Cà phê Tây Nguyên – Những cơn khát

Thiếu nước đang đe dọa cây cà phê ở Tây Nguyên, nhưng ở chiều ngược lại, cây cà phê cũng đẩy vùng đất này đối mặt với những cơn khát do các hoạt động canh tác thiếu bền vững.

Cây cà phê héo rũ vì khát nước ở Đắk Lắk. Ảnh: Thành Nguyễn
Cây cà phê héo rũ vì khát nước ở Đắk Lắk. Ảnh: Thành Nguyễn

Vài tháng trong năm, khi cây cà phê chưa vào vụ, bà Hoa(*) sẽ rời quê nhà Đắk Lắk, Tây Nguyên xuống các thành phố phía Nam tìm các công việc thời vụ. Đây là cách một người phụ nữ 50 tuổi kiếm thêm thu nhập khi rẫy cà phê của gia đình bà mấy năm liền năng suất kém do thiếu nước.

“Trong thôn nhiều người cũng đi. Phải đi, vì mình đâu có tin tưởng được là đến mùa sẽ có trái thu hoạch”, nông dân người Thái này nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 11 năm ngoái, khi đang làm bảo vệ cho một tòa nhà ở TP.HCM, cách quê bà hơn 300km.

Hạn hán vào mùa khô năm 2020 làm 4 hecta cà phê của bà bị rụng bông, héo cành, không đậu trái. Nhưng đó chưa phải là thứ tệ nhất mà bà Hoa chứng kiến, toàn bộ miếng rẫy đã chết khát trong trận hạn hán lịch sử bốn năm trước đó.

“Trời nắng như đổ lửa. Đất nứt toác ra. Giếng không có giọt nước. Suối cũng cạn khô. Có thể thấy con kiến chạy qua đá dưới suối”, bà Hoa nhớ lại. “Mấy tháng liền không có nước tưới, lá cây vàng rộp như bị thiêu cháy”.

Những nông hộ nhỏ ở Tây Nguyên đang bị bỏ lại phía sau trong cuộc chạy đua giành nước trong bối cảnh hạn hán xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Đằng sau những con số xuất khẩu kỷ lục đưa Việt Nam trở thành lò sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới là những rẫy đất rộng lớn của nông dân giàu có, những người có đủ khả năng đưa mũi khoan giếng đi sâu hơn.

Nhưng đó là một cuộc đua xuống đáy. Các chuyên gia cho rằng nước ngầm đang cạn kiệt nhanh đến mức tình trạng thiếu nước có thể buộc khu vực này phải giảm quy mô sản xuất cà phê.

Trước kia, nông dân chỉ cần đào 10-15m đã có nước, bây giờ họ thậm chí không tìm thấy một giọt nào ở độ sâu 40-50m. Ảnh: Thành Nguyễn.

Cà phê tăng, nước giảm

Với khí hậu xavan nhiệt đới, Tây Nguyên tự hào có vùng đất bazan màu mỡ nhất Việt Nam và cùng với mạng lưới sông ngòi dày đặc, đây là môi trường lý tưởng để trồng cà phê robusta, loại cây được sử dụng chủ yếu cho cà phê hòa tan.

Thế kỷ XIX, những mầm cà phê đầu tiên đã được thực dân Pháp chọn gieo ở mảnh đất này. Hơn 200 năm sau, loại cây này tiếp tục được Chính phủ Việt Nam xem như cây trồng chủ lực của vùng, thúc đẩy kinh tế đất nước sau Đổi mới 1986. Diện tích cây cà phê cả nước đã liên tục được mở rộng, từ gần 450.000 ha năm 2005 lên ngưỡng hơn 710.000 ha vào năm 2021, riêng Tây Nguyên đã đóng góp khoảng 92% tổng diện tích.

Hiện cà phê Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 16% thị phần cà phê toàn cầu, chỉ đứng sau Brazil (22%), trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất đất nước, mang lại hơn 3 tỷ USD mỗi năm, tương đương 3% GDP.

Đây là loại loại cây ưa ẩm, phần lớn rễ nằm ở tầng đất mặt nên ngốn nhiều tài nguyên nước. Để Việt Nam có thể duy trì và bồi đắp thành tựu kể trên, một lượng nước tưới khổng lồ đã được bơm vào những rẫy cà phê trải dài bạt ngàn khắp Tây Nguyên. Nhu cầu nước càng tăng khi người trồng nơi đây tin rằng tưới nhiều nước sẽ kéo năng suất lên cao. Trong mỗi lần tưới, nông dân cấp  7.00 -1.000 lít nước cho mỗi gốc cà phê (một vụ tưới ba lần), kỳ vọng có thể thu về ít nhất 3 tấn quả/ha. Trong khi đó, theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), chỉ cần cung cấp một nửa lượng nước này thì vẫn cho ra kết quả vụ mùa tương tự, thế nhưng thực tế có gần 75% số hộ chấp nhận tưới thừa. Với diện tích cà phê gần 500.000 ha vào năm 2015, ngành sản xuất cà phê Tây Nguyên đã lãng phí trên 150 triệu m3 nước.

Độc canh cây cà phê trong bối cảnh dùng nước thiếu kiểm soát như hiện nay, Tây Nguyên tốn khoảng 1,12 tỷ m3 nước/năm.

“Nhu cầu nước tưới quá lớn cùng với phương pháp tưới không hợp lý là một trong những nguyên nhân chính góp phần dẫn đến khan hiếm nước ở Tây Nguyên”, ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng Biến đổi Khí hậu và Môi trường, UNDP Việt Nam nhận định.

Nguồn nước mặt đã không đủ đáp ứng tập quán canh tác cũng như độ phình ra không có dấu hiệu dừng lại của các rẫy cà phê, đặc biệt khi bước vào mùa khô, lưu lượng các sông đều co hẹp lại, thậm chí có lúc giảm đến 90%. Nước ngầm, lúc này đây, được xem như giải pháp duy nhất của người trồng.

Ông Trần Vinh, Quyền Viện trưởng WASI cho biết, 80% nước tưới cà phê vào mùa khô là nước ngầm, hầu hết các hộ khoan giếng mà không xin phép cơ quan chức năng, trái với quy định của Luật Tài nguyên nước; đồng thời, các cơ quan chức năng cũng không thể kiểm soát hết hoạt động này.

Một nghiên cứu vào năm 2018 tại Đắk Lắk, thủ phủ cà phê của Tây Nguyên đã chỉ ra, mỗi rẫy cà phê đều có ít nhất một giếng khoan có độ sâu gần 27m, số lượng và chiều sâu của giếng sẽ tăng lên khi khô hạn kéo dài. Do khai thác thiếu kiểm soát, mực nước ngầm năm 2014 đã thấp hơn khoảng 7 mét so với năm 2010.

Cục Quản lý tài nguyên nước cũng thừa nhận hoạt động khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh này đã vượt mức an toàn, mực nước dưới mặt đất tại đây cũng như cả khu vực nói chung sụt giảm đến mức báo động.

“Nước ngầm bị suy thoái nghiêm trọng, càng làm cho nguồn nước Tây Nguyên thêm cạn kiệt”, ông Vinh nói. “Nếu không có gì thay đổi, sẽ đến lúc không còn nước để trồng bất cứ cây gì ở đây”.

Mẹ con chị Siu H’Kur. Ảnh: Võ Kiều Bảo Uyên

Trước kia, nông dân chỉ cần đào 10-15m đã có nước, bây giờ họ thậm chí không tìm thấy một giọt nào ở độ sâu 40-50m, ông nói thêm. “Đó là lý do nông dân tiếp tục khoan xuống, làm ảnh hưởng đến nguồn nước của các hộ khác”.

Không có nước cho người nghèo 

Chi phí tưới tiêu tăng lên cùng mức độ khan hiếm của nước, nhất là khi áp dụng các biện pháp khoan, đào giếng. Độ sâu của giếng tỷ lệ thuận với độ sâu của túi tiền. Trong cuộc đua cứu cây cà phê khỏi chết khát, những hộ nông dân giàu có là người chiến thắng.

Mùa khô năm 2016, bà Hoa cùng một người họ hàng hùn nhau 40 triệu đồng thuê thợ khoan thêm giếng. Mũi khoan cuối cùng đã phải dừng lại ở độ sâu 150m khi họ còn không đủ kinh phí đi xuống sâu hơn.

“Những rẫy người Kinh ở kế bên, nhà nào cũng đã có 3-4 cái giếng, nên mình càng khó tìm ra nước”, bà Hoa giải thích. “Nước chỉ xuất hiện ở rẫy của người giàu, vì vậy cà phê của họ luôn ra nhiều trái”.

Mũi khoan thiếu kiểm soát không chỉ kéo tụt mực nước ngầm của Tây Nguyên mà còn khoét sâu thêm cái nghèo của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa  – nhóm chiếm hơn một phần ba dân số toàn vùng, phần đông vốn đã mắc kẹt trong đói nghèo, và luôn hứng chịu đầu tiên lẫn nhiều nhất hậu quả của những đợt khô hạn.

Trong liên tiếp năm mùa khô gần nhất, giếng nhà chị Siu H’Kur, một phụ nữ Jrai 37 tuổi, xã Iale, Gia Lai đều trơ đáy. Mỗi ngày, từ tờ mờ sáng, mẹ con chị Siu phải gùi sau lưng những chai nhựa 1.5l đi bộ hết nhà này đến nhà khác trong buôn để xin nước.

“Đó là những nhà giàu có tiền khoan giếng sâu, mỗi lần họ cho một ít”, chị H’Kur kể lại bằng tiếng Jrai trong cuộc phỏng vấn hồi cuối năm ngoái, do con gái của chị dịch sang tiếng Việt.

Số nước xin được chỉ vừa đủ cho những nhu cầu cơ bản của gia đình, không đủ để cứu rẫy bắp của họ. Năm 2016, cánh đồng lúa nuôi H’Kur và chín đứa con của chị chưa kịp ra bông đã chết khô trên nền đất nứt nẻ. Cô nợ đại lý phân bón 30 bao lúa. Món nợ tiếp tục phình lên hơn 100 triệu đồng khi mùa khô mấy năm sau đó, rẫy bắp của gia đình này cũng bị cơn khát thiêu trụi.

“Rẫy gần suối nhưng bên cạnh khoan giếng, họ [các nông dân khác] đã sớm bắt ống chuyển nước suối vào rẫy cà phê. Họ tưới cả ngày lẫn đêm nên mình không còn nước để tưới”, chị H’Kur nói.

Không có tiền khoan giếng, cả nhà họ tự tay đào giếng mới, nhưng chỉ được vài mét lưỡi xẻng đã đụng đá, đành phải dừng lại.

Kết quả nghiên cứu tại xã Cu Se, Đắk Lắk trong hai năm 2015 và 2016 cũng cho thấy, hơn 60% trong số các hộ quyết định đào thêm giếng đã phải bỏ cuộc sau khi đào sâu 10, thậm chí 20 mét; chỉ 36% số hộ được phỏng vấn đủ khả năng tài chính làm giếng đã có sẵn sâu hơn.

“Nông dân sản xuất nhỏ ở Tây Nguyên, đặc biệt là hộ nghèo và cận nghèo đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới ngày càng căng thẳng trong mùa khô”, ông Đào Xuân Lai đánh giá.

Nếu trồng xen canh cà phê với sầu riêng, bơ, tiêu, khu vực này chỉ cần 720 triệu m3 nước tưới/năm; với kịch bản này, số nước tiết kiệm được mỗi năm có thể lên đến 407 triệu m3 (giảm 36%) so với mức thông thường.

Hạn hán xảy ra trong năm năm qua đã làm Tây Nguyên thiệt hại hàng trăm ngàn hecta cà phê và hoa màu. Các kịch bản khí hậu dự báo, dù tổng lượng mưa cả năm ở khu vực này đang có xu hướng tăng lên nhưng mùa khô lại ngày càng cực đoan; do tác động của biến đổi khí hậu, thời gian khô hạn có thể dài hơn. Sức chống chọi của vùng đất này trước cuộc khủng hoảng nước càng tệ đi khi khả năng giữ nước của khu vực đang bị suy yếu do hệ sinh thái rừng liên tục bị tàn phá. Mỗi năm toàn vùng Tây nguyên mất hơn 46.000 ha rừng tự nhiên, một phần đáng kể trong đó lấy đất phục vụ cho canh tác cây cà phê và làm thủy điện.

“Cần nhìn vào bức tranh tổng thể chứ không chỉ mỗi con số xuất khẩu”, ông Lai nhấn mạnh. “Giá cà phê thu về hiện nay là chưa bao gồm chi phí môi trường và xã hội đã đánh đổi”.

Tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước đang bắt đầu được triển khai ở khu vực. Nước từ các dây tưới nhỏ giọt chạy dọc hai bên hàng cây dần thấm đều vùng rễ, thay cho các đường ống to bơm ồ ạt vào rẫy như lối truyền thống. WASI cho biết, giải pháp này giúp Tây Nguyên mỗi năm giảm 25-50% lượng nước tưới, tương đương với cắt giảm chi phí đầu vào 10-18 triệu đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, do sự phức tạp của mạng lưới đường ống gồm hệ thống trung tâm, đường ống chính và đường ống nhỏ giọt; hơn hết là chi phí lắp đặt còn đắt đỏ, có thể đội lên 60-80 triệu đồng/ha, nên chỉ mới khoảng 10% số nông hộ tiếp cận phương pháp này.

Ở một hướng đi khác, ông Đào Xuân Lai cho hay, các tổ chức và chính phủ đã và đang hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân chuyển đổi từ độc canh cà phê sang trồng cà phê kết hợp với các cây ăn trái hoặc cây lâm nghiệp lâu năm – những giống cây có thể vừa sinh sống hài hòa với cà phê vừa không đòi hỏi nhiều nước.

Nước ngầm bị suy thoái nghiêm trọng, càng làm cho nguồn nước Tây Nguyên thêm cạn kiệt. Ảnh: Thành Nguyễn

Một nghiên cứu của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) chỉ ra, độc canh cây cà phê trong bối cảnh dùng nước thiếu kiểm soát như hiện nay, Tây Nguyên tốn khoảng 1,12 tỷ m3 nước/năm. Nếu tối ưu hóa được tưới tiêu trong lúc vẫn duy trì độc canh, lượng nước có thể tiết kiệm rơi vào khoảng 290 triệu m3/năm (giảm 26%). Trong khi đó, nếu trồng xen canh cà phê với sầu riêng, bơ, tiêu, khu vực này chỉ cần 720 triệu m3 nước tưới/năm; với kịch bản này, số nước tiết kiệm được mỗi năm có thể lên đến 407 triệu m3 (giảm 36%) so với mức thông thường. Tối ưu hóa sử dụng nước cũng giúp nông dân tiết kiệm 65 USD/ha/năm chi phí tưới tiêu, trong đó công lao động chiếm 42%, chi trả cho năng lượng chiếm 58%.

“Việc chuyển đổi từ độc canh sang xen canh chắc chắn sẽ làm giảm sản lượng cà phê xuất khẩu”, chuyên gia rang xay và chuỗi cung ứng cà phê Nguyễn Hoàng Long nhận định. “Nhưng đổi lại, Việt Nam có thể tập trung vào sản xuất cà phê chất lượng, hướng đến phân khúc thị trường cao cấp”.

Khi mùa khô Tây Nguyên sắp đến gần, mẹ con Siu H’Kur lại bắt đầu đi tìm các chai nhựa để trữ nước. Đó là điều duy nhất mà gia đình Jarai này có thể chuẩn bị trước khi một đợt hạn hán mới có thể xảy ra trên quê hương cô. Mối quan tâm của H’Kur lúc này là món nợ có thể phình to ra nếu chẳng may những rẫy lúa, bắp tiếp tục chết héo.

“Trông cậy cả vào mưa. Quan trọng là nước mưa, phải mưa nhiều”, H’Kur nói khi đang bế đứa con chưa đầy 3 tuổi trên tay.

Còn bà Hoa đã quay về quê nhà để chuẩn bị cho một mùa khô đang đến. Một vài cơn mưa trái mùa vừa ghé đến cũng không gieo cho bà quá nhiều hy vọng.

“Nước giếng vẫn đang hụt dần. Năm nay có khi vẫn thiếu nước”, bà Hoa nói qua điện thoại, những cây cà phê cháy khô vẫn không thôi ám ảnh người phụ nữ bé nhỏ này. □

——–

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Bài viết nhận được sự hỗ trợ của Mạng lưới Báo chí Trái đất của Internews.

Tác giả

(Visited 46 times, 1 visits today)