Bàn về Vốn xã hội

Vốn xã hội đang trở thành một vấn đề ngày càng được quan tâm ở nước ta, đặc biêt là để huy động và phát huy tốt hơn nữa mọi nguồn lực của đất nước cho sự nghiệp xây dựng dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây là điều đáng mừng. Trước khi bàn, xin khoanh lại: Vốn được hiểu là những gì đã có sẵn, ở trong quỹ, trong kho hay ở đâu đấy... - được tích lũy hay tạo nên từ sự vận động nào đó trong một quá trình, thiếu đặc tính có sẵn này (instantiated) thì không thể gọi là vốn. Trong phạm vi bài này, khái niệm vốn liên quan chủ yếu đến câu chuyện kinh tế - xã hội.

Cũng xin nói ngay: vốn xã hộinguồn lực xã hội là hai phạm trù khác nhau.
Nguồn lực xã hội, bên cạnh những thành tố trừu tượng, lại có nhiều thành tố cụ thể, xác định được, cân đong đo đếm được, nhìn nhận được.., ví dụ như: dân cư, vùng miền địa lý tự nhiên hay địa lý hành chính, tổ chức xã hội, lối sống (kể cả những đặc tính trong tiêu dùng, trong lao động…), chất lượng cuộc sống, môi trường tự nhiên…
Trong khi đó vốn xã hội lại là khái niệm hầu như chỉ bao hàm các thành tố trừu tượng.
Đương nhiên vốn xã hộinguồn lực xã hội là hai phạm trù kinh tế có nhiều vùng giao thoa nhau hoặc lồng trong nhau, ví dụ văn hóa là một thành tố vô cùng quan trọng trong vốn xã hội, song thành tố này cũng quan trọng không kém trong nguồn lực xã hội – ví dụ như trong lối sống…  Sự giao thoa hay lồng trong nhau của hai phạm trù này chứng tỏ cuộc sống vô cùng phong phú và linh động, song cũng phản ánh những tiến bộ mới trong tư duy – trước hết là tư duy trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Thế nhưng đánh đồng vốn xã hộinguồn lực xã hội làm một thì có lẽ là một sự lầm lẫn – mà lầm lẫn thì ít khi tránh khỏi trả giá. Ví dụ trong khi huy động nguồn lực xã hội cho một mục đích kinh tế nhất định, mà không tính đến, không huy động, thậm chí lại bỏ quên hay làm tổn thương vốn xã hội, sẽ có những vấp váp hoặc hiệu quả thấp.

Vậy vốn xã hội là gì và vai trò của nó?
 

Ngày nay đã có một số định nghĩa được tạm coi là chuẩn:
Trong khi vốn vật chất nói về các vật thể vật chất, vốn con người nói về nói về những sở hữu riêng là thuộc tính của con người, thì vốn xã hội nói về những mối liên hệ trong mạng kết nối giữa các cá thể từng con người với nhau, giữa cá thể con người và xã hội, về những  mối quan hệ tạo ra sự có đi có lại, sự tin cậy nhau, về những chuẩn mực hình thành từ những mối quan hệ này. Với nghĩa như vậy, vốn xã hội liên quan mật thiết đến phẩm chất công dân… (Putnam, 2000).
vốn xã hội liên quan đến các thể chế, các mối quan hệ, các chuẩn mực tạo ra số lượng và chất lượng những hoạt động tương tác lẫn nhau giữa những con người trong một xã hội… Vốn xã hội không phải là tổng số các thể chế làm rường cột cho một xã hội, mà là chất kết dính các thể chế đó lại với nhau và tạo ra một hiệu quả tương ứng. (World Bank, 1999).
Vốn xã hội bao gồm một khối những mối liên kết các hành động giữa những con người trong một xã hội: sự tin cạy nhau (chữ tín), hiểu biết lẫn nhau, sự bao dung, những giá trị và cách hành xử được cùng nhau chia sẻ… – nhờ đó tạo ra sự gắn kết trong những mỗi quan hệ giữa các cá thể từng người hoặc trong cộng đồng, cho phép tạo ra cách ứng xử giống nhau hay là hành động tập thể . (Prusak, 2001).
Vân… vân…
Như vậy có thể hiểu vốn xã hội là những chuẩn mực đã được tạo ra từ một quá trình vận động của xã hội và được chấp nhận, để hướng mọi người tới cách ứng xử giống nhau, khuyến khích sự hợp tác với nhau, hay cùng nhau chia sẻ những giá trị chung. Nền tảng chủ yếu của những chuẩn mực này là mối quan hệ có đi có lại (reprocity) và sự chia sẻ những giá trị cùng nhau thừa nhận giữa những con người với nhau hoặc trong một cộng đồng. Những chuẩn mực này được mở rộng mãi ra có khi sẽ tạo thành nhân sinh quan, xa hơn nữa là tạo thành giáo lý về lẽ sống – ví dụ như chúng ta thường thấy trong Đạo Phật, Đạo Khổng, trong Thiên chúa giáo, trong các tôn giáo khác.
Cần đặc biệt nhấn mạnh yếu tố văn hóa và yếu tố lịch sử đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra và làm phong phú vốn xã hội. Nhưng để nuôi dưỡng, tiếp tục làm giàu và phát triển vốn xã hội đã sẵn có, thì còn phải đồng thời phát triển nhà nước pháp quyền và xã hội công dân (còn gọi là xã hội dân sự), điều kiện không thể thiếu cho việc nâng cao phẩm chất công dân.
 
Đối với những nước đang phát triển tìm đường đi lên, việc phát triển vốn xã hội trên cơ sở phát triển nhà nước pháp quyền và xã hội công dân là bảo đảm tốt nhất loại bớt những hiện tượng hoang dã trên con đường hướng tới tương lai, là cách trả giá ít nhất những cái giá phải trả trong quá trình này, và là cách sử dụng tối ưu nhất, tiết kiệm nhất mọi nguồn lực có thể huy động được. Muốn tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường trở thành một quốc gia hiện đại phải tích tụ phong phú cho mình nguồn vốn xã hội cần thiết.
Có thể nói dứt khoát, tìm con đường phát triển từ nghèo nàn lạc hậu lên hiện đại cho một quốc gia trên cơ sở phát huy vốn xã hội, nhà nước pháp quyền và xã hội công dân là con đường tiệm tiến, mang nhiều tính xã hội chủ nghĩa nhất. Bởi lẽ:  (a) con đường này hàm chứa nhiều nhất các giá trị công bằng, dân chủ, văn minh, (b) vốn xã hội làm cho phát triển gắn được  với nâng cao yếu tố văn hóa – điều không thể thiếu cho phát triển bền vững. Nhờ vào “lợi thế nước đi sau”, các nước đang phát triển ngày nay có nhiều thuận lợi tận dụng những thành quả của văn minh nhân loại để khai phá cho mình con đường phát triển này.

Bàn về vốn xã hội ở Việt Nam
Là một nước có lịch sử lâu đời trải qua nhiều thử thách quyết liệt, có nền văn hóa phong phú đượm đà bản sắc riêng và đầy sức sống, tạo ra được những giá trị và nhiều truyền thống tốt đẹp, có thể nói vốn xã hội của Việt Nam khá phong phú.

Trong 30 năm đầu tiên của đất nước hoàn toàn độc lập và thống nhất, có thể nêu lên nhận xét: Trong thời kỳ 10 năm có khủng hoảng lớn kéo dài của nền kinh tế bao cấp, vốn xã hội ở nước ta đã góp phần xứng đáng của nó trong việc ngăn chặn sự đổ vỡ như đã xảy ra ở các nước Liên Xô Đông Âu cũ; trong thời kỳ 20 năm đổi mới, vốn xã hội cũng giữ một vai trò quan trọng như thế góp phần của nó vào tạo ra sức bật mới, đảo ngược hẳn tình thế hiểm nghèo của đất nước để tạo ra sự phát triển năng động như hiện nay. Nói một cách khác, thiếu nguồn vốn xã hội này, chế độ nước ta khó mà trụ được trong thời kỳ 10 năm khủng hoảng ấy và khó bứt lên được nhanh chóng như trong 20 năm đổi mới vừa qua.
Chính vì vậy vốn xã hội là một vấn đề quan trọng, hiện nay chưa được quan tâm nghiên cứu, đánh giá đúng mức ở nước ta.
Để bớt trừu tượng, xin lẩy ra đây một sinh thiết từ vốn xã hội ở nước ta để tìm hiểu: Chúng ta hãy thử đến thăm bất kỳ một làng nghề nào. Ví dụ ở đây là làng nghề làm giấy Phong Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Tới đấy, bạn sẽ khó hình dung nổi một làng nghề có số người sống bằng nghề làm giấy không thấm tháp gì so với tổng biên chế của nhà máy giấy Bãi Bằng, tổng vốn kinh doanh của họ cũng ít hơn rất nhiều lần. Nhưng làng nghề này lại làm ra một khối lượng giấy hàng hóa các loại có giá trị tương đương với giá trị đầu ra của nhà máy giấy Bãi Bằng! Các mối quan hệ truyền thống của làng – bao gồm cả quan hệ họ tộc hoặc không phải họ tộc, đã tạo ra một sự phân công lao động và chuyên môn hóa rất đáng để cho môn kinh tế – chính trị học hiện đại tìm hiểu. Các mối quan hệ này đã thay thế một cách kỳ diệu nhiều khâu không thể thiếu trong sản xuất kinh doanh.
Chọn xưởng làm giấy in lớn nhất của làng này để tới tham quan, bạn sẽ thấy nó có công suất bằng khoảng 1/3 công suất nhà mấy giấy Bãi Bằng. Ngoài cái xưởng làm giấy hoạt động suốt ngày đêm, nó chỉ có một cái sân tạm có mái che, chấm hết, không kho bãi, không văn phòng, không bộ máy hành chính, vì ông chủ làm giám đốc và kinh doanh, bà chủ làm quản trị và kế toán. Khi sản phẩm xuất xưởng, ông chủ chỉ cần “a-lô” cho đường dây phân phối do những người trong làng đảm nhiệm. Khi cần nguyên liệu hoặc những đầu vào khác – dù là từ cảng Sài Gòn hay cảng Hải Phòng tới… – lại cũng “a-lô” theo kế hoạch đã định sẵn. Khi cần vay nóng để làm việc gì đó – có khi tới dăm ba tỷ đồng – ông chủ cũng “a-lô” cho một ai đó trong làng, ngoài việc ký sổ nợ chẳng có thế chấp gì hết trọi. Cả làng có khoảng 100 xe tải của nhiều hộ khác nhau chuyên làm nghề vận tải cho bất kỳ ai – đường ngắn đường dài tùy yêu cầu của khách hàng. Ông chủ nói vui với khách tham quan: “Ngày xưa muốn “ới” nhau một tiếng cho một việc gì đó thì phải đến tận nhà nhau, bây giờ nhờ cái mobile chỉ cần ngồi nhà “a-lô” là xong! Lại còn thêm cái máy vi tính mắc vào internet nữa chứ!..” Các nhà làm nghề giấy khác trong làng cũng hoạt động theo phương thức đại thể như vậy. Mối quan hệ trong một mạng lưới hoạt động và chữ “tín” của làng đã cho phép làm cái việc ngày xưa gọi là “ới” nhau, ngày nay gọi là “a-lô” hay mail cho nhau.
Cái tên gọi khoa học của những gì làm nên việc “ới” nhau, “a-lô”  hay mail cho nhau như thế là vốn xã hội.
Làng nghề nào trong cả nước ta cũng có một vốn xã hội như thế – với các cung bậc và trình độ khác nhau, tùy trình độ phát triển mỗi nơi. Có thể dễ dàng hình dung vốn xã hội làm nên cái gì.
Nhìn rộng ra cả nước ta, vốn xã hội không đậm đặc như thế, song không thể nói là ít hoặc là không phong phú. Trình độ dân trí, truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết, truyền thống văn hóa cùng với biết bao nhiêu giá trị khác dân tộc ta đã hun đúc nên được trong suốt chiều dài lịch sử của mình cho đến nay là những nhân tố rất quan trọng cho phép nước ta tiếp tục nhân lên vốn xã hội của mình. Còn phải nhấn mạnh truyền thống gắn bó của nhân dân với Đảng – nền tảng cho sự ổn định chính trị – là thành tố quan trọng góp phần của nó trong việc tạo nên vốn xã hội ở nước ta – điều mà không phải nước nào cũng có. Lẽ cốt yếu là ý thức được tầm quan trọng của vốn xã hội và tự giác tạo ra mọi điều kiện hoàn toàn có thể tạo ra được trong văn minh thế giới ngày nay để nhân lên nguồn vốn quý này.
Thực hiện công bằng, dân chủ, văn minh trong cuộc sống hàng ngày là nguồn tích tụ lớn nhất để tăng nhanh vốn xã hội. Đòi hỏi phải xây dựng được nhà nước pháp quyền và xã hội công dân nằm trong cái lẽ này. Một khi mỗi người trong cả nước đồng thuận với nhau về những cái “chuẩn” và cùng hành xử theo những cái “chuẩn” này, có thể dễ dàng hình dung điều gì sẽ mở ra cho tiền đồ đất nước ta. Ví dụ như cả nước, đi đầu phải là từng đảng viên, sống và làm    việc theo pháp luật… Ví dụ mỗi người trong cả nước chăm lo gìn giữ chữ “tín” của mình… Ai cũng quan tâm gìn giữ “thương hiệu” của mình bằng chữ “tín” như thế,  Đảng và Chính phủ biết giữ chữ “tín” với dân như thế, cả nước biết giữ chữ “tín” của mình như thế với thế giới bên ngoài, khó khăn nào mà không vượt qua được! Con đường đi tới tương lai của đất nước sẽ thênh thang biết bao nhiêu! Cuộc đấu tranh của cả nước chống tham nhũng tiêu cực và những yếu kém khác cũng sẽ thuận lợi hơn biết bao để đi lên.
Chẳng có gì ngăn cản nổi chúng ta thực hiện chữ “tín” như thế, phát triển nguồn vốn xã hội như thế, ngoại trừ những yếu kém của chính bản thân chúng ta.
Chưa thể nói vốn xã hội của nước ta là giàu, thậm chí nên coi là nghèo nếu so với những chuẩn mực của một quốc gia văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, tiềm năng làm giàu vốn xã hội ở nước ta lớn lắm. Song những tha hóa mới đang xảy ra trong đời sống hàng ngày và sự hoành hành hiện tại của tham nhũng tiêu cực đang hủy hoại đáng kể vốn xã hội hiện có của nước ta. Những tệ nạn lạc hậu khác – bao gồm cả mặt trái của những điều thuộc về  đất lề quê thói cũng đang hùa theo góp phần hủy hoại của nó.
Thực sự đã đến lúc cần nhận thức sâu sắc vốn xã hội và dành mọi nỗ lực có thể cho việc làm giàu nguồn vốn này./.

Nguyễn Trung

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)