Bệnh viện tư điều trị COVID theo yêu cầu: Giúp giảm áp lực hệ thống y tế công
Nếu cho phép người có khả năng chi trả được tự chi trả khi sử dụng dịch vụ của các cơ sở y tế tư nhân, thì nguồn lực và ngân sách công mà họ không sử dụng sẽ được dùng để phục vụ người không có điều kiện chi trả.
Báo Tiền phong phản ánh, ở các bệnh viện điều trị COVID, tình trạng quá tải diễn ra ở tất cả các tầng từ bệnh nhẹ đến bệnh nặng và nguy kịch. Nguồn ảnh: Tiền phong.
Trong hoàn cảnh số lượng ca nhiễm tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam đặc biệt tăng cao, gây áp lực nghiêm trọng đến khả năng điều trị của các cơ sở y tế công, đe dọa đến tính mạng của nhiều người dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế do phải tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế, thay mặt Đảng và Chính phủ, đã kêu gọi sự chung tay của các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân.(1) Đáp lại lời kêu gọi trên, đã có một số bệnh viện tư tham gia vào công tác chống dịch và điều trị cho bệnh nhân COVID.(2) Tuy nhiên, khi các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID thì lại phải tuân thủ theo những quy định về chi phí, định mức hoạt động như đơn vị công lập. Điều này đặt nhiều cơ sở y tế tư nhân vào hoàn cảnh khó khăn.(3) Nếu như không có các giải pháp phù hợp sẽ dẫn tới việc các cơ sở ý tế tư nhân rút lui, từ chối tiếp tục nhận điều trị bệnh nhân COVID, hoặc đóng cửa hoàn toàn. Điều này sẽ gây áp lực lớn hơn nữa đến hệ lụy hệ thống y tế nói chung, vốn đã quá tải.
Trong bối cảnh hệ thống y tế quá tải và cần huy động nguồn lực hiệu quả hơn để phục vụ điều trị cho người dân,(4) riêng TP. Hồ Chí Minh đã có đề xuất với Bộ Y tế và Tài chính (i) hướng dẫn mức chi trả cho các bệnh viện tư nhân khi điều trị bệnh nhân COVID-19 trong trường hợp Nhà nước đảm bảo một phần hoặc toàn bộ chi phí điều trị (gọi là Gói miễn phí) (5) và (ii) cho phép các cơ sơ y tế tư nhân có đủ điều kiện thu dịch vụ khi chữa COVID-19, điều trị bệnh nhân COVID-19 theo yêu cầu và thu giá dịch vụ tương ứng (gọi là Gói dịch vụ – áp dụng với các bệnh nhân có điều kiện chi trả và sẵn sàng thanh toán phí điều trị COVID-19 để được chữa trị theo yêu cầu).(6)
Chúng tôi cho rằng đề xuất cho phép có Gói dịch vụ – cho phép các cơ sơ y tế tư nhân có đủ điều kiện thu dịch vụ khi chữa COVID-19, điều trị bệnh nhân COVID-19 theo yêu cầu là một đề xuất đúng hướng trong hoàn cảnh hiện nay.
Nếu như chính sách này được thực hiện thành công thì có thể được mở rộng áp dụng cho các tỉnh thành khác, qua đó đạt được những mục tiêu kinh tế xã hội sau:
1- Tăng cường, mở rộng năng lực điều trị COVID của hệ thống y tế vốn đã quá tải: Điều rõ ràng là tại TP Hồ Chí Minh hệ thống y tế đã quá tải nguồn lực điều trị COVID-19, mặc dù đã được Trung ương và các tỉnh khác chi viện.(7) Theo số liệu mới nhất tại TP Hồ Chí Minh hiện có 63 bệnh viện với số giường bệnh là 5.494. Trong số này mới có 10 bệnh viện chuyển đổi công năng, tham gia điều trị COVID với 966 giường (17,6%), quá ít so với nhu cầu điều trị COVID.(8) Như vậy, có thể nói, nếu có các chính sách phù hợp, năng lực điều trị của hệ thống y tế có thể được cải thiện với sự tham gia nhiều hơn của các bệnh viện tư.
Điểm cần lưu ý, đó là kể cả trong trường hợp số giường điều trị được huy động thêm từ khu vực tư nhân (ví dụ là 1000) chỉ để dùng cho người có khả năng chi trả (gói dịch vụ) thì toàn bộ hệ thống vẫn sẽ có thêm 1000 giường để chữa cho cả người có khả năng chi trả lẫn người không có khả năng chi trả! Việc những người có khả năng chi trả chuyển sang sử dụng dịch vụ y tế tư nhân sẽ giải phóng chỗ, giường bệnh trong khu vực y tế công, qua đó người không có khả năng chi trả sẽ được tiếp cận nhiều hơn đến các dịch vụ của khu vực công!
2- Tập trung nguồn lực, ngân sách cho những đối tượng cần thiết, người nghèo: Việc nhà nước cung cấp dịch vụ chữa trị COVID miễn phí cho toàn xã hội là hết sức nhân văn. Tuy nhiên, ngân sách của nhà nước luôn là hữu hạn, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh, nên việc “bao cấp” hoàn toàn như hiện nay cho cả người có điều kiện chi trả và người không có điều kiện chi trả sẽ có tính “cào bằng”. Và việc hạn chế không cho người có khả năng chi trả tự trả tiền để tiếp cận các dịch vụ của khu vực tư mà lại sử dụng ngân sách có hạn để chi trả cho cả người nghèo lẫn người giàu sẽ tạo ra sự “không công bằng” không cần thiết trong xã hội!
Nếu cho phép người có khả năng chi trả được tự chi trả khi sử dụng dịch vụ của các cơ sở y tế tư nhân, thì nguồn lực và ngân sách công mà họ không sử dụng sẽ được dùng để phục vụ người không có điều kiện chi trả! Việc này tốt cho cả xã hội nói chung, và đặc biệt tốt cho người không có khả năng chi trả, giờ đây họ có thể tiếp cận tốt hơn, nhiều hơn tới dịch vụ y tế công!
Điểm phải lưu ý là không phải ai có khả năng chi trả cũng muốn chi trả, muốn chuyển sang sử dụng dịch vụ y tế tư! Việc những người có khả năng chi trả tự chi trả cho bản thân cần được khuyến khích trong bối cảnh ngân sách hạn chế, bởi họ làm như vậy là gián tiếp giúp cho người không có điều kiện chi trả, qua đó làm cho xã hội công bằng hơn!
3- Tăng thu ngân sách: Việc các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân có thể thu tiền theo đúng với mức dịch vụ y tế mà họ cung cấp cho những người có khả năng chi trả, ngoài việc đảm bảo họ tiếp tục có thể hoạt động theo lời kêu gọi của Đảng và chính phủ còn tạo ra nguồn thu ngân sách. Số tiền thuế thu được từ các dịch vụ này có thể được nhà nước sử dụng để chỉ trả cho dịch vụ y tế công, phục vụ người nghèo!
Tóm lại, chúng tôi cho rằng việc động viên, khuyến khích các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị COVID là hết sức cần thiết. Nếu mô hình tại TP HCM có thể thành công, Việt Nam có thể cân nhắc nhân rộng ra toàn quốc, khi đó năng lực điều trị của toàn hệ thống y tế sẽ tăng lên đáng kể, giúp cho Việt Nam chống chọi tốt hơn với đại dịch COVID.
4. Tiếp tục duy trì gói miễn phí tại bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân: Điểm cuối cùng trong bài viết này chúng tôi muốn đề cập là việc thiết kế chính sách. Đó là khi cho phép các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân thu phí khi họ cung cấp Gói dịch vụ thì Gói miễn phí mà hiện nay họ đang cung cấp không bị triệt tiêu, teo tóp đi. Cụ thể như sau:
4.1 Khi đươc phép cung cấp Gói dịch vụ cho những người sẵn lòng chi trả, các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân vẫn phải cam kết và duy trì một tỷ lệ (ví dụ 20-30%) giường bệnh để cung cấp Gói miễn phí cho người không có điều kiện chi trả. Chi phí điều trị sẽ được ngân sách nhà nước hoàn trả lại cho các bệnh viện tư theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Y tế.
4.2 Những bệnh nhân được chữa trị ở các bệnh viện tư nhân, nếu được xác nhận là thành phần nghèo, sẽ được nhà nước hỗ trợ về tài chính theo nghĩa nhà nước sẽ bù lại số tiền chị trả ở bệnh viện tư nhân nếu cao hơn mức chi trả ở bệnh viện công.
4.3 Những ca trầm trọng cần có máy thở, những phương tiện tinh vi hơn… thì sẽ được chữa trị ở bệnh viện công. Những thiết bị này rất đắt tiền, theo nguyên tắc, đa số chỉ có ở các bệnh viện công.□
—
Về các tác giả: (i) TS Nguyễn Ngọc Anh (DEPOCEN); (ii) GS Trần Nam Bình (UNSW Sydney); (iii) GS Lê Văn Cường (Paris School of Economics)
Chú thích:
(1) https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/rat-can-su-chung-tay-cua-benh-vien-co-so-y-te-tu-nhan-587191.html.
(2) https://tuoitre.vn/4-benh-vien-tu-nhan-se-tiep-nhan-va-dieu-tri-benh-nhan-covid-19-20210727080739955.htm.
(3) https://vnexpress.net/benh-vien-tu-duoi-vi-chi-phi-dieu-tri-covid-19-4348345.html
(4) https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/huy-dong-va-dieu-phoi-nguon-luc-hieu-qua-hon-de-phuc-vu-dieu-tri-cho-nguoi-dan-1491882592
(5) Theo quy định hiện hành của Việt Nam (Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ) trong thời gian đang có dịch diễn ra như hiện nay thì bệnh nhân mắc bệnh dịch Covid-19 sẽ được khám và điều trị miễn phí. https://chinhsachonline.chinhphu.vn/Chi-tiet-cau-hoi/Benh-nhan-mac-COVID19-duoc-dieu-tri-mien-phi/29445.vgp Xem thêm Văn bản số 505/BYT-BH của Bộ Y tế để biết hướng dẫn chi tiết.
(6) https://vnexpress.net/kien-nghi-cho-co-so-y-te-tu-nhan-thu-dich-vu-dieu-tri-covid-19-4345775.html và https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/tp-hcm-kien-nghi-de-y-te-tu-nhan-thu-dich-vu-kham-va-dieu-tri-covid-19-769070.html
(7) https://tuoitre.vn/tp-hcm-qua-tai-nguon-luc-dieu-tri-covid-19-20210714091416909.htm.
(8) https://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-kien-nghi-cho-co-so-tu-nhan-thu-phi-dieu-tri-covid-19-20210825232140815.htm