Bức tranh đa sắc của truyền thông Việt năm 2011
Chúng ta sắp đi qua một năm 2011 sôi động với những sự kiện nổi bật, biến chuyển sâu sắc của đời sống xã hội trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục..., và đã được phản ánh sinh động qua bức tranh đa sắc của truyền thông Việt Nam .
Lạm phát và đòi hỏi tái cấu trúc nền kinh tế
Câu chuyện về vấn đề lạm phát của Việt Nam vốn đã nóng bỏng từ năm 2007, nhưng sau đó chìm dưới bóng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Sang năm 2011, song song với tình hình khủng hoảng nợ công châu Âu, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu lộ rõ những vấn đề bất ổn riêng, với mức lạm phát chạm mức 20%, rất cao so với mặt bằng chung của khu vực và quốc tế; trong khi đó, mức nợ công tuy chưa vượt ngưỡng an toàn (nếu theo quy chuẩn của EU là 60%) nhưng vẫn đang lặng lẽ nhích lên.
Báo chí trong nước đã có nhiều bài phân tích đánh giá, chỉ ra nguyên nhân của bất ổn kinh tế Việt Nam là do cơ cấu đầu tư bất hợp lý, chi tiêu công quá cao và thiếu hiệu quả, mức tăng cung tiền quá nhanh thể hiện qua mức tăng tín dụng cao hơn nhiều so với mức tăng GDP, năng suất lao động không tăng tương xứng với mức tăng nhu cầu tiêu thụ (đặc biệt là nhập khẩu) .v.v. Những khó khăn trong đời sống người dân và doanh nghiệp dưới sức ép của lạm phát cùng mức lãi suất cao vọt đã được phản ánh trung thực kịp thời, góp phần thúc đẩy Chính phủ phải hành động.
Nhìn chung, trong giám sát việc thực thi các giải pháp và chính sách kinh tế của Chính phủ thì báo chí và dư luận đã theo dõi khá sát những vấn đề mang tính bề nổi, những giải pháp ngắn hạn tạm thời, ví dụ như chính sách bình ổn giá xăng, giá điện. Câu chuyện kiểm soát giá trở thành tiêu điểm chú ý của công chúng khi có lúc quan điểm giữa hai Bộ Tài chính và Bộ Công thương tương phản gay gắt, trong đó quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trong việc giám sát chặt chẽ tình hình lỗ lãi của các doanh nghiệp xăng dầu được sự đồng tình rộng rãi của dư luận.
Tuy nhiên, chưa có nhiều những đánh giá sắc nét đối với những vấn đề mang tính dài hơi hơn, như đánh giá hiệu quả chính sách của Chính phủ trong tái cơ cấu đầu tư công, hoặc đánh giá triển vọng an toàn nợ công trong bối cảnh Chính phủ sẽ phải gia tăng vay nợ để đầu tư cho hạ tầng phục vụ công nghiệp hóa, trong đó nổi rõ nhất là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mà riêng thỏa thuận sơ bộ về tài chính giữa Nga và Việt Nam ký trong năm nay đã lên tới 8 tỷ USD.
Bảo vệ chủ quyền: báo chí cũng là chiến sĩ
Năm 2011 chứng kiến sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí trên mặt trận bảo vệ chủ quyền quốc gia, khởi đầu từ vụ cắt cáp tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam gây ra bởi tàu hải giám Trung Quốc ngày 26/5 và vụ việc tương tự xảy ra ngày 9/6 với tàu Viking II.
Ngay khi báo PetroTimes của Tập đoàn Dầu khí, thông tin về các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam đã ngay lập tức lan truyền đến gần như tất cả các mặt báo. Sự cứng rắn và quyết liệt của báo chí đã khẳng định những quan điểm bảo vệ chủ quyền và xử lý tranh chấp trên biển của Việt Nam, đồng thời cổ vũ một cách mạnh mẽ lòng yêu nước và tự cường dân tộc. Làn sóng yêu nước của nhân dân đã hậu thuẫn một cách hữu hiệu cho thế và lực của ngoại giao Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếng nói của nhân dân giúp khẳng định tính chính danh trong quan điểm của Việt Nam về biển Đông, qua đó thu hút sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Không chỉ các Chính phủ trên thế giới mà ngay cả báo chí quốc tế cũng bày tỏ sự quan tâm một cách công bình, khách quan về diễn biến trên biển Đông. Điểm nhấn quan trọng là qua những nỗ lực không mệt mỏi của giới khoa học Việt Nam, hai tạp chí khoa học hàng đầu trên thế giới là Nature và Science đã nhận thức rõ và lên tiếng cảnh báo về tình trạng lợi dụng khoa học cho mục đích tuyên truyền của Trung Quốc về chủ quyền trên biển Đông.
Có thể thấy rằng, sự đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân và việc cung cấp thông tin, phản ánh các quan điểm, ý kiến người dân của báo chí đã góp phần quan trọng, đem đến những chuyển biến tích cực cho Việt Nam trong quá trình giải quyết vấn đề biển Đông.
Giáo dục và mảng tối của những giá trị giả
Giáo dục Việt Năm năm qua tiếp tục là một mảng màu tối trong bức tranh chung. Đầu tiên là nạn đạo văn, mà cứ lâu lâu lại thấy báo chí phản ánh, và điều đáng nói là hiện tượng đạo văn xảy ra trong đội ngũ những người… học cao: giáo sư, tiến sĩ, giảng viên ĐH… Cho tới những ngày cuối cùng của năm 2011 này, báo chí còn tiếp tục “tố” việc một giảng viên ĐH Đồng Nai mượn hàng chục trang tài liệu của đồng nghiệp để làm luận án tiến sĩ.
Song song với đạo văn là vấn nạn bằng giả. Một trong các vụ đình đám là, vào giữa năm, Huyện ủy An Phú (An Giang) bê bối vì có tới 52 cán bộ Đảng viên ở đây bị phát hiện dùng bằng giả. Một số người trong đó thừa nhận đã chi tiền (dăm bảy triệu đồng) để mua bằng; một chủ tịch xã bị tố cáo nhờ người thi hộ THPT bổ túc (!).
Liên tiếp những vụ việc sử dụng bằng giả bị “phơi áo” trên báo chí từ Phó phòng CSGT đến lãnh đạo cấp cao của ngân hàng, y tế bị phản ánh không trung thực khi khai báo bằng cấp và sử dụng bằng rởm.
Cứ mỗi khi một vụ đạo văn hay xài bằng giả bị tung lên báo, dư luận lại ồn ào, rồi mọi nguyên nhân sâu xa đều lại được quy cho giáo dục: Chỉ có một nền giáo dục kém chất lượng, rất có vấn đề về tiêu chuẩn đánh giá, mới không phân biệt nổi thực tài và bất tài, mới chấp nhận những dối trá, lừa lọc, “nén bạc đâm toạc tờ giấy” như thế. Nhưng, xét cho cùng thì ngay cả giáo dục kém có lẽ cũng chưa phải nguyên nhân sâu xa của hiện tượng, mà sâu nhất là cơ chế tuyển dụng, dùng người trong xã hội ta có những biểu hiện bất ổn. Rõ ràng là chỉ ở một cơ chế trọng bằng cấp, gắn bằng cấp (thay vì năng lực thực tiễn) với chức vụ và bổng lộc, trọng hư danh, cán bộ mới bị “kích thích” phải chạy bằng cấp, phải trộm văn của người làm của mình một cách sôi nổi như thế.
Luật biểu tình và “hiệu ứng Hoàng Hữu Phước”
Sau những tổng kết thực tiễn quan trọng, Chính phủ và Quốc hội đã đồng thời thúc đẩy sự ra đời của Luật biểu tình trong kỳ họp Quốc hội tháng 11/2011. Mọi chuyện sẽ có thể êm đềm trôi qua và dự án Luật biểu tình sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội trong nhiệm kỳ 2011-2016 một cách suôn sẻ, nếu như không có một bất ngờ đến từ tân đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước (TP.HCM).
Viện dẫn lý do dân trí chưa đủ cao và những thông tin thiếu chính xác và không khách quan, ông Phước đã bác bỏ nỗ lực luật hóa quyền biểu tình vốn đã được Hiến pháp 1992 thừa nhận. Ngay lập tức, trên cả báo chí lẫn các mạng xã hội, “hiệu ứng Hoàng Hữu Phước” đã tạo ra một cuộc tranh luận chính trị nảy lửa và rộng lớn với rất nhiều trải nghiệm thú vị.
Chính nhờ từ bài phát biểu “lạ”đã là một trong những nguyên nhân khiến những giá trị lý luận và thực tiễn của quyền biểu tình giành được sự quan tâm rất lớn của dư luận, và càng cho thấy rằng việc xây dựng luật này hiện nay là cần thiết, đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân, và phù hợp với sự phát triển của xã hội hướng tới văn minh tiến bộ.
Lê Văn Luyện và sự mắc lỡm của báo chí
Một trong những lý do khiến cho làng báo trở nên bận rộn bất thường trong năm 2011 là vụ án tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang) ngày 24/8. Lê Văn Luyện, người mà cho đến nay vẫn chưa bị kết tội, trở thành tấm bia hứng chịu mọi sự phẫn nộ của xã hội, trong đó dường như lực lượng phóng viên là những người tích cực nhất.
Độc giả được cập nhật từng phút, từng giờ các thông tin của vụ án, từ việc lực lượng chức năng đã phá án ra sao, mô tả hiện trường như thế nào, Lê Văn Luyện gây án một mình hay có đồng bọn, anh ta đã nhận tội ra sao, ăn gì trước khi gây án, béo lên hay gầy đi sau mấy tháng ở trại,… Cũng có những hình ảnh về cánh tay bị chém đứt lìa của cháu bé nạn nhân được một số tờ báo đăng tải.
Sau tất cả những sự phẫn nộ bùng nổ trên mặt báo, dường như không có nhiều phóng viên nhận ra rằng, họ đã đứng sai vị trí của mình khi thay mặt cho tòa án để kết tội Lê Văn Luyện. Nguyên tắc suy đoán vô tội, theo đó, không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực của tòa án, đã không được hầu hết phóng viên và phần lớn độc giả quan tâm. Bài viết với tiêu đề “Nếu phạm tội, Lê Văn Luyện có bị tử hình?” đăng trên báo Người Lao Động ngày 31/8 trở thành một ngoại lệ hiếm hoi trong cả dàn đồng ca “đòi nợ máu” của cả báo chí lẫn dư luận.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: làn gió mới trên chính trường
Ông Đinh La Thăng là một gương mặt mới trên chính trường trên cương vị Bộ trưởng Giao thông – Vận tải.
Sự quyết liệt trong cả lời nói lẫn hành động của ông đã thổi vào chính trường một luồng gió mới mẻ, dường như đánh thức rất nhiều quan chức đang ngủ say và khơi dậy tinh thần cống hiến chính trị – cái mà từ lâu chỉ thường được tìm thấy trên các văn bản báo cáo thành tích. Quá phấn khích với điều này, báo chí đã lập tức biến ông Đinh La Thăng thành một “hiện tượng”.
Thế rồi không lâu sau đó, cũng chính báo chí đã tô đậm hình ảnh một Bộ trưởng của những quyết định vi hiến và phong cách điều hành có phần gia trưởng, bất chấp họ tán dương hay phê phán những quyết định cấm cán bộ chơi golf và yêu cầu thuộc cấp đi làm bằng xe buýt do chính ông ban hành. Và bản thân ông Thăng, sau một thời gian làm tốn nhiều giấy mực của báo chí, dường như cũng đã tự hạ nhiệt cơn sốt mang tên mình bằng những hình ảnh vui nhộn của ông trên sân bóng. Dư luận hi vọng tiền đạo Đinh La Thăng sẽ giữ được thói quen ghi bàn trong những trận đấu then chốt với nạn tắc đường, tai nạn giao thông và đầu tư xây dựng cơ bản.
Maraton truyền thông: Rùa thắng tê giác
Năm 2011 chứng kiến sự thiên lệch rất rõ rệt của báo chí dành cho hai sự kiện có tính chất và mức độ nghiêm trọng khá tương đồng, đó là chiến dịch giải cứu “cụ Rùa” và sự tuyệt chủng của loài tê giác Java ở Việt Nam.
Ấn tượng để lại cho dư luận trong chiến dịch giải cứu “cụ Rùa”, tiếc thay, tập trung nhiều vào hàng loạt bản tin về sự rề rà của những cuộc họp, hội thảo đánh giá tình hình, tìm kiếm giải pháp; sự rình rang trong việc triển khai giải pháp khi huy động hàng chục dân quân, cứu hộ viên tiến hành thử nghiệm đủ các giải pháp, đến khi làm thật thì người ta dùng một chiếc lưới “hàng chợ” kém chất lượng và để “cụ” trốn mất. Có lẽ do cảm thấy bế tắc trước một việc tưởng chừng rất đơn giản này, có vị doanh nhân nọ còn cao hứng đề xuất dùng trực thăng để trục vớt “cụ”. Báo chí theo sát từng bước trong suốt hành trình giải cứu kéo dài hàng tháng trời và đây có thể là tư liệu quý cho các tác giả kịch bản hài kịch ở Việt Nam, vốn là những người luôn than bí đề tài.
Rình rang và dồn dập đưa tin về “cụ” Rùa bao nhiêu, báo chí lại lạnh nhạt bấy nhiêu với cái chết của cá thể tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam. Một viên đạn được tìm thấy ở chân cá thể này và chiếc sừng của nó đã bị cắt mất. Những thông tin đau xót từ các Quỹ bảo vệ động vật thế giới dễ dàng chìm trong quên lãng, trong khi những vết lở loét ở thân “cụ Rùa” trở thành đề tài thu hút sự quan tâm của các phóng viên trong nhiều tháng trời, ngay cả khi dư luận đã khá yên tâm rằng chúng không mấy nguy hiểm. Điều này phản ánh một thực tế là lâu nay báo chí đã chưa làm được nhiều trong việc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về thảm họa mất đa dạng sinh học, vấn đề nghiêm trọng có tính chất toàn cầu.
Thủng lưới… VFF
Nếu như đội tuyển U23 Việt Nam bế tắc trong việc tìm đường đến khung thành đối phương ở SEA Games 26 thì các ông chủ ở các CLB lại ghi được những bàn thắng ngoạn mục vào lưới… VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam). Phát biểu gay gắt của bầu Kiên (Hà Nội ACB) tại Hội nghị tổng kết V-League mùa giải 2011 đã vỗ mặt VFF với đủ các nghi vấn từ đạo đức trọng tài cho đến năng lực điều hành của bộ máy Liên đoàn.
Hiệu ứng từ bài phát biểu để đời này của bầu Kiên sẽ không thể xảy ra, nếu trước đó ông không khôn khéo kéo báo chí vào trụ sở VFF, vốn có truyền thống “đổ bê tông” ngăn chặn mọi pha “lên bóng” của cánh phóng viên. Ở một tổ chức xã hội hóa cao như VFF, nơi quyền lực thực sự không hoàn toàn nằm trong tay lãnh đạo liên đoàn và bộ mặt của nó được phơi bày trên sân bóng với camera chụp chiếu đủ bốn góc, người ta không thể không đếm xỉa đến phản ứng của báo chí và dư luận.
Sự vào cuộc tích cực của các phóng viên đã kích hoạt một làn sóng phản đối VFF và cuối cùng đưa đến một cuộc cách mạng với sự ra đời của một mô hình quản lý hoàn toàn mới: Công ty Cổ phần Bóng đá Việt Nam – VPF. Thế mới biết, khi sức mạnh giám sát của báo chí được coi trọng thì mành lưới nào cũng có khả năng bị xuyên thủng.