Bài 2: Các bất hợp lý trong tổ chức quyền lực nhà nước hiện nay

Đảng CSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo công cuộc xây dựng không chỉ một chính thể mới, Nhà nước mới mà còn cả một xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa, bằng cách đốt cháy giai đoạn, tức bỏ qua sự phát triển tư bản chủ nghĩa.

Với mục tiêu vĩ đại ấy, đương nhiên Đảng CSVN phải bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, tuyệt đối và toàn diện đối với toàn bộ xã hội. Tuy nhiên, trở lại bản chất tự nhiên của quyền lực công, Đảng không phải và không thể là Nhà nước, do đó, để bảo đảm được tính hiệu lực thực tế của quyền lực lãnh đạo của Đảng, hay nói một cách khác là “nhà nước hóa quyền lực chính trị”, bộ máy nhà nước ta đã được tổ chức cũng theo nguyên tắc tập trung quyền lực vào một đầu mối duy nhất thuộc thượng tầng kiến trúc, được gọi là Quốc hội.

Tuy nhiên, bởi Quốc hội là cơ quan nhà nước, do đó, nó vẫn buộc phải tuân theo tính quy luật của một cơ quan quyền lực công, tức là do dân bầu; và mặc dù có thể đa số Đại biểu Quốc hội là Đảng viên thì nó vẫn có một sự độc lập tương đối với Đảng. Khoảng cách này được bù đắp bởi một sáng tạo trong cách thức tổ chức của Đảng CS rất đặc thù của nhà tư tưởng cộng sản chủ nghĩa tiền bối vĩ đại là Lenin, theo đó, một hệ thống tổ chức rộng lớn và chặt chẽ các cơ sở của Đảng được thiết lập trong tất cả các bộ phận và cấu trúc của bộ máy nhà nước và thiết chế xã hội và được vận hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Điều này sẽ bảo đảm cho toàn bộ Nhà nước và xã hội sẽ đi theo đúng đường ray chính trị do Đảng CS đặt ra.

Lịch sử đã và sẽ tiếp tục vận động theo một logic khoa học như vậy nếu như không có sự chuyển đổi mang tính cách mạng tại Đại hội Đảng CSVN khóa 6 năm 1986 với quyết định phá bỏ hệ thống kinh tế kế hoạch cũ, thiết lập nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, và sau đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong suốt hơn 20 năm qua. Nhà nước và xã hội được nuôi sống bởi nền kinh tế. Hệ thống kinh tế thay đổi đương nhiên sẽ dần dần kéo theo hoặc ít nhất đặt ra nhu cầu của sự thay đổi tận gốc dễ đối với toàn bộ các thiết chế của kiến trúc thượng tầng của xã hội, trong đó đương nhiên bao gồm cả Đảng và Nhà nước. Đó không có gì khác hơn là bản chất của phép biện chứng trong vận động của sự vật. Trên thực tế, quá trình thay đổi này diễn ra như thế nào, liên quan đến các quan hệ mang tính quyền lực?

Con người với mục đích và năng lực hành động khác nhau thông qua các nhóm lợi ích sẽ có xu hướng phản kháng lại quyền lực nhà nước, và cứ thế, nỗ lực và chi phí duy trì trật tự và ổn định của bộ máy nhà nước lại tăng lên làm tiêu hao hết dần các nguồn lực cho sự phát triển. 

Xin nhắc lại rằng quyền lực chính trị của Đảng được hình thành từ sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng viên và những người ủng hộ Đảng, còn quyền lực nhà nước được thực thi và bảo đảm bằng các công cụ có tính cưỡng chế. Như vậy, với sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần, tính đa dạng và sự khác biệt về địa vị kinh tế, đặc tính xã hội, phương pháp tư duy, hay nói một cách tổng quát là sự khác biệt trong tôn chỉ và mục tiêu hành động của các thành viên trong xã hội đã xuất hiện trở lại. Hậu quả của quá trình này là sự hình thành tất yếu của các nhóm lợi ích, trước hết được gắn kết bởi lợi ích kinh tế, sau đó sẽ là lợi ích xã hội, văn hóa và chính trị. Quá trình này không chỉ tác động vào các nhóm xã hội ngoài Đảng mà còn cả Đảng viên một khi Đảng viên cũng được quyền hoạt động kinh tế tư nhân, hay chí ít thì người thân trong gia đình họ cũng được làm như vậy. Thực tế này về mặt tự nhiên dẫn đến tình trạng tính thống nhất trong ý chí và hành động, là nền móng của quyền lực chính trị của Đảng, bị phá vỡ; hay xuất hiện sớm hơn và biểu hiện rõ rệt nhất là sự giảm dần của tính thống nhất ấy trong các bộ phận khác nhau của xã hội bên ngoài Đảng. Xã hội bắt đầu chuyển động theo các khuynh hướng khác nhau, tuy nhiên lại không có sự dẫn dắt một cách chính thống và có tổ chức bởi các thiết chế chính trị, do đó làm phát sinh tình trạng bất ổn. Để cân bằng lại và duy trì trật tự và ổn định, một khi quyền lực chính trị của Đảng giảm sút thì quyền lực nhà nước sẽ phải tăng lên và do đó, các biện pháp hành chính và cưỡng chế được gia tăng áp dụng. Quyền lực nhà nước, một khi được nhấn mạnh và thực thi thái quá sẽ trở thành “con dao hai lưỡi”, hay mang lại tác dụng ngược đối với chính mục tiêu và tôn chỉ của Nhà nước là bảo đảm sự ổn định và phát triển. Con người với mục đích và năng lực hành động khác nhau thông qua các nhóm lợi ích sẽ có xu hướng phản kháng lại quyền lực nhà nước, và cứ thế, nỗ lực và chi phí duy trì trật tự và ổn định của bộ máy nhà nước lại tăng lên làm tiêu hao hết dần các nguồn lực cho sự phát triển. 

Các biểu hiện bề nổi của quá trình vận động trong xã hội nói trên đã được nhìn thấy rõ ràng. Đó là nạn tham nhũng tràn lan trong khu vực công, kỷ cương nhà nước và hiệu lực pháp luật suy giảm, đạo đức xã hội xuống cấp kèm theo bất ổn thậm chí rối lọan xã hội gia tăng.

Tựu trung, từ góc độ khoa học, có thể khái quát hóa lập luận trên như sau: quyền lực trong xã hội, ví như các dòng năng lượng, bao gồm hai dòng chủ là quyền lực chính trị (được sự dẫn dắt bởi các đảng phái và tổ chức chính trị) và quyền lực nhà nước (được nắm bắt và sử dụng bởi bộ máy nhà nước). Cả hai dòng quyền lực này đều đi ra từ một nguồn duy nhất là nhân dân. Trong một bối cảnh mới là nền kinh tế thị trường và xã hội mở, nguồn quyền lực là nhân dân sẽ ngày càng phong phú và đa dạng, do đó, tổ chức quyền lực hợp lý chính là tái cấu trúc hệ thống cũ để bảo đảm rằng hai dòng quyền lực chủ có thể hấp thụ một cách tối đa các nguồn quyền lực từ nhân dân, sau đó được kết hợp với nhau một cách hợp lý và hài hòa để tạo nên sức mạnh chung, vận động theo cùng một hướng cho sự phát triển của đất nước và dân tộc, mang lại công bằng, dân chủ và văn minh cho mọi người dân.

Bởi vậy, nhu cầu của sự đổi mới quan trọng nhất hiện nay là đổi mới cách thức tổ chức quyền lực nhà nước hay nói một cách cụ thể là đổi mới mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Và nay là thời điểm chín muồi để xem xét khía cạnh này, bên cạnh hàng loạt các vấn đề khác đang được bàn đến trong quá trình góp ý sửa đổi Hiến pháp.


Đ
ọc thêm:
Bàn về luật hóa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Bài 1: Phân biệt giữa quyền lực của Đảng và quyền lực của nhân dân
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=6223

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)