Bắc Kinh với các cuộc đàm phán về CoC
Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh nhận thức sâu sắc rằng Trung Quốc sẽ được nhiều hơn mất từ sự trì hoãn vô hạn việc kết thúc các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử trên Biển Đông (CoC).
Trong ức đoán của Bắc Kinh, Trung Quốc chẳng vai lứa với các quốc gia chiếu dưới cũng không trong nhóm nước đứng đầu; nó tự nguyên sơ đã riêng là một Vương quốc trung tâm.
Cái nhãn quan hống hách này nổi bật nhất đã phô bày ra ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh vẫn từ chối chấp nhận các quy định ứng xử của các bên và thay vào đó thích bắt nạt như là cách để kiểm soát lãnh thổ tranh chấp hơn.
Trong vòng cương toả của một CoC có tính ràng buộc, Trung Quốc có khả năng có vị thế bình đẳng với các quốc gia khác. Ngược lại, trong một hệ thống quyền lực chính trị tiền-CoC, một nước Trung Quốc khổng lồ có nghĩa là nó được hưởng một lợi thế bất xứng dứt khoát trước các nước láng giềng Đông Nam Á nhỏ bé của mình. |
Năm 2002, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã ra Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea – DoC), theo đó kêu gọi việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ mà không “đe dọa hoặc sử dụng vũ lực” và mong muốn đi đến thông qua một quy tắc ứng xử (Code of Conduct – CoC) để “xúc tiến hòa bình và ổn định trong khu vực”. Nhưng từ đó đến nay các bước đi đơn phương tiếp tục củng cố và mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ tranh chấp đã biến DOC thành “trò đùa”. Trường hợp nổi bật gần đây bao gồm việc Trung Quốc chiếm giữ bãi cạn Scarborough vào năm 2012, kế hoạch Trung Quốc xây dựng một hòn đảo nhân tạo nhỏ trong quần đảo Trường Sa, và tiếp tục củng cố các tiền đồn của họ trên đảo san hô vòng đang tranh chấp Việt Nam và Philippines.
Các quan chức Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng các tuyên bố quả quyết của Trung Quốc về vùng biển tranh chấp là một “lợi ích cốt lõi” của quốc gia và Bắc Kinh sẽ không cho phép ‘thỏa hiệp’ hoặc ‘nhượng bộ’ trong việc theo đuổi tham vọng lãnh thổ của mình. Sự tham gia của Trung Quốc trong các cuộc thảo luận cho một CoC là chỉ giả vờ, bởi các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh nhận thức sâu sắc rằng Trung Quốc sẽ được nhiều hơn mất từ sự trì hoãn vô hạn việc kết thúc các cuộc đàm phán về CoC.
Năm 2013, tổng GDP của ASEAN kém hơn Trung Quốc 35%, trong khi chi tiêu quân sự tính gộp của các quốc gia thành viên ASEAN kém hơn ngân sách quốc phòng của Trung Quốc 25%. Với các ưu thế quân sự và kinh tế, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng hải giám trang bị tốt hơn và lớn hơn của họ để phá hoại tàu thuyền và đe dọa ngư dân nước ngoài; đồng thời đưa giàn khoan dầu đến vùng biển tranh chấp và triển khai các rào cản thương mại nhầm gây thiệt hại cho đối phương.
Như sư tử và thỏ rừng trong truyện ngụ ngôn Aesop, các nước thành viên ASEAN có thể “phát biểu công khai và tỏ rỏ rằng tất cả họ phải có phần bằng nhau’, nhưng Trung Quốc chỉ đơn giản đáp:”phát biểu của các anh, Thỏ rừng ơi, thiếu vuốt và nanh mà chúng tôi lại có’.
Bắc Kinh có thể sẽ trả giá cho lời nói đầu môi về đàm phán quy tắc ứng xử trong tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc biết rằng việc xem xét các luật lệ chặt chẽ của một CoC sẽ phá hoại chiến lược thành công của họ lâu nay nhằm mở rộng chủ quyền trên thực tế thông qua đe dọa và cưỡng bức. Nhưng các cuộc đàm phán thất bại cho một CoC có thể không hoàn toàn vô ích. Ít nhất chúng cho phép các nước thành viên ASEAN hút sự chú ý quốc tế trước các hành động của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh thổ. Vì vậy các quốc gia Đông Nam Á sẽ cần phải làm nhiều hơn trong việc tham gia vào việc theo đuổi một giải pháp công bằng và bền vững cho một trong những cuộc xung đột địa chính trị đầy biến động và gây chia rẽ nhất trên thế giới.
Tiến sĩ Benjamin Herscovitch là thành viên nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu độc lập tại Bắc Kinh.
T.Q Nam dịch
Nguồn:
http://www.businessspectator.com.au/article/2014/7/21/china/beijing-sinks-south-china-sea-code-conduct