Bài 2: Lãnh đạo tài năng, có tầm nhìn
Họ là những người đã chung tay xây dựng nên một bản hiến pháp tốt nhất và phù hợp nhất với nước Mỹ. Nhưng phát triển một quốc gia thì một bản hiến pháp tốt là chưa đủ. Hiến pháp cần phải được thực thi bởi những cá nhân xuất sắc và với tư tưởng xuất sắc, có tầm nhìn… Những cá nhân ấy hợp thành cả một thế hệ lãnh đạo.
Trong giai đoạn lập quốc của nước Mỹ kể từ những xung đột đầu tiên với người Anh đầu những năm 1770 đến khi thiết lập xong nhà nước Liên bang Hoa Kỳ năm 1792, nước Mỹ đã trải qua hai thế hệ lãnh đạo. Thế hệ đầu tiên tiêu biểu là George Washington (1732-1799), là Tổng tư lệnh quân đội Mỹ thời kỳ Cách mạng và những nhân vật kiệt xuất như Benjamin Franklin (1706-1790), chính khách Mỹ, Thống đốc bang Massachusetts, người có hình trên tờ 100 đô la, Patrick Henry Lee (1732 – 1794), người khởi xướng nền độc lập cho các thuộc địa, Chủ tịch đầu tiên của Quốc hội Hợp bang… và George Mason (1725-1792), cha đẻ Tuyên ngôn Nhân quyền của tiểu bang Virginia và Đạo luật Nhân quyền Mỹ năm 1790, John Hancock (1737-1793), Chủ tịch Quốc hội Hợp bang, người đầu tiên ký Tuyên ngôn Độc lập Mỹ…
Thế hệ đầu tiên này (trừ Benjamin Franklin) sinh ra trong khoảng những năm 1730-1745 với lòng quả cảm và là thế hệ đầu tiên dẫn dắt và lãnh đạo cuộc Cách mạng Mỹ dẫn đến nền độc lập… Nhưng tư duy chính trị của các nhân vật này mới dừng lại ở lòng yêu nước, sự nhiệt thành và mong muốn một xây dựng đất nước thịnh vượng. Thành tựu lớn lao nhất của thế hệ đó là cuộc cách mạng giành độc lập với người Anh mà “sản phẩm tinh hoa kết tinh” nhất chính là bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776…
Thế hệ chính khách, lãnh đạo thứ hai của Mỹ tiêu biểu là James Madison (1751-1836); Alexander Hamilton (1759-1804); John Marshall (1755-1835), Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ, Chánh án vĩ đại nhất đã làm nên sự độc lập của ngành tư pháp Mỹ; James Monroe (1758-1831), Tổng thống thứ 5; Edmund Randolph (1753-1813), Thống đốc Virginia, Ngoại trưởng Mỹ… Thế hệ này sinh ra trong giai đoạn 1750-1760, khi Cách mạng Mỹ nổ ra, họ mới khoảng 20 tuổi nhưng được học hành bài bản hơn. Khi trưởng thành họ bắt đầu chứng kiến và tham gia cuộc Cách mạng Mỹ và đặc biệt là họ nhìn thấy được những yếu kém của nền chính trị Mỹ thời kỳ Hợp bang sau khi giành độc lập. Thành tựu lớn lao nhất của họ là kế tục sứ mạng dẫn dắt quốc gia non trẻ từ tay thế hệ thứ nhất để xây dựng chính quyền Liên bang Hoa Kỳ vững mạnh hơn và “sản phẩm trí tuệ” tiêu biểu tinh hoa nhất của họ chính là bản Hiến pháp Mỹ.
Tôi nhận thấy, mỗi thế hệ chính khách Mỹ đều mang trong mình một sứ mệnh lịch sử và họ hoàn thành tốt sứ mệnh này. Với thế hệ đầu tiên, sứ mạng đó là giành độc lập cho các thuộc địa và thế hệ thứ hai là tạo dựng nền tảng cho một nhà nước Liên bang trên nền độc lập đó. Các thế hệ tiếp theo lại có sứ mệnh xây dựng một nhà nước Mỹ thịnh vượng trên cái nền tảng đó, hoặc xử lý những khủng hoảng của quốc gia, của thế giới mà họ gặp phải.
Quan điểm của Hamilton là để phát triển một quốc gia thì một bản hiến pháp tốt là chưa đủ, nó cần phải được thực thi bởi những cá nhân xuất sắc và với tư tưởng xuất sắc, có tầm nhìn và cả một thế hệ lãnh đạo, một ê kíp lãnh đạo tài năng.
Trước khi Hội nghị Lập hiến nhóm họp một năm, tại Hội nghị Annapolis năm 1786, Hamilton và Madison thống nhất quan điểm cần có một mô hình chính quyền mới mạnh mẽ và hiệu quả hơn nhưng dường như có sự phân công nhiệm vụ giữa hai chính trị gia trẻ trung này. Madison dành cả một năm tìm hiểu về các mô hình nhà nước cổ xưa và hiện đại để rồi phác thảo một bản hiến pháp phú hợp nhất cho nước Mỹ. Còn Hamilton đã dành thời gian nghiền ngẫm về những gì rồi đây nước Mỹ sẽ phải làm. Ông cho rằng, nước Mỹ cần phải được xây dựng trên một trật tự mới, có một bản hiến pháp mới với một chính quyền mới nhưng Hamilton còn muốn rằng chính quyền mới phải thực thi được những chính sách kinh tế, tài chính, thương mại, và cả ngoại giao, quốc phòng phù hợp. Vì thế, trong khi những chính khách khác mải mê tranh cãi tại Quốc hội, sa đà vào những lợi ích và mưu đồ cá nhân hoặc than vãn với nhau, còn Madison đang mải mê với những ý tưởng về Hiến pháp và mô hình nhà nước Liên bang thì Hamilton trở về New York nghiềm ngẫm và trù liệu những chính sách mới mà nước Mỹ rồi sẽ phải thực thi. Tôi rất lấy làm thú vị khi Hmailton còn đặc biệt khôn ngoan khi dự trù trước rằng có thể Washington làm Tổng thống, có thể mình sẽ thành Bộ trưởng Tài chính… Chính những sự chuẩn bị đó khiến ông vượt trên các chính khách khác đương thời khi chính quyền mới được thiết lập và chương trình hành động của ông đã thắng thế.
Đại biểu Quốc hội Hợp bang khi đó khá yếu kém, sa đà vào các tranh cãi vụn vặt. Hầu hết các chính khách khi đó đều chỉ đại diện cho các lợi ích địa phương, cục bộ. Mải mê theo đuổi lợi ích và chức vụ riêng… mà không thảo luận, suy nghĩ nghiêm túc về tầm nhìn và hướng phát triển của dân tộc. Washington và Hamilton gọi họ là những chính trị gia thiển cận, hẹp hòi, theo chủ nghĩa địa phương. Vai trò họ quá mờ nhạt và không mang lại sự thay đổi. Hầu hết các chính khách khi đó loay hoay giữa lợi ích cá nhân và lợi ích đất nước, chẳng biết đi về đâu…
Do kinh tế khó khăn, nhiều cuộc nổi dậy của nông dân xuất hiện ở vài nơi trên nước Mỹ, bất ổn trong xã hội xuất hiện, nông dân mất niềm tin vào chính quyền, ngân khố trống rỗng, uy tín của chính quyền cộng hòa giảm sút nghiêm trọng, và hầu như không ai có được một giải pháp nào toàn diện… Tương lai của liên minh 13 tiểu bang bị nghi ngờ đến mức khi đó Hamilton viết thư cho Washington rằng cả nước Mỹ đang sôi lên và chỉ cần một mồi lửa cũng đủ để bùng lên cả đám lửa. Hamilton nghĩ về một tương lai mạnh mẽ hơn, ông muốn và ủng hộ mô hình chính quyền Anh. Vì thế, ông liên kết với James Madison để vận động theo hướng ông tin tưởng.
Trong bức thư gửi Washington ngày 3 tháng Bảy năm 1787, Hamilton viết:
“Trong chuyến đi của tôi về New Jersey và từ khi đến đây, tôi đặc biệt lo âu khi nhận thấy tâm trạng của công chúng và càng tin tưởng rằng Hội nghị Lập hiến này là cơ hội sống còn cuối cùng cho chúng ta thiết lập lại sự thịnh vượng của đất nước trên một nền tảng vững chắc hơn. Tôi cũng nói chuyện với những người hiểu biết, không chỉ ở thành phố này mà còn ở nhiều miền trong tiểu bang. Họ đồng ý rằng một cuộc cách mạng kỳ diệu mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn đang ở trong tâm trí tất cả mọi người. Họ nghĩ rằng do nỗi sợ hãi làm chấn động công chúng nên Hội nghị này sẽ không tiến đủ xa. Họ dường như tin rằng một mô hình nhà nước vững mạnh sẽ phù hợp với sự trông chờ của công chúng hơn là bất kỳ mô hình nào khác. Bất chấp việc những viên chức chính quyền đang làm mọi cách có thể để tạo ra những mối ác cảm về Hội nghị này, xu hướng chung hiện nay dường như đi theo hướng ngược lại.
Xin thú thật với Ngài rằng tôi rất lo âu về những chia rẽ bè phái tại Hội nghị khi tôi rời Philadelphia. Tôi sợ rằng chúng ta sẽ bỏ lỡ “cơ hội vàng” cứu vãn nước Mỹ khỏi sự chia rẽ, tình trạng hỗn loạn vô chính phủ và cảnh nghèo đói. Không có một biện pháp hỗn tạp hay yếu ớt nào có thể giải quyết dứt điểm vấn đề này. Cần phải có quyết định sáng suốt và không có gì mang lại sự thành công cho Hội nghị này bằng sự hài lòng của dân chúng.”
Trong suốt thời kỳ trước và sau Hội nghị Lập hiến, Hamilton đã nghiền ngẫm rất nhiều sách lược, xây dựng một tầm nhìn, phát triển ê kíp lãnh đạo và hoạch định chiến lược về kinh tế, tài chính. Chính ông là người dựng ra tầm nhìn cả 100 năm cho nước Mỹ với rất nhiều hành động phi thường như lập ngân hàng quốc gia, thống nhất tiền tệ, thuế khóa, thúc đẩy sản xuất trong nước, tìm kiếm liên minh và quan hệ với nước Anh… Sau này, dù không còn tham chính những học thuyết và chính sách của ông vẫn được thực thi.
Ngay sau khi nhậm chức, Hamilton đã thuyết phục Washington ký hiệp ước thương mại với người Anh chứ không phải với người Pháp, bất chấp việc Pháp là đồng minh và ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến tranh giành độc lập. Ông cho rằng, để đất nước Mỹ phát triển, cần phải xây dựng mối quan hệ thương mại với cường quốc của thế giới dù cho đó là kẻ thù ngày xưa. Hamilton cũng thiết lập uy tín cho quốc gia, thiết lập Ngân hàng Quốc gia Mỹ, tiền thân của FED sau này, thống nhất các loại tiền của các tiểu bang về liên bang. Ông cũng xây dựng một loạt đạo luật liên quan đến việc đánh thuế và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Hamilton là tiêu biểu cho cả một thế hệ lãnh đạo khai sáng, chân chính… Ông nỗ lực làm tất cả những gì có thể, sáng tạo ra những quan điểm mới và chính sách mới, thậm chí diễn giải hiến pháp để bào chữa và bênh vực cho chính sách mà ông sẽ làm…
Alexander Hamilton
Alexander Hamilton (1757–1804) là luật sư, chính trị gia, chuyên gia tài chính người Mỹ. Ông là Bộ trưởng Ngân khố đầu tiên của Hoa Kỳ, người đã thiết lập hệ thống tài chính – ngân hàng, đặt nền móng cho nền kinh tế Mỹ, khi trở thành Bộ trưởng Ngân khố ông mới 32 tuổi. Ông đặc biệt quan tâm đến việc củng cố chính quyền trung ương, nên vào năm 1786, đại diện cho tiểu bang New York tại Hội nghị Annapolis. Tại đây, ông cùng Madison thúc giục Quốc hội Hợp bang triệu tập Hội nghị Lập hiến nhằm soạn thảo mô hình chính quyền mới cho liên bang. Năm 1787, Hamilton tham dự Hội nghị Lập hiến tham gia Ủy ban soạn và có đóng góp rất lớn. Ông là tác giả chính của tác phẩm The Federalist Papers (Người liên bang) viết chung với James Madison. Những tư tưởng lớn lao chứa đựng trong đó đã đưa tác phẩm này sánh ngang với những danh tác chính trị của nhân loại, làm nền tảng, giải thích rõ ràng về ý nghĩa và mục đích của Hiến pháp Hoa Kỳ. Năm 1789, Washington đã bổ nhiệm Hamilton giữ chức Bộ trưởng Tài chính, bộ quan trọng nhất trong giai đoạn đầu dựng nước. Được coi là kiến trúc sư của nền tài chính, kinh tế, và cả chính trị ngoại giao Mỹ thời kỳ lập quốc, ông đã xây dựng nền tảng cho một nhà nước hùng mạnh. Ông đã thành lập Ngân hàng Đệ nhất Hoa Kỳ, để tài trợ cho các khoản nợ của liên bang; đảm trách các khoản nợ của các tiểu bang và khuyến khích sản xuất, phát triển quan hệ thương mại với nước Anh. Hamilton tham gia sáng lập Ðảng Liên bang, tiền thân của đảng Cộng hòa sau này để đối trọng lại Jefferson, Madison và Ðảng Cộng hòa – Dân chủ. |
—
(*) Giám đốc Alpha Books