Blog và nền báo chí công dân

Blog được ghép từ hai chữ “web blog” là một loại nhật ký trực tuyến, mặc dù xuất hiện từ những năm đầu của thập kỷ 1990 nhưng chỉ thực sự phát triển trong vòng 5-6 năm trở lại đây.


Theo thống kê của Technorati (được coi như google của blog) thì đến tháng 11/2006, trên toàn thế giới có khoảng 60 triệu blog, cứ khoảng nửa giây lại có một blog mới ra đời, tức là có khoảng 175.000 blog mới xuất hiện mỗi ngày và cứ khoảng nửa năm thì số lượng blog tại tăng gấp đôi. Mỗi ngày có khoảng 1,6 triệu tin bài được tải lên blog.   Với sự xuất hiện và bùng nổ này của blog, bên cạnh các website, forum, mailing list … không gian mạng (cyberspace) lại có thêm một nhân tố mới, ngày càng trở nên quan trọng. Sự phát triển của blog nói riêng và của cộng đồng trên mạng nói chung cho thấy nhu cầu được giao lưu, chia sẻ, được mọi người biết đến, và có tiếng nói là những nhu cầu hết sức cơ bản của con người.
Thực ra không phải chỉ đến bây giờ con người mới có những nhu cầu này, nhưng công nghệ thông tin ngày nay cho phép thực hiện những nhu cầu này một cách dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn, và rẻ hơn. Công nghệ thông tin theo nghĩa đó đã thu hẹp khoảng cách của xã hội loài người. Chẳng hạn một blogger (người viết blog) ở Việt Nam có thể cảm thấy mình gần một blogger ở Pháp, Thuỵ Điển, hay ở Mỹ hơn so với một người Campuchia, hay thậm chí một người Việt Nam khác có thể chỉ ở cách đó mấy chục mét, thậm chí ngay sát vách. Lý do là các blogger đã hình thành một cộng đồng trên mạng để chia sẻ và thảo luận dựa trên những mối quan tâm chung.
Như vậy, có một cộng đồng ảo rất thật, một cộng đồng mà trên đó nhu cầu về giao tiếp, chia sẻ, có tiếng nói được thực hiện. Một blog có thể được tạo ra cho gần như bất kỳ mục đích gì. Có những weblog chuyên thảo luận về những sở thích cá nhân như âm nhạc, thể thao, đua ô tô, leo núi v.v. Bên cạnh đó, cũng có những blog được tạo ra để thảo luận về những vấn đề rất nghiêm túc như văn học, nghệ thuật, triết học, chính trị quốc tế. Theo một nghĩa nào đó, các blogger, những người vừa là tác giả, đồng thời là khán giả của các blog đã trưởng thành trong thế giới ảo, và điều này đối với nhiều người cũng quan trọng như là trưởng thành trong một thế giới thực.
Mỗi một blog là một kênh trao đổi thông tin mở. Không chỉ tác giả mà cả những khán giả có thể vào xem và viết bình luận. Tính năng kiên kết cho phép nối kết một blog với rất nhiều blog khác, và nhờ đó tạo nên một mạng lưới blog toàn cầu. Công nghệ hiện đại cũng cho phép có thể đưa được ảnh (photoblog), nhạc (podcasting), và video (vlog) lên blog. Như vậy có nghĩa là blog đã thực sự trở thành một nguồn tin tức mở, và mỗi blogger theo một nghĩa nào đó đã trở thành một “nhà báo công dân”. Chẳng hạn như trong trận bão Katrina ở Mỹ, hay vụ đánh bom ở ga tàu điện ngầm ở London năm ngoái, hay thậm chí là tin tức về cơn bão vừa rồi ở miền Trung. Nhớ lại là hồi 11/9/2001 khi nước Mỹ bị tấn công, người ta còn chưa nói nhiều tới blog.
Việc mỗi một blog có thể trở thành một nguồn tin mở, và mỗi một blogger có thể trở thành một nhà báo công dân chắc chắn sẽ có tác động đến việc làm báo truyền thống. Tuy nhiên, tác động cụ thể của nó như thế nào thì có lẽ còn phải chờ thời gian mới đánh giá được một cách chính xác. Chẳng hạn như theo Friedman, tác giả của “Thế giới phẳng”, trong vụ đánh bom tàu điện ngầm ở London, chỉ trong vòng 24 giờ, BBC đã nhận được 20.000 bài viết qua thư điện tử, hơn 1.000 bức ảnh, và hơn 20 đoạn quay video. Việc thẩm định, chọn lọc, và sử dụng những nguồn tư liệu hết sức đồ sộ, phong phú, và đa dạng này thực sự là một thách thức cho các nhà biên tập của BBC, và đây là thách thức chung cho làng báo truyền thống: Một mặt họ rất muốn có một cách nhanh nhất những thông tin trực tiếp, từ nhiều góc độ khác nhau, đại diện cho nhiều tiếng nói khác nhau; mặt khác, việc chọn lọc, xử lý, biên tập những tin này quả thực không đơn giản.
Một vấn đề khác của blog là không ít blog trong số 60 triệu blog hiện có được xây dựng vì những mục tiêu không tốt đẹp. Đồng thời, tồn tại nhiều hành vi sai trái trên mạng, chẳng hạn như chép bài của người khác đưa lên trang blog và coi đó là của mình (ăn cắp trên mạng), thậm chí có những trường hợp bêu xấu người khác (vu khống trên mạng), và những hành vi vu cáo này, ở mức độ cực đoan, có thể dẫn tới những sự hậu quả nghiêm trọng về mặt danh dự, uy tín, hay sinh mạng chính trị của người bị vu cáo (“ám sát” trên mạng).
Suy đến cùng thì công nghệ thông tin và tiến bộ của khoa học kỹ thuật chỉ là những phương tiện, và bên cạnh những ích lợi mà chúng có thể đem lại thì bao giờ cũng có những mặt tiêu cực, và mặt nào chiếm ưu thế phụ thuộc rất nhiều vào những người sử dụng. Rõ ràng là khó có thể trông chờ vào việc cộng đồng mạng có thể có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ uy tín của tập thể và cho mỗi thành viên. Xã hội ngày càng mở, con người ngày càng mở rộng khoảng không gian của mình, không chỉ trong không gian vật lý mà còn trong không gian mạng. Dù thế nào đi chăng nữa, thì việc xuất hiện và phát triển của blog cũng là một phát triển hợp quy luật, thỏa mãn được một số nhu cầu rất cơ bản của con người, và vì thế là một xu hướng không thể và không nên cưỡng lại. Vấn đề là làm thế nào để khai thác được mặt tích cực, đồng thời giảm thiểu được những tác hại tiêu cực do blog có thể đem lại.


Vũ Thành Tự Anh

Tác giả

(Visited 32 times, 1 visits today)