Cần cập nhật về những tạp chí có uy tín
Cuộc bàn luận về chất lượng tạp chí chuyên ngành quốc tế ở ngành Khoa học xã hội nhân văn cho thấy áp lực phải công bố quốc tế bằng mọi giá có thể dẫn người ta tới sai lầm khi lựa chọn nơi công bố.
Minh họa: Science.
Hiện tại ở Việt Nam có tình trạng các nhà khoa học rất khát khao công bố quốc tế, bằng mọi cách và không mấy kén chọn về chất lượng các tạp chí, một phần do các quỹ, các trường thúc đẩy các chỉ tiêu về số lượng công bố quốc tế và một phần khác do chúng ta mới bước chân vào con đường công bố quốc tế này nên các thông tin về chất lượng tạp chí cũng còn hạn chế, đồng thời cũng không hiểu biết nhiều về các chuẩn mực quốc tế. Tất cả những điều này khiến dẫn đến hiện tượng một số nhà khoa học Việt Nam đã tìm đến các tạp chí mà yêu cầu chuyên môn không cao để có thể được đăng bài một cách nhanh chóng.
Mặt khác, có một số tạp chí trong làng xuất bản thế giới hiểu được nhu cầu của các nhà khoa học ở thế giới thứ ba là cần phải có công bố quốc tế nên đã chào mời và gửi nhiều thông tin tới họ. Bản thân tôi cũng thường xuyên nhận được các lời mời đăng bài kiểu này và có thể các nhà khoa học khác ở Việt Nam cũng như vậy. Điều đáng nói là các tạp chí này, đặc biệt là các tạp chí mới nổi, đều nhận xuất bản bài báo sau một thời gian rất ngắn mà không đảm bảo trải qua một quy trình bình duyệt chặt chẽ.
Ngược lại nếu chúng ta chỉ dựa vào danh mục của ISI Web of Science và Scopus thì sẽ bỏ sót các tạp chí tốt khác trong ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Để có được cái nhìn khách quan về vấn đề này, chúng ta hãy nhìn ra các nền học thuật quốc tế. Ví dụ ở Đức, tôi không thấy họ quá chú trọng việc phải xuất bản công trình trên các tạp chí thuộc danh mục ISI hay Scopus bởi đây là các tạp chí của những nhà xuất bản trong hệ thống Anh – Mỹ, trong khi trong giới học thuật thế giới còn có rất nhiều tạp chí xuất bản bằng những ngôn ngữ khác, rất đa dạng và khác biệt như tiếng Trung, Nga, Hàn, Ả Rập, Nhật… Nó phản ánh một tính chất rất quan trọng trong khoa học xã hội và nhân văn, đó là phải đa dạng trong xuất bản chứ không cứ phải tuân theo duy nhất một chuẩn mực tạp chí nào. Mặt khác, không nhất thiết phải là bài tạp chí mà việc công nhận xuất bản dưới dạng các chương sách của các nhà xuất bản uy tín trong khoa học xã hội cơ sở dữ liệu của SAGE, các nhà xuất bản hàng đầu như Routledge, Palgrave Macmillan, World Scientific, Taylor&Francis… hay các đại học uy tín cũng quan trọng không kém gì, đôi khi các chương sách, sách còn có sức sống lâu bền hơn.
Ngay trường hợp của Tạp chí Việt Nam học (Journal of Vietnamese Studies – JVS) của ĐH Berkeley (Mỹ), Giáo sư Peter Zinoman – Tổng biên tập đầu tiên và là người sáng lập tạp chí này trong những ngày đầu cũng nói rằng, họ không quá quan tâm tới danh mục ISI hay Scopus. Mục tiêu mà tạp chí này hướng tới là “chúng tôi chỉ mong muốn JVS sẽ xuất hiện trong giá thư viện của 400 trường đại học hàng đầu thế giới”. Tuy nhiên, vì các nhà khoa học phải chịu áp lực đăng bài ở danh mục ISI, Scopus, nên cuối cùng sau 14 năm thành lập, đến năm 2020 tạp chí JVS mới gia nhập vào danh mục Scopus với mong muốn để các học giả đăng bài nhiều hơn.
Tạp chí Việt Nam học của ĐH Berkeley là diễn đàn thảo luận của nhiều nhà Việt Nam học ở Việt Nam và quốc tế, nhưng sau 14 năm thành lập mới vào cơ sở dữ liệu Scopus.
Lựa chọn nào cho công bố quốc tế?
Theo kinh nghiệm của tôi thì để xác định một tạp chí uy tín trong khoa học xã hội và nhân văn, cần căn cứ vào các tiêu chí sau đây:
Một là chỉ chấp nhận xuất bản những nghiên cứu có tính mới, tính nguyên gốc (original), mới về phương pháp, nguồn tư liệu, cách diễn giải.
Hai là tạp chí đó phải có sự phản biện chặt chẽ, của ít nhất hai phản biện thực sự độc lập, không chịu ràng buộc về quan hệ, về uy tín và ảnh hưởng của người viết và độc lập về mặt chính trị. Ít nhất là như vậy và nếu chỉ tin vào một danh mục ISI, Scopus thì không đủ.
Ba là tạp chí đó phải được cộng đồng các nhà khoa học chân chính thừa nhận, thể hiện ở việc họ đăng bài hoặc là thường xuyên tham khảo, trích dẫn, chia sẻ những bài báo ở đó.
Thông thường, các trung tâm nghiên cứu hoặc các trường đại học lớn trên thế giới thường đưa ra những danh mục tạp chí có uy tín với các tiêu chí như vậy để khuyến nghị các nhà nghiên cứu nên công bố ở đó, ví dụ khi tôi nghiên cứu, thỉnh giảng ở nước ngoài thì các cơ sở đó thường khuyến nghị tham khảo danh mục của JSTOR (digital library of academic journals, books, and primary sources)1. Ở Việt Nam, các nhà khoa học uy tín ở các trường, các trung tâm nghiên cứu cũng nên cung cấp, khuyến nghị danh mục tạp chí đáng tin cậy theo các ngành của mình để cho các nhà nghiên cứu trẻ tham khảo. Trong bối cảnh Việt Nam mới bắt đầu hình thành thói quen công bố quốc tế, tôi cho rằng chúng ta rất nên có thông tin đầy đủ, cập nhật về những tạp chí có uy tín ở các ngành khác nhau cho các nhà nghiên cứu của chúng ta.
Nhưng ngay thời điểm hiện tại, khi chưa có được khuyến nghị về các đầu mục tạp chí, cơ quan xuất bản phù hợp thì các nhà khoa học trẻ nên làm thế nào để lựa chọn được nơi công bố và học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu?
Thông qua nghiên cứu “Liên minh châu Âu qua con mắt châu Á” với nhóm của GS Martin Holland, một số nhà nghiên cứu trẻ đã trưởng thành rõ rệt trong đó hai người đã bảo vệ tiến sĩ và hiện nay đều có các nghiên cứu, công bố chất lượng.
Từ kinh nghiệm làm việc của mình tôi nhận thấy, các kết quả nghiên cứu có giá trị thường xuất phát từ các đề tài nghiên cứu khoa học, tốt nhất là các đề tài nghiên cứu chung với các học giả uy tín quốc tế. Các chương trình nghiên cứu đó thường do các giáo sư có uy tín quốc tế chủ trì, có từ một vài nhà khoa học đến từ nhiều nước tham gia, vì vậy nếu nhà nghiên cứu trong nước tham gia thì sẽ được học hỏi về phương pháp với yêu cầu cụ thể về chuyên môn và được tiếp cận những tài liệu có liên quan về lý thuyết để tham khảo, so sánh, để cuối cùng có thể viết bài xuất bản dưới hình thức đồng tác giả hoặc tác giả độc lập dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học có uy tín quốc tế.
Ví dụ, năm 2009 tôi đã tham gia cùng nhóm của giáo sư Martin Holland đến từ Đại học Canterburry New Zealand, tiến hành một dự án nghiên cứu lớn có tên gọi “Liên minh châu Âu qua con mắt châu Á” (The EU through the eyes of Asia), một dự án tập hợp các nhà nghiên cứu có uy tín nhằm đánh giá, đo lường nhận thức của người châu Á về Liên minh châu Âu trong vòng hai năm. Các nhà nghiên cứu Việt Nam tham gia dự án này đã học hỏi được rất nhiều vì được tiến hành nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của các giáo sư có kinh nghiệm, cách làm bảng hỏi, phỏng vấn, thu thập và phân tích dữ liệu, được trình bày báo cáo nghiên cứu tại các cuộc tọa đàm khoa học với các thành viên đến từ các nước khác để nhận được chia sẻ, góp ý, phản biện rồi mới xuất bản công bố. Khi dự án nghiên cứu kết thúc, kết quả của nó đã được xuất bản thành hai cuốn sách do Nhà xuất bản World Scientific xuất bản và đã trở thành cuốn cẩm nang cho lãnh đạo của Liên minh châu Âu.
Cách tiếp theo là các bạn nên tham gia các hội thảo quốc tế có uy tín để các nghiên cứu của mình được cộng đồng các nhà khoa học biết tới. Thông thường, khi các trường đại học có uy tín tổ chức hội thảo, họ thường mời các nhà khoa học uy tín tới, và báo cáo được trình bày tại hội thảo đều được phản biện một cách nghiêm túc. Sau đó, hội thảo thường tìm cách công bố những báo cáo có giá trị dưới nhiều hình thức, ví dụ như in thành kỷ yếu hoặc đăng trong một số chuyên đề của tạp chí nào đó. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức này không phải không có “cạm bẫy” bởi rất nhiều tổ chức đội lốt tổ chức khoa học uy tín đứng ra tổ chức hội thảo để thu tiền với phí cao. Do vậy, cần chọn hội thảo trên tiêu chí uy tín của nơi tổ chức là các trường, các think tank, các hiệp hội nghiên cứu và cả sự tham gia của các nhà khoa học có uy tín.
***
Tôi vẫn cho rằng, công việc nghiên cứu và xuất bản ít nhiều là một quá trình mang dấu ấn cá nhân, nó thể hiện mong mỏi được đóng góp cho học thuật quốc tế của mỗi nhà nghiên cứu. Do đó nếu chúng ta chỉ hướng đến việc đăng bài trên những tạp chí kém chất lượng thì vô hình trung chỉ tính số lượng thôi chứ cá nhân ấy không có đóng góp gì nhiều cho khoa học ở những bài báo như vậy.□
—
Chú thích:
1 https://en.wikipedia.org/wiki/JSTOR