Cần một e-Văn Miếu
Gần đây có nhiều dư luận xung quanh dự án Di sản tiến sĩ. Không nhiều người ủng hộ việc xây dựng một khu “ Văn Miếu thời hiện đại”, với viễn cảnh cả một đàn rùa đá khoảng 16.000 con cõng trên lưng những tấm bia ghi tên tiến sĩ thời nay. Như thiển ý của tôi thì dựng bia tiến sĩ hiện đại là việc rất nên làm, và đáng ra phải làm từ lâu! Duy có điều, không nên bằng đá mà là một e-Văn Miếu.
Đã từ lâu, tôi ước ao nước ta có một e-Văn Miếu. Trong cái e-Văn Miếu đó, mỗi tiến sĩ đều được (phải) có một trang riêng. Để cho đẹp, cho “truyền thống” và “dân tộc”, có thể vẽ như bia đá trên lưng rùa! Vào trang của tiến sĩ nào, ta không những chỉ biết tên họ, mà còn có thể được đọc luận án của họ. Tốt hơn nữa là cập nhật thường xuyên công trình nghiên cứu mới của từng tiến sĩ. Khi đó, mỗi tiến sĩ không chỉ được vinh danh, mà quan trọng hơn là được ghi nhận việc họ đã làm, những công trình lao động mà họ đã đóng góp cho đời. Chỉ cần một cái “nhấp chuột” để vào thăm e-Văn Miếu, “khách thập phương” không chỉ thán phục, trầm trồ với những cái tên không nói lên gì nhiều, mà có thể học hỏi rất nhiều điều, và hơn nữa, có thể áp dụng nhiều nghiên cứu đã có vào thực tiễn. Nếu cần, và nếu chịu khó, cũng có thể xác định được đâu là tiến sĩ rởm, đâu là tiến sĩ đích thực! Hơn nữa, e-Văn Miếu đâu chỉ ghi danh tiến sĩ, ở đó có thể ghi lại những đóng góp có giá trị cho khoa học của tất cả mọi người, cho dù họ chưa có bằng cấp gì đi nữa. Làm được như vậy, e-Văn Miếu sẽ trở thành một cơ sở dữ liệu quý giá, mà việc duy trì nó không cần kinh phí quá cao. Tất nhiên là thấp hơn rất nhiều so với việc để ra hàng chục hecta đất, xây hàng chục tòa nhà. Việc “ghi danh” vào e-Văn Miếu không chỉ là vinh dự, mà còn là trách nhiệm của mỗi tân tiến sĩ. Nhà nước có thể quy định mỗi tân tiến sĩ phải cung cấp những thông tin cần thiết cho e-Văn Miếu, như kiểu nộp luận án cho thư viện theo quy định hiện hành.
Cũng cần nói ngay rằng, ý tưởng lập e-Văn Miếu như trên không phải là cái gì mới mẻ. Hiện nay, một kiểu e-Văn Miếu như vậy đã tồn tại trong cộng đồng toán học thế giới. Chỉ cần vào trang web http://genealogy.math.ndsu.nodak.edu là các bạn có thể biết thầy của một ông tiến sĩ toán là ai, thầy của ông thầy đó là ai,…Hơn nữa, có thể biết được họ đã có những công trình gì. Nếu bạn truy cập từ một cơ sở đã trả tiền thì còn có thể tải các công trình khoa học của họ nữa. Các nhà toán học vẫn thường vào cái “e-Văn Miếu toán học” đó để xem “ông cha” khoa học của mình là ai, và cũng nhiều khi để có thể tự hào rằng, mình là “hậu duệ” của một nhà toán học nổi tiếng trong lịch sử! Có thể những “e-Văn Miếu” tương tự cũng có đối với nhiều ngành khoa học khác, nhưng người viết bài này chưa có thông tin.
Vậy thì có nên xây cái Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ trên mấy chục hecta đất nữa không? Tôi nghĩ không nên đặt vấn đề nên hay không nên xây, mà chỉ nên hỏi ai bỏ tiền ra xây mà thôi. Nếu có ai đó muốn xây một Trung tâm như vậy, chắc rằng pháp luật không thể cấm. Có điều đó là việc riêng của họ, không phải việc của Nhà nước. Họ có thể thuê đất, dù rộng bao nhiêu cũng được, theo giá thị trường, nhưng không được cấp đất. Tôi chắc vẫn có người chịu làm, chỉ cần khéo tính toán một chút. Ngày nay, vẫn còn không ít tiến sĩ thích lưu danh thiên cổ bằng cách khắc tên mình trên bia đá, đặt lên lưng chú rùa đá. Vậy nên người chủ dự án có thể ra giá: rùa càng to thì càng phải nộp nhiều tiền, rùa ở hàng một thì đắt hơn rùa hàng hai,… Chắc chắn không thể bán được đến 16.000 con rùa đá, nhưng nếu đặt giá và quảng cáo cho khéo thì chắc vẫn có lãi! Xét cho cùng, việc làm đó cũng chẳng hại đến ai, mà có thể còn phát triển được nghề làm rùa đá, tạo được một số công ăn việc làm. Tất nhiên cũng như khi xét cấp phép cho mọi công ty, cũng cần phải tính đến việc bảo vệ môi trường. Ở đây chủ yếu là môi trường văn hóa.
Dù mong nước ta sớm có một e-Văn Miếu đàng hoàng, “to, đẹp”, tôi vẫn hơi lo khi ngày ấy ra đời. Vì lúc đó, mình cũng bị ghi vào cái e-Văn Miếu đó, và công việc của mình sẽ bị cả bàn dân thiên hạ săm soi. Nhưng biết làm sao được, đã có gan làm khoa học, có gan nhận bằng tiến sĩ thì cũng phải chịu khó để không bị thiên hạ chê là rởm!