Cấm chơi golf ngày nghỉ và những nhầm lẫn về pháp luật

Báo chí những ngày gần đây bàn nhiều về chủ đề quyết định cấm chơi golf mà bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng đưa ra. Có người khen, có người chê, có người đồng tình, có người phản đối. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là thay vì bàn về tính hợp pháp của lệnh cấm, nhiều bài báo lại bàn sang những căn cứ khác như chơi golf là xa xỉ trong khi kinh tế đất nước còn khó khăn...

Thực chất đây là hai vấn đề khác nhau, tôi nghĩ rằng cần phải tách bạch để trao đổi. Cá nhân tôi cho rằng tính hợp pháp trong mọi quyết định quản lý nhà nước phải được đặt lên hàng đầu. Cũng dưới khía cạnh này, có thể thấy quyết định cấm chơi golf của Bộ trưởng có ít nhất ba sự nhầm lẫn sau đây:

1. Nhầm lẫn về “lãnh địa” pháp luật điều chỉnh và không điều chỉnh

Rất nhiều quan hệ xã hội ngày nay chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Hàng ngày mỗi người tham gia vào rất nhiều các “quan hệ pháp luật” khác nhau. Ở cơ quan, bạn tham gia vào quan hệ pháp luật lao động. Hết giờ làm việc, đi ngoài đường bạn tham gia vào quan hệ pháp luật giao thông, đi chợ mua đồ bạn tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự hay về nhà bạn tham gia vào quan hệ pháp luật gia đình.v.v. Những quan hệ pháp luật này xuất hiện trên cơ sở có sự điều chỉnh của qui phạm pháp luật, trong đó qui định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia.

Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa pháp luật có khả năng điều chỉnh mọi quan hệ pháp luật. Pháp luật cũng như từng quan hệ pháp luật đều có giới hạn riêng. Có rất nhiều lĩnh vực hoặc quan hệ xã hội mà pháp luật không điều chỉnh hoặc không thể điều chỉnh được. Chẳng hạn không có một đạo luật nào điều chỉnh về cách bạn yêu như thế nào, không luật nào điều chỉnh cách bạn ăn, ngủ ra sao, cách bạn phải đi lại trong nhà của mình như thế nào, cách bạn tiêu khiển, giải trí ra sao. Đấy là lãnh địa pháp luật không điều chỉnh – lãnh địa của tự do cá nhân.

Lệnh cấm chơi golf trong ngày nghỉ thực chất đã xâm phạm vào “lãnh địa” mà pháp luật không điều chỉnh – lãnh địa của tự do cá nhân. Vào những ngày nghỉ, bất kỳ ai cũng có thể lựa chọn cách nghỉ ngơi, giải trí, tham gia những hoạt động mà họ muốn, miễn sao không trái luật. Nếu pháp luật can thiệp cả cách họ giải trí ra sao, khi ấy tự do cá nhân sẽ không còn tồn tại.

2. “Nhầm vai” trong quan hệ pháp luật

Khi tham gia vào các quan hệ pháp luật, mỗi người phải đóng rất nhiều vai. Điều quan trọng là cần phải hiểu tương ứng với quan hệ pháp luật nào thì cần phải đóng vai gì.

Chẳng hạn, nếu trong quan hệ công việc bạn là bộ trưởng, nhưng khi về với gia đình của mình tham gia quan hệ pháp luật hôn nhân gia đình, bạn là một thành viên trong gia đình. Cũng vì lẽ đó, bạn không thể lấy quyền của mình là “bộ trưởng trong công việc” ở quan hệ pháp luật khác mà về nhà cũng là “bộ trưởng với bố đẻ mìnhtrong quan hệ pháp luật gia đình.

Dù bạn có là bộ trưởng hay thủ tướng, khi ra ngoài đường, tham gia quan hệ pháp luật giao thông, bạn bình đẳng như mọi công dân bình thường khác. Cũng vì lẽ đó, bạn không thể lấy quyền của mình là Bộ trưởng Giao thông mà ra ngoài đường vượt đèn đỏ được.

Tương tự như vậy, dù bạn có là thủ trưởng cơ quan hay là bộ trưởng, thì khi bước chân ra khỏi nơi làm việc, về nguyên tắc, người lao động không còn dưới quyền chịu sự quản lý trực tiếp của bạn nữa, mà quan hệ giữa hai bên là quan hệ pháp luật dân sự bình đẳng. Hay nói cách khác, ngoài giờ làm việc, bạn hoàn toàn không có quyền can thiệp vào cách mà người lao động dưới quyền bạn làm gì, nghỉ ngơi ra sao, nếu không có sự đồng ý của họ. Chính vì lẽ đó, có thể nói, lệnh cấm chơi golf cả trong ngày nghỉ của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là một “sự nhầm vai” trong quan hệ pháp luật, lấy quyền uy trong một quan hệ pháp luật này để điều chỉnh một quan hệ xã hội khác không thuộc thẩm quyền của mình.

3. Nhầm lẫn nguyên tắc ưu tiên tính hợp pháp so với tính hợp lý trong quản lý nhà nước

Khi ban hành các quyết định quản lý nhà nước, các chủ thể quản lý phải bảo đảm cả tính hợp pháp và tính hợp lý, nhờ đó quyết định đưa ra mới có khả năng thực thi và được xã hội chấp nhận. Trong mọi trường hợp, tính hợp pháp luôn có ưu thế hơn so với tính hợp lý, nên không thể vì lý do hợp lý mà coi thường Hiến pháp, luật và quyết định của cấp trên, tự ban hành những quy định riêng trái với quy định của pháp luật.

Về tính hợp pháp, điều đáng bàn ở lệnh cấm chơi golf của Bộ trưởng Thăng là về mặt giới hạn phạm vi áp dụng. Nếu như cấm chơi golf trong giờ làm việc thì miễn bàn, nhưng đây là lệnh cấm chơi trong cả những ngày nghỉ. Như đã trình bày ở trên, lệnh cấm này không có căn cứ pháp luật, vi phạm quyền tự do cá nhân, vi phạm quyền nghỉ ngơi đã được Hiến pháp 1992 (Điều 50, Điều 56 Câu 2) và Bộ luật Lao động 1994 (Điều 71 đến Điều 81) bảo vệ.

Tóm lại, khi ban hành quyết định quản lý nhà nước cần phải cân bằng, bảo đảm hài hòa và tối ưu hóa các nhóm lợi ích, trong đó có lợi ích của cơ quan quản lý, lợi ích của đối tượng thi hành và của toàn xã hội. Tuy nhiên dù với bất cứ lý do gì, tính hợp pháp, tính có căn cứ pháp luật vẫn cần phải được ưu tiên hàng đầu. Không thể căn cứ vào bất kỳ lý do nào, để bỏ qua tính hợp pháp, vi phạm quyền con người. Một quyết định quản lý nhà nước không dựa trên cơ sở tính hợp pháp sẽ tạo nên tiền lệ xấu, nguy hiểm hơn là tiền lệ ấy nếu được lặp lại sẽ khiến trật tự pháp luật bị đảo lộn và mọi đòi hỏi với pháp luật có thể sẽ trở nên vô nghĩa.


* Đại học Saarland, CHLB Đức

(1) Xem thêm các bài viết: Bộ trưởng Thăng yêu cầu lãnh đạo GTVT không chơi golf, Báo Khoa học và đời sống online, đăng ngày 19/10/2011, truy cập tại: http://bee.net.vn/channel/1987/201110/Bo-truong-Thang-yeu-cau-lanh-dao-GTVT-khong-choi-golf-1814846/; Vì sao người dân ủng hộ cấm chơi golf?, Báo khoa học và đời sống Online, đăng ngày 25/10/2011, http://bee.net.vn/channel/1983/201110/Vi-sao-nguoi-dan-ung-ho-cam-choi-golf-1815219/; Cấm chơi golf được nhiều người ủng hộ, đăng trên Báo Đất Việt, ngày 21/10/2011, truy cập tại: http://baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Cam-choi-golf-duoc-nhieu-nguoi-ung-ho/201110/173856.datviet.

(2) Xem thêm: Nguyễn Cảnh Hợp, Cao Vũ Minh, Tính hợp pháp và tính hợp lý của quyết định quản lý nhà nước, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Quốc hội, Số 11/2011, tr. 19–24; Bùi Thị Đào, Mối quan hệ giữa tính hợp pháp và tính hợp lý của quyết định hành chính, Tạp chí Luật học, Trường Đại học Luật Hà nội, Số 2/2008, tr. 11–17; Trần Văn Duy, Bàn về tính hợp pháp, hợp lý trong quyết định quản lý nhà nước, Nhà nước và pháp luật, Viện nhà nước và pháp luật, Số 11 (259)/2009, tr. 31–35.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)