Bàn về vốn xã hội
Với việc nước ta gia nhập vào WTO, hành trình của dân tộc ta đang ở một bước ngoặt. Đây không chỉ là chuyện thương mại sẽ phải đương đầu với “giá rẻ của sản phẩm bắn thủng mọi thành lũy” mà C.Mác từng chỉ ra. Đương nhiên cũng có chuyện đó. Chẳng hạn, từ 1.1.2007 các doanh nghiệp Mỹ được quyền mở rộng công ty liên doanh bán lẻ tại Việt Nam và hai năm sau được phép thành lập doanh nghiệp bán lẻ với 100% vốn nước ngoài. Nếu không có sự chuyển đổi quyết liệt kết cấu hạ tầng thương mại còn quá lạc hậu của ta hiện nay với sự thiếu đồng bộ, thiếu tính liên kết, thì thời cơ chưa thấy đã thấy sự thách đố gay gắt. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, sự thách đố đó không chỉ là thách đố của kinh nghiệm trên thương trường mà là sự thách đố đối với bản lĩnh của cả dân tộc.
Chủ động, đó là bản lĩnh của nguời biết mình, biết ta. Chủ động để bình tĩnh trong nhận định và phân tích tình hình một cách nghiêm cẩn, không tự thị mà cũng chẳng tự ti. Vừa tự tin để có bản lĩnh dấn thân nhưng lại vừa thật lòng khiêm tốn học hỏi người để hạn chế sự thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết của mình. Đây là điều không thể khác vì hội nhập kinh tế quốc tế là một “cuộc chiến” đang diễn ra gay gắt và phức tạp với nhiều trận đánh, trong mỗi trận đánh ấy, sự sắp xếp lực lượng hai bên rất có thể là khác nhau. Hoàn toàn không loại trừ khả năng chính đồng minh trong trận này có thể là đối thủ trong trận sau. Trong quá trình ấy, quan hệ đối tác hợp tác và quan hệ đối phương tranh chấp đan xen nhau, sự cạnh tranh trên đại thể, được nhìn nhận là động lực đặc trưng mạnh nhất của kinh tế thị trường toàn cầu hiện đại, thì trong cụ thể, có thể có tính chất lành mạnh trong trường hợp này, lại cũng có thể có tính không lành mạnh trong trường hợp khác. Chính ở đây, bản lĩnh được thể hiện.
Phải trên quan điểm đó mà bàn về “vốn xã hội”. Vì nói đến vốn xã hội, thực chất là nói đến con người, nguồn lực quyết định của phát triển. Con người trong mối tương tác với môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội. Mối tương tác đó chịu sự tác động của hệ thống quản lý. Hệ thống quản lý ấy đang thúc đẩy hay đang kìm hãm tính năng động của con người. Và tính năng động của từng con người tạo nên tính năng động xã hội, thúc đẩy sự phát triển. Ấy thế mà, không có con người chung chung, “con người” luôn luôn là “con người này” theo cách nói của Hégel, tức là con người, trong một khung cảnh xã hội nhất định đang chịu sự tác động, sự chi phối của một hệ thống quản lý nhất định. Vì thế, vốn xã hội chịu sự quy định của cả ba yếu tố cơ bản đó.
Xin nêu mấy vấn đề sau:
1. Thế kỷ chúng ta đang sống là thế kỷ mà vai trò cá nhân con người được khẳng định cùng với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ gắn liền với sự xuất hiện của nền kinh tế tri thức. Khoa học và công nghệ thực sự đã trở thành sức sản xuất trực tiếp, chẳng những thế, hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm sẽ ngày càng giữ vai trò hơn hẳn các nhân tố về tư liệu sản xuất, tiền vốn, nguyên liệu. Chính vì thế, sáng tạo và linh hoạt trong tư duy cũng như trong hành động là phẩm chất hàng đầu của con người sống trong thời đại của nền văn minh mới, nền văn minh trí tuệ. Trong nền văn minh đó,“sự thay đổi vĩ đại nhất sẽ là sự thay đổi về tri thức-về hình thức và nội dung, về ý nghĩa của tri thức, về trách nhiệm của tri thức và về những đặc điểm của con người có giáo dục””.1 Để có những con người như vậy, phải xác định thật rõ cuộc cách mạng về thông tin, về khoa học và công nghệ trước hết là “cuộc cách mạng về các quan niệm“.2 Trong “cuộc cách mạng về các quan niệm” đó, có quan niệm về nguồn lực con người, về chất xám và hàm lượng của nó trong sản phẩm kinh tế có ý nghĩa quyết định. Vốn xã hội nằm ở đây. Nói như thế chỉ cốt lưu ý đến nét đặc thù do thời đại mang lại chứ thật ra, trong tiến trình lịch sử, thì từ khi có xã hội loài người cho đến nay, có bao giờ mà con người không là nhân tố quyết định của sự phát triển của nền văn minh qua các thời đại? Dẫn ra những ý trên để làm điểm tựa trong suy ngẫm về vốn xã hội: ba mươi năm sau chiến tranh, đặc biệt là hơn 20 năm Đổi mới, bên cạnh những thành tựu kinh tế tương đối rõ nét, thì hai lĩnh vực yếu kém nhất, cũng là lạc hậu nhất của đất nước ta là văn hóa, giáo dục và khoa học, công nghệ! Hai lĩnh vực này lại là chìa khóa của phát triển, trực tiếp quyết định nguồn lực con người của phát triển “những con người có giáo dục”. Thấy cho kỹ, cho sâu vấn đề này không dễ.
Đúng là “có thực mới vực được đạo”. Không có những tiến bộ về kinh tế, không vượt qua được “cái ngưỡng” của mức nghèo khổ phản ánh qua chỉ số GDP đầu người, thì cũng khó mà nói đến phát triển trong ý nghĩa đích thực của nó. Thế nhưng, bứt lên về kinh tế tuy đã hết sức gay go, song sẽ khó hơn nhiều là bứt lên về văn hóa, vì rằng“ giá trị cao quý nhất, đẹp đẽ nhất, cái mùi, cái vị, cái hương, cái thơ của đời sống, đó là giá trị văn hóa, giá trị tinh thần” – một cách diễn đạt rất hay của Phạm Văn Đồng. Cho nên, “Người ta không chỉ sống bằng bánh mì”, tiếng nói đó cất lên ở Liên Xô trong thời kỳ còn là hình mẫu cho một “xã hội mơ ước” của chúng ta. Thế rồi, tất nhiên thôi, tác giả của cuốn sách với tên gọi đó đã bị đòn hội chợ, “thân bại danh liệt” vì bị kết tội là “mơ hồ trong quan điểm”, là sự “phản bội lại lý tưởng của nhân dân” bởi chính nội dung của cuốn sách là hé lộ ra một sự thật vốn được giấu kín trong cái vỏ quyền uy đáng sợ của “chuyên chính vô sản”. Cái sự thật được nói lên có phần còn rụt rè, e ngại nhưng không kém phần dũng cảm đó, rồi sẽ là một trong những nguyên nhân cơ bản đẩy tới sự sụp đổ của một chế độ được xây dựng hơn 70 năm.
“Bánh mì” thì lúc ấy Liên Xô không thiếu. Người ta còn đủ lực để đưa con người Xô Viết vào vũ trụ trước Mỹ. Nhưng dân chủ và tự do thì thiếu, rất thiếu. Một xã hội mà con người chỉ được nhìn theo một hướng, nghĩ theo một cách, làm theo một mệnh lệnh, không được quyền sống thật, nói thật, là một xã hội không được xây trên một nền móng đích thực. Nói “lâu đài xây trên cát” thì thật tàn nhẫn, vì đâu phải là cát, mà là núi xương, sông máu đấy chứ, song đau đớn thay, hình ảnh ấy tuy tàn nhẫn song có cái hạt nhân duy lý của nó. Vì rằng, khi lâu đài đó sụp, tuyệt đại bộ phận dân chúng dửng dưng, kể cả những người vốn được xem là trung kiên, nòng cốt cũng đứng nhìn chứ không ghé lưng vào chống đỡ. Đương nhiên, cùng với nguyên nhân sâu xa nói trên, sự thất bại của mô hình kế hoạch hóa tập trung bao cấp kéo dài đã đưa tới sự trói buộc, kìm hãm sức sản xuất, năng suất lao động ngày càng giảm, khoa học công nghệ không theo kịp bước phát triển thế giới đã đẩy nền kinh tế Xô Viết đến bờ vực. Trọng bệnh bên trong đã làm suy yếu nội tạng, khiến không còn sức chống đỡ với sự tấn công từ bên ngoài bấy lâu phục sẵn, chờ dịp. Đây là sự kiện dữ dội kết thúc thế kỷ XX, một thế kỷ “ngang ngạnh và bướng bỉnh” với biết bao nhiêu sự biến, tráng lệ huy hoàng có, khốc liệt và khủng khiếp có. Phải nhìn vào bình diện văn hóa, vào đời sống tinh thần để nhận diện cho đúng những sự kiện kinh tế và thể chế.
Tác giả của câu nói về văn hóa đã dẫn ở trên, Phạm Văn Đồng đã từng tinh tế, tuy vẫn còn dè dặt và thận trọng gợi lên một dự cảm “đến một lúc nào đó người ta sẽ nói đời cần thơ hơn cần cơm”. Rồi ông đã chọn lấy một câu của chính M.Gorki , “nhà văn thời thượng” của thời đoạn ấy, để gợi lên với văn nghệ sĩ từ những năm 1962, lúc mà sự cực đoan, quá khích đã cứ muốn dìm chết cá nhân đi liền “chủ nghĩa cá nhân”: “Bạn hãy giữ lấy cái gì là riêng của mình, hãy săn sóc làm sao cho nó phát triển tự do. Lúc một người không có cái gì là riêng của mình. Thì phải thấy ở người đó chẳng có gì hết”3. Bước vào thế kỷ XXI, với vai trò cá nhân được khẳng định, được đề cao gắn liền với nền văn minh trí tuệ, ý tưởng đó cùng với sự kiện dữ dội nói trên càng gợi lên nhiều điều để suy ngẫm về cái vốn xã hội.
Thì ra, cá nhân xem ra chẳng là gì trước cái mênh mông biển người trong xã hội, thế nhưng, vốn xã hội không nằm đâu khác ngoài những cá nhân đó. Vả chăng, như C.Mác khẳng định “Điều kiện đầu tiên của mọi lịch sử loài người dĩ nhiên là sự tồn tại của những con người sống”! Mà lịch sử, xét đến cùng là sự vận động trong thế tương quan giữa những lực lượng để tìm ra một véctơ đường chéo hình bình hành vạch ra con đường phát triển của nó. Những “lực lượng” ấy không có gì khác, là những cá nhân hợp thành. Mỗi cá nhân hành động theo những mục đích riêng tư không ai giống ai, với những năng lực, trình độ, bản lĩnh cũng hết sức khác nhau. Tất cả những cái khác nhau đó đụng độ, va đập, triệt tiêu lẫn nhau đồng thời bổ sung cho nhau hợp thành một véctơ lực đẩy sự phát triển đi tới không gì cản lại được của xã hội. Vì đó là sự sống. Dòng chảy của cuộc sống là liên tục không gì có thể ngăn chặn. Lực cản chỉ có thể làm chậm lại. Nhưng rồi sự sống vẫn phải tự khơi thông dòng chảy cho chính nó. Vốn xã hội nằm trong dòng chảy liên tục đó. Vì thế, nếu mỗi cá nhân được vận động và phát triển theo đúng cái mà nó có thì vốn xã hội sẽ được bồi đắp. Lưu thông, chu chuyển cũng là sự bồi đắp, tăng trưởng.
Nhưng nếu mỗi cá nhân bị thui chột đi bởi sự áp đặt về cách nghĩ, cách cảm, bởi sự độc quyền, chuyên chế bóp chết mọi tìm tòi, sáng tạo thì vốn xã hội cũng sẽ thui chột và tiêu tan. Khi bầu không khí trong đời sống tinh thần xã hội đỡ ngột ngạt, nhớ lại một thời đã qua, người ta mới rùng mình nghĩ lại thân phận “con sâu, cái kiến” mà cứ được khoác cho cái áo quá rộng, quá sặc sỡ của người làm chủ. Nhưng cũng đừng nghĩ rằng, cứ giải phóng cá nhân đi, thì tự khắc có phát triển.
Có thể có phát triển theo nghĩa những tiệm tiến nhỏ giọt, vì đó là sự vận động của cuộc sống. Nhưng, phát triển bền vững thì không. Bởi lẽ sâu xa là: Văn hóa không thể và không hề là “mì ăn liền”. Thoạt nhìn, cứ ngỡ như chúng ta có thể “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” hướng tới một mục tiêu nào đó của một chương trình hành động, một chiến lược kinh tế xã hội nào đấy. Song bình tĩnh và nghiêm cẩn phân tích kỹ, sẽ thấy “nhanh và mạnh” thì trong một thời đoạn nào đấy là có thể. Nhưng, bền vững theo ý nghĩa chặt chẽ của nó thì không. Vì văn hóa chứ không phải kinh tế quyết định sự bền vững đó. Đây là bài học lớn mà loài người, bằng sự trải nghiệm của lịch sư, đã đúc kết được.
Có nhiều lý do, nhiều tác nhân phức tạp không thể kể hết. Song cơ bản nhất thì gạch non không xây nên được bức tường vững. Những cá nhân tạo nên hợp lực của véctơ đường chéo hình bình hành đẩy xã hội đi tới chưa được luyện đủ ngày, đủ tháng trong nhiệt độ cần có của ngọn lửa thời gian. Văn hóa của từng con người vốn được hun đúc nên từ sự chuẩn bị lâu dài của nhiều thế hệ. Mỗi cá nhân nhận lĩnh được của cha ông từ mối quan hệ di truyền, trong nguồn mạch của lịch sử theo cung cách “từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe” như Trịnh Công Sơn từng cảm nhận với sự nhạy cảm thiên tài của người nghệ sĩ.. Ấy vậy mà những tố chất di truyền và giáo dục, trong đó có giáo dục gia đình là hết sức quyết định. Ác một nỗi là chúng đều đòi hỏi điều kiện tiên quyết là thời gian! Mọi sự rút gọn, “đi tắt, đón đầu” trong chuyện này đều phải trả giá. Chỉ có điều, tức thời người ta chưa nhận ngay ra cái giá đó, mà cũng lại phải trải qua sự khảo nghiệm của thời gian. Sự hụt hẫng của nhân tài trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong bộ máy quản lý, trong đội ngũ lãnh đạo là cái giá phải trả của sự vội vã bởi sự mê hoặc của “đại nhảy vọt”, của “một ngày bằng hai mươi năm”, của “bổ túc văn hóa” chứ không là sự đào tạo có bài bản, nghiêm cẩn của một hệ thống giáo dục theo một quy trình chặt chẽ bắt buộc.
Thời gian, yếu tố nghiệt ngã của văn hóa, của vốn văn hóa, nền móng của sự phát triển. Xét đến cùng, văn hóa trước hết phải là sự phát triển của con người trong toàn bộ sự phong phú các mối quan hệ của nó với thế giới xung quanh, trong tính toàn vẹn của sự tồn tại tích cực của con người. Đó không chỉ là các quan hệ hiện có mà còn là lịch sử của các quan hệ đó, tức là mối liên hệ với quá khứ, sự tiếp nhận những thành tựu của quá khứ, cũng như sự rũ bỏ những gánh nặng của quá khứ.
Chỉ có thể từ đấy mà suy ngẫm về vốn xã hội.
2. “Nền văn minh, đó là những con đường, những cảng và những bến cảng”. Ngẫm cho kỹ thì câu nói hàm súc mang chút dí dỏm pha ý vị triết lý ấy có cái lý của nó. Nhưng, còn con người? Ai đã làm nên những con đường, những cảng và bến cảng đó? Ai? Con người hiện diện trong cuộc sống, và rồi trong lịch sử như thế nào, khi bóng dáng của họ đã mờ phai, chỉ còn lại “những con đường, những cảng và bến cảng”? Phải chăng vì thế mà Arnold Toynbee thường xuyên dùng từ xã hội (society) thay vào từ nền văn minh (civilization), còn Marcel Mausse thì cho rằng”khái niệm về nền văn minh chắc chắn là không rõ ràng bằng khái niệm về xã hội mà nó đề ra”. Có cái lý gì đây khi các học giả đó đặc biệt chú trọng đến khái niệm xã hội? Phải chăng họ muốn khuyến cáo phải chú ý đến con người, đến thân phận của con người, hạnh phúc của con người, cái mà con người nhận được và con người nhằm tới trên con đường họ đã đi, đang đi và sẽ đi.
Trên đất nước ta hôm nay, “những con đường”, rồi “những cảng và bến cảng” đang mọc ra hàng ngày. Những thành tựu kinh tế được hiện diện đậm nét trên từng trang báo. Hoạt động kinh tế đang giữ nhịp cho đời sống. Thế còn xã hội thì hiện diện ở đâu? Câu hỏi ấy cũng na ná như nỗi băn khoăn của Becton Brêcht “thế rồi hiệp thợ nề đi về đâu” khi nghĩ về bức “vạn lý trường thành”. Xã hội rất khái quát, nhưng xã hội cũng rất cụ thể. Quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, các công trình đồ sộ và hiện đại, là các khu ổ chuột chật chội, nhem nhuốc các quán trọ, các chỗ tá túc của hàng nghìn công nhân mà xem ra xưa kia, những tường trình của Ph.Ăngghen trong “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh” hay những miêu tả của M.Gorky trong “Người Mẹ” cũng không sáng sủa gì hơn! Những công nhân này đến từ đâu? Từ nông thôn, nông nghiệp. Họ là những nông dân buộc phải rời quê hương bản quán để tìm công ăn việc làm ở đô thị, nơi họ đã và đang gánh chịu thân phận những “phó thường dân” bị hành hạ bởi “cơ chế hộ khẩu” với 320 văn bản nhà nước “ăn theo” cái sổ hộ khẩu đó!
Phải rời quê hương bản quán vì sau đột phá “khoán”, nông thôn, nông nghiệp đã “cứu được một bàn thua trông thấy cho đô thị và công nghiệp” trước khủng hoảng trầm trọng kéo dài đẩy đất nước đứng bên bờ vực, để rồi hôm nay, tuy làm ra hạt gạo xuất khẩu đứng thứ nhì thế giới, đại bộ phận nông dân vẫn còn nghèo khổ. Nông thôn đất chật người đông, thừa người thiếu việc. Đất đã ít, lại phải dành cho công nghiệp hóa, đô thị hóa. Chuyển quỹ đất nông nghiệp cho công nghiệp, cho đô thị là cần thiết để phát triển, nhưng mượn cái bình phong quy hoạch và dự án để đem “quốc gia công thổ” ra chia chác cho nhau, chưa nói đến hàng chục ngàn hecta đất nông nghiệp bị bỏ hoang trong các “quy hoạch treo”, “dự án treo” trong lúc nông dân không có đất sản xuất thì đó là tội ác.
Vì thế, vốn xã hội có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ sở hữu, mà quan trọng nhất là sở hữu kinh tế. Không giải quyết thật đúng đắn vấn đề này, không sao tạo ra được động lực xã hội. Không có động lực, thì vốn xã hội không sinh sôi nảy nở mà chỉ bị triệt tiêu dần. Sự phân tích kinh tế về sở hữu chỉ rõ sở hữu là quan hệ sản xuất, nhưng sở hữu cũng là thước đo của trình độ phát triển kinh tế, nó là tất yếu với trình độ đó và chỉ mất đi khi đã vượt lên một trình độ mới. Sở hữu là một tổ hợp các quyền về pháp lý cũng như về kinh tế, tổ hợp ấy có khả năng chia tách ra từng bộ phận. Khi nói về chế độ sở hữu, chí ít cũng phải nói đến bốn nhân tố quan trọng: nguồn gốc cuả sở hữu, mục đích của sở hữu, quyền sở hữu và nghĩa vụ của sở hữu. Vì không đặt đúng tầm mục đích của sở hữu mà chỉ chăm chăm nghĩ đến quyền sở hữu để khư khư giữ chịt lấy cái quyền sở hữu ấy, xem đó như là cứu cánh của chủ nghĩa xã hội. Cái lệch nặng nhất trong quan niệm về chế độ sở hữu là ở chỗ này. Và cũng từ cái lệch đó mà vốn xã hội bị xâm phạm nghiêm trọng. Rồi chính sự xâm phạm này đã ảnh hưởng nặng nề, làm mai một nguồn vốn xã hội. Vì quyền thường gắn với lợi, nên xu hướng người có quyền thường tìm mọi cách, thường là cách bất hợp pháp, để mở rộng nó ra, nhằm thu được nhiều lợi.
Điều phổ biến thường thấy là nhân danh quyền sở hữu toàn dân hoặc sở hữu tập thể, nhưng thực chất là cá nhân đại diện cho cái quyền được mở quá rộng đó để thu lợi về cho mình hoặc cho phe nhóm cùng lợi ích. Cùng với việc mở rộng quyền một cách tùy tiện như vậy lại có những hạn chế quyền cũng tùy tiện không kém . Mà việc hạn chế đó thường rơi vào số đông dân cư, những người “thấp cổ bé họng”. Trong đó, chẳng hạn như chuyện người nông dân gặp khó khăn trong chuyển đổi mục đích sử dụng trên mảnh đất thuộc quyền của mình, hoặc những áp đặt không công bằng và thỏa đáng với nhiều khuất tất trong “đền bù giải tỏa”. Sự thao túng này là nguồn cơn của sự bất ổn định xã hội mà ngọn lửa âm ỉ là các vụ khiếu kiện cá nhân và tập thể ngày một nhiều. Chừng nào vấn đề sở hữu, đặc biệt là sở hữu đất đai, chưa được giải tỏa khỏi sự trì kéo của tư duy cũ, mô hình cũ đã tự chứng minh không còn lý do tồn tại, chừng ấy vốn xã hội còn thất thoát nặng.
Nhân bàn về “vốn xã hội”, xin nhắc lại sự kiện Thái Bình năm 1997. Tìm hiểu nguyên nhân sâu xa làm bùng nổ xung đột xã hội ở nông thôn tại một nơi vốn là lá cờ đầu của hầu hết các lĩnh vực xây dựng và phát triển nông thôn của cả nước, một sự kiện khá điển hình, giúp làm sáng tỏ vấn đề “vốn xã hội”. Trước hết, xin gợi lại một vấn đề cứ tưởng như xưa cũ rồi: “Làng của Việt Nam tự quản lý lấy chính nó. Nhà nước không nên can thiệp vào công việc của làng, trừ phi làng không thực hiện nghĩa vụ của mình là đóng thuế thân, thuế đất, đi phu, đi lính”4 . Tác giả của “La commune anammite”, P.Ory, đã từng lưu ý những nhà cai trị thực dân như vậy. Thế nhưng chúng ta thì lại quên. Các tổ chức tộc họ, phe giáp, phường hội… với những vai trò khác nhau phải lựa chọn cách ứng xử trước áp lực của lệ làng, của hương ước có khả năng dung hòa các quan hệ xã hội khác nhau, tạo nên đời sống tương đối ổn định của cái làng Việt Nam trong tính tự quản vốn có của nó. Những cái đó đã mất đi cùng với sự ra đời của một cách tổ chức xã hội mới sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, đặc biệt là sau 1954 ở Miền Bắc.
Cơ cấu xã hội ở nông thôn được hình thành trong quá trình hợp tác hóa đã đơn giản hóa đến mức tối đa, chỉ còn lại một bên là những nông dân với các hộ gia đình xã viên, bên kia là Ban Chủ nhiệm HTX, Đảng ủy, Ủy ban và các đoàn thể, bao gồm cả Mặt trận Tổ quốc đều đã được “nhà nước hóa”. Các hình thức tự quản vốn có hầu như bị xóa sạch. Không một lực lượng xã hội nào được tồn tại có tính tự trị, tự quản tương đối độc lập ngoài những đoàn thể tổ chức đã “nhà nước hóa” hay là những “cánh tay nối dài” của tổ chức Đảng cơ sở. Người ta đã không hiểu được rằng, khi phá vỡ tính tự trị của làng xã thì cũng đồng thời xóa mất tính trung hòa do sự chế ước và dung hợp của những quan hệ cộng đồng tạo nên. Bài học Thái Bình thường được phân tích là bài học về sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị ở nông thôn, nhưng còn một bài học nữa ít được phân tích, đó là bài học về tổ chức xã hội. Ở đây là tổ chức quyền lực và “xã hội dân sự” tại nông thôn. Không thấy rõ điều này sẽ là sự thất thoát lớn nguồn vốn xã hội có bề dày truyền thống của cộng đồng nông thôn. Và có lẽ cũng không chỉ nông thôn.
Đại hội X đặt vấn đề “Cần xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân”. Đó chính là nguyên lý của sự tạo dựng “Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân”. Nguyên lý đó nói rõ rằng “ quyền lực là của nhân dân và chỉ ở nhân dân mà thôi”. Nhân dân trao quyền lực của mình cho Nhà nước, để Nhà nước đảm nhiệm chức năng quản lý sự vận hành của xã hội. Làm sao để quyền của dân đã được trao ấy, các cơ quan, tổ chức được trao quyền, không được lạm quyền, không được tiếm quyền nhằm biến chúng thành đặc quyền để chỉ thủ lợi riêng cho cá nhân hoặc phe nhóm, đi ngược lại lợi ích của dân.
Ngoài quyền lực được trao cho Nhà nước, dân vẫn phải có quyền lực của mình, một biểu hiện của quyền lực đó là sự tự quản trong mọi hoạt động xã hội về chính trị, về kinh tế, về văn hóa giáo dục, về truyền thông đại chúng, thể dục thể thaov.v… mà không nhất thiết phải có bàn tay của Nhà nước nhúng vào. Đó là các “lĩnh vực tư” mà dân tự quản lấy bên cạnh “lĩnh vực công” do Nhà nước đảm nhiệm. Cả hai lĩnh vực này song hành với nhau, và cả hai đều đòi hỏi phải xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của cá nhân. Không tạo dựng và hoàn thiện các tổ chức tự quản, các hoạt động của “xã hội dân sự”, sẽ làm thất thoát một nguồn vốn xã hội quan trọng.
Để làm rõ thêm ý này xin đưa thêm một thông tin. Gần đây, tổ chức “Liên minh thế giới vì sự tham gia của công dân” (CIVICUS) đã đưa ra một định nghĩa về “xã hội dân sự” như sau: XHDS là “Diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung”5. Đây cũng là một gợi ý mới để tìm hiểu về “vốn xã hội”. Theo đánh giá của CIVICUS thì 74% số công dân là thành viên tối thiểu một tổ chức, 62% là thành viên của từ 2 tổ chức, và tính bình quân mỗi công dân tham gia 2,3 tổ chức. Trong đó, nhóm hội viên lớn nhất thuộc về các tổ chức quần chúng, đoàn thể phụ nữ, tổ chức phúc lợi xã hội, các tổ chức cộng đồng địa phương, các tổ chức thể thao, vui chơi, giải trí, các tổ chức giáo dục, nghệ thuật, âm nhạc và các hội nghề nghiệp. Sự đánh giá này đúng đến đâu chắc còn cần phải trao đổi kỹ. Tuy nhiên, những thông tin nói trên đưa ra từ một cuộc khảo sát có bài bản cũng là một gợi ý tốt để nghĩ về cách phát huy nguồn vốn xã hội sắp tới gắn liền với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự.
3. Từ hai vấn đề đã trình bày ở trên có thể kết luận rằng: có khai thác, phát huy được vốn ấy hay không là tùy thuộc vào hệ thống quản lý, đây là vấn đề nhạy cảm, nhưng không thể lẩn tránh trong tìm tòi khoa học. Dù diễn đạt khéo léo, tế nhị thế nào chăng nữa thì sự thật vẫn là: vốn xã hội của ta đang bị thất thoát nặng. Nguyên nhân có nhiều. Song nguyên nhân cơ bản nhất là sự yếu kém của hệ thống quản lý. Chỉ xin gợi những ví dụ mà ai cũng biết:
* Nhìn ở bình diện cá nhân: vẫn con người Việt Nam ấy, sao khi làm việc ở một cơ sở khoa học hay công nghệ hoặc công ty ở nước ngoài thì có thể phát huy được tài năng, song nếu trở về làm việc trong nước thì không được như thế, thậm chí lại bị mai một dần đi ?
** Nhìn ở bình diện quốc gia: lấy xuất phát điểm của 1975, Hàn Quốc và nước ta suýt soát như nhau, thế nhưng sau 30 năm, bây giờ Hàn Quốc thế nào, ta thế nào? Nhìn vào nguồn lực con người của một đất nước, hãy so sánh Singapore và ta. Với diện tích và dân số, đảo quốc này chỉ suýt soát bằng tỉnh Thanh Hóa của ta, về tài nguyên khoáng sản có thể nói không có gì, họ chỉ có con người : 3 triệu người Singapore đã làm ra tổng sản lượng quốc nội (GDP) là 140 tỉ USD, gần gấp 3 lần của hơn 80 triệu người Việt Nam chúng ta. Nguyên nhân tại sao?
Có lẽ không thể tìm về khí hậu, đất đai, tài nguyên, sinh thái.., tuy nhiên, nếu có sự nghiên cứu công phu để chỉ ra những tác động của chúng đến con người, đến việc phát huy những mặt mạnh hay nuôi dưỡng những mặt yếu của con người Việt Nam chắc cũng có những đóng góp thú vị về tìm hiểu “vốn xã hội”.
Nhưng trước hết, nguyên nhân dễ thấy nhất, không phải nghiêu cứu gì nhiều, đó là hệ thống quản lý. Về điều này thì tốt nhất là dẫn ra đây nhận định của Đại hội X: “Tư duy của Đảng trên một số lĩnh vực chậm đổi mới; một số vấn đề ở tầm quan điểm, chủ trương lớn chậm làm rõ nên chưa đạt được sự thống nhất cao về nhận thức và thiếu dứt khoát trong hoạch định chính sách, chỉ đạo điều hành… Một bộ phận cán bộ đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp yếu kém về phẩm chất, năng lực và tinh thần trách nhiệm, vừa thiếu tính tiên phong, gương mẫu, vừa không đủ trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ.”6
Vốn xã hội sẽ tiếp tục thất thoát nếu những vấn đề trên không được khắc phục, cũng có nghĩa cứ để sự yếu kém của hệ thống quản lý kéo dài thì sự tương tác giữa ba nhân tố : “con người, khung cảnh xã hội và hệ thống quản lý” tạo dựng nên nguồn lực xã hội sẽ bị suy thoái, vốn xã hội sẽ có nguy cơ giảm sút.
Chú thích :
1 và 2.Peter F.Drucker. “Post-Capitalist society” Harper Business 1993
3. Phạm Văn Đồng , “Tuyển tập văn học”. NXBVăn học.Hà Nội.1996,
4.. P.Ory “La commune anammite”, Challamel-Paris. 1894
5. “Đánh giá ban đầu về xã hội dân sự tại Việt Nam”. Báo cáo nghiên cứu, Dự án CIVICUS CSI-SAT
6. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X. NXBCTQG. Hà Nội 2006