất mà loài người có được, hình thành một cách tự nhiên từ những sự kết hợp thấp hơn (tức là gia đình và làng).

Mục đích của nhà nước: Đạt tới cái tốt cao nhất

Theo lo-gic do Aristote thiết lập, nếu các hình thức kết hợp thấp hơn hướng tới những cái tốt ở mức độ thấp hơn, thì nhà nước, với tư cách là sự kết hợp cao nhất, sẽ hướng tới thực hiện điều tốt đẹp nhất, hay là cái tốt cao nhất, mà con người mong muốn. Đây là lý do để ông nhận định: “… quốc gia hiện hữu là nhằm đạt đến một đời sống tốt đẹp chứ không phải chỉ để sống còn: nếu chỉ để sống còn, thì nô lệ4 và ngay cả súc vật cũng có thể tạo thành nhà nước, nhưng chúng không thể làm được việc đó, vì chúng không thể chia sẻ với nhau sự hạnh phúc, hay sống một đời sống có tự do lựa chọn”5


Đối với Aristote, nếu nhà nước hình thành như là giai đoạn cao nhất trong tiến trình phát triển tự nhiên của nhân loại thì bởi vì nó có một sứ mệnh: sứ mệnh mang lại đời sống tốt đẹp (le bien-vivre) cho con người. 

Như vậy, nếu chỉ để sống sót, nếu chỉ để duy trì sự tồn tại sinh học, thì con người không cần đến nhà nước. Khác với Socrate và Platon, Aristote không cho rằng thành quốc chỉ đáp ứng lợi ích hay các nhu cầu đa dạng của con người, mà thành quốc ra đời để cho con người được sống một cách tốt nhất. Cũng có nghĩa là, khi con người quyết định tập hợp lại với nhau để tạo thành nhà nước, thì không chỉ với mong muốn sinh tồn, mà đặc biệt là với mong muốn có được cuộc sống tốt đẹp, xứng đáng với nó. Theo lo-gic này thì nhà nước không thể là công cụ của giai cấp thống trị, và không thể chỉ phục vụ riêng cho lợi ích của giai cấp thống trị, mà nhà nước phải phục vụ lợi ích của tất cả các thành viên tạo nên nó.

Tóm lại, đối với Aristote, nếu nhà nước hình thành như là giai đoạn cao nhất trong tiến trình phát triển tự nhiên của nhân loại thì bởi vì nó có một sứ mệnh: sứ mệnh mang lại đời sống tốt đẹp (le bien-vivre) cho con người. Chúng tôi dùng cụm từ “đời sống tốt đẹp” để dịch từ “le bien-vivre” trong bản tiếng Pháp, bởi, theo tất cả những giải thích trong các tác phẩm Chính trị luận Đạo đức học Nicomarque thì nhà nước không những đảm bảo cho con người cuộc sống tốt nhất mà còn tạo điều kiện để con người sống đời mình một cách đẹp nhất. 

Điều này xuất phát từ quan niệm của Aristote về bản chất của con người. Con người khác các loài động vật khác ở chỗ : nó không chỉ dừng lại ở nhu cầu sinh học (sinh vật nào chẳng có các nhu cầu!), mà từ trong bản tính tự nhiên của nó, con người là một sinh vật thiện hảo. Vì thế, một cách tự nhiên, nó mong muốn một đời sống đẹp đẽ. Nhà nước ra đời từ bản chất tốt đẹp của con người, cho nên, nhà nước có nhiệm vụ làm cho con người thăng hoa, triển nở một cách đầy đủ, trọn vẹn. Nhà nước giúp cho niềm vui sống được nhân lên và làm cho bản chất người được bộc lộ thành hiện thực và được hoàn thiện. Ông viết:

“Tự nhiên thúc đẩy con người tới chỗ tham gia vào cộng đồng chính trị, theo đúng bản năng của mình. Người đầu tiên thiết lập nhà nước đã có một công lao vô cùng to lớn; bởi vì, khi con người đạt tới sự toàn hảo nó là con vật tốt đẹp nhất, nhưng nếu con người sống không luật pháp, không công lý, nó là con vật tồi tệ nhất”6

Như vậy, theo Aristote, động vật người có hai khuynh hướng: 1/ phần tốt đẹp trong nó có thể biến nó thành con vật tốt đẹp nhất, và đây là phần thuộc về bản chất người, bởi nhờ phần tốt đẹp này mà nó xác lập tính người của mình; 2/ phần xấu xa trong con người có thể khiến nó trở thành con vật tồi tệ nhất, tồi tệ hơn bất cứ loài vật nào khác. 

Aristote cho rằng, chính là cùng với nhà nước mà con người trở nên hoàn hảo và tốt đẹp đúng với bản chất của nó. Vì thế, người đầu tiên sáng lập nhà nước có công lao hết sức to lớn: người đó đã mang lại một hình thức tổ chức chính trị có khả năng giúp con người đạt tới sự hoàn hảo, đạt tới cái Thiện tối cao. Do giới hạn của bài viết, ở đây chúng tôi sẽ không bàn tới khía cạnh luật pháp và công lý của nhà nước, chỉ muốn nhấn mạnh rằng: một nhà nước không đảm bảo được công lý, không xây dựng được một nền luật pháp đúng đắn và công bằng, thì theo quan điểm của Aristote, nó không thực hiện được sứ mệnh của nó, đồng thời sẽ khiến các thành viên của nó có nguy cơ trở thành những “con vật xấu xa nhất”. Thực tế của nhân loại đã chứng minh quan điểm của Aristote: những nhà nước hoạt động không dựa trên luật pháp và công lý đã biến con người thành những con vật có khả năng phạm những tội ác khủng khiếp mà không loài vật nào khác có thể so sánh được. Những nhà nước đó, khi đi ngược với bản chất người, đã khuyến khích sự phát triển của thú tính. Có nghĩa là đối với Aristote, bản chất của nhà nước là tốt đẹp; và ông cho rằng những chế độ chuyên chế và hủ bại đi ngược lại với bản chất này, không còn là nhà nước đúng nghĩa: “hoàn toàn không có xã hội nào vì bản chất mà lại thích hợp với chế độ bạo chúa hay các chế độ hủ bại khác. Những xã hội nào bị rơi vào các chế độ như vậy là những xã hội đi ngược lại với bản chất tự nhiên của con người”7. Do đó, một chế độ chính trị đúng nghĩa, phù hợp với tự nhiên và phù hợp với bản chất người, thì phải đảm bảo công chính, lợi ích chung, bình đẳng cho tất cả mọi người, và phải mang lại đời sống tốt đẹp và cái tốt cao nhất cho toàn thể các thành viên.

Từ quan niệm này mà Aristote xác định chính trị học (tức khoa học về nhà nước) là khoa học cao nhất, bao trùm mọi khoa học khác, đối tượng mà nó theo đuổi là cái tốt cao nhất, tức là cái thiện tối cao. Vậy, cái Thiện Tối cao mà khoa học chính trị truy tìm là gì ? Câu trả lời của Aristote sẽ được đề cập trong bài viết tiếp theo.□

Sài Gòn, 19/1/2025

———

Chú thích

1. Aristote, La politique, bản dịch của J. Barthélémy-Saint-Hilaire, Librairie Philosophique de Ladrange, Paris, 1874, Quyển I, Chương I, §1. Bản điện tử : https://www.documentacatholicaomnia.eu/03d/-384_-322,_Aristoteles,_Politique,_FR.pdf

2. Về tư liệu, để viết bài này, chúng tôi chủ yếu sử dụng bản tiếng Việt của Nông Duy Trường:  Chính trị luận, Alphabooks & Nxb Thế giới, 2013, một bản dịch tâm huyết với Lời giới thiệu công phu. Đồng thời cũng sử dụng bản tiếng Pháp ở những đoạn mà bản dịch tiếng Pháp cho phép hiểu Aristote một cách chính xác hơn. Trong trích đoạn vừa dẫn trên đây, bản tiếng Pháp dùng chữ “sự kết hợp” (association) để dịch định nghĩa của Aristote về nhà nước, trong khi bản tiếng Việt dùng chữ “cộng đồng”.

3. Từ Polis, ở thời đại Aristote, vừa có nghĩa là thành phố, vừa có nghĩa là cộng đồng chính trị, vừa có nghĩa là quốc gia, vừa có nghĩa là nhà nước. Vì vậy, polis lúc thì được dịch là thành phố, thành quốc (hoặc thị quốc), lúc thì được dịch là quốc gia, lúc thì được dịch là nhà nước. Machiavelli, vào thế kỷ 15, là người tiên sử dụng khái niệm “nhà nước” (stato) theo nghĩa hiện đại.

4. Lưu ý rằng ở Hy Lạp cổ đại tồn tại hình thức chế độ dân chủ chủ nô. Aristote, cũng như những người đương thời với ông, một mặt cỗ vũ cho tự do và bình đẳng chính trị, mặt khác lại coi chế độ nô lệ là hiển nhiên. Ông thậm chí còn tìm cách biện minh cho tình trạng nô lệ dựa trên các đặc điểm của lý tính. Ngày nay, hiển nhiên là không thể chấp nhận sự biện minh của ông. Điều này để thấy rằng, con người, dù vĩ đại đến mức nào, cũng không thể vượt ra khỏi các giới hạn của thời đại mình và của bản thân mình; nghĩa là con người luôn bất toàn, như chính Aristote đã chỉ ra trong các nghiên cứu của ông về chính trị. Nhưng cũng vì sự khiếm khuyết của con người mà những suy tư về các hình thái lý tưởng hay hoàn hảo, không chỉ riêng trong lĩnh vực chính trị mà trong mọi lĩnh vực của đời sống, lại trở nên quan trọng và cần thiết. Những suy tư này, trong khi đặt ra các chuẩn mực, đã thúc đẩy con người nỗ lực nhận thức và hành động để bù đắp những thiếu khuyết và bất toàn của mình.

5. Aristote, Chính trị luận, Nông Duy Trường dịch, Alphabooks & Nxb Thế giới, 2013, tr.171.

6. La politique, sđd, Quyển I, Chương I, §13

7. Chính trị luận, sđd, tr.203-204.

8. Aristote chia khoa học thành ba lĩnh vực lớn: khoa học lý thuyết, khoa học thực hành và khoa học ứng dụng (hoặc sản xuất). Ông không coi lo-gic học là một khoa học, mà chỉ xem nó là một công cụ cho phép thúc đẩy sự tiến bộ của các khoa học. Khoa học lý thuyết bao gồm toán học, vật lý học, vì thế còn được gọi là triết học tự nhiên, hay “đệ nhất triết học” hay siêu hình học. Chính trị học và đạo đức học tạo thành khoa học thực hành. Khoa học sản xuất là lĩnh vực của kỹ thuật và của việc sản xuất những gì ở bên ngoài con người, nó bao gồm nông học, thi ca, tu từ học, kinh tế học…, những gì do con người tạo ra.

Bài đăng Tia Sáng số 3/2025

Tác giả

(Visited 324 times, 4 visits today)