Biển của chúng ta

Nhìn những đợt sóng vỗ không ngừng của biển cho ta cảm giác vĩnh hằng; những con tàu khuất dần phía chân trời cho ta cảm giác vô hạn; giống như chàng trai trẻ Trần Văn Thủy, chúng ta tự hỏi mình sẽ đi về đâu khi vượt ra ngoài cuối biển.

Thím Nhuận chính là người mà mình đã hỏi: 

“Nếu đi hết biển thì đến đâu?”. 

“Uyên bác” là thế mà thím cũng ngẩn người, 

không trả lời được.

Trần Văn Thủy, trích trong phim Có một làng quê.

Nhìn những đợt sóng vỗ không ngừng của biển cho ta cảm giác vĩnh hằng; những con tàu khuất dần phía chân trời cho ta cảm giác vô hạn; giống như chàng trai trẻ Trần Văn Thủy, chúng ta tự hỏi mình sẽ đi về đâu khi vượt ra ngoài cuối biển. Từ lâu, chúng ta đã được học rằng hết biển là những bờ biển khác, chúng ta sẽ gặp những con người từ các nền văn hóa khác. Đôi khi chúng ta xoay sở để sống hạnh phúc bên nhau, học hỏi kinh nghiệm của nhau. Những lần khác, chúng ta lại tạo ra những cuộc chiến tranh, háo hức thống trị, và cuộc chiến chỉ kết thúc khi có kẻ thắng người thua. Tiêu biểu cho số phận như vậy là Địa Trung Hải, nơi tiếp giáp giữa ba lục địa Á, Âu và Phi; Tôi muốn dành bài viết này nhắc lại về lịch sử của nó một cách ngắn gọn. Trước khi làm việc đó, cho phép tôi đưa ra một vài nhận xét dựa trên kinh nghiệm khiêm tốn của mình, đặc biệt về Luật Biển. 

Sau khi tốt nghiệp, tôi tham gia nghĩa vụ quân sự: Tôi đã trải qua hai năm cuối của những năm 50 với tư cách là sĩ quan hải quân trên một tàu khu trục nhỏ của Pháp có cái tên đầy cảm hứng, “Cuộc phiêu lưu”. Nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ đội tàu đánh cá tuyết của Pháp ở Bắc Đại Tây Dương, đó là một đội có khoảng 30 tàu cá với gần một nghìn ngư dân. Các đàn cá tuyết thường trải qua mùa xuân quanh Newfoundland, mùa hè giữa North Cap và Spitzberg và mùa thu trên bờ biển phía Tây Greenland. Các ngư dân đi theo các đàn cá tuyết và chúng tôi thì đi theo họ. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là cung cấp hỗ trợ y tế và đưa thư; thỉnh thoảng, cung cấp một số hỗ trợ pháp lý: chúng tôi có một luật sư trẻ trên tàu, anh ấy giúp các tàu đánh cá đánh bắt trong lãnh hải hoặc lo các thủ tục giấy tờ cần thiết khi có ngư dân qua đời, thỉnh thoảng điều đó cũng xảy ra. Thời điểm đó, nghề đánh bắt cá tuyết đang trong giai đoạn chuyển đổi. Người Bồ Đào Nha sở hữu một đội tàu gồm khoảng ba mươi chiếc thuyền buồm bốn cột xinh đẹp, Đội tàu trắng, mỗi chiếc mang theo một số thuyền chèo nhỏ khi đến bãi ngầm sẽ được thả xuống; mỗi chiếc thuyền chèo nhỏ sẽ có hai ngư dân tham gia câu cá. Ở một thái cực khác, người Anh vận hành một tàu công nghiệp có khả năng sơ chế và làm đông lạnh trực tiếp cá trên tàu. Ở giữa, với số lượng phần lớn các đội tàu, chủ yếu là người Tây Ban Nha và người Pháp, sử dụng lưới kéo, cá được cắt phi lê ngay sau khi kéo lưới và cá được ướp muối trong khoang tàu để bảo quản. Một thập kỷ sau, các đội tàu đã được hiện đại hóa hoàn toàn làm cho sản lượng khai thác tăng lên gấp ba; việc đánh bắt quá mức đã gây ra sự cạn kiệt nghiêm trọng trữ lượng cá tuyết và nghề đánh bắt cá tuyết đã sụp đổ vào năm 19931.

Sau khi bịđánh bắt trong nhiều thế kỷ, quần thể cá tuyết gần như bị các tàu đánh cá xóa sổ. Ảnh: Alamy Stock Photo

Vào thời điểm đó, Luật Biển rất đơn giản: dựa trên khái niệm “tự do hàng hải”, theo đó mỗi quốc gia giới hạn quyền trong một vành đai nước xác định kéo dài 3 hải lý (5,6 km) tính từ bờ biển của mình. Tất cả các vùng biển bên ngoài biên giới quốc gia được coi là vùng biển quốc tế: tự do cho tất cả, nhưng không thuộc về bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, cá tuyết không quan tâm về giới hạn ba dặm và đôi khi phiêu lưu vào vùng biển của Canada hoặc Đan Mạch2. Một số tàu đánh cá lần theo chúng có nguy cơ bị lực lượng bảo vệ bờ biển bắt giữ. Tuy nhiên, đây chỉ là những tranh chấp nhỏ so với những gì xảy ra trong những thập kỷ tiếp theo. Nó bắt đầu sau Thế chiến Thứ hai với việc Truman mở rộng quyền kiểm soát của Hoa Kỳ với tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong thềm lục địa của mình. Sau đó, đến nửa sau thế kỷ XX, áp lực khai thác tài nguyên khoáng sản xa bờ, mở rộng và bảo vệ các vùng đánh bắt cá đã khiến Liên Hợp Quốc (LHQ) từng bước cho ra đời Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS)3. UNCLOS hệ thống và mã hóa các tiêu chuẩn và nguyên tắc của luật biển quốc tế, dựa trên kinh nghiệm hàng hải của hàng thế kỷ và được thể hiện ở mức độ lớn trong Hiến chương LHQ và các quy phạm luật biển quốc tế hiện hành. Tuy nhiên, UNCLOS không giải quyết được các vấn đề tranh chấp lãnh hải hoặc chủ quyền, vốn được điều chỉnh bởi các quy tắc của luật hải quan quốc tế về việc giành và mất lãnh thổ. Thật vậy, bất chấp mức độ phức tạp cao mà nó đã phát triển tới, trọng tâm của UNCLOS là bảo vệ môi trường biển, như được minh họa bằng một thỏa thuận đạt được vào tháng ba năm nay về Hiệp ước Biển Quốc tế (High Seas Treaty) nhằm bảo vệ đời sống đại dương ở vùng biển quốc tế. Đặc biệt, UNCLOS không giúp được gì cho những trường hợp đảo nhỏ và bãi đá hoang nằm cách xa bờ lục địa, thành phần chủ yếu tạo nên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong trường hợp này, vấn đề tranh chấp là chiến lược, bên cạnh các yếu tố về lợi ích kinh tế nhờ khai thác tài nguyên khoáng sản và đặc quyền đánh bắt cá. Ở đó, Pháp là nước đầu tiên phá vỡ chế độ tự do hàng hải với tuyên bố chủ quyền đối với cả hai quần đảo này vào năm 1932. Hành động này, ngày nay được coi là hết sức vô trách nhiệm và phi thực tế, đã kích hoạt một danh sách dài tuyên bố của các nước xung quanh4.

Bức tranh Trận Cerami (1063), Đại bá tước Roger I của Sicily chiến đấu chống lại quân Hồi giáo. Nguồn: Wiki.

Địa Trung Hải – nơi chứng kiến những nền văn minh huy hoàng

Người ta thường cho rằng những con sông lớn, chứ không phải biển, mới là cái nôi của những nền văn minh5, ngoại lệ duy nhất là nền văn minh Caral-Supe ở ven biển Peru. Đó là sông Ấn ở Bắc Ấn Độ, sông Hoàng Hà ở Trung Quốc, sông Nile ở Ai Cập và lưu vực Tigris-Euphrates ở Mesopotamia, giữa Địa Trung Hải và Iran hiện đại, khoảng 55 thế kỷ trước. Phải mất thêm hai thế kỷ nữa cho đến khi người Ai Cập và người Mesopotamia bắt đầu định cư trên bờ biển Địa Trung Hải. Trải qua hai thiên niên kỷ của Thời đại Đồ đồng, người Phœnicia dần dần mở rộng quyền thống trị của họ từ bờ biển phía Đông Địa Trung Hải đến Tây Ban Nha hiện nay, trong thời gian đó, biển đóng vai trò ngày càng quan trọng cung cấp thực phẩm từ đánh bắt cá và các tuyến đường thương mại, thuộc địa và chiến tranh. Thời kỳ này, đôi khi được gọi là Thời kỳ hoàng kim, kết thúc đột ngột vào thế kỷ 12 trước Công nguyên mà các nhà sử học gọi là Sự sụp đổ của Thời kỳ Đồ đồng muộn6. Nguyên nhân của sự sụp đổ một phần bởi thiên tai, lũ lụt, động đất và núi lửa phun trào, và do các cuộc xâm lược và di cư của Hải nhân7 đến từ phía Tây. Các yếu tố này dẫn đến sự hủy diệt, hoặc chí ít là đi xuống nghiêm trọng, của các nền văn minh nằm trên bờ Đông Địa Trung Hải, từ Hy Lạp đến Ai Cập.

Sau đó, phải mất khoảng ba thế kỷ, vào thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên, người Phœnicia mới có thể phục hồi sau thảm họa này và khi đó họ nổi tiếng với những thương nhân và thủy thủ lành nghề, với mạng lưới thương mại hàng hải mở rộng, kéo dài hơn một thiên niên kỷ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi văn hóa, ý tưởng và kiến thức trên khắp Địa Trung Hải. Họ tổ chức thành các bang độc lập về chính trị, và đã hình thành nên các thuộc địa như Carthage, ở Tunisia ngày nay, nơi đã trở thành một nền văn minh lớn theo đúng nghĩa của nó vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên. Đồng thời, các thành phố Hy Lạp bắt đầu hình thành, tham gia vào quá trình thuộc địa hóa Lưu vực Địa Trung Hải, và dẫn đến thời đại Hy Lạp cổ điển, kéo dài suốt thế kỷ thứ 5 và thứ 4 trước Công nguyên và Thời kỳ hoàng kim của Athens. Văn hóa Hy Lạp cổ điển, đặc biệt là triết học, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến La Mã cổ đại, nền văn minh có vai trò quan trọng trong việc truyền bá văn hóa Hy Lạp đi khắp Địa Trung Hải và phần lớn châu Âu. Hy Lạp cổ điển thường được coi là cái nôi của văn minh phương Tây; văn hóa tinh túy của phương Tây hiện đại bắt nguồn từ nhiều nguyên mẫu và ý tưởng chính trị, triết học, khoa học và nghệ thuật của Hy Lạp cổ điển. Cũng vào thời kỳ đó, Darius Đại đế của Ba Tư, người chinh phục Ai Cập, đã xây dựng một con kênh nối Biển Đỏ với sông Nile, và sau đó với Địa Trung Hải. Đó cũng là thời điểm mà La Mã bắt đầu dần dần mở rộng thành Cộng hòa La Mã và sau này là Đế chế La Mã.

Biển đem lại cho chúng ta cảm giác vĩnh hằng và bình yên, nhưng đó là đấu trường kịch tính đã chứng kiến những nền văn minh trỗi dậy huy hoàng rồi tàn lụi.

Cả thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, Cộng hòa La Mã, chính thể chính trị được hỗ trợ bởi một tổ chức chính trị vững chắc, đã mở rộng quyền kiểm soát của mình trên toàn bộ bán đảo Ý. Giữa thế kỷ thứ 3 và giữa thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, các cuộc Chiến tranh Punic8 chống lại La Mã của Carthage. Carthage là cường quốc thống trị phía tây Địa Trung Hải, với một đế chế hàng hải rộng lớn, trong khi La Mã có quân đội mạnh nhưng không có hải quân. Cuộc chiến đầu tiên diễn ra ở Sicily, Bắc Phi, Corsica và Sardinia và vào năm 241 trước Công nguyên, người Carthage bị đánh bại, Sicily bị sáp nhập thành một tỉnh của La Mã. Cuộc chiến thứ hai bắt đầu với các cuộc xâm lược rất thành công của Carthage trên bán đảo Ý và Iberia (Tây Ban Nha hiện nay), cũng như lục địa Bắc Phi và các đảo Sicily và Sardinia. Tổng chỉ huy quân của Carthage là tướng Hannibal người đã dẫn quân đội của mình vượt dãy Alps. Đây là đội quân được ghi nhớ trong lịch sử quân sự vì sự tinh nhuệ, và sự góp mặt của tiểu đoàn voi chiến9. Nhưng La Mã đã xâm lược Carthage vào năm 204 trước Công nguyên và Hannibal đã bị đánh bại hai năm sau đó trong trận chiến Zarma: Carthage bị tước bỏ các lãnh thổ hải ngoại và phải chịu các biện pháp trừng phạt khiến nó không thể gây ra thêm bất kỳ mối đe dọa quân sự nào. Cuộc chiến thứ ba tập trung vào cuộc bao vây Carthage và vào năm 146 trước Công nguyên, người La Mã xông vào thành phố, cướp bóc và phá hủy, tàn sát hoặc bắt hầu hết dân chúng của nó làm nô lệ. Các lãnh thổ của người Carthage đã bị biến thành một tỉnh của La Mã ở Châu Phi. Cùng năm đó, bán đảo Hy Lạp rơi vào tay Cộng hòa La Mã trong Trận Corinth, khi Macedonia trở thành một tỉnh của La Mã. Vào năm 30 trước Công nguyên, Augustus, cháu trai của Julius Caesar, người đã trị vì trong thời kỳ chiến tranh và bất ổn, đã chinh phục Ai Cập, đặt dấu chấm hết cho hơn ba thế kỷ thống trị của Hy Lạp bắt đầu bằng các cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế. Ông trở thành Hoàng đế La Mã đầu tiên.

Đế chế La Mã vào cuối thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên.

Hai thế kỷ đầu tiên của Đế chế La Mã, cái gọi là Pax Romana (Hòa bình La Mã), đã chứng kiến sự gắn kết của nó được thúc đẩy bởi sự ổn định xã hội và thịnh vượng kinh tế chưa từng có. Các cuộc nổi dậy ở các tỉnh hiếm khi xảy ra nhưng khi xảy ra thì đều bị dập tắt một cách nhanh chóng. Phạm vi lãnh thổ của đế chế hết sức rộng lớn và người La Mã có thể tự hào gọi Địa Trung Hải là “Mare Nostrum” (Biển của Chúng ta). Nhưng thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên chứng kiến khởi đầu cho sự suy tàn của các thế lực ở bờ biển phía Đông Địa Trung Hải và nước Pháp hiện tại giành lại được một phần độc lập. Các cuộc xâm lược từ phía Bắc, đặc biệt là do đám người Goth chạy trốn khỏi người Huns của Attila, dẫn đến sự suy tàn của Đế chế Tây La Mã, cuối cùng sụp đổ vào cuối thế kỷ thứ 5. Đế chế Đông La Mã tồn tại thêm một thiên niên kỷ nữa, nhưng nó đã rời khỏi Địa Trung Hải để đến Biển Đen. Cùng thiên niên kỷ đó là thời kỳ trung cổ đối với Tây Âu, Thời Trung cổ, đôi khi được gọi là Thời kỳ đen tối. Thời kỳ này dân số phát triển, tập trung hóa, cùng những biến động chính trị lớn và bạo lực, là nền tảng tạo nên nhiều quốc gia châu Âu hiện đại. Thời kỳ này bị chi phối bởi sự phát triển của Cơ đốc giáo dẫn đến việc xây dựng các thánh đường, phát triển nông nghiệp, hình thành nên các thị trấn, làng mạc mới, nhiều lâu đài kiên cố được giới quý tộc địa phương xây dựng. Thế kỷ 12 chứng kiến nhiều thay đổi bao gồm các biến đổi xã hội, chính trị và kinh tế, và sự hồi sinh mạnh mẽ tri thức với nguồn gốc triết học và khoa học. Những thay đổi này đã mở đường cho phong trào văn học và nghệ thuật của thời Phục hưng Ý vào thế kỷ 15 và sự phát triển khoa học của thế kỷ 17.

Trong khi đó, ở Địa Trung Hải vào thế kỷ thứ 7, các cuộc xâm lược của người Ả Rập đã làm gián đoạn quan hệ thương mại giữa Tây và Đông Âu và đạo Hồi nhanh chóng tràn qua từ phía Đông; người Ả Rập vào thời kỳ đỉnh cao quyền lực của mình, đã kiểm soát hầu hết khu vực Địa Trung Hải, để lại nhiều dấu vết trên bờ biển phía Đông và phía Nam. Các thực thể chính trị Hồi giáo đã có mặt ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Sicily và Malta ngày nay trong suốt thời Trung cổ. Các sản phẩm từ các đế chế Đông Á, như lụa và gia vị, được các thủy thủ và thương nhân Do Thái vận chuyển từ Ai Cập đến các cảng như Venice và Constantinople, đồng thời thương mại giữa người Ả Rập và các thành phố của Ý được duy trì trong nhiều thế kỷ, đặc biệt thịnh vượng trong giai đoạn các cuộc Thập tự chinh.

Là biểu tượng của lịch sử Địa Trung Hải, Sicily, hòn đảo lớn nhất và trung tâm nhất của nó, đã lần lượt bị cai trị bởi người Phoenicia và người Carthage, người Hy Lạp, người La Mã, người Vandal và người Ostrogoth, người Hy Lạp Byzantine, người Ả Rập, người Norman, người Aragon và người Tây Ban Nha, họ đều để lại dấu ấn của mình trên đảo. Nhưng hòn đảo cũng được hưởng độc lập với tên gọi Vương quốc Sicily, thành lập năm 1130, trong thời gian đó quốc đảo rất thịnh vượng, hùng mạnh về chính trị, trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất ở châu Âu. Ngày nay, du lịch khắp Sicily giống như đọc một cuốn sách lịch sử và kinh ngạc trước những phong cảnh của hòn đảo này. 

Địa Trung Hải – nơi chôn vùi những người nô lệ Châu Phi

Giữa thế kỷ 14 và đầu thế kỷ 20, Đế chế Ottoman (hay Thổ Nhĩ Kỳ) kiểm soát phần lớn Đông Nam Âu, Tây Á và Bắc Phi. Sau cuộc chinh phục Balkan và Constantinople, triều đại của Suleiman Vĩ đại chứng kiến đỉnh cao quyền lực và sự thịnh vượng, cũng như sự phát triển cao nhất của hệ thống chính quyền, xã hội và kinh tế. Với Constantinople (Istanbul) là thủ đô và kiểm soát các vùng đất xung quanh Lưu vực Địa Trung Hải, Đế chế Ottoman là trung tâm tương tác giữa Trung Đông và châu Âu trong sáu thế kỷ. Đế chế này đã giành được quyền kiểm soát phần lớn lưu vực phía đông Địa Trung Hải vào thế kỷ 16, với trận chiến Djerba đánh dấu đỉnh cao sự thống trị hải quân của đế chế, rồi tiếp tục duy trì các căn cứ hải quân ở miền Nam nước Pháp, Algeria và Tunisia. Nhưng vào năm 1571, Ottoman đã bị đánh bại trong Trận Lepanto, tiến trình mở rộng quân sự sang Địa Trung Hải bắt đầu suy giảm, mặc dù các cuộc chiến tranh của Ottoman ở châu Âu vẫn tiếp tục diễn ra trong một thế kỷ nữa.

Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, những tên cướp biển ở Tây Bắc châu Phi săn lùng tàu thuyền của người Cơ đốc giáo và các bờ biển ở Tây Địa Trung Hải, bắt hơn 1 triệu người châu Âu làm nô lệ. Sự phát triển của vận tải biển bắt đầu ảnh hưởng đến toàn bộ Địa Trung Hải với việc mở tuyến đường biển đến Ấn Độ Dương, cho phép nhập khẩu gia vị châu Á và các hàng hóa khác thông qua các cảng Đại Tây Dương của Tây Âu. Với việc khánh thành Kênh đào Suez không khóa vào năm 1869, dòng chảy thương mại giữa châu Âu và châu Á đã thay đổi căn bản, nó trở thành con đường nhanh nhất dẫn qua Địa Trung Hải đến Đông Phi và châu Á. Tuy nhiên, biển Địa Trung Hải vẫn có tầm quan trọng chiến lược. Quyền làm chủ Gibraltar của Anh đảm bảo ảnh hưởng của họ ở Châu Phi và Tây Nam Á. Sau các trận hải chiến Abukir và Trafalgar, người Anh đã tăng cường sự hiện diện của mình ở Địa Trung Hải trong một thời gian dài.

Ngày nay Địa Trung Hải đã là nghĩa địa, mồ chôn một số lượng lớn người châu Phi di cư. Ảnh: Italian Navy/AP Photo

Thế kỷ 19 bị chi phối bởi quá trình thuộc địa hóa Bắc Phi của các quốc gia châu Âu. Sau khi Pháp chiếm được Algiers vào năm 1830, chỉ có Tunisia và Maroc tồn tại với tư cách là các quốc gia độc lập. Với một Hiệp ước cơ bản đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật của mọi đối tượng, Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Do Thái, và một hiến pháp quy định về một hội đồng tư vấn và quản lý tư pháp, Tunisia mạnh về đối bộ nhưng lại yếu về đối ngoại quốc tế. Ở Ma-rốc, các vua Muhammad và Hassan cai trị đất nước, vào cuối thế kỷ, đã duy trì nền độc lập và dần dần mở rộng mạng lưới các thống đốc quận ở phía nam. Trong khi đó, người Pháp mất gần 20 năm để hoàn thành cuộc chinh phục lãnh thổ cũ Algiers và 20 năm nữa để thay thế quân đội bằng một chính quyền dân sự. Việc Algérie sáp nhập vào Pháp quốc đã thu hút nhiều người châu Âu đến định cư, với cái giá phải trả cho những người Hồi giáo bản địa, những người bị từ chối quyền chính trị, bị đàn áp về hành chính và thiếu thốn về kinh tế. Những người nhập cư chiếm khoảng 1/6 tổng dân số Algérie vào năm 1900, hầu hết sống ở các thành phố như Algiers và Oran. Nền kinh tế của Algérie ngày càng phụ thuộc vào việc sản xuất rượu vang và lúa mì quy mô lớn để xuất khẩu sang Pháp, trong khi phần lớn người Hồi giáo của đất nước ngày càng trở nên nghèo khó. Người Pháp đã tránh lặp lại những sai lầm như vậy khi họ thuộc địa hóa Tunisia và Maroc: một chế độ bảo hộ của Pháp cuối cùng đã được áp đặt lên Tunisia vào năm 1881-83, duy trì quyền quản lý của vương quốc Tunis, mặc dù dưới sự giám sát của Pháp; chính quyền bảo hộ Maroc chỉ được thành lập vào năm 1912, trong khi Tây Ban Nha xâm chiếm bờ biển phía bắc; hòa bình chỉ đạt được vào năm 1934, sau khi Lyautey đánh bại phong trào kháng chiến do Abd el-Krim, một người theo chủ nghĩa dân tộc Maroc, lãnh đạo. 

Libya cũng bị Ý xâm lược tương tự vào năm 1911, và đến năm 1939, quá trình thuộc địa hóa Maroc, Tunisia và Libya của những người định cư Pháp và Ý đã tiến triển tốt. Từ năm 1890 đến năm 1941, thuộc địa của Ý ở châu Phi bao gồm các quốc gia ngày nay là Libya, Ethiopia, Eritrea và Somalia. Ở nhiều khía cạnh, chính sách thuộc địa của Ý tương tự như chính sách của những nước khác; tuy nhiên, nó khác là được thúc đẩy nhiều hơn bằng cách nâng cao vinh quang và uy tín quốc tế nói chung của Ý, hơn là vì lợi ích kinh tế. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít đã khiến một số người Ý hình thành nên hệ thống phân cấp chủng tộc, trong đó người Ý và những người châu Âu khác đứng ở trên cùng, người Ả Rập và người Bắc Phi ở giữa, còn người châu Phi da đen và người Do Thái ở dưới cùng về quyền và đặc quyền. Khoảng năm 1937, khi việc chiếm đóng Ethiopia hoàn tất, chính sách phân biệt chủng tộc của phát xít trở nên rõ ràng và cực đoan hơn. Mussolini muốn thiết lập lại sự vĩ đại của Đế chế La Mã và tin rằng Ý là quốc gia hùng mạnh nhất trong số các quốc gia Địa Trung Hải sau Thế chiến I. Ông tuyên bố rằng “thế kỷ 20 sẽ là thế kỷ của quyền lực Ý” và xây dựng một trong những lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới để kiểm soát biển Địa Trung Hải. Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai bắt đầu, Ý đã là một cường quốc hải quân lớn và sau khi Pháp sụp đổ, Hạm đội Địa Trung Hải của Anh là mối đe dọa duy nhất đối với sự thống trị của nước này ở Địa Trung Hải. Mussolini mong muốn tạo ra một Đế quốc Ý xung quanh ý tưởng của mình về “Mare Nostrum” và thúc đẩy dự án phát xít về một Đế chế Ý mở rộng, trải dài từ bờ biển Địa Trung Hải của Ai Cập đến bờ biển Ấn Độ Dương của Somalia và miền đông Kenya. Mussolini mơ ước biến Địa Trung Hải thành “hồ nước Ý”, tuy nhiên, ngay sau đó giấc mơ ấy đối diện với những thách thức bởi hải quân Đồng minh trên biển, quân đội Đồng minh và các phong trào kháng chiến trên đất liền. Giấc mơ ấy kết thúc với cái chết của ông, sự sụp đổ của chế độ phát xít và thất bại cuối cùng của Ý vào tháng 9 năm 1943.

Chiến tranh Thế giới thứ hai đã mang lại những thay đổi lớn cho Bắc Phi, thúc đẩy sự nghiệp giành độc lập dân tộc. Phản ứng đối với nhiều năm chủ nghĩa thực dân đã bắt đầu và tạo ra những phong trào dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ. Vào năm 1951, người Anh đầu tiên trao độc lập cho Libya thống nhất dưới thời Vua Idris I. Người Pháp ở thế phòng thủ, trao độc lập cho Tunisia và Maroc vào năm 1956 để tập trung nỗ lực vào Algérie, nơi đang diễn ra cuộc nổi dậy toàn diện nổ ra vào năm 1954. Một cuộc chiến tranh kéo dài và tốn kém đã dẫn đến nền độc lập của Algérie vào năm 1962, tám năm sau khi Điện Biên Phủ kết thúc chiến tranh Đông Dương, đặt dấu chấm hết đã được chờ đợi từ lâu cho những trang đen tối nhất trong lịch sử thuộc địa gần đây của Pháp.

Ngày nay, Địa Trung Hải đã trở thành nghĩa địa, mồ chôn một số lượng lớn người di cư châu Phi chết đuối ở đó khi thuyền của họ bị lật; Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho biết vào năm 2014 rằng chính sách di cư của châu Âu đã “biến Địa Trung Hải thành nghĩa địa”. Sau vụ đắm tàu chở người di cư ở Lampedusa năm 2013, với số người thiệt mạng lên tới hơn 360 người, Chính phủ Ý đã quyết định tăng cường hệ thống tuần tra quốc gia trên biển Địa Trung Hải bằng cách ủy quyền cho “Chiến dịch Mare Nostrum”, một sứ mệnh quân sự và nhân đạo nhằm giải cứu những người di cư và bắt giữ những kẻ buôn người nhập cư. Năm 2015, hơn một triệu người di cư đã vượt biển Địa Trung Hải để vào châu Âu. Mỗi năm, trung bình có khoảng hai nghìn người trong số họ bị chết đuối.

Bất lực trước những bài học lịch sử, chúng ta cứ nhìn ra biển một cách say mê, hết lớp sóng này đến lớp sóng khác, một sự luân phiên không hồi kết của những đợt sóng chiến tranh nối tiếp những đợt sóng hòa bình, những đợt suy tàn nối tiếp những đợt hưng thịnh, những đợt khổ đau nối tiếp những bờ vui.□

Phạm Ngọc Điệp dịch

———

1 https://en.wikipedia.org/wiki/Collapse_of_the_Atlantic_northwest_cod_fishery

2 Greenland là một phần của Vương quốc Đan Mạch.

3 https://en.wikipedia.org/wiki/United_Nations_Convention_on_the_Law_of_the_Sea

4 https://en.wikipedia.org/wiki/Territorial_disputes_in_the_South_China_Sea

5 https://en.wikipedia.org/wiki/Cradle_of_civilization

6 https://en.wikipedia.org/wiki/Late_Bronze_Age_collapse

7 https://en.wikipedia.org/wiki/Sea_Peoples

8 https://en.wikipedia.org/wiki/Punic_Wars

9https://www.theguardian.com/science/2016/apr/03/where-muck-hannibals-elephants-alps-italy-bill-mahaney-york-university-toronto

Tác giả

(Visited 33 times, 1 visits today)