Bầu cử trong bối cảnh đại dịch và chuyển đổi số

Việt Nam có lẽ là quốc gia đang phát triển hiếm hoi có đủ các cơ sở thiết yếu cho việc áp dụng hình thức bỏ phiếu qua bưu điện hay bỏ phiếu điện tử.

Đến hẹn lại lên, năm năm một lần cử tri Việt Nam lại có cơ hội thực hiện quyền hiến định của mình là bỏ phiếu để bầu cử các đại biểu đại diện cho mình trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất – Quốc hội. Nếu như bầu cử là một quy trình ra quyết định tập thể của một cộng đồng người thì bỏ phiếu chính là phương pháp qua đó các thành viên của cộng đồng tham gia vào quá trình ra quyết định tập thể, là tuyên bố rõ rệt nhất khẳng định khả năng tham gia vào đời sống chung và đóng góp cho sự phát triển của xã hội cũng như xứng đáng được hưởng các thành quả từ sự phát triển của xã hội đó.

Bởi vậy, bầu cử và bỏ phiếu là quyền hiến định của công dân, phản ánh nguyên tắc quyền lực Việt Nam thuộc về nhân dân. Qua hành động bỏ phiếu bầu cử của mình, công dân không chỉ có cơ hội nhìn lại các chính sách, hành động chính quyền nhiệm kỳ cũ; cho điểm đánh giá thông qua lá phiếu của mình. Quan trọng hơn, thông qua bỏ phiếu cử tri còn gián tiếp cùng với nhau lựa chọn những người sẽ nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy lập pháp, hành pháp, và tư pháp, cũng như ấn định chính sách quốc gia cho năm năm tới. Tính chính danh của một chính quyền được đánh giá chủ yếu thông qua sự liêm chính của một cuộc bầu cử.

Diễn tập chuẩn bị cho công tác bầu cử ở khu cách ly: Cán bộ bầu cử đặt hòm phiếu phụ ngoài khuôn viên nhà của cử tri, rồi dùng loa gọi, hướng dẫn người cách ly cách thức bỏ phiếu, sau đó khử khuẩn, niêm phong hòm phiếu và vận chuyển về điểm bầu cử. Nguồn ảnh: Thanhnien

Với vai trò và chức năng quan trọng như vậy, để bảo vệ tính chính danh cho việc nắm giữ và thực thi quyền lực nhà nước của mình trong bối cảnh các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, lãnh thổ, dân cư, và đặc biệt là công nghệ luôn thay đổi và phát triển, các chính quyền cũng luôn phải cân nhắc điều chỉnh hình thức và phương pháp của bầu cử và bỏ phiếu. Bên cạnh hình thức bỏ phiếu trực tiếp, bằng giấy tại các địa điểm được chỉ định sẵn với sự quản lý, giám sát của các công chức phụ trách việc bầu cử thì không ít quốc gia đã áp dụng hình thức bỏ phiếu qua bưu điện và thậm chí là bỏ phiếu điện tử thông qua mạng Internet hoặc các mạng nội bộ khác.

Nguyên tắc tối hậu vẫn là làm sao bảo đảm cho cử tri thực thi được quyền lựa chọn hiến định của mình một cách chính xác, trung thực, và hiệu quả; đặc biệt khi có các yếu tố bất lợi có thể tác động và cản trở cử tri thực thi quyền ví như trở ngại tự nhiên (khoảng cách địa lý, chiến tranh); thiên tai, địch họa (dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên); hay tối ưu hóa chi phí (đi lại, cư trú); hỗ trợ người yếu thế (khuyết tật). Các hình thức bỏ phiếu mới này càng ngày càng được nhiều quốc gia áp dụng. Trong khi bỏ phiếu qua bưu điện đã xuất hiện từ thế kỷ 19, có lẽ sớm nhất là ở Mỹ thì bỏ phiếu điện tử bắt đầu được sử dụng từ những năm 1990. Số quốc gia sử dụng hai hình thức bỏ phiếu qua bưu điện và bỏ phiếu điện tử bên cạnh hình thức bỏ phiếu trực tiếp ngày càng tăng. Đây có lẽ cũng là là một xu thế của tương lai, khó cưỡng lại. 

Ở Việt Nam, ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã được ấn định là Chủ nhật, ngày 23/5/2021. Mọi công tác tổ chức và chuẩn bị đang được chính quyền tích cực triển khai nhằm đảm bảo cho hoạt động bầu cử diễn ra thuận lợi, thành công; đặc biệt là cho cử tri. 

Nhưng  đại dịch Covid 19 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu đặt ra một thách thức không nhỏ cho kỳ bầu cử lần này của Việt Nam. Chính quyền các cấp đang nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh cũng như chữa trị cho những người bị lây nhiễm. Tuy nhiên, các con số thống kê và ý kiến chuyên môn cho thấy không dễ để kiểm soát cũng như đẩy lùi dịch bệnh này một sớm một chiều. Rủi ro bùng phát và lây lan dịch bệnh ở Việt Nam cũng còn rất cao, nhất là khi lơ là hoặc không đảm bảo các quy định cũng như biện pháp phòng chống dịch.

Chính trong bối cảnh đó, một câu hỏi đặt ra là làm sao có thể tổ chức bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp một cách thành công; đảm bảo cho việc thực hiện quyền làm chủ hiến định của công dân; bảo vệ tính chính danh của việc nắm giữ và thực thi quyền lực nhà nước của chính quyền trong khi vẫn bảo đảm công tác phòng chống dịch; bảo vệ an toàn, sức khỏe tính mạng cho người dân? Bất kỳ ai cũng có thể nhìn ra ngay lợi ích của việc bỏ phiếu qua bưu điện hoặc bỏ phiếu điện tử trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Các lợi ích, giá trị, cũng như tính khả thi cho việc áp dụng một trong hai hoặc cả hai hình thức bỏ phiếu này bên cạnh hình thức bỏ phiếu truyền thống, chính yếu là dễ dàng nhận ra và không thể phủ nhận.

Nhất là trong bối cảnh việc tổ chức bầu cử ở Việt Nam khá chặt chẽ với: Danh sách cử tri; Danh sách đại biểu ứng cử; Khu vực bầu cử được xác định rõ ràng chính xác. Hệ thống bưu điện được triển khai rộng khắp tới tận cấp xã phường thị trấn với nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ khác nhau. Hệ thống Internet được phủ toàn quốc qua cả phương tiện cáp quang, sóng điện thoại hay sóng vệ tinh. Cơ sở dữ liệu quản lý dân cư, quản lý cư trú sắp hoàn thành. Việt Nam có lẽ là quốc gia đang phát triển hiếm hoi có đủ các cơ sở thiết yếu cho việc áp dụng hình thức bỏ phiếu qua bưu điện hay bỏ phiếu điện tử.

Tuy nhiên, rào cản cho việc áp dụng các hình thức bỏ phiếu mới có lẽ nằm ở các quy định hiến pháp và pháp luật có liên quan; đúng hơn là ở cách hành văn của các quy định đó. Hiến pháp 2013, Điều 7 hay Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 (Luật Bầu cử), Điều 1 sử dụng cụm từ “trực tiếp. Hay như Điều 69 Luật Bầu cử quy định về nguyên tắc bầu cử với các quy định như: “Cử tri phải tự mình đi bầu cử.” Hay “Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.” có thể được giải thích là yêu cầu cử tri phải đến tận địa điểm bầu cử để tự mình ghi phiếu bầu và bỏ phiếu vào hòm phiếu chứ không được bỏ phiếu qua bưu điện hay điện tử. Bên cạnh đó, việc thiếu vắng các quy phạm tùy nghi như: trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; hoặc thiếu vắng các đề cập trực tiếp đến bỏ phiếu qua bưu điện hay điện tử cũng có thể khiến cho Hội đồng bầu cử quốc gia e ngại nhất là khi xét đến nguyên tắc: Nhà nước chỉ được làm nhũng gì luật cho phép.

Tuy nhiên, rào cản này hoàn toàn có thể vượt qua bằng một trong hai cách. Thứ nhất, đó là sử dụng quy định về thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, và pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Giải thích trực tiếp là nguyên tắc của bầu cử chứ không phải bỏ phiếu; có nghĩa rằng cử tri cần tự mình bỏ phiếu. Còn có thể bỏ phiếu bằng bất kỳ hình thức nào: tại địa điểm, qua bưu điện, hay điện tử. Thứ hai, bền vững hơn đó là sửa đổi Hiến pháp và luật. Quy định rõ các hình thức bỏ phiếu có thể sử dụng. Cách thứ nhất thì có thể làm được ngay. Cách thứ hai thì sẽ mất nhiều thời gian hơn. 

Năm 1946, trước khi đi Pháp, khi được cụ Huỳnh Thúc Kháng hỏi về sách lược quản trị đất nước đối phó với thù trong, giặc ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Mong cụ Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như được giải thích, là câu đối của câu “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” (Lấy tâm chúng sinh làm tâm của mình). 75 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ sách lược đó, chúng ta mới lại thấy cả hai yếu tố nhân tâm và thời cuộc lặp lại, cho phép chúng ta có thể ứng vạn biến thay đổi hình thức bỏ phiếu vì dân vì nước như vậy. □
—–
* Tác giả Trần Kiên là TS, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)