Cảm nghĩ đầu xuân

Đầu xuân Mậu Tý, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã gửi thư tới tòa soạn Tia Sáng chia sẻ những cảm nghĩ và mong ước của mình về tương lai nền giáo dục và KH&CN Việt Nam. Tia Sáng xin trân trọng trích đăng một số ý kiến của các nhà khoa học.

Tôi chúc cho Việt Nam tiến bước nhanh hơn nữa trong khoa học hiện đại, cả trong nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu cơ bản. Tôi mong các nhà khoa học Việt Nam sẽ được tôn trọng hơn và được đánh giá cao trong xã hội; hệ thống trường đại học của Việt Nam nâng cao chất lượng đào tạo, nghiêm ngặt và công bằng hơn trong tuyển chọn, hiện đại hóa các giảng viên (bao gồm cả trong lĩnh vực vật lý thiên văn), tạo cơ hội làm việc cho các nhà khoa học trẻ, rửa sạch nạn tham nhũng để trở thành những trường đại học mà đất nước có thể tự hào với một chất lượng đào tạo trình độ cao xứng đáng với những gì mà nó có.

Và trên hết, tôi mong rằng, năm 2008 sẽ giảm thiểu được tình trạng chảy máu chất xám và đất nước có thể làm được tất cả những gì mà nó có thể để mang đến cho thế hệ trẻ một tương lai đủ hấp dẫn để họ không phải ra đi.
GS.Pierre Darriulat

Nền giáo dục ở trình độ đại học của nước ta chưa đạt được mức độ cao, so với đa số các nước trong vùng. Sinh viên ngành khoa học có xu hướng học những môn có áp dụng tức thời như môn tin học, nhằm đáp ứng nhu cầu của thời đại công nghệ thông tin. Tuy nhiên, nếu ta muốn sánh vai cùng các nước tiên tiến thì các ngành khoa học khác cũng cần được phát triển. Khoa học cơ bản nên được phát triển song song với khoa học kỹ thuật.

GS.Nguyễn Quang Riệu

(Giám đốc nghiên cứu khoa học, Đài Thiên văn Paris)

Cách đây khoảng 40 năm nền Khoa học, Công Nghệ của Hàn Quốc và của Việt Nam có một điểm chung là khởi đầu gần như từ con số không, nhưng cái khác biệt là lúc ấy cuộc chiến giữa hai miền Nam-Bắc của họ đã kết thúc hơn mười năm rồi còn mình lại đang ở trong giai đoạn khốc liệt nhất. Từ đó đến nay trong quá trình kiến thiết, ở Nam Hàn họ đã đặt sự nghiệp phát triển giáo dục, đại học và nghiên cứu khoa học là quốc sách hàng đầu. Kết quả- đặc biệt về công nghệ- kỳ diệu như thế nào ta đã biết, còn ở Bắc Hàn với chính sách ưu tiên cho công an và quân sự (hạt nhân, hỏa tiễn) xin được miễn bàn.

Còn mong ước gì cho khoa học nước nhà sau khi so người lại nghĩ đến ta? Trước hết là chất lượng của nền đại học, cái nôi nuôi dưỡng cho sự tiến triển của khoa học và công nghệ. Không có đại học chất lượng cao thì làm sao có được một nền khoa học tốt đẹp cho đất nuớc.

Sau hết tôi không khỏi nhớ lại chính sách cởi trói cho văn học, nông nghiệp, thương mại, kinh tế thời Đổi Mới. Và ước mong một cởi trói thứ hai cho nền khoa học, đại học, giáo dục khỏi những tư duy và phương thức quản lý hãy còn nhiều bất cập.

GS.Phạm Xuân Yêm

(Nguyên giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp-CNRS)

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)