Cần một triết lý riêng cho sự phát triển của dân tộc

Để hiện đại hóa nền giáo dục nước nhà nhằm hòa nhập với một thế giới sôi động, để giải quyết những bất cập trong giáo dục của ta hiện nay, giáo sư Hoàng Tụy cho rằng cần thay đổi triết lý trong giáo dục.

Vấn đề đặt ra rất đúng nhưng giải quyết thật là khó, vì cái triết lý giáo dục hiện nay tất nhiên nằm trong cái triết lý của cả dân tộc chúng ta. Mà như cách đây mấy năm, tôi có viết là chúng ta vẫn chưa có được một triết lý riêng, một triết lý viết thành văn của dân tộc mình. Mặc dầu dân tộc chúng ta thật là anh hùng vì đã đánh bại được hết kẻ thù này đến kẻ thù khác, nhưng khi thắng lợi rồi vẫn không xây dựng được một triết lý của riêng mình!
Thực vậy, trong hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến, các vua chúa đều vay mượn cái triết lý của người ngoài và cai trị dân theo giáo huấn của Khổng Tử. Trong các trường học, người ta luôn dạy: Khổng Tử viết: Đức thánh Khổng nói! Ai tuân theo lời dạy đó là tôi trung, ai chống lại là giặc, những kẻ sĩ không muốn cộng tác thì treo ấn từ quan về ở ẩn.
Cái triết lý đó chỉ sụp đổ khi thực dân Pháp đặt ách thống trị trên đất nước ta và truyền bá cái triết học của Vônte, Rutxô, Môngtétkiơ đã dẫn đến Đại cách mạng Pháp 1789. Rõ ràng cái triết lý này của thế kỷ Ánh sáng tiến bộ gấp nhiều lần cái triết lý thời phong kiến của chúng ta. Phan Chu Trinh chỉ đòi cái triết lý dân chủ tư sản đó cho dân ta mà cũng không được!
Trong thời gian tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một triết lý của người nước ngoài: triết lý của Mác, nhưng Người đã vận dụng sáng tạo nó để giải phóng dân tộc mình. Người đã không máy móc theo triết lý đó mà đã đề cao đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy Người đã huy động được các nhân sĩ, trí thức yêu nước dù có thuộc giai cấp phong kiến hoặc tư sản, đưa cách mạng tháng Tám và kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Thậm chí khi cần thiết Người đã tuyên bố giải tán Đảng cộng sản và thành lập Đảng Lao động Việt Nam. Tiếp nhận sáng tạo những cái tích cực của chủ nghĩa Mác đồng thời vận dụng những tinh túy của Khổng giáo trong nghệ thuật trị nước có lẽ cái triết lý của Hồ Chí Minh có thể tóm gọn trong câu: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Người còn nói: Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.

Thời Mác còn sống, cách mạng công nghiệp đã giải phóng con người khỏi lao động cơ bắp nặng nhọc. Nhưng từ đó tới nay, khoa học kỹ thuật đã tiến những bước khổng lồ, phần lớn lao động nặng nhọc và nguy hiểm đã được tự động hóa. Với sự phát minh ra máy tính điện tử thì lao động trí óc cũng được giảm nhẹ khiến con người giải quyết được những bài toán vô cùng phức tạp. Đội ngũ giai cấp công nhân áo xanh đã dần được thay thế bằng những công nhân áo trắng. Người ta đã nói tới thời đại kinh tế tri thức. Những tiến bộ của thông tin liên lạc đã khiến cả Trái đất thành nhỏ bé mà mỗi nước chỉ là một xóm nhỏ trong cái làng chung đó. Nếu Mác còn sống, chắc ông cũng phải hoàn thiện hoặc xây dựng một triết lý mới cho thời đại chúng ta. Tiếc rằng chưa xuất hiện một thiên tài xuất chúng như vậy! Cho nên trong ngôi làng chung của thế giới nhỏ bé này vẫn thống trị cái triết lý của sức mạnh mù quáng, triết lý cá lớn nuốt cá bé.

Vì vậy, trong công cuộc đổi mới cùng với quán triệt và hành động theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần vận dụng sáng tạo, “bổ sung cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được” (Nguyễn Ái Quốc) để xây dựng một triết lý riêng cho sự phát triển của dân tộc. Có như vậy mới mau chóng đuổi kịp thiên hạ được.

GS.NGND Nguyễn Văn Chiển

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)