Bình dân hóa thịt lợn: Cái giá phải trả ?
Sự bùng nổ của đàn lợn đã không đi cùng với khả năng xử lý chất thải, đe dọa môi trường tự nhiên, sức khỏe và sinh kế của người dân.
Tháng ba, sau nhiều năm chịu đựng mùi hôi của phân lợn, Nguyễn Thị Bông, 47 tuổi, cùng những phụ nữ thôn 5, xã Phú An, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, kéo nhau lên Ủy ban Nhân dân xã khiếu nại một trại nuôi lợn.
“Không thể thở nổi. Ban đêm đi ngủ còn phải đeo khẩu trang”, Bông ngồi bên hiên nhà kể lại, trong một buổi chiều tháng sáu hiếm hoi có thể mở toang cửa nhà đón gió hè. “Cái mùi ấy hôi tanh nồng nặc làm tôi đau đầu, choáng váng”.
Năm 2014, trại lợn quy mô 10.000 con cùng các hố chứa chất thải lộ thiên mọc lên cạnh nhà bà. Chất thải dẫn ra từ trang trại sớm nhuộm đen ao cá gần nhà. Trong khi đàn ông, người trẻ trong làng đi học, đi làm xa, những phụ nữ trung niên làm việc tại nhà như Bông hứng chịu nhiều nhất sự ô nhiễm này.
Trại lợn đã rút cạn bầu không khí trong lành của một vùng quê với đồi núi bao bọc. Không chỉ mỗi ngôi làng của Bông ngạt thở trong chất thải chăn nuôi. Có hàng loạt ngôi làng như vậy ở Đồng Nai, cũng như trên khắp Việt Nam. Sự bùng nổ của đàn lợn đã không đi cùng với khả năng xử lý chất thải, đe dọa môi trường tự nhiên, sức khỏe và sinh kế của người dân bản địa.
Tình yêu với thịt lợn của người Việt
Khi Bông còn bé, thịt lợn là biểu tượng của giàu có, bà thường phải chờ đến ngày Tết mới được ăn vài lát thịt. Mọi thứ đã đổi thay. Sau ba thập kỷ Đổi mới, thịt lợn hiện diện dày dặn trong bữa ăn của người Việt. Kể cả trong những món vốn không có thịt, như bún riêu cua, giờ đã được thêm vào miếng chân giò. Theo Bộ Y tế, lượng thịt bình quân mà người Việt Nam tiêu thụ đã tăng 10 lần, từ chưa tới 14 gr/người/ngày vào năm 1985 đến gần 140gr/người/ngày vào năm 2020. Thịt lợn chiếm tỷ trọng hơn 70% lượng thịt tiêu thụ mỗi năm với 3,8 triệu tấn.
“Ngay cả khi trại nuôi lợn được xây xa khu dân cư theo đúng quy định thì cũng chỉ giảm ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, chứ không thể ngăn được thiệt hại môi trường, và cuối cùng thì con người vẫn phải chịu hậu quả”, ông Thắng nói.
Nghiên cứu của TS. Arve Hansen, Trung tâm Phát triển và Môi trường, Đại học Oslo (Na Uy) đã chỉ ra tăng trưởng kinh tế và thay đổi trong chế biến thực phẩm, khẩu vị người dùng là những chất xúc tác thúc đẩy tình yêu thịt của người Việt. Nhưng mối tình đó sẽ khó bùng nổ nếu không có sự chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống sang chăn nuôi tập trung sau Đổi mới. Mười năm qua, số lượng vật nuôi đã và đang tăng lên trong khi số hộ chăn nuôi giảm xuống, nhường chỗ cho các doanh nghiệp, trang trại. Cục Chăn nuôi ước tính, năm 2021 các doanh nghiệp, trang trại đã đóng góp khoảng 60% tổng sản lượng sản xuất thịt lợn cả nước, nông hộ chỉ rơi ở mức 35-40% và sẽ tiếp tục giảm.
Nguồn cung thịt lợn trong nước trở nên dồi dào, đã góp phần phổ biến miếng thịt. Theo Tổng cục Thống kê (GSO), đàn lợn sau 20 năm đã tăng gấp đôi từ khoảng 16 triệu con vào năm 1995 đến hơn 30 triệu con vào năm 2016; do dịch tả lợn châu Phi và đại dịch Covid-19 con số này hiện khoảng 28 triệu con.
Lượng thịt lợn tiêu thụ/đầu người/năm từ năm 1990 đến năm 2029 (dự kiến) ở Việt Nam trong tương quan với thịt bò, thịt gà. Nguồn: OECD
“Điều này có ý nghĩa lớn với tất cả hộ gia đình, giờ đây họ đã có thể tiếp cận thịt lợn dễ dàng hơn các thế hệ trước rất nhiều”, TS. Hansen chia sẻ qua một cuộc phỏng vấn online.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ ước tính, Việt Nam là nhà sản xuất thịt lợn lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc và lớn thứ sáu trên toàn cầu. Phần lớn lượng thịt phục vụ cho nhu cầu nội địa, một số ít xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Hong Kong.
“Nhưng theo sau sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất thịt là những rủi ro hiển hiện trước mắt: ô nhiễm đất, nước và không khí; đặc biệt khi chất thải từ các trang trại lớn không được kiểm soát”, TS. Hansen nói thêm.
Xả thải quá nhiều
Nhận định của nhà nghiên cứu khớp với thực tế đang diễn ra. Nhiều thịt lợn hơn trên bàn ăn đồng nghĩa môi trường phải gánh vác chất thải nhiều hơn. Trong nhiều năm, các cơ quan chức năng đã xử phạt hàng loạt trại lợn vi phạm xả thải. Báo chí trong nước nhiều lần đưa tin trại lợn bóp chết các sông, suối, thậm chí đe dọa cả những con sông lớn đang cấp nước sinh hoạt cho hàng chục triệu người bao gồm cả TP.HCM.
Mức độ tăng trưởng quy mô đàn lợn của Việt Nam 1995 – 2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê
“Chăn nuôi lợn đang gây hại cho môi trường nhiều nhất so với các loài, đó là điều không thể chối cãi”, Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định.
Nghiên cứu công bố năm 2017 của World Bank đã chỉ ra, phân lợn chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng chất thải của ngành chăn nuôi Việt Nam, đồng nghĩa với việc nó góp phần lớn nhất vào tác động ô nhiễm của ngành. Mặt khác, các trại lợn lại tập trung chủ yếu ở các vùng dân cư đông đúc ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, và Đông Nam Bộ. Cũng theo báo cáo, lợn đóng góp giá trị nhiều nhất cho ngành chăn nuôi cả nước, nhưng gần một nửa lượng phân của loài này được xả thẳng ra môi trường mà chưa qua xử lý – tỷ lệ cao nhất trong chăn nuôi. Dù các trang trại thâm canh cao có tỉ lệ xử lý và tái sử dụng phân lớn hơn nhiều so với các hộ chăn nuôi nhỏ nhưng điều đó không có nghĩa ảnh hưởng tiêu cực của chúng giảm đi. Chất thải từ các cơ sở chăn nuôi lớn hiện đang vượt quá khả năng tái chế và xử lý khoảng 20%. Hơn nữa, khi hàng nghìn con lợn được nuôi tập trung trong một diện tích nhỏ, mức độ ô nhiễm càng trở nên “đậm đặc”. Nói cách khác, lượng phân lợn thải ra từ các trang trại này luôn vượt quá ngưỡng chịu đựng của môi trường và người dân xung quanh.
Nhưng nỗi ám ảnh từ chất thải của lợn không chỉ đến từ phân – vốn đã rất khó thu dọn do ở dạng sệt – mà còn đến từ cả nước thải ra từ việc tắm mát và vệ sinh chuồng trại. Với khí hậu nắng nóng ở Việt Nam, vấn đề này càng nghiêm trọng hơn. Dự án hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp (LCASP) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc sử dụng nước quá nhiều là nguyên nhân chính khiến ngành công nghiệp chăn nuôi này trở thành nguồn ô nhiễm.
Theo LCASP, nông dân thường sử dụng khoảng 30 lít nước/con lợn/ ngày để làm mát và vệ sinh cho lợn. Con số này còn lên đến 60 lít đối với một số trang trại ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hằng năm ngành chăn nuôi lợn đã thải ra khoảng 300 triệu m3 nước bẩn. Con số này theo báo cáo năm 2020 của Bộ NN&PTNT chiếm gần 66% tổng lượng nước thải ngành chăn nuôi.
Để đáp ứng được những quy định của Luật Chăn nuôi, các chủ trại phải lắp đặt công nghệ hiện đại, thứ có thể ngốn đến 40% chi phí xây dựng trang trại. Đây là điều bất khả với các doanh nghiệp trong bối cảnh gặp nhiều áp lực kinh tế sau dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid và giá thức ăn gia súc đang leo thang chóng mặt.
Nước thải sau đó hòa lẫn với nước tiểu cùng với một tỉ lệ nhỏ phân lợn – mức quá thấp để có thể xử lý bằng các công nghệ tách ép phân vốn sẵn có ở các nước phát triển. Các chủ trại đã không thể dùng hết lượng nước thải khổng lồ để tưới bón cây, cũng không thể san bớt cho những vùng canh tác nông nghiệp khác khi không thể xử lý được mùi hôi trong lúc vận chuyển. “Khi đó, họ tìm cách tống thẳng chúng ra ao, suối…”, ông Thắng cho hay.
Tước mất sinh kế
Khi mảnh ruộng xanh trước nhà biến mất, thay vào đó là một trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, cũng là lúc gia đình Trần Thị Lưu, 42 tuổi, hàng xóm của Bông cảm thấy như thể mất đi ngôi nhà của mình. Vợ chồng cô phải thường xuyên di tản hai con nhỏ về nhà bố mẹ cô cách đó tầm 10 km để trốn mùi tanh. Nhưng cuộc chạy trốn không phải lúc nào cũng suôn sẻ vào thời điểm phong tỏa do đại dịch Covid-19.
“Chúng tôi đã phải ở lại nhà, chịu trận mấy tháng trời”, Lưu nhớ lại, khẩu trang vẫn không kéo xuống khỏi mặt. “Nhà không còn là nơi an toàn, vui vẻ nữa. Không ai muốn ghé nhà chúng tôi, họ sợ mùi phân lợn”.
Chưa có một xét nghiệm chất lượng nước nào diễn ra ở làng sau ngày trại lợn hoạt động, nhưng hồ chứa chất thải đen kịt cách nhà vài bước chân khiến cô nghi ngờ nguồn nước giếng khoan. Lưu bấm bụng chi gần 500 ngàn đồng mỗi tháng – bằng hai ngày công của cô để chuyển sang nước đóng chai, cố gắng dè sẻn tận dụng cho mọi sinh hoạt. Nhưng đó chưa phải là thiệt hại lớn nhất.
Cả Lưu và Bông đều phải bỏ nghề nuôi tằm mà họ đã theo đuổi 10 năm nay, khi liên tiếp mấy vụ liền, tằm không ra kén và chết dần. Bằng kinh nghiệm của mình, những phụ nữ Phú An tin nguyên nhân nằm ở thuốc xịt khuẩn của trại lợn.
“Từ ngày có dịch tả lợn châu Phi, họ [nhân viên trại lợn] càng xịt nhiều hơn, xịt xe ra vào trại, xịt cả bên ngoài trại vài bận mỗi ngày”, Lưu kể. Những hộ nuôi tằm ở Phú An đã dùng bạt nilon bao quanh khu nuôi tằm hòng chặn hóa chất bay vào. Tằm vẫn chết dần.
Toàn bộ tiền tiết kiệm cùng khoản vay hơn 20 triệu đồng để đầu tư vào con tằm của vợ chồng cô mất trắng. Lưu dẹp những nong tằm vào góc nhà, đến một nhà máy gia công giày da làm công nhân với thu nhập chỉ bằng một nửa so với nghề cũ.
Có một nghịch lý rằng dù chăn nuôi được xem là nhóm ngành trọng điểm trong kinh tế nông nghiệp ngay sau Đổi mới nhưng mãi đến năm 2018, Việt Nam mới ban hành một bộ luật riêng biệt nhằm đuổi kịp quy mô sản xuất đang ngày càng phình to. Đầu năm 2020, Luật chăn nuôi chính thức có hiệu lực. Lần đầu tiên, các khía cạnh môi trường, quy chuẩn xây dựng chuồng trại, quản lý chất thải mới được luật hóa một cách chi tiết, rõ ràng. Theo đó, các trang trại chăn nuôi không được phép xây dựng trong khu dân cư mà phải có khoảng cách an toàn “từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại”. Các tỉnh cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025, 100% trang trại chăn nuôi phải hoặc phải dời ra khỏi khu dân cư, chuyển đến khu chăn nuôi tập trung, hoặc phải ngừng hoạt động.
Cắt giảm đàn lợn
Những phụ nữ Phú An phải chờ ít nhất ba năm nữa để chứng kiến trại lợn rời khỏi đất làng. Tuy nhiên, Tổng thư ký hội chăn nuôi không xem đó là một giải pháp nhiều hứa hẹn.
“Ngay cả khi trại được xây xa khu dân cư theo đúng quy định thì cũng chỉ giảm ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, chứ không thể ngăn được thiệt hại môi trường, và cuối cùng thì con người vẫn phải chịu hậu quả”, ông Thắng nói.
Lợn không thải ra nhiều khí mê-tan (CH4), nhưng phân của chúng thì có. Các chuyên gia cho rằng, các bể phân lợn khổng lồ là lò sản sinh CH4, có khả năng làm Trái đất ấm lên gấp 28 lần so với khí C02 nếu tính trong 100 năm và con số đó có thể lên đến hơn 80 lần nếu tính trong vòng 20 năm.
Sử dụng các công trình như hầm khí sinh học (biogas) biến chất thải thành năng lượng được nhiều trại lợn trong nước áp dụng như giải pháp chủ đạo hạn chế phát tán phân ra môi trường, làm giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, theo ông Thắng, biogas không giải quyết được hết số phân lợn khi mà mật độ đầu lợn căng đặt gây áp lực lớn với các hầm chứa. Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Quốc tế về Nông nghiệp Nhiệt đới, một tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc tế về đa dạng sinh thái nông nghiệp, trụ sở ở Columbia, cũng cho thấy sự thiếu hiệu quả của biogas trong mối tương quan với quy mô leo thang của đàn lợn ở Đồng bằng sông Hồng.
Trong lúc các vấn đề trong nước chưa được giải quyết, trách nhiệm môi trường của ngành chăn nuôi lợn lớn nhất Đông Nam Á đang phình ra ngoài biên giới.
Việt Nam đang nhập khẩu ngũ cốc làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để hỗ trợ sản xuất lượng thịt vốn đã tăng gần 30% trong thập kỷ qua. Cho đến nay, Việt Nam là nhà nhập khẩu ngô lớn nhất Đông Nam Á, và sẽ là nhà nhập khẩu lớn thứ năm trên toàn cầu vào năm 2022, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Đáng chú ý, nguồn nguyên liệu này được chủ yếu nhập từ Argentina và Brazil, hai quốc gia Nam Mỹ đang bị chỉ trích đốn hạ rừng lấy đất trồng độc canh các loại ngũ cốc làm ra thức ăn cho lợn. Cuối cùng, một miếng thịt lợn trên bàn ăn của người Việt còn liên đới tới cả nạn mất rừng ở bên kia bán cầu, càng góp phần làm Trái đất nóng lên.
Thời điểm hiện tại, tình yêu thịt lợn được cho là đang có xu hướng giảm trong nước, ở mức từ 30-31kg/người mỗi năm trong quãng 2016-2018, còn 26 kg trong thời điểm 2019-2020. Tuy nhiên, Nguyễn Xuân Dương, cựu Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Phó Chủ tịch thường trực Hội chăn nuôi Việt Nam cho rằng, mức giảm quá nhỏ để làm hạ dốc tỷ trọng lợn trong cơ cấu chăn nuôi. Việt Nam đứng trước tình huống khó khăn: Làm thế nào để đảm bảo tính sẵn có của thịt lợn mà vẫn bảo vệ được môi trường.
Theo ông Dương, Luật Chăn nuôi đã rất khắt khe với quản lý chất thải. Để đáp ứng được những quy định này, đòi hỏi các chủ trại phải lắp đặt công nghệ hiện đại, thứ có thể ngốn đến 40% chi phí xây dựng trang trại. Đây là điều bất khả với các doanh nghiệp trong bối cảnh gặp nhiều áp lực kinh tế sau dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid và giá thức ăn gia súc đang leo thang chóng mặt do mất mùa vì hạn hán ở Nam Mỹ cũng như ảnh hưởng từ chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
“Giảm quy mô đàn lợn là lựa chọn lúc này”, ông Dương nhấn mạnh giải pháp chuyển tỷ trọng sang các vật nuôi khác ít xả thải hơn. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, chính phủ nên hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua hình thức mua năng lượng được tạo ra từ hầm biogas.
“Giảm thiểu chất thải từ chăn nuôi lợn không hề dễ dàng. Chúng ta không nên để các trại nuôi đơn độc, thậm chí chúng ta cũng phải đánh đổi bằng cách giảm ăn thịt lợn”, cựu Cục trưởng Cục Chăn nuôi nói thêm.
Chờ đợi trong vô vọng
Phân lợn không chỉ đe dọa không khí, đất, nước, mà có thể cả lời hứa cắt giảm 30% CH4 vào năm 2030 của Việt Nam tại COP26. Một báo cáo của World Bank cho thấy, tổng lượng phát thải CO2 trong chăn nuôi đã xấp xỉ 15 triệu tấn năm 2015. Trong khi đó, theo kế hoạch giảm phát thải CH4 được đưa ra hồi đầu tháng tám theo cam kết COP 26 của Chính phủ, lượng phát thải khí CH4 trong ngành này sẽ không vượt quá 15,2 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030. Tuy nhiên đồng thời, chính phủ cũng ước mơ cùng năm đó trở thành cường quốc xuất khẩu thịt lợn với giá trị xuất khẩu 3 tỉ USD, tăng gần 70 lần so với hiện tại (45 triệu USD), nắm giữ 10% thị trường toàn cầu (28,5 tỷ USD).
Đầu tháng bảy, trang trại lợn trước nhà Bông và Lưu ở Đồng Nai đã bị chính quyền tỉnh phạt khoảng 600 triệu đồng, buộc ngừng hoạt động trong sáu tháng. Bất chấp tất cả, đến giờ trại vẫn ngang nhiên hoạt động.
Trong nhóm phụ nữ khiếu nại lên xã, Lưu đã không có mặt, bởi nếu đi cùng, đồng nghĩa Lưu sẽ nghỉ việc và mất một ngày công ở nhà máy. Nhưng một lý do quan trọng khác khiến cô giữ lại tiếng nói của mình: “Tôi không tin là chúng tôi có thể thắng được trại lợn”.
Bông và Lưu đều muốn rời khỏi làng ngay lúc này, sau nhiều lần chờ đợi trong vô vọng quyết định của ủy ban Nhân dân tỉnh, cơ quan chịu trách nhiệm thanh tra và xử lý các vi phạm môi trường trong chăn nuôi.
“Xã bảo chúng tôi lên Trung ương mà báo. Chúng tôi không đủ tiền để đi xa như vậy”, Bông nói. “Chỉ còn cách duy nhất là chịu đựng. Chúng tôi có thể đi đâu khác?”.□
——-
Bài viết nằm trong chương trình One Health và dự án More Than Meats the Eye do Mạng lưới Báo chí Trái đất (The Earth Journalism Network) trực thuộc Internews tổ chức với mong muốn xem xét lại các tác động của hoạt động sản xuất và tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm lên môi trường và sức khoẻ con người ở châu Á Thái Bình Dương. Dự án quy tụ tám cơ quan báo chí, truyền thông từ nhiều quốc gia, Tia Sáng là một trong số đó. Bạn đọc của Tia Sáng có thể đọc thêm trường hợp của Malaysia, cũng tương tự như Việt Nam (Tiếng Anh).