Bàn về vốn xã hội cho sự phát triển của Việt Nam

Vốn xã hội trở thành một đề tài đang ngày càng được quan tâm thảo luận một cách sôi nổi và đa dạng, đặc biệt là trong đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học và hoạch định chính sách. Trong bài tham luận này, tôi xin được tập trung làm rõ mấy vấn đế như nguyên nhân và sự cần thiết đưa ra nội dung vốn xã hội, những đặc điểm của vốn xã hội của Việt Nam, những giải pháp để phát triển vốn xã hội trong phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.

Nguyên nhân và Sự cần thiết của đề tài vốn xã hội

Vấn đề trước tiên là cùng phải nhìn lại, làm rõ, và thống nhất nguyên nhân và sự cần thiết của việc đặt ra đề tài vốn xã hội. Nếu không đặt lại vấn đề này một cách mạch lạc và nhất quán rất có thể chúng ta sẽ không rút ra được những kết luận và hành động hữu ích đằng sau đề tài vô cùng quan trọng này.Hẳn chúng ta đều có thể dễ dàng thống nhất rằng nguyên nhân và sự cần thiết đối với vốn xã hội là xuất phát từ yêu cầu của sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước một cách toàn diện và bền vững trong bối cảnh toàn cầu hoá. Vì thế, một yêu cầu bắt buộc chính là các khái niệm, phương pháp triển khai và sử dụng vốn xã hội phải phù hợp với Việt Nam và phải tương thích với yêu cầu thế giới; phải đảm bảo thiết thực cho sự phát triển của Việt Nam và thế giới. Trong sự phát triển của nhân loại nói chung và các cộng đồng, các quốc gia nói riêng có sự tồn tại, tích lũy và phát triển của các loại hình vốn khác nhau, trong đó, vốn xã hội luôn luôn tồn tại và đóng một vai trò hết sức quan trọng bên cạnh vốn tư bản, vốn kinh tế – là những nguồn vốn người ta thường quan tâm trong cách hiểu thông thường. Trong thực tiễn phát triển, các nhà khoa học đã phát hiện và chứng minh được sự tồn tại và tầm quan trọng của vốn xã hội. Người ta bắt đầu quan tâm đến khái niệm vốn xã hội khi lý giải hiện tượng hai cộng đồng dân cư có tài sản (vốn tư bản), các nguồn lực (vốn con người, vốn công nghệ,…) và môi trường (vốn tài nguyên) tương đương nhau nhưng một bên phát triển một bên thì suy tàn. Từ đó, nhân loại đúc rút và tiến hành làm hoàn thiện khái niệm vốn xã hội, những nội dung liên quan và mối tương quan với các nguồn vốn khác. Có thể nói, vốn xã hội có vai trò như chất keo kết dính các nguồn vốn khác lại và cũng là một hệ số để tăng hiệu quả tổng hợp của các nguồn vốn đó. Ngược lại, trình độ phát triển của các loại hình vốn khác có vai trò tạo môi trường để vốn xã hội tồn tại và phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng, khi mà các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các cộng đồng, các quốc gia ngày càng trở nên đang dạng, đan xen, phức tạp, thì hiển nhiên, vai trò và tầm quan trọng của vốn xã hội ngày càng tăng và trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vốn xã hội ngày càn có vai trò quan trọng trong sự phát triển, đặc biệt là ở khả năng vừa đảm bảo tính ổn định (vai trò như một chất keo) vừa có thể tạo ra tính đột phá (vai trò như một hệ số). Chính vì vậy, việc nhận thức được sự tồn tại, hiểu rõ được quy luật phát triển và phương thức sử dụng và phát huy một cách hiệu quả vốn xã hội trở thành một yêu cầu bức thiết đối với mọi quốc gia và đối với toàn thể nhân loại. Rõ ràng, vốn xã hội là một tồn tại tất yếu, sự phát triển của vốn xã hội là một quy luật và phương pháp phát triển tất yếu của nhân loại. 

Thế giới của toàn cầu hoá thông tin và tri thức nhân loại, chúng ta sẽ dễ dàng tiếp cận rất nhiều các định nghĩa khác nhau về cùng một khái niệm vốn xã hội; rất nhiều các quan điểm, các mô hình và biện pháp sử dụng và phát triển vốn xã hội khác nhau.  Trong khi đó, trình độ phát triển của Việt Nam nhìn chung còn kém, còn lạc hậu so với thế giới; nên, một mặt cần phải đón nhận nhiều yếu tố vốn xã hội tiên tiến, mặt khác sẽ vấp phải những hạn chế về năng lực tiếp cận và làm chủ các khái niệm, phương pháp hiện đại. Mặt khác, Việt nam lại có một nền văn hoá phong phú với bản sắc riêng và đầy sức sống, sở hữu nhiều giá trị và truyền thống tốt đẹp. Các ngồn vốn xã hội tốt đẹp vốn có của Việt Nam cần được nhận dạng, dìn giữ, và phát huy; đó có thể là: tính cộng đồng, các giá trị nhân văn của “tình làng, nghĩa xóm”; các quan hệ phường, hội kinh doanh, các làng nghề,… Các khái niệm và quan điểm về vốn xã hội hầu hết lại xuất phát từ văn minh phương Tây nên hiển nhiên sẽ có những độ vênh khi được chuyển tải một cách trực tiếp vào xã hội Việt Nam. Từ tất cả các lý do kể trên, yêu cầu phù hợp với Việt Nam là một yêu cầu bắt buộc và sẽ bao gồm hai nội dung chính: một là, phải cần thiết và thích hợp với trình độ phát triển chung của kinh tế – xã hội Việt Nam, đảm bảo cộng đồng có thể hấp thụ và phát huy; hai là, phải đảm bảo bao hàm và phát triển được những điểm mạnh vốn có về vốn xã hội của nước ta.Việt Nam cũng sống trong cộng đồng chung của nhân loại đang ngày càng liên quan và lệ thuộc vào nhau, do vậy, tính chất của vốn xã hội Việt Nam phải đảm bảm tính tương thích với thế giới, để hội nhập và huy động được các nguồn vốn xã hội và các loại hình vốn khác của thế giới phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam.
Vốn xã hội là một nguồn vốn có tính hai mặt; nó có thể hướng đến sự phát triển hoặc thiên về tính bảo tồn, kìm hãm phát triển; nó có thể có làm hài hoà lợi ích của mọi thành viên trong cộng đồng nhưng nó cũng có thế tạo nên xung đột giữa các cộng động, giữa cộng đồng lớn với cộng đồng nhỏ. Vì vậy, cần phải xác định thật rõ yêu cầu hướng về sự phát triển chung của đất nước, của dân tộc một cách mạnh mẽ và bền vững, hài hoà tất cả các lợi ích của các cộng đồng bên trong và bên ngoài.

Những đặc trưng của vốn xã hội.
Để dễ dàng thống nhất một khái niệm phù hợp về vốn xã hội, chúng ta nên thống nhất các đặc trưng của khái niệm này. Khái niệm vốn xã hội chứa hai đặc tính “vốn” và “xã hội”.
Đây là một loại hình vốn, vậy nên nó có các đặc tính như: tính sinh lợi; tính có thể hao mòn; tính sở hữu; tính có thể đo lường, tích luỹ, chuyển giao. Thuộc tính sinh lợi cho biết vốn xã hội phải có khả năng sinh ra một nguồn lợi nào đó cả về mặt vật chất và tinh thần. Tính có thể hao mòn là thuộc tính hệ quả của tính sinh lợi, một điểm khác biệt quan trọng của vốn xã hội với các loại vốn khác là vốn này càng sử dụng càng tăng. Nhưng cũng chính vì vậy mà vốn xã hội có thể bị suy giảm và triệt tiêu nếu không được sử dụng, có thể bị phá hoại một cách vô tính hay cố ý khi vi pháp quy luật tồn tại và phát triển của loại hình vốn này. Là một loại hình vốn nên vốn xã hội cũng sẽ thuộc sở hữu của một cộng đồng xã hội nào đó, là một loại hình vốn nên nó có thể được đo lường, tích luỹ và chuyển giao. Một đặc điểm khác biệt nữa của vốn xã hội là nó được làm tăng lên trong quá trình chuyển giao. Minh chứng rõ ràng và sinh động chính là lịch sử tồn tại, phát triển, giao lưu, giao thoa giữa các nền văn hoá – văn minh trên thế giới. Thuộc tính xã hội của loại hình vốn này được thể hiện ở những điểm chính sau đây:
Một là, nó phải thuộc về một cộng đồng nhất định, là sự chia sẻ những giá trị chung, những quy tắc và ràng buộc chung của cộng đồng đó. Như vậy, những mẫu số chung chính vừa là điều kiện và phương pháp để hình thành và phát triển vốn xã hội. Trong thế giới của toàn cầu hoá ngày ngay, sự xác định một công đồng không chỉ còn phụ thuộc vào các yếu tố giới hạn địa lý thông thường, hoặc chỉ mở rộng ra đến tôn giáo, giới tính; đến các định chế nhóm, tổ chức, cơ quan, nhà nước; mà còn là các cộng đồng trong một “biên giới mềm”, “biên giới thông tin”. Thật vậy, sự phát triển của thương mại toàn cầu và các phương tiện và công nghệ thông tin cho phép các nhóm xã hội được hình thành một cách đa dạng và phong phú hơn và ngày càng ít lệ thuộc vào khả năng lưu thông và địa giới hành chính thông thường. Mặc dù có tính cộng đồng cao nhưng cần phải nhận thức rõ rằng: vốn xã hội hoàn toàn không mâu thuẫn với vai trò và quyền lợi cá nhân. Cá nhân được hưởng lợi và cùng sở hữu các nguồn lợi do vốn xã hội mang lại và ngược lại sự phát triển của cá nhân cũng làm bền vững thêm, tác động làm thay đổi những nội dung của vốn xã hội.
Hai là, những điểm chung nêu trên phải được sự công nhận rộng rãi và phục vụ lợi ích cho cộng đồng đó. Những điểm chung nêu trên vừa có tính tự nguyện vừa có tính bắt buộc đối với các thành viên trong cộng đồng, trong đó tính tự nguyện bao giờ cũng giữ vai trò chủ đạo nhưng đề duy trì sự tồn tại và phát triển lâu dài thì tính bắt buộc và ràng buộc cùng rất quan trọng. Chính vì vậy, kết quả cuối cùng và bền vững nhất của vốn xã hội là dẫn tới việc hình thành nên các thể chế, định chế mới hoặc làm tăng hiệu quả của các thể chế, định chế đang tồn tại. Ví dụ như việc hình thành những liên minh, liên kết trong lĩnh vực kinh doanh, tạo nên những định chế mới; sự phát triển của vốn xã hội làm tăng hiệu quả của các tổ chức đoàn thể, tổ chức Nhà nước, …
Những giải pháp pháp huy vốn xã hội.
Sau khi hiểu rõ mục đích và sự cần thiết của vốn xã hội đối với Việt Nam, có thể đưa ra một số giải pháp cơ bản sau đây để phát huy vốn xã hội phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam:
Một là, quán triệt tầm quan trọng, sự cần thiết, và một khái niệm phù hợp về vốn xã hội cho sự phát triển của đất nước. Các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách quốc gia hơn ai hết phải là những người nhận thức rõ và đồng thuận với các vấn đề nêu trên. Phải dựa trên những mẫu số chung như sau để tạo nên một nguồn vốn xã hội toàn Việt Nam, phù hợp với Việt Nam: tình dân tộc, nghĩa đồng bào, đại đoàn kết toàn thể dân tộc; những cơ hội chung và mối nguy chung trong bối cảnh mới. Để có thể tương thích với thế giới cần phải dựa vào những đặc tính ưu việt của văn hoá Việt, chủ động đóng góp vào sự phát triển chung của thế giới, của nhân loại. Kết quả của quá trình trên là phải định hình và thổi bùng lên một tinh thần quốc gia Việt Nam mạnh mẽ và phù hợp trong giai đoạn mới. Khi đó, mỗi người Việt đều chia sẻ những giá trị chung như:
–         Giàu lòng tự trọng, trọng danh dự, tinh thần tự tôn, tự lực, tự cường.
–         Đoàn kết.
–         Có khát vọng khám phá, chinh phục, chủ động học hỏi và đóng góp tinh hoa của dân tộc mình vào tinh hoa của nhân loại.
–         Giàu lòng bác ái, đậm tính nhân bản, nhân văn.
–         Không ngừng hướng đến sự công bằng, tự do cho dân tộc và nhân loại.
Có thể khẳng định, khi mà mỗi con người Việt đều mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp được hun đúc từ một tinh thần quốc gia chung, khi đó, chúng ta sẽ sở hữu một nguồn vốn xã hội lớn nhất, thiết thực nhất.
Hai là, để phát huy vốn xã hội phải ngay lập tức có những giải pháp chống lại sự vi phạm, làm tổn hại, hao mòn nguồn vốn xã hội hữu dụng tại Việt Nam. Trong thực tiễn Việt Nam thời gian qua có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến nguồn vốn xã hội mà chúng ta đang có. Có thể nêu ra một số vấn đề nghiêm trọng nhất như: sự xuống cấp của đạo đức xã hội, thượng tôn các giá trị vật chất ngắn hạn và không chính đáng, những thú vui tầm thường; các vấn đề chính trị xã hội làm giảm lòng tin của nhân dân: nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí; sự xuống cấp nghiêm trọng của nền giáo dục… Nhận dạng và kiên quyết đấu tranh lại những điều làm tổn hại đến vốn xã hội là một nhiệm vụ quan trọng, khẩn bách và có thể thực hiện ngay. Phát triển giáo dục và thông qua giáo dục là biện pháp căn bản nhất để giải quyết những tồn tại nêu trên; phải dựng cho được một nền giáo dục toàn dân (cho toàn dân và huy động sức của toàn dân), toàn diện (thể chất, kiến thức, kỹ năng, phương pháp, đa ngành, đa lĩnh vực) và suốt đời.
Ba là, tập trung bồi dưỡng và phát huy những nguồn vốn xã hội trong những cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước, để tạo nền tảng và những đột phát để phát triển vốn xã hội Việt Nam. Ba cộng đồng vô cùng quan trọng là các nhà lãnh đạo chính trị, đội ngũ doanh nhân, và tầng lớp trí thức. Cần thiết phải hình thành nên những vốn xã hội riêng của ba cộng đồng này, làm hài hoá và hướng ba nguồn vốn đó đến nguồn vốn xã hội tổng thể hướng về sự phát triển của quốc gia Việt Nam. Chính ba cộng đồng này sẽ tạo nên kiến thức, chính sách, và điều kiện vật chất để làm giàu vốn xã hội Việt Nam, từ đó làm động lực và thúc đẩy sự phát triển của mọi cộng đồng còn lại trong nước và các cộng đồng có chung giá trị ở khu vực và quốc tế.
Phương pháp thực hiện cơ bản là đi từ những điểm chung để tạo ra nhưng sự gắn kết, hội tụ; định chế hoá và thể chế hoá các gắn kết đó để duy trì và phát triển liên tục. Cả ba giải pháp nêu trên đều có thể thực hiện ngay, thực hiện song song, thực hiện từng bước; kết hợp giữa tuần tự và đột phá để nhanh chóng nâng cao nhận thức và hiệu quả của vốn xã hội Việt Nam như là động lực và phương pháp quan trọng cho sự phát triển nhanh, mạnh, và bền vững của đất nước.

Đặng Lê Nguyên Vũ

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)