Bài học rút ra từ đại dịch COVID

Rồi nhân loại sẽ bước qua đại dịch, với những đột phá khoa học và thất bại trong những quyết sách chống dịch. Chúng ta có thể học gì cho tương lai?


Một người tưởng nhớ về những nạn nhân COVID trong tác phẩm nghệ thuật sắp đặt  “Ở Mỹ: Hãy nhớ” – mỗi lá cờ trắng tượng trưng cho từng người chết vì COVID. Ảnh ngày 29/9/2021. Nguồn: washingtonpost.com.

Từ góc độ sử học, chúng ta cần đánh giá năm COVID như thế nào? Nhiều người tin rằng tổn thất khủng khiếp do coronavirus gây ra là bằng chứng cho sự bất lực của nhân loại trước sức mạnh của thiên nhiên. Thực tế năm 2020 đã cho thấy nhân loại còn lâu mới đầu hàng. Dịch bệnh không còn là thách thức không thể kiểm soát. Khoa học đã biến chúng thành thời cơ để tìm cách vượt qua. Vậy tại sao vẫn có quá nhiều người chết và khổ đau? Bởi vì các quyết định chính trị tồi. Trong quá khứ, khi phải đối mặt với một bệnh dịch như Cái chết Đen, con người không biết điều gì đã gây ra nó và làm thế nào để ngăn chặn. Khi đại dịch cúm 1918 xảy đến, các nhà khoa học giỏi nhất đã không thể xác định được loài virus, đã đưa ra các biện pháp đối phó vô ích và không thể phát triển một loại vaccine hiệu quả.

Nhưng với COVID-19, tình thế rất khác. Hồi chuông cảnh báo đầu tiên về trận dịch tiềm ẩn được gióng lên từ cuối tháng 12/2019. Đến ngày 10/1/2020, các nhà khoa học không chỉ phân lập được virus mà còn giải mã bộ gene của nó và công bố lên internet. Sau đó vài tháng, người ta đã biết rõ các biện pháp có thể làm chậm và ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm. Trong vòng chưa đầy một năm, một số vaccine hiệu quả đã được sản xuất hàng loạt. Trong cuộc chiến giữa con người và mầm bệnh, chưa bao giờ con người lại mạnh mẽ đến thế.

Chuyển đổi cuộc sống số

Cùng với thành tựu chưa từng có về công nghệ sinh học, năm COVID cũng chứng kiến sức mạnh của công nghệ thông tin. Trong các thời đại trước đây, loài người hiếm khi ngăn chặn bệnh dịch bởi con người không thể theo dõi các chuỗi lây nhiễm trong thời gian thực và bởi vì chi phí tốn kém của việc phong tỏa kéo dài. Vào năm 1918, bạn có thể cách ly những người bệnh cúm nặng, nhưng không thể theo dõi quá trình di chuyển của người mắc bệnh không triệu chứng hoặc đang trong giai đoạn ủ bệnh. Và nếu ra lệnh cho toàn bộ dân số của một quốc gia phải ở nhà trong vài tuần, điều đó sẽ dẫn đến một nền kinh tế bị tàn phá, xã hội suy sụp và đói kém trên diện rộng.

Năm 2020, công nghệ giám sát số đã giúp việc theo dõi và xác định chính xác các vật trung gian truyền bệnh dễ dàng hơn rất nhiều, giúp việc kiểm dịch chọn lọc hơn và hiệu quả hơn. Quan trọng hơn, tự động hóa và internet đã làm cho việc phong tỏa kéo dài trở nên khả thi, ít nhất là tại các nước phát triển. Trong khi tại một số khu vực đang phát triển, trải nghiệm của con người vẫn gợi nhớ về nỗi u ám của bệnh dịch trong quá khứ, thì tại các nước phát triển, cách mạng số đã thay đổi mọi thứ. Trong hàng ngàn năm, sức lao động đóng vai trò thiết yếu đối với sản xuất lương thực, với khoảng 90% người dân làm nông nghiệp. Ngày nay, chỉ 1.5% người dân Hoa Kỳ làm việc tại các trang trại, không những đủ nuôi sống tất cả cư dân mà còn đưa Hoa Kỳ trở thành nhà xuất khẩu thực phẩm hàng đầu. Hầu như tất cả các công việc đồng áng đều do máy móc thực hiện, và chúng miễn nhiễm với bệnh dịch. Do đó, việc đóng cửa chỉ gây ra tác động nhỏ đối với canh tác nông nghiệp.

Hãy tưởng tượng một cánh đồng lúa mì trong thời kỳ đỉnh điểm của Cái chết Đen. Nếu người nông dân ở nhà trong vụ mùa thu hoạch, kết quả là sẽ chết đói. Nếu người nông dân vẫn ra đồng, họ có thể lây bệnh cho nhau. Đó là thế tiến thoái lưỡng nan mà người xưa phải đối mặt.

Với cánh đồng lúa mì của năm 2020, một tổ hợp được định hướng bằng GPS có thể thu hoạch toàn bộ cánh đồng với hiệu suất cao hơn nhiều, và không có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Trong khi vào năm 1349, một người nông dân trung bình thu hoạch được khoảng 5 giạ lúa một ngày, thì đến năm 2014, một máy gặt đập liên hợp đã lập kỷ lục với năng suất 30,000 giạ lúa trong một ngày. Có thể nói, COVID-19 không có tác động đáng kể đến sản xuất toàn cầu đối với các cây trồng chủ lực như lúa mì, ngô và lúa gạo. Nhưng để nuôi sống mọi người, chúng ta còn phải vận chuyển nông sản phân phối, thậm chí xa hàng nghìn km. Trong suốt chiều dài lịch sử, thương mại là kẻ tiếp tay cho đại dịch. Các mầm bệnh chết người di chuyển khắp thế giới nhờ các tàu buôn và các đoàn lữ hành. Ví dụ, Cái chết Đen đã quá giang từ Đông Á sang Trung Đông dọc theo con đường Tơ Lụa, và chính các tàu buôn của người Genova sau đó đã chở nó đến châu Âu. Thương mại nguy hiểm bởi mỗi chiếc tàu dù bé đều cần thủy thủ để vận hành, và những con tàu đông đúng là điểm nóng bệnh dịch.


Các nhà nghiên cứu tại Viện Vi sinh Quốc gia tại Munich, cơ sở nghiên cứu đã chẩn đoán ca COVID-19 đầu tiên của Đức. Ảnh: Rafael Heygster/Helena Manhartsberger.

Vào năm 2020, thương mại toàn cầu có thể tiếp tục hoạt động suôn sẻ hơn nhiều vì thủy thủ đoàn ít lại. Một con tàu container hiện nay đã được tự động hóa có thể chở nhiều hàng hóa hơn cả một đội thương thuyền của cả một vương quốc thời sơ khai. Năm 1682, đội tàu buôn của Anh có tổng sức chở 68,000 tấn và cần 16,000 thủy thủ. Ngày nay, một con tàu vận tải OOCL Hong Kong có thể chở đến 200,000 tấn với chỉ 22 thủy thủ.

Nhưng ở một diễn biến khác, thời đại mới với những con tàu với hàng trăm khách du lịch và máy bay chở đầy hành khách là cửa ngõ phát tán COVID-19 quan trọng. Nhưng du lịch không phải là nhu cầu thiết yếu như thương mại. Khách du lịch có thể ở nhà, doanh nhân có thể họp qua Zoom, trong khi những con tàu gần như tự động và và những chuyến tàu hàng giữ cho sự luân chuyển kinh tế toàn cầu. Trong khi du lịch quốc tế giảm mạnh trong năm 2020, khối lượng thương mại toàn cầu chỉ giảm 4%.

Trong các ngành dịch vụ, tự động hóa và cách mạng số thậm chí còn tác động sâu sắc hơn. Con người của năm 1918 chắc không ai có thể tưởng tượng rằng các văn phòng, trường học, tòa án và nhà thờ có thể tiếp tục hoạt động trong tình trạng đóng cửa. Họ làm sao có thể tưởng tượng cách học sinh và giáo viên trò chuyện khi đang phải cách ly tại nhà. Tất nhiên là các tương tác trực tuyến có nhiều nhược điểm, nhất là những tổn thất tinh thần to lớn. 

Năm 1918, loài người chỉ sống trong thực tại, và khi virus cúm quét qua, nhân loại không còn nơi nào trốn chạy. Nhân loại ngày nay sống trong hai thế giới – thực và ảo, và khi coronavirus lưu hành qua thế giới thực, nhiều người đã chuyển phần lớn cuộc sống của họ sang thế giới ảo, nơi virus không thể bám đuổi.

Tất nhiên, con người là một thực thể không thể số hóa toàn bộ. Năm COVID đã nêu bật vai trò của các ngành nghề được trả lương thấp trong việc duy trì văn minh nhân loại: y tá, công nhân vệ sinh, tài xế xe tải, thu ngân, người giao hàng. Người ta thường nói mọi nền văn minh chỉ cách sự man rợ dăm ba bữa ăn. Vào năm 2020, những người giao hàng là sợi tơ mỏng manh gắn kết văn minh, và là huyết mạch gắn kết thế giới thực giữa chúng ta.

Kết nối internet

Khi nhân loại số hóa và tự động hóa cuộc sống, chuyển dịch sang hoạt động trực tuyến, chúng ta phải đối mặt với những nguy hiểm mới. Một trong những điều đáng chú ý nhất của năm COVID là internet không bị quá tải và gián đoạn. Một cây cầu khi có lưu lượng giao thông quá mức có thể bị tắc nghẽn hoặc sụp đổ, nhưng internet thì không, mặc dù trong năm COVID, các văn phòng, nhà thờ, trường học chuyển sang trực tuyến hầu như chỉ trong một đêm.

Chúng ta nhận ra cuộc sống vẫn tiếp diễn dù cả một quốc gia đang bị phong tỏa. Hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số gặp sự cố. 
Công nghệ thông tin đã giúp chúng ta kiên cường hơn trước virus sinh học, nhưng khiến chúng ta lệ thuộc nhiều hơn và dễ bị tấn công hơn trước virus máy tính, từ các phần mềm độc hại đến cấp độ chiến tranh mạng. Mọi người thường hỏi: “Sau COVID, điều gì đang chờ chúng ta?”. Có lẽ ứng viên hàng đầu là một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Coronavirus mất vài tháng để lan truyền và lây nhiễm cho hàng triệu người, còn cơ sở hạ tầng kỹ thuật số có thể sụp đổ trong vòng một ngày. Khi đó, bạn nghĩ phải mất bao lâu để chuyển đổi ngược, từ email trở về thư tay?

Điều gì đáng giá hơn?

Năm COVID đã phơi bày một hạn chế thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với những hạn chế của khoa học và công nghệ. Đó là chính trị. Khi đưa đến một quyết sách, chúng ta phải cân nhắc nhiều lợi ích và giá trị, và vì không có cách tối ưu để xác định lợi ích và giá trị nào là quan trọng hơn, nên không có cách nào khoa học để quyết định những gì chúng ta nên làm.


Phòng thí nghiệm của công ty Bioscientia, nơi các kit chẩn đoán coronavirus được nghiên cứu, đánh giá và lưu trữ. Ảnh: Rafael Heygster.

Ví dụ: Khi quyết định có áp đặt lệnh phong tỏa hay không, người ta thường chỉ cần đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu người mắc COVID-19 nếu chúng ta không ban bố lệnh phong tỏa?”. Chúng ta cũng nên đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu người sẽ bị trầm cảm nếu chúng ta áp đặt một đợt phong tỏa? Bao nhiêu người sẽ thiếu dinh dưỡng? Bao nhiêu người phải nghỉ học hoặc mất việc? Bao nhiêu người bị bạo hành hoặc sát hại bởi vợ/chồng của họ?”

Ngay cả khi tất cả dữ liệu của chúng ta là chính xác và đáng tin cậy, chúng ta nên luôn hỏi: “Điều gì đáng giá hơn và được ưu tiên? Làm thế nào để cân đối các con số đang đối nghịch nhau?” Đây là vấn đề chính trị hơn là khoa học. Các chính trị gia cần cân bằng giữa các vấn đề y tế, kinh tế và xã hội để đưa ra chính sách toàn diện.
Trong năm COVID, giám sát đại chúng đã được hợp pháp hóa và phổ biến hơn. Chống lại dịch bệnh là quan trọng, nhưng nó có đáng để hủy hoại sự tự do? Bất kỳ dữ liệu nào thu thập về con người, đặc biệt về dữ liệu sinh học, phải được sử dụng để hỗ trợ con người hơn là để thao túng và kiểm soát. Bác sĩ riêng biết những điều cực kỳ riêng tư của tôi, và tôi chấp nhận điều đó vì tin tưởng bác sĩ sẽ sử dụng dữ liệu này vì lợi ích của tôi. Bác sĩ của tôi không được bán dữ liệu này cho bất kỳ công ty hay đảng phái chính trị nào. 

Giám sát luôn phải là giao tiếp hai chiều. Nếu sự giám sát chỉ từ trên xuống dưới, thì đây là con đường mau chóng dẫn đến chế độ độc tài. Vì vậy, bất cứ khi nào giám sát cá nhân bị tăng cường thì đồng thời giám sát chính phủ và các tập đoàn lớn cũng phải tương xứng. Ví dụ, trong bối cảnh đại dịch, các chính phủ đang phân bổ một lượng tiền khổng lồ. Quy trình này phải được minh bạch hơn nữa. Với tư cách một công dân, tôi muốn dễ dàng xem ai nhận được tiền và ai là người quyết định số tiền đi đâu. Tôi muốn đảm bảo tiền được cấp cho các doanh nghiệp thực sự cần hơn là cho một đại công ty mà chủ sở hữu của nó là bạn của một bộ trưởng. Nếu chính phủ nói, quá phức tạp để thiết lập một hệ thống giám sát như vậy thì bạn đừng tin vào điều đó. Nếu không quá phức tạp để giám sát từng cá nhân, thì cũng không quá phức tạp để giám sát chính phủ.

Không cho phép tập trung quá nhiều dữ liệu vào một nơi. Không phải trong đại dịch, cũng không phải sau đại dịch. Độc quyền dữ liệu là công thức của chế độ độc tài. Nếu cần thu thập dữ liệu sinh trắc học để ngăn chặn đại dịch, điều này nên được thực hiện bởi một cơ quan y tế độc lập hơn là cảnh sát. Và dữ liệu này nên được tách khỏi kho dữ liệu của chính phủ hoặc các tập đoàn lớn. Chắc chắn sự phân tán dữ liệu sẽ gây ra sự kém hiệu quả, nhưng đó là một tính năng hơn là một lỗi. Sự kém hiệu quả và mặt khai thác dữ liệu sẽ ngăn chặn sự trỗi dậy của nền độc tài kỹ thuật số.

Tùy thuộc vào các chính trị gia

Khi Cái chết Đen giết chết hàng triệu người, không ai mong đợi nhiều từ các vị vua và hoàng đế. Khoảng 1/3 dân số Anh đã chết trong làn sóng dịch hạch đầu tiên, nhưng cũng không khiến vua Edward III bị mất ngôi. Rõ ràng ngăn chặn đại dịch là việc vượt quá khả năng của nhà cai trị, nên không ai đổ lỗi cho họ.

Nhưng ngày nay, loài người có trong tay các công cụ hữu hiệu để ngăn chặn COVID-19. Một số quốc gia, từ Việt Nam đến Úc, đã chứng minh ngay cả khi thiếu vaccine, vẫn có các công cụ để ngăn chặn đại dịch, mặc dù phải trả giá đắt về kinh tế-xã hội. Chúng ta có thể đánh bại virus, nhưng không chắc mình có sẵn sàng trả giá cho chiến thắng. Đó là lý do tại sao các thành tựu khoa học đặt lên vai các chính trị gia một trách nhiệm lớn lao.

Điều không may là quá nhiều chính trị gia đã không thực hiện được trách nhiệm này. Ví dụ, các tổng thống dân túy ở Mỹ và Brazil đã hạ thấp sự nguy hiểm của dịch bệnh, từ chối ý kiến các chuyên gia mà chỉ lưu tâm đến các thuyết âm mưu. Họ đã không đưa ra kế hoạch hành động đúng đắn cho liên bang trong khi nỗ lực phá hoại hành động ngăn chặn dịch bệnh của chính quyền các tiểu bang và thành phố. Sự cẩu thả và thiếu trách nhiệm của chính quyền Trump và Bolsonaro đã dẫn đến hàng trăm nghìn ca tử vong có thể phòng tránh được.

Tại Anh, ban đầu Chính phủ bận tâm Brexit hơn là COVID-19. Chính sách phân ly của chính quyền Boris Johnson đã thất bại trong việc cô lập nước Anh khỏi mối nguy hại thật sự: virus. Quê hương Do Thái của tôi cũng phải hứng chịu sự quản trị yếu kém. Trên thực tế, Israel cũng là một “quốc đảo” tương tự như Đài Loan, New Zealand và Síp, với biên giới khép kín và chỉ có một cửa khẩu nhập cảnh chính: sân bay Ben Gurion. Tuy nhiên, vào thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch, chính quyền Netanyahu đã cho phép du khách đi qua sân bay mà không kiểm dịch hoặc thậm chí bỏ qua các biện pháp sàng lọc thích hợp, và từ chối áp đặt lệnh đóng cửa.

Cả Anh và Israel đều đi đầu trong việc phân phối vaccine nhưng các đánh giá sai lầm ban đầu đã khiến họ phải trả giá đắt. Tại Anh, đại dịch cướp đi sinh mạng của 120,000 người, đứng thứ sáu thế giới tỷ lệ tử vong trung bình. Trong khi đó, Israel có tỷ lệ mắc đứng hàng thứ bảy thế giới và để ngăn thảm họa tiếp diễn, họ phải ký thỏa thuận “đổi dữ liệu lấy vaccine” chia sẻ dữ liệu [y tế] có giá trị khổng lồ với Pfizer để đổi lấy đủ vaccine sớm nhất. Giao dịch đã gây lo ngại về quyền riêng tư và độc quyền dữ liệu, đồng thời chứng minh dữ liệu của công dân là một trong những tài sản nhà nước giá trị nhất.

Trong khi chỉ vài quốc gia hoạt động tốt, nhân loại nói chung đến nay vẫn thất bại trong việc ngăn chặn đại dịch hoặc đề ra kế hoạch toàn cầu để đánh bại virus. Những tháng đầu năm 2020 diễn ra như một vụ tai nạn trong cuộn phim quay chậm. Truyền thông hiện đại giúp mọi người trên thế giới theo dõi theo thời gian thực những hình ảnh đầu tiên từ Vũ Hán, sau đó là Ý, và nhiều quốc gia khác – nhưng không có lãnh đạo toàn cầu nào xuất hiện để ngăn chặn thảm họa đang nhấn chìm thế giới. Các công cụ đã sẵn sàng, thì chúng ta vẫn thường xuyên thiếu sự khôn ngoan chính trị.

Liên kết quốc tế 

Một lý giải cho sự ngăn cách giữa thành công về khoa học và thất bại trong các quyết sách chống dịch là các nhà khoa học có xu hướng hợp tác toàn cầu, trong khi các chính trị gia lại có xu hướng thù địch. Làm việc dưới sự căng thẳng và không chắc chắn, các nhà khoa học khắp thế giới tự do chia sẻ thông tin và nương tựa vào những phát hiện và hiểu biết của nhau. Nhiều dự án nghiên cứu quan trọng được thực hiện bởi các nhóm đa quốc gia. Ví dụ, một nghiên cứu quan trọng đã chứng minh hiệu quả của các biện pháp đóng cửa được tiến hành đồng thời bởi các nhà nghiên cứu từ 9 tổ chức: 1 tại Anh, 3 tại Trung Quốc, 5 tại Mỹ. Ngược lại, các chính trị gia đã không thể thành lập một liên minh quốc tế chống lại virus và không thể đồng thuận về một kế hoạch toàn cầu. Hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc cáo
buộc nhau che giấu thông tin, phổ biến tin giả và các thuyết âm mưu, thậm chí cố tình phát tán virus. Nhiều quốc gia khác rõ ràng đang cố ý làm sai lệch hoặc che giấu dữ liệu về diễn biến của đại dịch.

Sự thiếu hợp tác toàn cầu không chỉ thể hiện trong cuộc chiến thông tin mà còn trong sự tranh giành các trang thiết bị y tế đang khan hiếm. Mặc dù cũng có nhiều trường hợp hợp tác và tài trợ hào phóng, nhưng đã không có nỗ lực nghiêm túc nào để tổng hợp nguồn lực để hợp lý hóa sản xuất và phân phối công bằng. Chủ nghĩa dân tộc vaccine đã tạo ra sự bất bình đẳng mới giữa các quốc gia.

Thật đáng buồn khi nhiều người không hiểu một sự thật đơn giản về đại dịch: chừng nào virus vẫn tiếp tục lây lan ở bất cứ đâu, không quốc gia nào có thể an toàn thật sự. Cứ cho Anh và Israel thành công trong việc diệt trừ virus bên trong biên giới, thì virus tiếp tục lây lan tại Ấn Độ, Brazil hoặc Nam Phi vẫn tạo ra những đột biến mới khiến vaccine mất tác dụng và thúc đẩy một làn sóng lây nhiễm mới.

Trong tình cảnh hiện nay, lời kêu gọi về lòng vị tha có thể vượt lên trên được chủ nghĩa quốc gia. Tuy nhiên, trường hợp khẩn cấp hiện nay cần sự hợp tác toàn cầu chứ không phải lòng vị tha, vì điều này mới đảm bảo lợi ích quốc gia thực sự. 

Chống virus cho thế giới

Những cuộc tranh luận xảy ra trong năm COVID sẽ còn vang vọng nhiều năm nữa. Nhưng tất cả các phe phái chính trị nên đồng thuận về ít nhất ba điểm chính yếu:
Thứ nhất, chúng ta cần bảo vệ cơ sở hạ tầng số thiết yếu của mình. Đó là giải pháp cứu rỗi chúng ta trong đại dịch, và nó có thể sớm trở thành nguồn gốc cho một thảm họa khác thậm chí còn tồi tệ hơn.

Thứ hai, mỗi quốc gia nên đầu tư nhiều hơn vào hệ thống y tế công cộng của mình. Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng các chính trị gia và cử tri đôi khi vẫn ăn may mặc dù bỏ qua những bài học rõ ràng nhất.

Thứ ba, chúng ta nên thiết lập một hệ thống toàn cầu mạnh mẽ để giám sát và ngăn chặn đại dịch. Trong cuộc chiến lâu dài giữa nhân loại và mầm bệnh, trận địa chính là cơ thể mỗi chúng ta. Nếu bất kỳ cửa ngõ nào bị xuyên thủng, toàn mặt trận sẽ đều nguy khốn. Ngay cả những người giàu nhất hành tinh cũng có lợi ích cá nhân trong việc bảo vệ những người nghèo nhất ở các nước kém phát triển. Nếu một virus nhảy từ dơi sang người ở một ngôi làng hẻo lánh trong một cánh rừng heo hút, chỉ có thể nó sẽ xâm nhập phố Wall chỉ vài ngày sau đó.

Nền tảng của hệ thống chống lại dịch hạch toàn cầu vẫn đang tồn tại dưới mô hình WHO và một vài tổ chức khác. Nhưng ngân sách dành cho hệ thống này rất ít ỏi, và hầu như không đem lại lợi ích chính trị. Chúng ta phải trang bị cho nó các ảnh hưởng chính trị và ngân sách cần thiết để nó không bị lệ thuộc các suy nghĩ bất chợt của các chính trị gia thực quyền. Như đã lưu ý trước đó, tôi không tin các chuyên gia không được bầu chọn nên được giao nhiệm vụ đưa ra các quyết sách quan trọng. Phương thức cũ nên được duy trì. Nhưng một số cơ quan y tế toàn cầu độc lập sẽ là nền tảng lý tưởng để tổng hợp dữ liệu y tế, theo dõi các nguy cơ tiềm ẩn, cảnh báo và điều hành công tác nghiên cứu và phát triển.

Nhiều người lo ngại COVID là sự khởi đầu cho một làn sóng dịch bệnh mới. Nhưng nếu các bài học trên được tiếp thu, cú sốc như COVID có thể xảy đến ít thường xuyên hơn. Loài người không thể ngăn chặn sự xuất hiện của các mầm bệnh mới, bởi đây là tiến trình tự nhiên đã diễn ra hàng tỷ năm và còn tiếp tục trong tương lai. Nhưng hiện nay chúng ta có kiến thức và công cụ cần thiết để chăn chặn sự lây lan của chúng. Nếu một đại dịch khác tấn công nhân loại vào năm 2030 thì đó không phải là một thảm họa tự nhiên không thể kiểm soát, cũng không phải là sự trừng phạt của Chúa Trời, mà là thất bại của con người – chính xác hơn – là thất bại về chính trị.□

Cao Hồng Chiến lược thuật 
Sử gia Yuval Noah Harari, tác giả của các cuốn sách nổi tiếng: Sapiens, Homo Deus, 21 bài học của thế kỷ 21, Sapiens: Lược sử loài người bằng tranh.
Nguồn bài và ảnh: https://www.ft.com/content/f1b30f2c-84aa-4595-84f2-7816796d6841

Tác giả

(Visited 47 times, 1 visits today)