Biết mình, biết người 1

Suy nghĩ thực hiện Nghị quyết Đại hội X Năm 2006 nước ta có 2 sự kiên đặc biệt quan trọng: Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định quyết tâm phấn đấu đưa nước ta thoát khỏi số phận nước nghèo vào năm 20102, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - nếu đàm phán thành công. Về nhiều mặt đây là sự cam kết với chính mình và cam kết với cả thế giới: Việt Nam quyết tâm bước vào một thời kỳ phát triển mới.

Quyết tâm và cam kết này vừa là thành quả phấn đấu trong 30 năm đầu tiên của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất và độc lập, vừa là ý chí của cả dân tộc ta tham gia vào sân chơi chung bình đẳng trên thương trường quốc tế, đưa nước ta hội nhập toàn diện vào xu thế toàn cầu hóa kinh tế thế giới. Nói một cách khác, lần đầu tiên trong lịch sử của mình Việt nam có vị thế và bản lĩnh coi cả thế giới là đối tác của mình, cả thế giới chấp nhận vị thế này của Việt Nam. Cả nước ta, nói cụ thể hơn nữa là toàn thể dân tộc ta bước vào một cuộc đua tranh toàn diện với cả thế giới.
Nhìn lại quá khứ đầy máu và nước mắt của một quốc gia trong ngót hai thế kỷ vừa qua đã có lúc bị xóa tên khỏi bản đồ thế giới, làm sao không tự hào về bản lĩnh mới và vị thế mới ngày nay đất nước ta giành được? Nhìn vào tầm vóc cuộc đua tranh nước ta có vị thế tham gia và chấp nhận tham gia, làm sao tránh khỏi giây phút ngỡ ngàng. Chính điều này đòi hỏi mỗi người Việt Nam chúng ta phải tự nhìn nhận lại chính mình trước khi bước vào “cuộc chiến” lần đầu tiên đối mặt: “Cuộc chiến” xóa bỏ số kiếp nước nghèo và chấn hưng đất nước – “cuộc chiến” lớn nhất so với tất cả những gì đất nước ta đến nay đã trải qua: giành lấy chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng thế giới hiện đại.
Xem xét lại thực lực mọi mặt của mình, ước lường cuộc đua tranh sẽ tham gia, trang bị cho mình ý chí, hiểu biết và phẩm chất phải có trước khi xung trận, đó là việc nhất thiết phải làm – bắt đầu từ việc suy ngẫm biết mình, biết người.

Dưới đây xin nêu lên những điều thiết yếu nhất.
I. Một quan điểm cần khẳng định đối với hội nhập kinh tế thế giới

Từ khi tiến hành đổi mới, chúng ta đã bắt đầu từng bước tự giác nhận thức sự vận động của quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới ở nấc thang hiện tại. Nhận thức này – tuy là hình thành từng bước và còn đang tiếp tục hình thành, là cơ sở của tư duy mới dẫn dắt sự phát triển mọi mặt của đất nước 20 năm qua. Tuy nhiên, đã đến lúc phải nêu bật một điều then chốt:
Hội nhập kinh tế thế giới là một quan điểm chiến lược, là con đường đất nước phải trải qua để tiến lên trở thành nước công nghiệp hiện đại, là con đường cả nước ta phải chủ động bước vào với quyết tâm chính trị cao nhất.
Sự vật thường được nhìn nhận từ góc độ người đứng nhìn. Điều này cũng có nghĩa quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới có nhiều chiều cạnh. Bất luận quá trình toàn cầu hóa này diễn ra như thế nào, có những mặt trái phải ra sao, được đánh giá theo ý thức hệ gì đi nữa.., song từ góc độ lợi ích của đất nước, chúng ta cần khẳng định: Nước ta phải hội nhập, chủ động hội nhập, để thực hiện mục tiêu chiến lược là đưa đất nước tiến lên giàu có, văn minh.
Nói rằng thực hiện dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, phải kinh qua hội nhập kinh tế thế giới là chuẩn xác. Lẽ đơn giản là dù con đường tiến lên CNH-HĐH ở mỗi quốc gia  mỗi khác song tất cả đều phải hội nhập vào sự vận động của kinh tế thế giới. Ngày nay không thể có công nghiệp hóa trong phạm vi một quốc gia, lại càng không thể công nghiệp hóa trong nền kinh tế khép kín. Công nghiệp hóa ngày nay của bất kể quốc gia thành viên “trẻ” nào trên thương trường quốc tế cũng đều phải chịu sự cọ sát, cạnh tranh với cả thế giới, muốn thế phải hội nhập thành công vào sự vận động của kinh tế thế giới.
Điều cần lưu ý là nước ta tiến hành CNH-HĐH vào lúc xuất hiện “thế giới phẳng” (nói theo cách diễn đạt của Thomas Friedman), nghĩa là từ nhiều thập kỷ qua sự phát triển của kinh tế thế giới và quá trình toàn cầu hóa ngày nay hầu như đã hình thành một thị trường thế giới duy nhất, nhiều chuẩn mực chung trên thương trường được thiết lập. Trong hợp tác cũng như trong cạnh tranh quá trình toàn cầu hóa đang ngày càng làm mờ nhạt nhiều khác biệt của “quốc gia”, đồng thời ngày càng làm nổi lên nhiều cái phổ cập, nhiều cái chuẩn mực chung của “thế giới”. Đấy chính là những yếu tố tạo dựng nên luật chơi chung trên sân chơi của cộng đồng quốc tế. Ngày nay bản đồ phân công lao động thế giới đã thay đổi vượt xa mọi dự đoán. Tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ – nhất là công nghệ thông tin, và sự xuất hiện của kinh tế tri thức từ gần nửa thế kỷ nay càng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình vận động này. Cơ hội trên thế giới xuất hiện hiều hơn bao giờ hết, song những biến động trên thế giới do những thách thức truyền thống và phi truyền thống gây ra ngày càng nhiều. Điều đặc biệt quan trọng là thời gian và tốc độ ngày càng trở thành yếu tố quyết định cho thành công hay thất bại.
Hệ quả cốt yếu nhất của tình hình nêu trên là: Ngày nay có thể sản xuất bất kể cái gì, tại bất kỳ đâu, đem bán ở nơi nào, miễn là làm chủ được thị trường, làm chủ được công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm chủ được xu thế vận động của kinh tế thế giới. Hiện tượng này là một bước phát triển mới của tự do, song cũng là một thách thức chết người với những nước đi sau, những kẻ đến muộn. Điều đáng lo ngại nhất trong tình hình này là không gian kinh tế cho các nước nghèo do sức cạnh tranh yếu nên đang nhỏ đi tương đối so với qui mô lớn lên không ngừng của kinh tế thế giới hiện nay. Đã thế, trong xu thế toàn cầu hóa ngày càng có nhiều thể chế quản lý ở quy mô thế giới và khu vực, khiến cho không gian chính sách quốc gia của hầu hết các nước đang phát triển tiếp tục bị thu hẹp (Robert M. Hamwey 9-2005) – nghĩa là quyền và khả năng quyết sách của những nước này bị co lại, sự phụ thuộc gia tăng.
Như vậy, phải chăng có sự khác biệt lớn giữa cái thế giới thực mà chúng ta đang sống và cái thế giới chúng ta ý thức được để tính toán, để cân nhắc trong khi xây dựng chiến lược phát triển đất nước?
Muốn thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, nước ta không có con đường khác ngoài con đường CNH-HĐH. Thế nhưng ngày nay không thể tiến hành CNH-HĐH chỉ nhằm trực tiếp đáp ứng đòi hỏi phát triển của đất nước, mà còn phải tiến hành CNH-HĐH thế nào để sản phẩm trụ được trên thị trường và có lãi nhất, phải ít trả giá nhất về mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội và môi trường, và để thu về được nhiều của cải và mọi nguồn lực khác (khoa học, công nghệ, tri thức, năng lực quản trị đất nước, năng lực kinh doanh, vốn và quyền năng con người, vốn xã hội, tầm cao văn hóa mới…) đáp ứng đòi hỏi phát triển của đất nước. Song CNH- HĐH như thế nào là có lãi nhất, ít trả giá nhất ở vào thế giới thế kỷ 21, phụ thuộc rất sâu sắc vào khả năng nắm bắt xu thế vận động của kinh tế thế giới và hội nhập thành công vào sự vận động này. Đây là vấn đề đang đòi hỏi rất nhiều trí tuệ và nghị lực.
Rõ ràng CNH-HĐH phải xuất phát từ tầm nhìn thế giới để đi đến những quyết định cho nước mình. Khó khăn hơn nữa là dù chúng ta quyết định lựa chọn sản phẩm và con đường thực hiện nào, sự phán xét cuối cùng vẫn là thị trường, là xu thế vận động của kinh tế thế giới. Không có tầm nhìn thế giới một cách chuẩn xác và nhạy bén để vạch ra chiến lược CNH-HĐH xác đáng, không thường xuyên giữ cho con đường CNH-HĐH đi cùng một nhịp với xu thế vận động của kinh tế thế giới, đừng hy vọng thu về nhiều lãi và mọi nguồn lực khác để phát triển đất nước, kết quả gặt hái được sẽ là nhiều thất vọng.
Hiển nhiên cho đến nay chúng ta chưa xác lập được rõ ràng một chiến lược CNH-HĐH bám sát xu thế vận động của kinh tế thế giới. Những gì chúng ta đã làm và đang làm trong suốt 20 năm đổi mới và hiện nay còn đang đậm nhạt bóng dáng “nền kinh tế hế hoạch” trước đây, còn vấn vương nhiều “bao cấp”, và trên thực tế là vẫn đi bên lề – nếu như không muốn nói có phần nào đó đi lạc lõng –  xu thế vận động của kinh tế thế giới. Có thể nhận biết thực trạng này qua những hiện tượng:
– sự vận động chậm chạp của chuyển đổi cơ cấu kinh tế – nhất là tình trạng phát triển kết cấu hạ tầng phần cứng và phần mềm quá chậm so với đòi hỏi cũng như so với điều kiện cho phép;
– kết cấu hạ tầng xã hội, hệ thống chính trị và hệ thống quản lý nhà nước hầu như không theo kịp đòi hỏi phát triển kinh tế;
– sự phát triển nguồn nhân lực chưa vượt lên hay đi song song với yêu cầu phát triển kinh tế, đặc biệt là tỷ lệ lao động nông nghiệp và trong nông thôn còn quá cao, chất lượng lực lượng lao động thấp;
– trong nền kinh tế cả nước, tỷ lệ giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp;
– tính hiệu quả cả nền kinh tế chưa xứng với mức các nguồn lực bỏ ra, nếu đem so sánh với nhiều nước đang phát triển cùng trình độ sẽ thấy rõ điều này;
– khả năng mở ra thị trường mới, sản phẩm mới còn rất hạn chế;
– khả năng thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài còn thấp cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả.
– …

Trước hết có nghĩa Đảng phải đi tiên phong và có phẩm chất cách mạng thực hiện tự do dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng xã hội công dân, giải phóng con người và mọi nguồn lực của đất nước, xây dựng sự đồng thuận vững chắc của toàn dân tộc, để trong một tương lai không xa dựng lên được một nước Việt Nam thịnh vượng, hạnh phúc.

Đành rằng không thể bỏ qua thực tế khách quan là xuất phát điểm của nền kinh tế nước ta rất thấp. Song sẽ là biện hộ che đậy những yếu kém nếu ta nhất nhất đổ mọi lỗi lầm cho tình trạng nghèo nàn lạc hậu. Thật ra đem kinh tế nước ta so sánh với các nước mới công nghiệp hóa (NICs) ở vào thời điểm 20 năm kể từ khi họ xuất phát thì phải nói nước ta đi chậm so với những nước này3, nếu so với láng giềng Trung Quốc càng thấy rõ sự chậm chạp của nước ta. 20 năm đổi mới và phát triển là một khoảng thời gian đủ dài để đạt lấy một trình độ phát triển cao hơn. Vì vậy có thể nói nguyên nhân hàng đầu của sự chậm chạp này chính là sự bất cập trong tư duy chiến lược kinh tế, mặt nào đó còn là sự bất cập trong tư duy nhìn nhận thế giới.
Nếu nhìn vào những thành tựu đã thay da đổi thịt nền kinh tế nước nhà trong 20 năm đổi mới được cả thế giới đánh giá cao, thì phải nói chủ yếu đấy là những thành tựu của  phần lớn những sản phẩm không nằm trong diện ưu tiên cao nhất của chiến lược phát triển, những sản phẩm không phải là những bộ phận quyết định trong chiến lược CNH-HĐH. Đấy là những thành tựu của những sản phẩm kinh tế không được tập trung đầu tư hay được hưởng những ưu đãi thỏa đáng nhất; đấy là những thành tựu của những chính sách đúng đắn (tiêu biểu là Luật Doanh nghiệp ban hành năm 2001 – được tặng cho cái tên là “khoán 10 trong công nghiệp”) ra đời dưới áp lực của cuộc sống – nghĩa là tính tự giác, tính chủ động và đón đầu chưa cao, là kết quả những nỗ lực phi thường của các thành phần kinh tế – trước hết là thành phần kinh tế tư nhân –  những nỗ lực tìm cách luồn lách vượt qua những rào cản còn tồn tại khá phổ biến trong nước, vượt qua mọi thách thức cạnh tranh bên ngoài… Đó là tình trạng cái mà chúng ta mất nhiều công của đầu tư để phát triển thì không mang về hiệu quả như mong muốn, cái mà không nằm trong diện ưu tiên đầu tư phát triển thì lại mang về những kết quả vượt bậc. Một nền kinh tế muốn có sức cạnh tranh, không thể tiếp tục một chiến lược phát triển xa thực tế và một phương thức phân bổ kém hiệu quả những nguồn lực cho phát triển. Tuy nhiên những thành tựu đạt được trong hoàn cảnh như vậy cho thấy nền kinh tế nước ta hoàn toàn có thể phát triển năng động hơn và vững chắc hơn nếu có các quyết sách thỏa đáng.
Nghiêm khắc mà nói, 20 năm qua chiến lược CNH-HĐH được vạch ra đi một đằng, nhưng sự phát triển kinh tế của đất nước gần như tự thân đi theo một đường riêng, những đoạn đường trùng hợp nhau khá mong manh và hiếm hoi, không ít những đoạn không gặp nhau hoặc ngược chiều nhau – ví dụ: đầu tư không hiệu quả hay hiệu quả thấp vào nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng trên cơ sở bao cấp của nhà nước, sự trì trệ của khu vực kinh tế quốc doanh đầy ưu ái và những hệ quả tiêu cực đối với toàn bộ nền kinh tế do chính sách bảo hộ gây ra… Đáng lưu tâm là tính tự phát khá phổ biến – đó là những hiện tượng đầy tính cơ hội, manh mún, gặp gì làm nấy trong mọi thành phần kinh tế – kể cả quốc doanh: gặp ô-tô làm ô-tô, gặp đóng tầu làm đóng tầu, chỗ nào cũng xi-măng lò đứng, mía đường, chỗ nào cũng xây dựng cảng biển…, và tất cả hình như đều thiếu một luận cứ kinh tế vững chắc trong một tổng thể chiến lược kinh tế rõ nét.
Sự phát triển như thế đang đẻ ra nhiều gánh nặng mới cho nền kinh tế.
Tất cả những hiện tượng này rọi thêm ánh sáng vào các nguyên nhân vì sao thành tựu đạt được chưa bền vững, chất lượng chưa cao, chưa cân xứng với công sức bỏ ra, chưa thỏa đáng với những điều kiện và thời cơ cho phép, chưa cân xứng với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội bị hủy hoại, không ít giá trị đã hun đúc nên được theo chiều dài lịch sử của đất nước bị mai một hoặc đảo lộn…  Để làm rõ được, mất thì phải đem tất cả lên bàn cân so sánh một cách không khoan nhượng. So sánh với ý thức cạnh tranh quyết liệt với cả thế giới, có thể nói nền kinh tế nước ta đến nay vẫn còn là một nền kinh tế đắt.  Ta hôm nay đem ra so với ta hôm qua thì không dễ nhận ra điều này.
Một điều cần đặc biệt lưu ý cho tương lai: Nhận biết bất cập về thế giới, về toàn cầu hóa kinh tế đã khiến chúng ta bỏ lỡ nhiều thời cơ quan trọng và đất nước phải trả giá. Điều này đã tác động không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế và chiến lược CNH đất nước. Hiệp địnhThương mại Việt – Mỹ ký chậm mất 2 năm, lẽ ra nước ta hôm nay đã là thành viên của WTO và không phải oằn lưng gánh chịu thêm những gánh nặng mới của vòng đàm phán Doha, những cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong các năm 1995, 1997 và hiện nay chưa được tận dụng…
Và, dù không bao giờ lấy lại được nữa, nhưng xin đừng bao giờ quên: Việc bỏ lỡ thời cơ lớn nhất – thời cơ ngay trong lòng cộng đồng dân tộc và trên thế giới dành cho đất nước ta ngay sau đại thắng mùa xuân năm 1975 đã gây ra cho đất nước bao nhiêu hệ lụy nghiêm trọng.
Cả “cuộc chiến” cho sự nghiệp chấn hưng đất nước còn ở phía trước, vì vậy nên từ lỡ thời cơ rút ra những bài học rất đáng rút ra.
Điều đáng lo ngại nhất bây giờ là tất cả những thành tựu đạt được chưa chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, chưa tạo ra được những tiền đề tốt nhất cho những bước phát triển tiếp theo của nền kinh tế nước ta; những hệ quả do những yếu kém để lại cần khắc phục không phải là nhỏ nếu như không muốn nói là có thể uy hiếp những bước phát triển tiếp theo của đất nước; khả năng của nước ta đối chọi với những biến động trong kinh tế thế giới khá mong manh. Tất cả chứng minh: Nền kinh tế nước ta còn đi bên lề hoặc chưa định hướng mạnh mẽ vào xu thế vận động của kinh tế thế giới trong quá trình toàn cầu hóa.
Nước ta có thể hội nhập kinh tế thế giới thắng lợi, có thể sớm vươn tới một quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại với cách nhìn nhận thế giới và với một chiến lược phát triển như chúng ta đang có?
Xin nhắc lại: Quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới hiện nay còn nhiều bất công, do những “cá mập” chi phối, tiềm ẩn biết bao nhiêu biến động khó lường… Song tất cả những hiện tượng này không phải là lý do để chúng ta ngập ngừng, để kéo dài sự bảo hộ…, mà chỉ là những lý do đòi hỏi nước ta phải tự trang bị cho mình tốt hơn nữa bản lĩnh và khả năng cần thiết giành lấy kỳ được thắng lợi trong hội nhập kinh tế thế giới: thực hiện thành công xây dựng dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Đấy là quan điểm chiến lược cần xác định với tất cả lòng yêu nước và ý chí chính trị cao nhất của cả nước, của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta, để hội nhập thông minh và dũng cảm vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới một khi nước ta trở thành thành viên của WTO.

II. Những yếu kém lớn của nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập

1. Lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của nước ta chưa được phát huy tối ưu
Nền kinh tế nào muốn cất cánh cũng phải xuất phát từ mặt đất, nghĩa là từ chỗ thấp nhất nó đang đứng, nhưng con đường cất cánh thì hình như chỉ có một: Phát huy lợi thế so sánh mình đang có, rồi chuyển sang phát huy lợi thế cạnh tranh, từng bước cải thiện lợi thế ấy.
Là nước đi sau, chúng ta lại càng phải tìm cách đi sáng tạo trên con đường này nếu không muốn thường trực quẩn quanh trong nghèo nàn lạc hậu. Sau khi trở thành nước CNH, nước ta vẫn phải tiếp tục con đường này để chuyển hẳn sang phát huy lợi thế cạnh tranh – nhưng ở nấc thang cao hơn, bài bản hơn. Hầu như đấy là con đường mang tính quy luật phát triển. Nói CNH-HĐH phải giành lấy phân công lao động quốc tế tối ưu chính là nói theo tinh thần này.
Chúng ta mất 10 năm đầu trong nền kinh tế bao cấp nên không quan tâm đến lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh. Trong 20 năm đổi mới chúng ta ý thức nhiều hơn đến lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh. Song phải nói chiến lược phát triển đất nước nói chung, chiến lược CNH-HĐH nói riêng trong những năm đổi mới còn nặng về định hướng xã hội chủ nghĩa với nội dung chưa xác định được thật rõ ràng – trên thực tế là mang nhiều nét bảo hộ, bao cấp và hướng nội – theo tinh thần quốc doanh là chủ đạo và hạn chế các thành phần khác. Có lúc lại giải thích định hướng XHCN là thực hiện dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, nhưng trước sau nền kinh tế vẫn giữ nhiều dấu ấn bao cấp và bảo hộ…Trong 20 năm đổi mới việc phân bổ các nguồn lực trong phát triển kinh tế và nhiều chính sách đã ban hành chứng tỏ chúng ta chưa thật tự giác định hướng nền kinh tế đi vào con đường phát huy lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh.

Khi nói đến phát huy lợi thế so sánh, trước hết có nghĩa là ưu tiên thu hút và phân bổ các nguồn lực đầu tư – kể cả FDI và các nguồn lực bên ngoài khác – vào việc phát huy các lợi thế đất nước sẵn có bên trong (như nguồn nhân lực, đất đai, thị trường, vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu, một số tài nguyên nhất định, sự ổn định chính trị…), đồng thời thực hiện các quyết sách cần thiết cho yêu cầu này. Đến một giai đoạn phát triển nhất định thì phải đẩy mạnh kinh tế đối ngoại để chuyển sang xây dựng và phát huy lợi thế cạnh tranh trên cơ sở xây dựng các liên kết, liên doanh giữa trong nước và bên ngoài. Đó là những liên kết, liên doanh theo chiều dọc (trong phạm vi sản phẩm và ngành), hoặc liên kết theo chiều ngang giữa các sản phẩm thuộc các ngành hoặc các tập đoàn khác nhau. Nền kinh tế phát huy lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh trước hết và chủ yếu là một nền kinh tế hướng ngoại, là nền kinh tế đặc biệt coi trong ngoại thương, là CNH-HĐH theo hướng mang về nhiều lãi và những nguồn lực khác để phát triển đất nước.
Hiện nay ở nước ta cứ 100 đồng của GDP làm ra có tới 60 đồng là dành cho xuất khẩu, chủ yếu là nhờ tận dụng lợi thế so sánh, nói lên tiềm năng lợi thế so sánh của nước ta rất lớn. Thế nhưng các chính sách ban hành, các thể chế hiện hành, các chính sách thu hút FDI (còn nhiều dấu ấn bảo hộ và hướng nội)…, và nhất là việc phân bổ các nguồn lực đầu tư lại không ưu tiên nhằm phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, phát triển các dịch vụ, cải tiến các thể chế, những ưu đãi khuyến khích khoa học và công nghệ… nhằm phục vụ cho yêu cầu phát huy lợi thế so sánh.
Phải chăng vì những nguyên nhân nói trên tỷ lệ lãi giành được trong mỗi sản phẩm nhìn chung thấp? – chủ yếu do tiêu thụ nhiều lao động và nguyên liệu, nhưng hàm lượng công nghệ thấp. Phải chăng vì thế nền kinh tế nước ta chậm chuyển sang được phát huy lợi thế cạnh tranh – nghĩa là chưa  thực hiện được bao nhiêu các liên kết, liên doanh với bên ngoài để làm ra các sản phẩm dưới dạng giữ nguyên thiết kế chế tạo gốc của chính hãng (original equipment manufacturing – OEM), tiến xa hơn nữa là làm ra các sẩn phẩm của liên kết, liên doanh nhưng tự mình thiết kế lấy (own design manufacturing – ODM), và cuối cùng là tiến tới khai thác liên kết, liên doanh để làm ra các sản phẩm có thương hiệu riêng của mình (own brand manufacturing – OBM)4 như nhiều nước đã làm được.
Lấy Trung Quốc làm ví dụ, chúng ta thấy Trung Quốc lúc đầu thu hút FDI để làm các sản phẩm lắp ráp, gia công theo thiết kế chế tạo gốc (OEM), sau đó thông qua liên kết, liên doanh chuyển sang sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao giữ nguyên thương hiệu gốc của các tập đoàn nước ngoài nhưng được sản xuất tại Trung Quốc (ODM); tiến lên một bước nữa gần đây Trung Quốc làm ra nhiều sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao nhờ các liên kết, liên doanh nhưng do TQ tự thiết kế và mang thương hiệu riêng của TQ (OBM). Ai cũng thấy ngày nay sản phẩm Trung Quốc thôn tính thị trường thế giới như thế nào – từ ô-tô, máy điện toán cao cấp…, đến đồ chơi trẻ con và… vân vân. Trên thế giới chỗ này chỗ khác tại các nước phát triển đã có những xí nghiệp hoặc thậm chí cả một thành phố nhỏ phải đóng cửa vì hàng rẻ của Trung Quốc…
Rõ ràng, để hội nhập giành thắng lợi, phải tự giác phát huy mạnh mẽ lợi thế so sánh của nước ta, và tích tụ mọi điều kiện để chuyển nhanh sang phát huy lợi thế cạnh tranh, cạnh tranh quyết liệt có khi đến mức mất còn.
Xin lưu ý, quyết định chiến lược nào, thể chế nào, chính sách thu hút FDI nào, chính sách hợp tác như thế nào, thì tạo ra sản phẩm ấy, hiệu quả ấy. Không phải cứ duy ý chí và quyết tâm cao là giành được thắng lợi mong muốn. Ở nước ta, nếu không tìm cách sớm thoát khỏi tình trạng “nền kinh tế đắt”, nếu không có các chính sách và những thể chế thân thiện và khuyến khích thỏa đáng FDI, nếu không phát huy tốt hơn nữa nguồn nhân lực và nâng cao khả năng quản lý đất nước, tất cả để phát huy tốt hơn nữa lợi thế so sánh và dần dần chuyển sang phát huy lợi thế cạnh tranh, tất yếu hội nhập kinh tế thế giới sẽ không đạt được mục đích. Điều này sẽ có nghĩa khoảng cách tụt hậu so với thế giới bên ngoài rộng mãi, khó mà nghĩ đến đuổi kịp ai.

2. Một số vấn đề trong chiến lược công nghiệp hóa của nước ta thời hội nhập toàn diện vào toàn cầu hoá kinh tế thế giới
Điều nổi bật là nước ta tiếp tục công nghiệp hóa – hiện đại hóa vào lúc Châu Á nói chung và Đông Á nói riêng trở thành khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, có nhiều thể chế song phương, đa phương đã đi vào hoạt động, nổi bật nhất hiện nay là xu thế hình thành các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) bên cạnh các Hiệp định Thương mại song phương (BTA), đã và đang hình thành các khung khổ hợp tác ASEAN + 1, các khung khổ ASSEAN + 2, ASEAN + 3 Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, và rộng hơn nữa là APEC. Vào một tương lai không xa nước ta cũng phải đi theo xu thế ký kết những FTA… Trong tình hình đó, ngoài sự cạnh tranh của các nền kinh tế năng động trong khu vực, sự xuất hiện của Trung Quốc với tính cách là công xưởng sản xuất của thế giới về nhiều loại sản phẩm – từ hàng may mặc đến những hàng công nghiệp hiện đại như đồ điện dân dụng, xe hơi, máy vi tính, các sản phẩm công nghiệp điện tử cao cấp… – càng tác động mạnh mẽ vào quá trình CNH ở nước ta, đồng thời cũng tác động vào các thị trường trên thế giới mà sản phẩm của nước ta đi tới. Quá trình CNH của nước ta hiển nhiên không thể đứng ngoài sự vận động của kinh tế khu vực, nhất là đứng trước thực tế cạnh tranh quyết liệt của sản phẩm Trung Quốc và các nước ASEAN 4 (Thái Lan, Indonesia, Philippines), cạnh tranh quyết liệt ngay trên thị trường nội địa của nước ta.
Thực tế hiện nay là: Trừ một số nông phẩm, nguyên liệu và một số mặt hàng công nghiệp gia công (như may mặc, giày dép, một số rất ít mặt hàng công nghiệp khác…) nhìn chung lợi thế cạnh tranh của nước ta rất thấp. Không xử lý được vấn đề khả năng cạnh tranh thấp, quá trình CNH-HĐH của nước ta có nguy cơ thất bại – ví thử sản xuất chỉ để tiêu dùng trong nước thì sản phẩm của nước ta cũng không thể trụ được, trong khi đó việc mở cửa thị trường nước ta theo những thể chế của WTO và những thể chế song phương và đa phương khác ta đã ký kết là bắt buộc.
Trong bối cảnh hội nhập như vậy, lại đứng giữa một khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, tiếp tục quá trình CNH-HĐH với mục đích là mang về lãi và những nguồn lực khác để phát triển kinh tế đất nước và hoàn thành sự nghiệp này vào năm 2020, trước hết có nghĩa là phải tìm cho ra những “kẽ lách” mới (niches) và xây dựng được chiến lược nâng cao khả năng cạnh tranh. Chúng ta đã ý thức được đòi hỏi khách quan mang tính sống còn này hay chưa? Đã tập trung mọi nỗ lực của chúng ta vào hướng cạnh tranh?
Câu trả lời của chúng ta hình như mới chỉ là những lời kêu gọi hạ quyết tâm, song còn thiếu nhiều quyết sách và hành động đem lại hiệu quả mong muốn.
Xin nói thêm rằng bản thân quá trình CNH-HĐH tự nó là đối nghịch với nền kinh tế tự cung tự cấp khép kín, trước sau sẽ đi đến thất bại trong nền kinh tế tự cung tự cấp khép kín. Xin lưu ý điều này để có quyết tâm dứt khoát:
Ngày nay nước ta muốn tiếp tục công cuộc CNH-HĐH đất nước thì chỉ có một con đường là nâng cao khả năng mọi mặt của đất nước để phát huy lợi thế cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế.
Nhưng bằng cách nào?
Trước hết cần xác định, dù là tìm ra được kẽ lách nào trên thị trường thế giới và trong nước ta5, nhất thiết nó phải là kẽ lách cho những sản phẩm có nhiều hàm lượng công nghệ và có tỷ suất lãi cao (high rate of return). Chỉ có kẽ lách đáng mong muốn này mới có ý nghĩa đối với công cuộc CNH-HĐH của đất nước ta. Thấy sâu sắc được đòi hỏi này, mới có hướng đi tìm câu trả lời.
Đặc điểm nổi bật của sản phẩm công nghiệp nước ta dành cho xuất khẩu là gia công, phát huy lợi thế lao động rẻ và một số nguyên liệu nào đó sẵn có trong nước; sản phẩm may mặc chiếm tới khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó trên 80% giá trị xuất khẩu là dành cho nhập nguyên liệu và máy móc), sản phẩm xuất khẩu các máy móc chỉ chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó khoảng 50-70% giá trị xuất khẩu là dành cho nhập các linh kiện, máy móc và phụ tùng…). Nói chung, xuất khẩu như vậy tỷ suất lãi thấp, hàm lượng công nghệ thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế có nhiều khó khăn và chậm. Hệ quả chung là toàn bộ quá trình CNH-HĐH không thể phát triển năng động và khó tiến vào những lĩnh vực hiện đại có hàm lượng công nghệ và tỷ suất lãi cao hơn, việc mở thị trường mới và chiếm thêm nhiều thị phần cũng khó khăn. Toàn bộ quá trình này cắt nghĩa vì sao nền kinh tế nước ta có nguy cơ tụt hậu kéo dài.
Giải pháp tối ưu cho việc tìm ra kẽ lách mong muốn là liên kết liên doanh với các tập đoàn mạnh nước ngoài.
Giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh trước hết cũng là phải hình thành những liên kết liên doanh với các tập đoàn mạnh nước ngoài.
Cả hai giải pháp trên làm nổi bật vai trò quan trọng của FDI, đặc biệt là trong việc chuyển từ sản xuất các sản phẩm dưới dạng giữ nguyên thiết kế chế tạo gốc của  chính  hãng (original equipment manufacturing – OEM), lên các sản phẩm của liên kết, liên doanh nhưng tự mình thiết kế lấy (own design manufacturing – ODM), và cuối cùng là tiến tới khai thác liên kết, liên doanh để làm ra các sản phẩm có thương hiệu riêng của mình (own brand manufacturing – OBM)6 như nền kinh tế Trung Quốc đang vươn lên thành công xưởng sản xuất của thế giới. Nói một cách khác, cần tham khảo, nghiên cứu, học hỏi những kinh nghiệm của Trung Quốc và tìm ra cách vận dụng phù hợp với hoàn cảnh của nước ta.
Nền kinh tế nước ta hiện nay đang yếu cả trên 2 phương diện (a) khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế; (b) chính sách thu hút FDI với yêu cầu tạo ra những liên kết, liên doanh khả dĩ giúp nền kinh tế nước ta rút ngắn các cung đoạn sản phẩm OEM-ODM-OBM.
Các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách ở nước ta chắc hiểu rất rõ phải làm gì để khắc phục hai yếu kém nói trên để điều chỉnh chiến lược CNH-HĐH của đất nước cho phù hợp. Việc đầu tiên là cần nhận thức sâu sắc hai yếu kém lớn này và quyết tâm có những quyết sách khắc phục đúng với ý thức chủ động hội nhập kinh tế thế giới.
Đã xuất hiện một thực tế là một số doanh nghiệp công nghiệp nước ta (hầu hết là ngoài quốc doanh) không chờ đợi các quyết sách của Đảng và Nhà nước cho 2 vấn đề trọng đại này. Đứng trước tình hình tràn ngập hàng rẻ Trung Quốc ở mọi nơi, họ đã tự đề ra cho mình phương châm “sống chung với lũ để vượt lũ”. Họ tận dụng mọi chính sách và thể chế hiện có, tự tìm các đối tác liên kết liên doanh theo chiều sâu, huy động các nguồn lực để tự làm lấy khâu nghiên cứu – triển khai (R&D) và làm ra sản phẩm mới với thương hiệu riêng (OBM), cạnh tranh được ngay trên thị trường nước ta và xuất được vào thị trường Trung Quốc. Đấy là hàng may mặc cao cấp, đồ điện và điện tử dùng trong gia đình, trang bị nội thất, vật liệu xây dựng cao cấp, một số mặt hàng khác như ống nước nhựa cao cấp, dây dẫn điện, đồ uống…
Tuy còn khiêm tốn về chủng loại mặt hàng, về kim ngạch đạt được, song những nỗ lực “sống chung với lũ để vượt lũ” như vậy là những con chim én báo hiệu mùa xuân một phong cách kinh doanh mới với triển vọng mới. Đó là những gợi ý tốt và phong phú cho các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách ở nước ta.
Xin lưu ý các nước ASEAN4 hầu như xuất siêu liên tục sang Trung Quốc, chính là nhờ phát huy được lợi thế cạnh tranh, với kết quả tỷ lệ hàng công nghiệp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của họ vào thị trường này khá cao (thường gấp đôi tỷ lệ của Việt Nam hoặc hơn nữa). Trong khi đó xuất khẩu của ta vào Trung Quốc khoảng trên dưới 80% kim ngạch là nguyên liệu thô, sản phẩm thô, điều này giải thích vì sao Việt Nam đang nhập siêu lớn trong buôn bán với Trung Quốc.
3. Nhìn nhận rõ thêm vai trò của FDI
Nhà nước ta đánh giá cao vai trò của FDI đối với sự nghiệp CNH-HĐH và phát triển đất nước, dành cho FDI hầu hết mọi ưu đãi có thể trong điều kiện cho phép, ra sức cải thiện và đổi mới các thể chế, luật pháp, chính sách, môi trường kinh doanh… để thu hút FDI. Đấy là những nỗ lực rất lớn, được cả thế giới thừa nhận. Thậm chí chỗ này chỗ khác xuất hiện một số hiện tượng thái quá, tạo ra những ưu đãi hoặc cách đối xử với FDI vượt quá khung khổ pháp lý cho phép, các bên phía ta giành giật nhau khiến thế đàm phán của ta suy yếu, gây ra những thua thiệt không đáng có – tuy nhiên đây chỉ là hiện tượng phụ.
Mặc dù có những nỗ lực lớn như vậy, khối lượng FDI đã thực hiện đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước, khoảng 1/3 kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu có sự tham gia của FDI, môi trường kinh doanh của FDI được cải thiện nhiều… Nhưng so sánh với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam sau 20 năm đổi mới vẫn bị coi là nước “chưa thân thiện” với FDI, khả năng cạnh tranh thu hút FDI còn thấp so với những điều kiện thuận lợi cho phép; đã bỏ lỡ một số làn sóng FDI có thể thu hút được (1995, 1998), chưa có những chuyển biến mạnh mẽ để thu hút làn sóng mới của FDI hiện đang diễn ra trong khu vực. Việc khai thác FDI để tranh thủ chuyển giao công nghệ, cải tiến phương thức quản trị kinh doanh, tiếp cận và khai phá thị trường mới bên ngoài… nhìn chung thấp.
Nếu đem nước ta ra so sánh với Trung Quốc và các nước ASEAN4, còn phải lưu ý: Ta chưa khai thác được bao nhiêu vai trò của FDI trong việc tạo ra các liên kết, liên doanh theo chiều dọc và chiều ngang như đã trình bày trong các phần trên để cải thiện và đổi mới lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế nước ta, để đẩy mạnh đổi mới cơ cấu kinh tế trong nước, đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH, và chung cuộc là để đưa kinh tế nước ta vươn rộng ra thị trường bên ngoài.

Vì mục đích chính của bài viết này là tìm hiểu những tồn tại, nên xin miễn nói nhiều đến những thành tựu và ưu điểm trong thu hút FDI. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh một thực tế làn sóng FDI lên cao ở nước ta vào những năm 1995 trở về trước và phần nào đang hồi phục từ 1-2 năm gần đây đều gắn với sự thông thoáng trong môi trường kinh doanh và sự đơn giản hóa công việc quản lý của bộ máy nhà nước đã tạo ra được ở hai thời kỳ này.
Vậy những yếu kém chính trong vấn đề thu hút FDI là gì?
(a) Trước hết phải nói tính tiên liệu được (predictability) trong môi trường kinh doanh ở nước ta nhìn chung thấp; đây là một trong những khó khăn lớn những nhà đầu tư nước ngoài vấp phải trong môi trường kinh tế nước ta.
Ai cũng biết, làm ăn mà không tiên liệu được thì nhiều rủi ro, không dám làm ăn lâu dài, không dám làm ăn lớn. Môi trường đầu tư mà như vậy thì chỉ có khả năng khuyến khích cách làm ăn chụp giựt, làm ăn nhỏ, dễ làm khó bỏ, mang đầy tính đầu cơ, rất có hại cho nước chủ nhà và không thể tính đến những liên kết, liên doanh dài hạn cho tương lai, cho việc cùng nhau khai phá thị trường mới cho nước chủ nhà…; cuối cùng chính nước chủ nhà rơi vào tình trạng không tiên liệu được còn tệ hại hơn so với người đầu tư nước ngoài và rất bị động.
Tính không tiên liệu được trong môi trường đầu tư ở Việt Nam chủ yếu do các nguyên nhân sau đây:
– Tính nhất quán trong hệ thống chính sách và hệ thống quản lý của bộ máy nhà nước thấp.
– Các chính sách kinh tế, luật pháp, kế hoạch kinh tế và quy hoạch phát triển thay đổi luôn.
– Luật pháp, quy hoạch phát triển kinh tế, các chính sách đã ban hành nhiều khi bị bóp méo khi thực thi. Nguyên nhân: năng lực nghiệp vụ của bộ máy quản lý nhà nước và của cán bộ còn nhiều mặt hạn chế, tệ nạn quan liêu tham nhũng, tính tranh giành cục bộ địa phương…
– Khả năng ứng phó còn rất hạn chế đối với những biến động  bên trong (thiên tai, sự khan hiếm, biến động thị trường, vấn đề đất đai…) hay từ bên ngoài lan tới (khủng hoảng tài chính tiền tệ 1997, giá nguyên nhiên liệu trên thị trường thế giới, khủng hoảng kinh tế hay chiến tranh ở các khu vực khác…).
– Có lúc xảy ra tính bất nhất hoặc dao động trong chính sách đối ngoại (ví dụ: một mặt khuyến khích hợp tác, mặt khác lại đả kích gay gắt trên báo chí hoặc có những bước đi đối ngoại khó hiểu, ngược chiều với khuyến khích hợp tác kinh tế…).
– Tính dao động lúc tả lúc hữu do xung đột những quan điểm lớn trái ngược nhau (mở cửa hay hạn chế mở cửa, bảo hộ hay không bảo hộ, nói xóa bao cấp nhưng trên thực tế chỗ này chỗ khác và ở mức độ nhất định còn bao cấp…)

(b) Do còn bị tư duy cũ chi phối, nên tính bảo thủ và bảo hộ còn tác động sâu xa đến khuyến khích thu hút FDI.
– Tư duy kinh tế còn nặng về hướng nội, nên trừ một số ngành như may mặc, giày dép…, phần lớn các dự án thu hút FDI  hướng về thị trường nội địa, kèm theo nhiều tiêu chí bảo hộ do ta đề ra như tỷ lệ “nội địa hóa”, thuế suất nhập khẩu cao cho đầu vào, những hạn chế hữu hình và vô hình khác.
– Bảo hộ trực tiếp hoặc gián tiếp sản phẩm cùng loại của các xí nghiệp quốc doanh.
– Những đặc quyền riêng dưới nhiều dạng rơi rớt từ thời bao cấp dành cho quốc doanh, ảnh hưởng đến nguyên tắc đối xử bình đẳng quốc gia (national treatment) – đặc biệt là trên các phương diện vốn, đất đai, quyền kinh doanh, hạn chế trong một số ngành kinh tế quan trọng như điện lực, giao thông…
– Hạn chế các tập đoàn có FDI vào Việt Nam được kinh doanh đa ngành nghề, hạn chế khâu thương mại nội địa của những tập đoàn này (gần đây tình hình này đã được cải thiện).
– Những hạn chế trong các lĩnh vực ngân hàng và một số dịch vụ khác.
– …
Cần phân biệt đàm phán giành lấy lộ trình thích hợp cho việc mở cửa nền kinh tế nước ta và tự ta ở trong nước chủ động đẩy nhanh tiến độ hội nhập là hai việc khác nhau. Đàm phán thì phải giành lấy lộ trình tối ưu để bảo đảm an toàn cho hội nhập, song điều này cũng không có nghĩa kéo dài đàm phán đến mức lỡ thời cơ như đã xảy ra. Mặt khác tự ta phải lựa chọn cho mình những lộ trình ngắn nhất cho phép chủ động đi nhanh trong quá trình hội nhập. Xin phép được diễn đạt một cách nôm na: Trước khi bơi dứt khoát phải tập bơi, nhưng muốn bơi thì phải nhảy xuống nước với ý chí can đảm. Một quốc gia trong hội nhập vào kinh tế thế giới cũng phải hành xử như vậy.

(c) Giá đất đai và chi phí trung gian quá cao, nhìn chung nước ta còn là một nền kinh tế đắt
– Với tư cách là nước chủ nhà, nhà nước đã có nhiều cố gắng cải tiến việc cung cấp đất đai, mặt bằng cho các dự án có FDI. Mặc dù vậy, đây vẫn là vấn đề gay cấn số 1, bắt nguồn từ thực trạng quản lý đất đai ở nước ta có nhiều yếu kém và công tác quy hoạch phát triển còn nhiều thiếu sót. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nước ta bỏ lỡ nhiều cơ hội và những dự án tốt. Có thể dự báo ngay trước mắt và trong tương lai vấn đề đất đai sẽ còn nóng bỏng hơn nữa, đòi hỏi phải sớm có quyết sách thay đổi cơ bản tình hình này.
– Trong thực tế đầu tư kinh doanh ở nước ta, hầu như chi phí có hai phần – xin tạm gọi như vậy. Phần chính thức là các chi phí tính theo giá được quy định do nhà nước hay trong hợp đồng; phần không chính thức là phần “không có giá” – nghĩa là biên độ của giá này tùy thuộc vào “bối cảnh”. Những chi phí trung gian này chủ yếu gồm 2 khoản: phần đền bù thêm cho việc giải tỏa mặt bằng và những tiêu cực phí cho cán bộ và cơ quan chức năng có liên quan. Cho đến nay chưa có cách gì thống kê làm rõ thực trạng chi phí này lên đến mức nào trong tổng vốn đầu tư phải bỏ ra, song có thể tạm kết luận đây là một trở ngại lớn trong cạnh tranh với những quốc gia khác về vấn đề thu hút FDI.
– Mặc dù nhà nước ta đã áp dụng chế độ “một cửa”, song trên thực tế đang tồn tại tình trạng “một cửa, nhiều khóa”, nạn giấy phép con, các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành luật đi xa hay vượt ra ngoài luật… Thực tế này chẳng những gây nhiều tốn kém trực tiếp cho nhà đầu tư nước ngoài, mà còn gây những tổn thất khác do lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội, nhiều khi không tính được bằng tiền đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
– v.v …

Còn nữa

Nguyễn Trung

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)