Bắt buộc tiêm chủng vaccine COVID-19: Giải pháp cuối cùng

Giữa tình thế cần phải gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế đi lại, tụ tập, vui chơi giải trí để quay trở lại cuộc sống cũ và phát triển kinh tế, dịch bệnh COVID-19 lại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Với nguy cơ gây áp lực cho hệ thống y tế, nhiều quốc gia đã từng nghĩ đến việc áp dụng biện pháp bắt buộc tiêm chủng vaccine COVID-19. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, Việt Nam và đa số các quốc gia trên thế giới vẫn coi tiêm chủng vaccine COVID-19 là tự nguyện. Theo Reuters, tính đến cuối tháng 12/2021, chỉ có bảy quốc gia chính thức triển khai chính sách bắt buộc tiêm chủng cho toàn dân từ 18 tuổi trở lên và khoảng 20 quốc gia bắt buộc tiêm chủng đối với nhóm người làm việc trong các lĩnh vực ngành nghề nhất định. Vì sao bắt buộc tiêm chủng vẫn là một quyết định không dễ dàng?


Đến tận nhà để tiêm ở Phú Thọ. Ảnh: H.T/ Sở Y tế Phú Thọ.

Vaccine là cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh?

Đại đa số các nghiên cứu hiện nay đều cho thấy các vaccine COVID-19 đều có khả năng giảm thiểu nguy cơ bệnh nặng và tử vong đáng kể, dù với bất kể biến chủng nào. Theo báo cáo của Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh CDC Hoa Kỳ mới được công bố vào cuối tháng hai vừa qua, hiệu quả bảo vệ của vaccine (vaccine Pfizer/BioNTech, Moderna, J&J) khỏi trường hợp phải thở máy và tử vong do nhiễm COVID-19 là khoảng 90%. Những người đã tiêm có nguy cơ tử vong vì COVID-19 thấp hơn rất nhiều so với những người chưa tiêm chủng. Số liệu của Our World In Data cũng cho thấy, đơn cử tại Thụy Sĩ và Hoa Kỳ, tỉ lệ tử vong vì COVID-19 của nhóm người chưa tiêm chủng là khoảng 8%, gấp 8 lần so với nhóm tiêm đủ hai mũi là gần 1% và gấp 16 lần nhóm được tiêm một mũi tăng cường là chưa đến 0,5%. Hàn Quốc, một quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng đủ hai mũi gần 90% (và con số này còn cao hơn ở những người cao tuổi), hiện nay đang có số ca nhiễm ở mức cao nhất thế giới – 600 nghìn ca một ngày nhưng tỉ lệ tử vong của nước này lại đang ở mức thấp nhất thế giới, chỉ khoảng 0.14%. 

Các vaccine COVID-19 không hoàn toàn ngăn ngừa được việc lây nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, khả năng lây lan virus của những người đã tiêm vaccine vẫn thấp hơn so với người chưa tiêm chủng. Thứ nhất, người tiêm vaccine ít có khả năng bị nhiễm hơn, và nếu họ không bị nhiễm, đồng nghĩa với việc giảm thiểu tối đa khả năng lây cho người khác. Thứ hai, nếu bị nhiễm, người đã tiêm vaccine trung hòa virus nhanh hơn những người chưa tiêm. Bởi vậy, những người đã tiêm vaccine có khoảng thời gian lây lan ngắn hơn và truyền những virus “yếu” hơn so với những người chưa tiêm. Vaccine COVID-19 cũng có những tác dụng phụ. Tuy nhiên đa số các phản ứng phụ đều chỉ kéo dài một vài ngày (như sốt, ớn lạnh, đau mỏi người, sưng ở vết tiêm), không nghiêm trọng. Các trường hợp bị sốc phản vệ và tác dụng phụ nghiêm trọng như đông máu và viêm cơ tim là rất hiếm gặp, dưới 15 người trên một triệu người. 

Những lập luận ủng hộ bắt buộc tiêm chủng vaccine COVID-19 cũng nhắm đến việc bảo vệ hệ thống y tế khỏi quá tải. Trong số bảy quốc gia thực hiện chính sách bắt buộc tiêm chủng toàn dân từ 18 tuổi trở lên, có bốn nước thuộc nhóm đang phát triển. Virus Sars-CoV-2 lây lan nhanh và tác động đặc biệt nguy hiểm đối với những người có hệ miễn dịch dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, trì hoãn tiêm chủng có thể dẫn đến số ca phải nhập viện tăng đột biến khi dịch dâng cao. Và điều đó đã diễn ra trên thực tế ở nhiều nước và khu vực. Ví dụ gần đây nhất là Hong Kong khi tốc độ tiêm vaccine quá chậm và tỉ lệ tiêm vaccine ở người cao tuổi đặc biệt thấp (mới khoảng 15% người trên 80 tuổi đã tiêm đủ hai mũi), khiến số người nhập viện vì chưa tiêm vaccine có triệu chứng nặng tăng đáng kể và số ca tử vong ở người cao tuổi trở nên đáng báo động. Hơn nữa, vaccine không chỉ giảm gánh nặng cho hệ thống y tế ở thời điểm đại dịch mà còn cả sau đại dịch với những di chứng hậu COVID-19. Những người đã tiêm vaccine cũng có các triệu chứng hậu COVID-19 ít hơn và nhẹ hơn so với những người chưa tiêm. Tiêm vaccine càng nhanh, phủ càng rộng còn phòng tránh cho những người vì lý do y tế không thể tiêm hoặc cho những đối tượng chưa có khả năng tự bảo vệ như trẻ em. 


Cho đến hiện tại, vaccine vẫn là một trong các giải pháp hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh. Nhờ vaccine, các nước trên thế giới mới có thể gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế đi lại, cho phép tụ tập, ăn uống, tổ chức sự kiện, thậm chí là không yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng, dần trở về cuộc sống bình thường trước đại dịch. 

Bắt buộc tiêm chủng không phải là mới

Nhìn vào biểu đồ của The New York Times với dữ liệu được tổng hợp từ trang Our World in Data cho thấy khi tỉ lệ tiêm chủng mũi một và mũi hai đạt khoảng 70% dân số, đường đồ thị có xu hướng đi ngang thay vì đi lên, thể hiện tốc độ tiêm chủng bắt đầu chậm lại, trong khi diễn biến của dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát.

Điều này có nghĩa những người đã tiêm chủng đầy đủ có xu hướng tiếp tục lựa chọn tiêm các mũi tiếp theo, trong khi ngoài nhóm vốn khó tiếp cận dịch vụ y tế, nhóm ngần ngại tiêm ngay từ đầu vẫn sẽ không lựa chọn tiêm chủng, dù những người xung quanh họ có lựa chọn ra sao đi nữa. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tiêm chủng của quốc gia nhằm phòng ngừa và đẩy lùi dịch bệnh, chính sách bắt buộc tiêm chủng được nhiều nước cân nhắc triển khai trong thời gian gần đây. 

Bắt buộc tiêm chủng phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm là không mới theo góc độ y tế, được triển khai nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ em trước khi nhập học tiểu học (89/142 quốc gia, theo Our World In Data), hoặc ngăn lây nhiễm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong cộng đồng. Hai trường hợp điển hình cho thấy tính hợp pháp của việc bắt buộc tiêm chủng ở Mỹ và châu Âu đó là vụ kiện Jacobson v. Massachusetts ở Mỹ và vụ kiện Vavřička and Others v. the Czech Republic ở Cộng hòa Séc. Trong vụ kiện đầu tiên, năm 1905, một người đàn ông tên là Henning Jacobson kiện bang Massachusetts, Mỹ lên tòa án Liên bang vì phạt 5 USD do ông ta từ chối tiêm chủng vaccine đậu mùa – vốn là quy định bắt buộc của bang này. Còn vụ kiện thứ hai diễn ra vào năm 2021 vừa qua, Pavel Vavřička kiện Chính phủ Séc lên Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECtHR) vì phạt ông ta do không đưa con đi tiêm vaccine phòng viêm gan B, bại liệt và uốn ván. 

Trong vụ kiện Jacobson v. Massachusetts, nguyên đơn Jacobson cho rằng việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa bệnh sởi hoặc phải đối mặt với hình phạt tiền là “thù địch với quyền tự do vốn có của con người trong việc quyết định cách thức chăm sóc sức khỏe của chính mình theo cách tốt nhất mà họ tự đánh giá được.” Bảy trên chín thẩm phán đã bác bỏ lập luận này và nhấn mạnh rằng “Quyền tự do được bảo đảm bởi Hiến pháp… nhưng không cho phép mỗi người có quyền tuyệt đối trong mọi trường hợp mà hoàn toàn không bị hạn chế. Có những hạn chế đa tầng mà mọi người nhất thiết phải tuân theo vì lợi ích chung (…)”. Trong vụ Vavřička and Others v. the Czech Republic, tòa án Nhân quyền châu Âu vào tháng 4/2021 đã ra phán quyết rằng quy định pháp luật bắt buộc tiêm ngừa chín bệnh truyền nhiễm cho trẻ em tại Czech không vi phạm Điều 8 về quyền tôn trọng cơ thể của con người và biện pháp này tương xứng với mục tiêu bảo vệ sức khỏe công cộng, lưu ý đến bối cảnh dịch sởi và đậu mùa vừa bùng phát mạnh mẽ tại một số quốc gia châu Âu lúc bấy giờ.

Đã phải là giải pháp tốt nhất?  

Dù khẳng định được tính đúng đắn về mặt pháp lý của chính sách bắt buộc tiêm chủng trong bối cảnh cần thiết, các tiền lệ bắt buộc tiêm chủng trước đây không nên được xem là cơ sở đương nhiên cho những hành động sau này. 

Bắt buộc tiêm vaccine không dễ để ban hành và cưỡng chế thực thi. Trong hai vụ kiện trên, có thể thấy vấn đề tiêm chủng bắt buộc luôn là đối tượng tranh cãi của những nhóm lập pháp ủng hộ học thuyết về gắn kết xã hội (social compact theory) – vốn đề cao việc bảo vệ các lợi ích công cộng như sức khỏe cộng đồng, an ninh quốc gia hay môi trường; và nhóm đề cao học thuyết giới hạn quyền lực nhà nước (governmental restraint theory) – yêu cầu thừa nhận một không gian cho các quyền tự do của từng cá nhân và được nhà nước tôn trọng. Tuy thừa nhận lợi ích công cộng nên được đề cao hơn quyền tự do cá nhân trong từng thời kỳ, trong vụ Jacobson v. Massachusetts, tòa án cũng nhấn mạnh: quyền tự do của cá nhân có thể phải chịu hạn chế vì sự an toàn của cộng đồng trước áp lực của những mối nguy hiểm nghiêm trọng như đại dịch, nhưng “phải được thực thi bởi các quy định hợp lý” và “nếu được ủy ban y tế chứng minh là cách thức tốt nhất để ngăn chặn khả năng lây nhiễm.” Điều này có nghĩa, nhà nước không nên mặc định được trao thẩm quyền tuyệt đối để nhân danh lợi ích công cộng thực hiện các biện pháp hạn chế quyền con người, mà cần phải chứng minh tính hợp pháp, hợp lý của biện pháp cần phải thực hiện vì mục tiêu bảo vệ lợi ích công cộng. Cách tiếp cận này cân nhắc đến mối quan hệ không cân xứng về mặt quyền lực và sự phụ thuộc giữa cơ quan công quyền và người dân, cũng như đảm bảo nguyên tắc thượng tôn pháp luật và tránh các hành vi độc đoán, duy ý chí dưới danh nghĩa lợi ích công cộng.


Nhân viên y tế tiêm vaccine tại nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Hơn nữa, tuy cùng có chung mục đích là bảo hệ sức khỏe cộng đồng và kiểm soát dịch bệnh, so với tiêm chủng các loại bệnh nhiễm nhi thông thường trong vụ Jacobson v. Massachusetts và Vavřička and Others v. the Czech Republic, tiêm chủng vaccine COVID-19 có một số điểm khác. 

Thứ nhất, cần ý thức bối cảnh hiện nay rằng với sự lây lan và nguy cơ phát sinh nhiều biến chủng mới từ coronavirus, cả người dân và chính phủ đều đang phải đưa ra những quyết định trong sự thiếu hụt hoặc bất cân xứng thông tin. Trong hai vụ kiện điển hình nói trên, các vaccine và công nghệ chế tạo ra chúng đã được lưu hành và kiểm chứng mức độ hiệu quả và an toàn trên hàng thập kỉ. Tuy nhiên, các vaccine COVID-19 đều dùng công nghệ mới như virus vector và mRNA với quá trình phát triển thần tốc chỉ khoảng một năm. Đây không phải là luận điểm để lật lại tính an toàn và hiệu quả của vaccine, mà để nói rằng những quan ngại hay lo lắng về vấn đề này cũng là điều dễ hiểu. Nếu nhà nước chưa đối thoại, chia sẻ, trấn an người dân về tất cả những vấn đề liên quan đến việc tiêm chủng, sẽ có phần bất công nếu dùng biện pháp cưỡng chế bắt buộc họ tiêm vaccine COVID-19. WHO khuyến cáo rằng “bắt buộc tiêm chủng là giải pháp cuối cùng” sau khi chính phủ đã thực sự tìm mọi cách để thuyết phục công chúng.

Thứ hai, nếu bắt buộc những người ngần ngại hoặc phản đối vaccine phải tiêm chủng vì lợi ích của cộng đồng, cần phải có chính sách đền bù cho những rủi ro họ phải chịu từ các phản ứng phụ của việc tiêm chủng. Tuy nhiên chính sách này vẫn chưa được nhiều nước làm rõ. Theo một nghiên cứu của WHO được công bố vào năm 2011, chỉ có mười chín quốc gia trên thế giới có các chương trình bồi thường cho thiệt hại về sức khỏe sau khi tiêm chủng bắt buộc. Việc xác định các trường hợp tử vong có liên quan đến các vaccine thông thường vốn đã khó, đối với vaccine COVID-19 lại càng khó hơn vì đây là các vaccine mới, chưa thể có đầy đủ các bằng chứng cụ thể trong một thời gian ngắn. Do đó, việc mở rộng quyền lực cho nhà nước sử dụng trong bối cảnh khẩn cấp nhưng không đi kèm với các hành lang pháp lý về phạm vi chịu trách nhiệm trong các tình huống không mong muốn khi ban hành chính sách tiêm chủng bắt buộc chưa thật sự thuyết phục người dân. Bên cạnh đó, không ngoại trừ trường hợp việc cưỡng chế tiêm chủng bằng quy định pháp luật có thể gây ra tác dụng ngược khi nhà nước chưa tạo dựng lòng tin sâu rộng trong công chúng về hiệu quả và an toàn của vaccine. Áo là quốc gia thành viên EU đầu tiên phát động chiến dịch bắt buộc tiêm chủng toàn dân trên 18 tuổi từ tháng 2/2022 với chính sách “cà rốt và cây gậy”, khi vừa thưởng tiền cho người dân chịu tiêm vaccine  đồng thời xử phạt bằng tiền hay thậm chí bắt giữ các cá nhân có hành vi từ chối hay chống đối tiêm chủng ngừa COVID-19. Tuy nhiên, số người biểu tình phản đối lên đến gần 50.000 cho thấy chính sách thưởng-phạt này khó thuyết phục được dân chúng. Ở Pháp, khi chính phủ yêu cầu người dân trên 12 tuổi phải trình diện “chứng nhận sức khỏe” (health pass) chứng minh đã tiêm hai mũi hoặc xét nghiệm âm tính với COVID-19 vào tháng 11/2021 thì mới được vào các không gian công cộng như bệnh viện, thư viện, quán bar, ngay lập tức mức độ nghi ngờ vaccine trong công chúng từ 41% tăng lên hơn 60%. Còn khi Chính phủ Anh yêu cầu các nhân viên điều dưỡng bắt buộc phải tiêm vaccine với chính sách “no jab, no job” (không tiêm thì mất việc), họ ước tính tới 40 nghìn người mất hoặc nghỉ việc trong vòng ba tháng (từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022).

Nhà nước cần lưu ý gì?

Sau vụ Jacobson v. Massachusetts, các nguyên tắc về hạn chế và tạm đình chỉ thực hiện quyền con người – gọi là Các nguyên tắc Siracusa, được đưa vào phụ lục của Nghị quyết UN Doc E/ CN.4/1985/4 của Hội đồng kinh tế, xã hội thuộc Liên Hiệp Quốc cũng cho thấy sự dung hòa giữa học thuyết gắn kết xã hội và giới hạn quyền lực nhà nước trong nghĩa vụ quốc tế về bảo vệ nhân quyền. Theo đó, dù trong bối cảnh khẩn cấp, sự can thiệp của nhà nước phải đáp ứng một số điều kiện nhất định cho những hạn chế về quyền con người, bao gồm (i) được pháp luật quy định, (ii) nhằm một mục tiêu chính đáng và (iii) những hạn chế đó là cần thiết và tương xứng với mục tiêu đặt ra, có nghĩa là không có sự lựa chọn nào khác ít hạn chế hơn. Chính sách bắt buộc tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 cũng thuộc phạm vi áp dụng của các nguyên tắc này.


Cần phải phân biệt những người chống vaccine và trì hoãn tiêm chủng để có biện pháp truyền thông phù hợp. Ảnh: bma.org.uk

Xét đến điều kiện đầu tiên, các quốc gia sẽ ban hành các quy định pháp lý khác nhau cho vấn đề bắt buộc tiêm chủng tùy vào chính sách mà họ theo đuổi. Việc tiêm chủng một khi trở thành nghĩa vụ pháp lý sẽ mang tính ràng buộc và áp dụng phổ quát cho các đối tượng thuộc phạm vi áp dụng. Vì vậy, các biện pháp cưỡng chế, khen thưởng và chế tài sẽ được ban hành kèm theo nhằm khuyến khích sự thực thi đồng bộ. Dù vậy, lưu ý rằng một khi chính sách tiêm chủng bắt buộc được thừa nhận chính thức trong quy định của luật pháp, nhiều hệ quả xã hội sẽ mang tính cấu trúc và hệ thống hơn như phân biệt đối xử, chỉ trích, kỳ thị, thậm chí kêu gọi nghiêm trọng hóa và thậm chí hình sự hóa hành vi vi phạm sẽ diễn ra ở mức độ cao hơn. Lý do là vì những người không vi phạm có được sự chính danh trong việc lên án và yêu cầu xử lý các hành vi vi phạm dựa trên cơ sở pháp luật, dù về mặt bản chất các quy định này giới hạn quyền tự do của con người – vốn là một vấn đề nhạy cảm cần được cân nhắc kỹ lưỡng theo khía cạnh luật nhân quyền ngay cả ở bối cảnh khẩn cấp. 

Vì vậy, đối với điều kiện thứ hai và thứ ba, tiêm chủng bắt buộc chỉ nên được xem xét nếu cần thiết và tương xứng với việc đạt được một mục tiêu y tế công (như miễn dịch cộng đồng, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương, tránh khủng hoảng hệ thống y tế) và/hoặc mục tiêu kinh tế – xã hội quan trọng được xác định bởi một cơ quan y tế công. Nếu có bằng chứng cho thấy một hay các mục tiêu này có thể đạt được bằng các can thiệp chính sách ít mang tính cưỡng bức hoặc ít hạn chế quyền con người hơn (ví dụ như truyền thông, giáo dục), việc yêu cầu tiêm chủng bắt buộc sẽ không còn hợp lý.

Ngoài ra, việc đánh giá thường xuyên tiến trình thực hiện biện pháp trong bối cảnh nhiều biến động để xem xét thời hạn áp dụng và tác động của chính sách là cần thiết, nhằm phản ánh đúng các mối quan tâm cấp thiết trong cộng đồng cũng như tránh sử dụng quyền lực nhà nước quá mức cần thiết và trở nên độc đoán, gây ra thêm các tác động tiêu cực đến xã hội. Tiêu biểu, sau gần nửa năm bắt buộc tiêm ngừa vaccine đối với nhân viên y tế, Chính phủ Anh đã có động thái “quay đầu” khi xét thấy chính sách này là “không còn tương xứng” với mục tiêu đảm bảo sức khỏe công cộng. Ngoài lý do nhận thấy chi phí xã hội phải chịu khi thực thi chính sách là quá cao, các nghiên cứu của nước này chỉ ra biến chủng Omicron tại Anh xuất hiện từ tháng 12/2021 không mang độc tính cao như biến chủng Delta, vì vậy mối đe dọa sức khỏe cộng đồng trở nên không còn quá cấp thiết để làm cơ sở cho các biện pháp chặt chẽ. 

Vì vậy, cần nhìn nhận việc triển khai chính sách bắt buộc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 không chỉ đơn thuần là lựa chọn làm hay không làm, mà là nên làm như thế nào để có thể giải bài toán tỉ lệ tiêm vaccine tăng chậm trong khi vẫn đảm bảo được niềm tin của công chúng vào chính sách của nhà nước là hợp lý, đúng đắn, tôn trọng quyền con người. Điều đáng lưu ý là cần xác định mục tiêu quan trọng nhất của chính sách bắt buộc tiêm chủng là nhằm thúc đẩy mục tiêu y tế công cộng trong bối cảnh khẩn cấp, chứ không nhằm áp đặt trách nhiệm pháp lý hay trừng phạt bằng cách giới hạn các quyền con người mang tính tuyệt đối như quyền được thụ hưởng dịch vụ y tế, bằng cách yêu cầu trả phí chữa trị COVID-19 nếu không tiêm chủng hoặc các hạn chế quyền bất hợp lý khác.


Chính sách tiêm chủng bắt buộc có thể gây ra tác dụng ngược. Tức là không những không tiêm, những người chống vaccine còn càng phản ứng dữ dội hơn. Ảnh: South China Morning Post.  

Bài học cho Việt Nam

Tiêm chủng là một biện pháp can thiệp để thực thi mục tiêu chính sách y tế. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 tại khoản 1 Điều 29 chỉ quy định hình thức sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế là bắt buộc đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch. Ngay cả khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch SARS-CoV-2, dịch bệnh này không được quy định trong danh mục tám loại bệnh truyền nhiễm phổ biến tại Thông tư 38/2017/TT-BY để làm cơ sở yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine. Do đó, Nhà nước Việt Nam chỉ đóng vai trò khuyến khích và hỗ trợ công dân sử dụng vaccine, cũng như không có tổ chức, doanh nghiệp nào có quyền bắt buộc người lao động phải tiêm vaccine phòng bệnh mới được tham gia lao động. Đối với trẻ em, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long vào ngày 31/1 vừa qua nhấn mạnh “không bắt buộc song khuyến cáo người dân tiêm chủng”, sau khi tham khảo kinh nghiệm các nước và phối hợp với các tổ chức quốc tế nhằm đánh giá mức độ an toàn của vaccine cho đối tượng trẻ em. Bên cạnh đó, khoản 6 Điều 30 của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 và Điều 15 Nghị định 104/2016/NĐ-CP đã ghi nhận căn cứ yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai biến nặng khi sử dụng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và chống dịch. 

Đến nay, với hơn 186 triệu liều vaccine được phân bổ, Việt Nam đã có 79,2% dân số được tiêm đủ liều và chiến dịch khuyến khích tiêm mũi tăng cường vẫn đang được đẩy mạnh. Vì vậy, có thể thấy Chính phủ Việt Nam một mặt rất thành công trong việc đẩy mạnh tiêm chủng toàn dân, một mặt lại có bước đi rất thận trọng và đã chuẩn bị hành lang pháp lý khá đầy đủ để tuân thủ pháp luật quốc tế và quốc gia về đảm bảo quyền con người trong bối cảnh dịch bệnh, khẩn cấp. 

Do đó, việc ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc tiêm chủng tại địa phương, cụ thể là Quyết định số 1383/QĐ-UBND vào ngày 26/2 vừa qua của thành phố Móng Cái đối với năm trường hợp chưa thực hiện tiêm chủng vaccine phòng Covid -19, có thể gây hiểu lầm về mặt truyền thông là trái với Hiến pháp và chính sách của nhà nước. Thứ nhất, quyết định này không phải là văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng điều kiện hạn chế quyền con người trong bối cảnh khẩn cấp theo Nguyên tắc Siracusa và khoản 2 Điều 14 Hiến pháp Việt Nam. Bên cạnh đó, mô tả về quá trình triển khai cho thấy các biện pháp được các cán bộ, nhân viên y tế thực hiện trên thực tế là truyền thông và vận động quần chúng, không mang tính cưỡng chế hay xử phạt hành chính nhằm “bắt buộc” người dân tiêm chủng. Vì vậy, dù việc thực thi không có dấu hiệu trái luật và việc đặt tên văn bản có thể chỉ nhằm mục đích tuyên truyền, vận động hoặc “răn đe” để nâng cao ý thức người dân, các tổ chức và cá nhân có thẩm quyền cần lưu ý cơ sở khoa học và bản chất pháp lý của biện pháp bắt buộc tiêm chủng, những điều kiện phải đáp ứng khi ban hành hay “đặt tên” cho một biện pháp cụ thể, cũng như các hệ quả xã hội có thể xảy ra khi truyền thông chưa đúng.

Ngoài ra, việc yêu cầu người dân ký cam kết phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tại một số địa phương cũng thiếu cơ sở pháp luật. Thứ nhất, quy định hiện nay chưa đặt ra nghĩa vụ pháp lý để buộc người dân tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Thứ hai, việc từ chối tiêm vaccine không phải là hành vi làm lây lan bệnh truyền nhiễm theo Điều 240 Bộ Luật Hình sự 2015, và cũng không chắc chắn cấu thành hành vi “không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” theo Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. 

Phân biệt nhóm ngại tiêm chủng và nhóm chống tiêm chủng là rất quan trọng để có biện pháp tác động hợp lý, đảm bảo quyền con người và thượng tôn pháp luật. Việc từ chối tiêm vaccine trong một vài hoàn cảnh nên được hiểu là động thái trì hoãn do sự bất cân xứng về thông tin gây trở ngại tâm lý cho người dân. Trong trường hợp này, các biện pháp truyền thông thể hiện sự chia sẻ và minh bạch của nhà nước là điều cần làm. Ngược lại hành vi từ chối vaccine được xem là không chấp hành biện pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi tồn tại một sự cự tuyệt mang tính chất hệ thống để không tiêm vaccine trong mọi tình huống, vì vậy cần có chế tài mang tính giáo dục, răn đe. Người dân phải được thông báo rõ ràng về quyền tự quyết định, tự định đoạt để đưa ra những lựa chọn cá nhân phù hợp trong khi nhà nước cần làm đúng vai trò truyền thông, giáo dục, khuyến khích tiêm chủng để đảm bảo mục tiêu chung. □
——
Tác giả: Giảng viên khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Tài liệu tham khảo
1 https://www.cdc.gov/mmwr/volumes/71/wr/mm7112e1.htm?s_cid=mm7112e1_w
2. https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-03-17/how-south-korea-is-beating-covid-despite-600-000-new-cases-a-day
3. https://theconversation.com/no-vaccinated-people-are-not-just-as-infectious-as-unvaccinated-people-if-they-get-covid-171302
4. https://www.news-medical.net/news/20220306/Myocarditis-and-pericarditis-in-COVID-19-vaccine-recipients.aspx
5. https://www.nytimes.com/2022/03/21/health/covid-hong-kong-deaths.html
6. https://unric.org/en/who-mandatory-vaccinations-are-a-last-resort/
7. https://www.nature.com/articles/s41591-021-01661-7
WHO (2020), Coronavirus disease (COVID-19): Herd immunity, lockdowns and COVID-19, https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/herd-immunity-lockdowns-and-covid-19
Aljazeera (2022), Anti-vaccine protesters rally in France, Germany, Austria, Italy, https://www.aljazeera.com/news/2022/1/9/more-than-100000-rally-in-france-against-covid-vaccine-rules
The New York Times (2022), Tracking Coronavirus Vaccinations Around the World, https://www.nytimes.com/interactive/2021/world/covid-vaccinations-tracker.html
Stuart Blume (2017), Immunization: How Vaccines became Controversial – Stuart Blume – Google Books. Reaktion Books.
Thành phố Móng Cái (2022), Áp dụng biện pháp bắt buộc tiêm chủng vắc xin phòng Covid -19 đối với các trường hợp chưa thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid -19 theo quy định, https://mongcai.gov.vn/vi-vn/tin/tp-mong-cai–ap-dung-bien-phap-bat-buoc-tiem-chung-vac-xin-phong-covid–19-doi-voi-cac-truong-hop-chua-thuc-hien-tiem-chung-vac-xin-phong-covid–19-theo-quy-dinh/773296-58053-322694.
The Guardian (2022), No 10 set for U-turn over mandatory Covid jabs for NHS staff in England, https://www.theguardian.com/society/2022/jan/31/covid-mandatory-jabs-nhs-staff-england-omicron-u-turn.
Reuters (2021), Factbox: Countries making COVID-19 vaccines mandatory, https://www.reuters.com/business/healthcare-pharmaceuticals/countries-making-covid-19-vaccines-mandatory-2021-08-16/

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)