Cần có nhiều giải pháp cụ thể khác nữa

Gần đây có nhiều ý kiến khác nhau của cán bộ khoa học về một số chủ trương, chính sách đối với việc sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ, về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, về việc phát triển thị trường công nghệ, về các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, v.v... Theo tôi dù các chủ trương, chính sách đó chưa thực sự mang lại những hiệu quả đáng kể trong hoạt động khoa học và công nghệ của cả nước, nhưng cũng nên ghi nhận cố gắng của Bộ KH&CN trong việc tìm kiếm các giải pháp nhằm thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển khoa học và công nghệ của nước nhà


Bài toán phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta, theo một cách nhìn giản lược nào đó thì có vẻ đơn giản, nhưng thực ra là một vấn đề phức tạp hơn chúng ta vẫn tưởng rất nhiều. Tôi cũng đã được đọc nhiều ý kiến đóng góp và phê phán, nương nhẹ có và gay gắt cũng nhiều, vạch ra đủ thứ yếu kém thì ai cũng đồng tình, còn các kiến giải được đưa ra “rằng hay thì thật là hay”, nhưng suy đi tính lại thực hiện được lại không dễ chút nào, không vấp trên thì vấp dưới, không đụng trước thì đụng sau, khó có kiến giải nào êm được mọi bề, thông được mọi lối.Mà có lẽ bản thân vấn đề quả là cực kỳ phức tạp thật, quản lý theo kiểu “tập trung, bao cấp” không ổn đã đành, mà muốn quản lý theo “cơ chế thị trường” thì vẫn còn là thiên nan vạn nan, thị trường không dễ có, người cung hiếm
đã đành mà kẻ cầu cũng chẳng mấy ai mặn mà. Đã hàng chục năm ta đã từng quen với cung cách quản lý tập trung, Bộ KH&CN tập trung một số các quan các thầy lại, hình dung ra xã hội cần thứ này thứ nọ, rồi đề ra một hệ thống các chương trình, đề tài, công bố cho thiên hạ biết (mà chỉ cho một phần thu hẹp của “thiên hạ” được biết thôi), rồi đăng ký, rồi xét duyệt, rồi quyết định ai được làm gì, được hưởng gì trong cái hệ thống đề tài đó; rồi sau đó một thời gian là hội thảo, là đánh giá, là nghiệm thu, là xuất sắc, và hồ hởi tổng kết, khen thưởng, tôn vinh, vân vân…, kết thúc một chu trình hoạt động khoa học công nghệ, để lại tiếp tục một chu trình mới.
Kinh tế đất nước được “đổi mới” đã từ hai chục năm, dẫu cơ chế thị trường còn chưa hoàn chỉnh nhưng đã được thiết lập một cách chắc chắn, còn cơ chế quản lý khoa học công nghệ thì đến bây giờ mới chập chững đặt chân lên những bậc thang đầu của “đổi mới”, lại trong bối cảnh nền khoa học công nghệ của ta về thực chất không lớn hơn con số không được bao nhiêu, nên khó là cái chắc, ta không thể tránh được. Không biết cách nhìn đó có làm mếch lòng các nhân tài vốn quen nhìn sự đời qua cái sáng láng của chính mình hay không  thì tôi thành thực xin lỗi, nhưng tôi vẫn xin từ cách nhìn xuất phát đó để mạo muội góp vài thiển ý sau đây:
Trên thế giới, khoa học và công nghệ đã được phát triển gần như song hành với nền sản xuất công nghiệp và nền


 

kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Thị trường khoa học và công nghệ được hình thành và phát triển dần theo sự phát triển của thị trường kinh tế, đã thực sự trở nên sôi động trong thế kỷ 20 vừa qua, và đặc biệt trong giai đoạn chuyển sang nền kinh tế thông tin và tri thức toàn cầu hóa hiện nay. Về thực chất, trình độ nền kinh tế nước ta hiện nay cũng chưa vượt xa trình độ của các nền kinh tế tiền tư bản được bao nhiêu. Nhưng ta hy vọng là ta không nhất thiết phải trải qua các bước phát triển mà các nước đi trước đã phải đi qua. Với sự phát triển toàn cầu hoá hiện nay, “thế giới là phẳng” và ta có thể tự đặt mình trên cùng một bình diện gần gũi với các nước phát triển, chứ không nhất thiết phải đứng từ xa mà “kính nhi viễn chi” với khoảng cách như giữa “chiếc xe Lexus hiện đại và cây ôliu” trước đây1. Kinh tế với công nghệ cao, kinh tế thông tin và tri thức có thể làm xích gần lại các quốc gia và dân tộc, tạo cơ hội cho các nền kinh tế có khả năng cùng phát triển trên cùng một bình diện chung. Có khả năng, nhưng có làm được hay không là tùy ở năng lực thích nghi và tiềm năng trí tuệ của từng dân tộc. Chính đây là một nhân tố quan trọng quyết định việc chọn lựa con đường phát triển của đất nước ta, và từ đó mà đề ra các chính sách quản lý sự phát triển nền khoa học và công nghệ.
Ta đã thấy rõ là không thể và không nên tiếp tục cách quản lý cũ theo kiểu tập trung, quan liêu, bao cấp đối với hoạt động khoa học và công nghệ, nhưng cũng cần nhận thật rõ những khó khăn phức tạp khi chọn cơ chế thị trường để quản lý loại hoạt động đó. Quan trọng nhất của việc tạo cơ chế này là việc phát triển các nguồn cầu và nguồn cung cho thị trường đó. Nền sản xuất hàng hóa của ta có thể chưa ở trình độ cao, nên không ít người nghĩ rằng nhu cầu đối với khoa học và công nghệ chưa nhiều, nhưng thực tế không phải vậy. Ngày nay, các giải pháp công nghệ cao, công nghệ tính toán và xử lý thông tin,… có thể thâm nhập vào mọi loại sản xuất ra các hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, việc nắm bắt thông tin về sản phẩm và thị trường là một yếu tố có tính quyết định của mọi hoạt động kinh doanh…, cho nên có thể nói không có giới hạn nào hạn chế các ý tưởng sáng tạo, các giải pháp chứa hàm lượng khoa học và công nghệ cao cho việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, phải chăng đó là một nguồn cầu hết sức to lớn của bản thân nền kinh tế? Từ việc dự báo được nguồn cầu, việc kích thích các yêu cầu của người dùng mà hình thành nên nguồn cung, các giải pháp đáp ứng của nguồn cung về phía khoa học và công nghệ, không chỉ đối với bản thân công việc sản xuất và kinh doanh, mà còn đối với các công việc tổ chức, quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh nữa. Tất nhiên, các công việc đó là công việc của bản thân thị trường, nhưng sự quản lý của nhà nước theo hướng góp phần hình thành, khuyến khích và thúc đẩy phát triển thị trường đó là rất quan trọng. Tuy nhiên, khoa học và công nghệ của một quốc gia không thể chỉ do thị trường quyết định  tất cả, mà bất kỳ ở đâu thì một bộ phận quan trọng của hoạt động khoa học và công nghệ cũng phải do nhà nước trực tiếp tổ chức và quản lý. Một số chủ trương đổi mới về quản lý khoa học và công nghệ gần đây, kể cả chủ trương trọng dụng nhân tài, tuy đề cập đến mọi khu vực nói chung, nhưng trước hết là trực tiếp đến đối tượng cán bộ khoa học công nghệ làm việc trong khu vực do nhà nước quản lý; lớp đối tượng này cũng bao gồm đại đa số cán bộ khoa học và công nghệ chủ yếu và nòng cốt của nền khoa học và công nghệ nước ta cho đến thời điểm hiện nay. Sử dụng hay trọng dụng nhân tài trong đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ này trước hết phải là phát huy mọi năng lực sáng tạo, mọi tinh thần chủ động đóng góp và tham gia ý kiến vào mọi hoạt động khoa học và công nghệ của nước nhà, từ các công việc lớn như hoạch định các chính sách, xác định các phương hướng chiến lược, các lĩnh vực ưu tiên, tiến hành một cách dân chủ việc đề xuất các chương trình quốc gia, các đề tài trọng điểm,… cho đến các công việc cụ thể như tổ chức thực hiện các đề tài, xây dựng các nhóm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, làm công việc đào tạo cán bộ… Tôi hy vọng là với ý thức trọng dụng đó, lần này ở một số cơ quan lãnh đạo nhà nước và lãnh đạo khoa học công nghệ sẽ hình thành được những bộ phận tư vấn đầy trí tuệ, có những hiểu biết hiện đại của thời đại để hoạch định được cho đất nước nói chung, và cho nền khoa học công nghệ nước nhà nói riêng, những con đường đi đúng đắn. Một nét mới trong chủ trương đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học là việc đề cập đến một cách khá cụ thể nội dung ưu đãi về lương bổng và thu nhập đối với một số đặc biệt các “nhân tài”, kể cả nhân tài đã thành danh cũng như nhân tài trẻ tuổi. Tôi chưa đánh giá được tính khả thi của những chủ trương đầy thiện chí này, nhưng hoan nghênh mọi bước đi mạnh dạn theo hướng thực hiện chủ trương đó, dù chắc chắn sẽ gặp không ít những phản đối từ phía này hay phía khác.
Tăng cường năng lực trí tuệ của quản lý nhà nước đối với sự phát triển khoa học và công nghệ, khuyến khích việc mở rộng một thị trường năng động của các hoạt động khoa học và công nghệ, phát huy đầy đủ mọi năng lực sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trong một môi trường dân chủ rộng rãi,… chắc chắn sẽ tạo nên những bước tiến lớn cho nền khoa học và công nghệ của nước nhà trong một thời kỳ phát triển mới.
———
  Chiếc Lexus và cây ôliu và  Thế giới  phẳng là hai cuốn sách viết về “toàn cầu hóa” của tác giả nổi tiếng Thomas L. Friedman. Cuốn thứ nhất đã được xuất bản bằng tiếng Việt bởi NXB Khoa học xã hội năm 2005, và cuốn thứ hai cũng đã có bản dịch tiếng Việt.


GS. Phan Đình Diệu

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)