Bệ đỡ từ văn hóa, lịch sử

Trong bối cảnh nền quản trị toàn cầu và hầu hết các nước đều bối rối, chậm trễ trong việc ứng phó với đại dịch, nhờ đâu mà Việt Nam thành công một cách thần kỳ? Theo GS.TS Phạm Quang Minh, trường đại học KHXH&NV Hà Nội, đó là nhờ vào một truyền thống văn hóa, lịch sử đặc biệt và sự minh bạch của chính phủ trong đại dịch.


Lịch sử chiến tranh đã tôi luyện cho người Việt Nam một tinh thần, ý thức kỷ luật rất cao. Minh họa: Ký họa “Qua suối” của Trần Hoàng Sơn. Nguồn ảnh: vhtt.danang.gov.vn

Đại dịch Covid-19 là mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên toàn cầu mà thế giới chưa từng phải chứng kiến kể từ năm 1945 đến nay, nhưng quản trị từ cấp độ toàn cầu cho đến khu vực đều thể hiện sự phản ứng chậm trễ. Thay vì hợp tác và chứng tỏ vai trò lãnh đạo, hai nền kinh tế đứng đầu thế giới lại tìm cách công kích đổ lỗi cho nhau. Nhóm các nền kinh tế lớn (G7) và tổ chức có tiếng nói mang tầm khu vực như Liên minh châu Âu (EU) cũng đều thể hiện sự lúng túng. Các tổ chức quốc tế như WHO không có khả năng, không có tiếng nói, không có quyền lực để yêu cầu các nước tuân thủ theo các khuyến cáo, còn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải đến ngày 23 tháng 3 năm 2020 mới thông qua Nghị quyết số 2532 kêu gọi chấm dứt xung đột quân sự trên phạm vi toàn cầu để tập trung chống dịch.

Trong thời gian tới đây, đại dịch sẽ vẫn tiếp tục thử thách nền quản trị toàn cầu bởi khả năng lây nhiễm, khi không một nước nào có khả năng tiêm ngay vaccine cho toàn bộ công dân mình trong một thời gian ngắn, tình trạng “chính trị hóa vaccine” – sử dụng vaccine như một công cụ ngoại giao hoặc “chủ nghĩa dân tộc vaccine” – các nước giàu tích trữ đầu cơ vaccine đã xuất hiện, sẽ khiến các nước nghèo, các nước đang phát triển rất khó tiếp cận hoặc chịu phụ thuộc để có vaccine.
Đứng trước những thách thức to lớn trong đại dịch, Việt Nam thực sự là một trong những điểm sáng khi linh hoạt đảm bảo cả hai mục tiêu chống dịch với nguồn lực khiêm tốn nhất và nhanh chóng quay trở lại “trạng thái bình thường mới”.
 
Thành công đến từ hai phía
 
Nhưng điều gì giúp cho chúng ta thực hiện thành công chính sách ứng phó với dịch bệnh một cách uyển chuyển như vậy? Nếu chỉ nói về sự nhanh chóng, quyết liệt trong quy trình ứng phó của Chính phủ là không đủ mà phải đi cắt nghĩa vì sao cả triệu triệu con người Việt Nam có thể cộng hưởng với chính sách đó, ngay tắp lự điều chỉnh hành vi vào các khuôn khổ cách ly, giãn cách xã hội.
Tôi cho rằng có lẽ không phải ngay tức thời chúng ta có được sự ứng phó như vậy khi đứng trước một đại dịch hoàn toàn mới mà bởi căn nguyên sâu xa, chúng ta có một nền tảng văn hóa, lịch sử đặc biệt giúp đất nước chuyển từ trạng thái hòa bình sang trạng thái chiến tranh rất nhanh chóng. Có lẽ ít quốc gia nào thực hiện được khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, cả nước như bước vào thời chiến trong những ngày tháng ba, tháng tư năm 2020 nhanh chóng như chúng ta. Chính trong những ngày chống dịch khốc liệt như thế, rất nhiều tác phẩm thơ ca cổ động, khích lệ người dân chống dịch đã xuất hiện, không khác gì với tinh thần yêu nước mà chúng ta đã đi qua những năm tháng chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ vô cùng cam go gian khó. Hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam, với nhiều cuộc chiến tranh đã tôi rèn cho những người nông dân từ hàng nghìn năm nay một tinh thần quả cảm, trong thời bình thì “cày sâu cuốc bẫm”, nhưng khi đất nước có chiến tranh là lại đứng lên cầm súng bảo vệ quê hương. Họ không hề cảm thấy quá khó khăn khi phải tuân thủ các quy định như cách ly, giãn cách, đeo khẩu trang – dầu sao vẫn còn đơn giản hơn nhiều so với “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” thời kháng chiến.
Chúng ta cũng có ưu thế của một thể chế chính trị chuyên chính, nơi mà người dân tuân thủ rất nghiêm ngặt các chỉ thị, chính sách quyết liệt của trung ương. Nhìn chung chỉ có ở một đất nước mà chiến tranh gần như là nhịp sống thường ngày trong suốt chiều dài lịch sử thì người dân mới có cách ứng xử uyển chuyển như vậy. Lịch sử chiến tranh đã tôi luyện cho người Việt Nam một tinh thần, ý thức kỷ luật rất cao và yêu cầu luôn phải đặt gia đình, cộng đồng xã hội lên trên hết nên khi mệnh lệnh được ban ra, thì triệu người nhất tề như một.
Chỉ có điều kiện ấy mới giúp chúng ta thực hành thành công những chính sách triệt để tới mức “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”. Còn ở các nước châu Âu, nơi người dân quen với nhịp sống tôn trọng tối đa cái tôi, sự tự do cá nhân không dễ gì có thể đồng thuận với các chính sách quyết liệt như vậy.

Có lẽ ít quốc gia nào thực hiện được khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” nhanh chóng như chúng ta. Tranh cổ động, thơ, ca cổ động được sáng tác cũng giống với cách chúng ta đi qua những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, chống Pháp. Tranh cổ động của Lê Đức Hiệp. Nguồn: Nhandan.com.vn
Chính vì vậy, có thể nói rằng chúng ta chống dịch bằng quyết tâm chính trị, bằng một nền tảng văn hóa, bằng yếu tố tinh thần lịch sử chứ không phải bằng sức mạnh kinh tế, tiềm năng khoa học kỹ thuật. Thành công này cũng giống với cách chúng ta đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc của thế kỷ 20, như GS David Elliott, tác giả của công trình nổi tiếng “The Vietnamese War: Revolution and Social Change in the Mekong Delta” [Chiến tranh Việt Nam: Cách mạng và thay đổi xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long] đã từng nhận xét rằng sở dĩ chúng ta chiến thắng được là vì nhờ vào lòng quả cảm của triệu triệu người dân Việt Nam chứ không chỉ riêng yếu tố lãnh đạo của Đảng.
Về quản trị nhà nước, chúng ta được chứng kiến một điểm rất mới so với trước đây là tính minh bạch trong thực thi mọi chính sách chống dịch: từ các quyết sách lớn cho đến từng tin nhắn về tình hình lây nhiễm, truy vết. Để có được lòng tin và sự đồng thuận của người dân trong khủng hoảng, điều đầu tiên mà mọi người dân đều muốn biết là nhà nước đại diện cho mình đang làm gì, làm như thế nào, chính phủ ấy có vì dân không. Việc sẵn sàng minh bạch mọi thông tin, bằng mọi phương tiện thông tin đại chúng, đã cho thấy khả năng dám đối mặt với thách thức, tự tin vào năng lực quản lý nhà nước trong bối cảnh khủng hoảng. Bài học thực tiễn ngay những lúc khủng hoảng nhất như khi bệnh dịch lây lan ở Bạch Mai hay Đà Nẵng, cho thấy chỉ có minh bạch thông tin mới giúp tất cả chúng ta kịp thời ứng phó. Nhìn sang nơi khởi phát đại dịch, chúng ta nhìn thấy ngay bài học thiếu minh bạch, không kịp thời chia sẻ thông tin của Trung Quốc trong giai đoạn đầu đã gây ra một cơn khủng hoảng lòng tin và phải trả giá đắt. Đại dịch Covid-19 là phép thử cho tính chính danh của mỗi chính phủ, và thông qua đó không chỉ người dân thấy được trách nhiệm của chính phủ, mà chính các cơ quan quản lý cũng thấy được năng lực của mình, tự cập nhật và kiểm điểm mình.
Nhìn chung, trong bối cảnh của các cuộc khủng hoảng, chiến tranh thì sự điều phối quyết liệt nhằm đem lại sự ổn định xã hội của nhà nước là rất quan trọng, nhưng câu hỏi đặt ra là nhà nước tiếp tục thể hiện vai trò của mình như thế nào để bước ra khỏi khủng hoảng? Câu trả lời là Nhà nước vẫn đóng vai trò rất quan trọng, nhưng không phải bằng cách can thiệp vào tất cả các lĩnh vực của đời sống vì không đủ sức và không đủ khả năng. Nhà nước chỉ được coi là xứng đáng với vai trò dẫn dắt tiên phong của mình nếu như biết tập trung cao độ đầu tư vào khoa học và công nghệ (KH&CN). Gần đây, trong công trình nổi tiếng “Entrepreneur State” [Nhà nước khởi tạo], giáo sư Mariana Mazzucato đã phân tích bí quyết thành công, sự thịnh vượng của nền kinh tế Hoa Kỳ chính là nhà nước đã biết đầu tư tối đa cho khoa học và đổi mới công nghệ. Chỉ có nhà nước mới đủ tiềm lực hỗ trợ về KH&CN cho các công ty, cho những phát minh, sáng chế và chấp nhận những rủi ro của nghiên cứu khoa học và công nghệ chứ các cá nhân, các tập đoàn không thể tự mình làm được điều đó. 
Chúng ta đã chống dịch Covid nhờ vào quyết tâm chính trị, bằng văn hóa, bằng những yếu tố tinh thần. Nhưng còn tới đây, con đường lâu dài phía trước chỉ có thể dựa vào khoa học dẫn đường, mà ở đó chỉ có Nhà nước mới có khả năng đóng vai trò dẫn dắt tiên phong.□
 
Bảo Như ghi 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)