Báo chí trong phòng chống tham nhũng

Báo chí khắc tinh với quan tham. Lý do là vì báo chí là cơ chế giám sát các quan chức rất khắt khe và hiệu quả. Chính vì thế trong các giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh về phòng chống tham nhũng trong những năm vừa qua, người đứng đầu Chính phủ đã đề nghị các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần phát huy vài trò giám sát của báo chí.

Thực tế những năm vừa qua cho thấy, trong phòng chống tham nhũng các thiết chế kiểm tra, thanh tra, điều tra… là cần thiết nhưng không thể thay thế được cho sự giám sát của báo chí. Đơn giản là vì các thiết chế nói trên vận hành chủ yếu theo chế độ trách nhiệm, còn báo chí thì lại vận hành chủ yếu theo chế độ lợi ích. Càng theo sát các quan chức, các phóng viên càng giúp cho báo mình có được những thông tin mà người dân muốn biết. Càng cung cấp được nhiều thông tin mà người dân muốn biết, thì báo càng dễ bán được ở trên thị trường. Càng bán được báo ở trên thị trường thì các báo càng dễ bán được cả những dịch vụ như quảng cáo, nhắn tin… Và trăm mối đều sẽ dẫn đến cái sự có lợi và sự có tiền. Đây là logic đơn giản của chế độ lợi ích. Và đây là một sự khuyến khích liên tục và không ngừng nghỉ. Chưa hết, càng có nhiều tiền thì các tờ báo lại càng có điều kiện để cử các phóng viên của mình theo sát các quan chức.

Mỗi khi bạn từ bỏ việc bao cấp cho các tờ báo và bắt chúng phải hoạt động theo cơ chế thị trường thì thực chất bạn đã thả hổ về rừng. Hãy tuân thủ những quy tắc của đạo đức và chế độ công vụ, nếu như bạn không muốn bị “hổ” vồ. Khác với các quan chức làm nhiệm vụ kiểm soát, các phóng viên báo chí là rất khó được nhận biết. Họ có thể là bất cứ ai đang đi trên đường hoặc đang ngồi trong nhà hàng. Họ có mặt ở khắp mọi nơi và trong mọi lúc. Tệ hại hơn, bạn khó có thể nhận biết được là mình đã bị họ ghi âm, ghi hình như thế nào. Bởi vì rằng trong thời đại ngày nay, các thiết bị ghi âm, ghi hình đều bé xíu, thậm chí một chiếc điện thoại di động, một chiếc máy tính bỏ túi cũng đều có thể trở thành những thiết bị ghi âm, ghi hình như vậy.

Do động lực tự nhiên và to lớn của báo chí trong việc giám sát các quan chức, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng thiết chế này như một công cụ hữu hiệu để kiểm soát quyền lực và chống tham nhũng. Các nước này đã tạo ra một không gian rộng lớn cho hoạt động của báo chí và một sự bảo vệ pháp lý vững chắc cho các nhà báo. Và họ đã gặt hái những thành công to lớn trong việc giám sát quyền lực và bảo đảm chế độ trách nhiệm.

Ở nước ta, báo chí cũng có thể làm được những điều mà báo chí của các nước có thể làm. Hoạt động giám sát việc sử dụng xe công là một ví dụ cụ thể. Vấn đề là phải tạo điều kiện thuận lợi để báo chí có thể thực hiện được chức năng giám sát của mình. Ở đây, những kinh nghiệm của các nước là một nguồn thông tin bổ ích mà chúng ta cần phải tham khảo.

Thực ra, lạm dụng sự giám sát của báo chí không phải là không có vấn đề. Một trong những vấn đề như vậy là việc vi phạm quyền riêng tư của con người. Các quan chức thì trước hết cũng là những công dân. Trong đời sống tư, các quyền con người, mà trước hết là quyền riêng tư của họ phải được bảo vệ. Hệ thống pháp luật và hệ thống tòa án của đất nước ta sẽ phải có đủ sự tinh tế để phân định được đâu là đời sống tư và đâu là đời sống công. Và các tờ báo cũng phải có đủ văn hóa để phân định được ranh giới này.

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)