Bàn thêm về thuế thu nhập cá nhân
Chính phủ đang trình Quốc hội dự thảo Luật Thuế Thu nhập cá nhân. Mặc dù đang trong quá trình soạn thảo, Luật Thuế Thu nhập được rất nhiều đối tượng quan tâm do tác động của thuế thu nhập đến đời sống của mọi tầng lớp xã hội. Từ khởi điểm phải nộp thuế thu nhập 5 triệu đồng, việc Chính phủ hạ xuống còn 3 triệu và 1 triệu đồng đối với những người độc thân đã "dấy lên làn sóng" phản đối rộng khắp trong xã hội. Bài viết này nhằm đích góp một tiếng nói về cái cách mà Chính phủ chuẩn bị (và có thể sẽ áp dụng để) đánh thuế thu nhập cá nhân.
Thuế thu nhập cá nhân (gọi tắt là thuế thu nhập) là loại thuế trực thu đánh vào thu nhập của cá nhân. Về mặt kinh tế học, nếu chính phủ muốn thu một khoản như nhau bằng cách đánh thuế thu nhập cá nhân trực tiếp hoặc đánh gián tiếp thông qua việc tiêu dùng hàng hóa của cá nhân, thì đánh thuế vào thu nhập đem đến sự mất độ thỏa dụng cá nhân thấp hơn khi đánh thuế vào việc mua hàng của cá nhân đó, mặc dù, chính phủ vẫn thu được một khoản như nhau. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển, việc đánh thuế gián tiếp dễ hơn nhiều so với đánh thuế trực tiếp. Đơn giản vì việc đo chính xác thu nhập của cá nhân trên thực tế là rất khó (do nền kinh tế chậm phát triển thường là nền kinh tế tiền mặt). Đây là nguyên nhân chính biện hộ cho việc chính phủ các nước chậm phát triển thích sử dụng thuế gián thu hơn thuế trực thu.
Đóng thuế không đơn thuần là sự cưỡng bức mà còn hàm nghĩa “trách nhiệm” và “quyền lợi” của người dân. Đóng thuế tức là khẳng định quyền của dân, là hành vi xác nhận tư cách công dân và trình độ dân chủ đích thực của người dân. |
Nguồn thu ngân sách của Chính phủ Việt Nam hiện phụ thuộc rất nhiều vào khoản thu từ dầu thô và từ thuế xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, các nguồn thu này về bản chất là không ổn định và thiếu tính bền vững.
Về dài hạn, để giữ ổn định vĩ mô và bảo đảm nguồn nuôi sống bộ máy của mình, Chính phủ cần có những khoản thu khác. Thuế thu nhập cá nhân là một nguồn thu phù hợp.
Mặc dù việc đánh thuế thu nhập cá nhân có thể được lập luận bằng cách “tạo thói quen nộp thuế” hay “kiểm soát thu nhập”, việc xây dựng Luật Thuế Thu nhập cá nhân cần được xem xét đầy đủ hơn dưới góc độ 5 thuộc tính của một hệ thống thuế “tốt”: (1) tính hiệu quả, (2) tính đơn giản, (3) tính linh hoạt, (4) tính trách nhiệm chính trị, và (5) tính công bằng.
– Tính hiệu quả kinh tế được hiểu là hệ thống thuế không nên can thiệp vào sự phân bổ hiệu quả nguồn lực. Việc đánh thuế thu nhập với mức thu nhập tối thiểu chịu thuế quá thấp cộng thuế suất cao sẽ làm cho các cá nhân tìm kiếm cơ hội phân bổ nguồn lực sang các việc làm không chịu sự kiềm chế của thuế thu nhập. Chẳng hạn, giáo viên sẽ tích cực dạy thêm để tăng thu nhập thay vì tích cực dạy dỗ chính khóa. Bác sĩ sẽ lo chữa bệnh “tư” để tăng thu nhập “ngoài” thay cho việc chăm sóc chu đáo bệnh nhân trong bệnh viện. Tức là hoạt động kinh tế chính thức giảm, còn các hoạt động phi chính thức tăng lên.
– Tính đơn giản về mặt hành chính là hệ thống thuế phải đơn giản để dễ dàng quản lý và không tốn kém về mặt hành chính. Luật thuế thu nhập ra đời sẽ phát sinh nhiều chi phí, bao gồm chi phí trực tiếp (chi phí cho bộ máy quản lý) và chi phí gián tiếp (chi phí về mặt thời gian công sức mà các cá nhân bỏ ra để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế).
Ngoài ra, chi phí quản lý để đánh giá chính xác thu nhập thực của các cá nhân cũng như những khoản chi phí để khấu trừ như chi phí y tế và chi phí giáo dục là cực kỳ phức tạp. Một bệnh nhân từ nông thôn lên Hà Nội chữa bệnh, chi phí anh ta bỏ ra không chỉ là những chi phí khám chữa bệnh (có hóa đơn) mà cả chi phí đi lại, ăn ở trong thời gian khám chữa bệnh và các chi phí “ngầm” khác mà sẽ không thể có hóa đơn. Như vậy, chi phí thực tế mà một bệnh nhân phải trả có thể cao hơn nhiều so với những gì anh ta có để chứng minh là chi thực của anh ta.
Trong một nền kinh tế mà đa số các giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt thì việc đánh thuế thu nhập gặp rất nhiều khó khăn và chi phí trực tiếp cũng như gián tiếp có thể rất lớn. Đặc biệt, khi năng lực tổ chức bộ máy và năng lực của cán bộ thu thuế không cao thì tính phức tạp sẽ tăng lên và theo đó, chi phí cũng lớn lên.
– Tính linh hoạt là, hệ thống thuế có khả năng phản ứng dễ dàng (hoặc tự động trong một vài trường hợp) đối với những thay đổi trong hoàn cảnh kinh tế.
Thuế suất đánh vào thu nhập cá nhân cần phải có sự điều chỉnh linh hoạt với biến động của nền kinh tế. Cùng một mức thuế suất đánh vào thu nhập cá nhân trong thời gian lạm phát thấp là rất khác với thời điểm lạm phát cao. Như vậy, mức thuế suất cần phải điều chỉnh thấp (một cách tự động hoặc linh hoạt) trong thời điểm thuế cao. Thuế suất hiện nay được coi là quá cao, đặc biệt là trong thời kỳ lạm phát tăng cao như hiện nay.
– Tính trách nhiệm về mặt chính trị: hệ thống thuế nên thiết kế để xác lập quan hệ quyền và trách nhiệm giữa nhà nước và công dân một cách rõ ràng và minh bạch.
Về nguyên tắc, bất kỳ một cá nhân nào có thu nhập đều bị đánh thuế. Hành vi thu – nộp thuế phản ánh mối quan hệ giữa công dân và nhà nước. Theo cách hiểu thông thường và phổ biến nhất hiện nay, thuế thu nhập cá nhân phản ánh quyền lực của nhà nước đối với công dân. Thuế là công cụ để nhà nước thực thi vai trò điều tiết thu nhập giữa người giàu và người nghèo để tạo lập và duy trì công bằng xã hội.
Nhưng mặt khác, việc nộp thuế thu nhập còn là cách người nộp thuế thể hiện trách nhiệm công dân của mình. Ngoài ra, bằng cách nộp thuế để nuôi sống nhà nước, người đóng thuế thể hiện quyền lực của mình đối với nhà nước: nhà nước do dân (dân bầu ra nhà nước), của dân (dân nuôi nhà nước), vì thế, phải phục vụ dân (vì dân). Khái niệm “dân làm chủ” có cơ sở hiện thực từ chính hành vi nộp thuế thu nhập. Đóng thuế không đơn thuần là sự cưỡng bức mà còn hàm nghĩa “trách nhiệm” và “quyền lợi” của người dân. Đóng thuế tức là khẳng định quyền của dân, là hành vi xác nhận tư cách công dân và trình độ dân chủ đích thực của người dân.
Khía cạnh quan trọng bậc nhất này của thuế cho đến nay, ở nước ta chưa được hiểu đầy đủ, thậm chí, bị bỏ qua.
Nhà nước là do dân bầu ra. Do đó, mọi người dân đều có trách nhiệm “nuôi” nhà nước (thông qua việc đóng thuế thu nhập). Vì vậy, về mặt nguyên lý, mọi người có thu nhập đều phải (có nghĩa vụ) và được (quyền) đóng thuế thu nhập. Đây là một khía cạnh quan trọng của sự bình đẳng trong một xã hội văn minh. Không thể có chuyện trong xã hội, có nhóm người phải đóng thuế nuôi nhà nước, còn một nhóm người lại được quyền không phải đóng thuế. Nếu tình huống là như vậy thì hệ thống thuế thu nhập sẽ chỉ phục vụ lợi ích cho một nhóm thiểu số.
Cũng theo nguyên lý đó, khi hệ thống thuế thu nhập ra đời, cách thức chi tiêu ngân sách cũng cần phải công khai, minh bạch, và cần dựa phần lớn vào ý kiến đóng góp của người dân nhằm phản ánh lợi ích của “người chủ” – người đóng thuế.
– Công bằng: hệ thống thuế phải công bằng trong đối xử với các cá nhân1.
Quy tắc đầu tiên của nguyên lý này là mọi người có thu nhập đều phải nộp thuế thu nhập. Nhưng người thu nhập thấp thì đóng thuế ít, người thu nhập càng cao thì đóng thuế càng cao2.
Trên thực tế, người ta thường dựa vào thu nhập của đối tượng và đặc tính của đối tượng (ví dụ như người độc thân và người có gia đình) để xem xét sự công bằng. Tuy nhiên, điều này lại vấp phải một khó khăn rất lớn, đặc biệt ở những nước mà các hoạt động kinh tế phi chính thức trở thành phổ biến. Ví dụ, thuế thu nhập cá nhân đối với 2 thanh niên độc thân với thu nhập như nhau nhưng một người làm cho công ty nhà nước, còn một người làm trên thị trường lao động phi chính thức. Trong trường hợp này, anh thanh niên làm cho công ty nhà nước sẽ phải chịu thuế (do thu nhập của anh được thể hiện trên bảng lương) còn anh thanh niên kia không bị đánh thuế do cán bộ thuế không biết được thu nhập của anh ta. Sự công bằng không tồn tại trong trường hợp này. Trong nền kinh tế phổ biến các hoạt động kinh tế phi chính thức (giúp việc gia đình, bán hàng rong, xe ôm, đạp xích lô…), tình trạng này vi phạm thô bạo nguyên tắc công bằng theo chiều ngang.
Xét đến nguyên tắc công bằng theo chiều dọc, sự vi phạm nguyên tắc này còn trầm trọng hơn do tính yếu kém của bộ máy quản lý và thu thuế. Trước đây, thu nhập tối thiểu phải chịu thuế là 5 triệu. Số người thực sự nộp thuế là thấp hơn rất nhiều so với số người đáng lẽ ra phải nộp thuế. Như vậy, đã có một số lượng lớn những người có thu nhập trên 5 triệu trốn được thuế. [Nếu lần này, Luật thuế thu nhập chỉ nhằm mục đích tạo thói quen nộp thuế và để người dân có nghĩa vụ với Nhà nước, tại sao trước hết lại không tạo thói quen cho những người có thu nhập trên 5 triệu? Nếu Luật nhằm mục đích tăng nguồn thu ngân sách thì việc thu đủ từ những người trên 5 triệu đã là rất lớn]. Vấn đề đặt ra ở đây là sự yếu kém của hệ thống quản lý và thu thuế hiện tồn. Hệ thống đó không kiểm soát được những người có thu nhập cao (trên 5 hay trên 3 triệu đồng). Khi hạ thấp mức thu nhập tối thiểu phải chịu thuế xuống thì rất nhiều cá nhân nằm vào “tầm ngắm” này. Những người có thu nhập cao sẽ có nhiều cơ hội hơn để tránh và trốn thuế, còn những người có thu nhập “thấp” sẽ ít có cơ hội hơn và phải chịu thuế. Hệ thống quản lý và thu thuế yếu kém đã hạn chế cân bằng theo chiều dọc.
Thuế thu nhập cá nhân là rất nhạy cảm và tác động rất lớn đến mọi tầng lớp dân cư. Vì vậy, Chính phủ cần công bố phương pháp đánh thuế để dân xem xét và đóng góp ý kiến, vì thuế mà người dân đóng sẽ “nuôi” bộ máy Nhà nước. |
Trong một nền kinh tế với đặc tính đặc thù cho một nền kinh tế chậm phát triển (hoạt động kinh tế phi chính thức còn lớn) và tính yếu kém trong hệ thống thuế, thì việc vi phạm đến các nguyên tắc công bằng là rất nghiêm trọng. Để hạn chế sự vi phạm này, điều trước tiên là cần phải hoàn thiện bộ máy quản lý và thu thuế. Nếu không, ý tưởng về một hệ thống thuế lũy tiến sẽ tự động biến thành hệ thống thuế lũy thoái.
Việc đánh thuế vào thu nhập cá nhân là điều phải làm và nên làm trong mọi nền kinh tế. Tuy nhiên, phương pháp đánh thuế, liều lượng tác động của thuế cũng như sự phản ứng của các nhóm cộng đồng khác nhau cần phải điều tra khảo sát kỹ. Thuế thu nhập cá nhân là rất nhạy cảm và tác động rất lớn đến mọi tầng lớp dân cư. Vì vậy, Chính phủ cần công bố phương pháp đánh thuế để dân xem xét và đóng góp ý kiến, vì thuế mà người dân đóng sẽ “nuôi” bộ máy Nhà nước. Trước khi ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân, Chính phủ cần xem xét đến mức sống dân cư (thu nhập thực chứ không phải chỉ thu nhập danh nghĩa), xem xét đến phản ứng của các nhóm cộng đồng, đặc biệt các nhóm dễ bị tổn thương để đưa ra mức thu nhập tối thiểu chịu thuế cũng như thuế suất hợp lý. Ngoài ra, Chính phủ cần tham khảo kinh nghiệm các nước đi trước.
Tất nhiên, thuế là một hình thức cưỡng bức. Vì lợi ích cá nhân trực tiếp, không ai muốn nộp thuế. Do đó, việc người dân phản ứng lại việc Chính phủ “lấy tiền” trong túi của họ là điều khó tránh khỏi. Cần nhớ một nguyên tắc tổng quát trong việc đánh thuế của một nhà kinh tế người Pháp: đánh thuế cũng như việc nhổ lông ngỗng; làm sao để nhổ nhiều lông ngỗng nhất mà con ngỗng kêu ít nhất.