Cần sớm có luật biểu tình

Thực tế bạo động liên quan tới làn sóng biểu tình phản đối Trung Quốc vừa qua đã cho thấy tính cấp thiết của luật biểu tình đối với cả nhà nước lẫn người dân.

Từ thực tế tất yếu xảy ra

Bất ổn biển Đông gây ra bởi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981, nặng 30.000 tấn, từ đầu tháng ở địa điểm lấn sâu 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ 200 hải lý tính từ bờ biển Việt Nam, dự tính kéo dài tới tháng 8.2014. Đường ranh giới EEZ nói trên cách đảo Phú Lâm 60 hải lí, và quần đảo Hoàng Sa Việt Nam bị Trung Quốc đánh chiếm rồi tuyên bố chủ quyền 70 hải lí. Như vậy, vị trí Hải Dương 981 cũng nằm bên trong EEZ của quần đảo Hoàng Sa. Nhưng Trung Quốc không phải quốc gia quần đảo, nên dù tuyên bố chủ quyền thì đường EEZ này cũng không được Công ước Quốc tế về luận biển thừa nhận. Vị trí Hải Dương 981 cũng cách đảo Hải Nam, Trung Quốc, 183 hải lí, tức cũng nằm trong EEZ 200 hải lí của đảo này, nhưng lại cách bờ biển Việt Nam chỉ 132 hải lí, nên đã vượt quá trung tuyến phạm vào EEZ của Việt Nam. Nghĩa là dù tính toán trên cơ sở nào, chiểu theo Công ước, vị trí Hải Dương 981 cũng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế EEZ Việt Nam.

Nhưng bất chấp, với tuyên bố trước sau như một, vị trí giàn khoan nằm trong EEZ của họ “không thể tranh cãi”, Trung Quốc từ đầu tháng tới nay đã huy động tới trên trăm tầu các loại, hải giám, hải cảnh, tàu hàng, tàu cá giả dạng bọc thép, đầu kéo, tầu chiến, tầu tên lửa tấn công nhanh kèm máy bay tuần thám hỗ trợ, bố trí thành bốn vòng bảo vệ, tấn công, khiêu khích, xua đuổi các tầu chấp pháp Việt Nam đang thực hiện chủ quyền. Vòng một ngay chân giàn khoan gồm các tàu hậu cần phục vụ, tàu kéo. Cách giàn khoan từ một đến 1,5 hải lý là các tàu vận tải và tàu hải cảnh, hải giám. Vòng thứ ba là các tàu chính phủ có tốc độ cao, trọng tải lớn. Còn vòng ngoài cùng là các tàu quân sự.

Trách nhiệm giải quyết tranh chấp chủ quyền thuộc về nhà nước, dù ở nước nào cũng chưa và không bao giờ thay thế được bằng hội đoàn hay biểu tình. Tuy nhiên, đường biên còn thuộc phạm trù tổ quốc, quê hương, dân tộc mang ý nghĩa vô giá thiêng liêng, nên hành động Trung Quốc không thuần túy chỉ mang tính pháp lý vi phạm Công ước Quốc tế mà đã đánh thẳng vào lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, lương tri của mọi người Việt ở bất cứ đâu, hiện quốc tịch gì, giai tầng nào, tất yếu gây nên làn sóng biểu tình sôi sục khắp nhiều tỉnh thành, cả trong lẫn ngoài nước, rộng lớn chưa từng có xưa nay, cho dù nơi đó có luật biểu tình hay không. Thực tế đó khẳng định chân lý thời đại: biểu tình là “quyền tạo hoá của mỗi con người” không phụ thuộc thể chế nhà nước, luôn tồn tại, câu hỏi có chăng chỉ là sẽ xảy ra ở đâu và bao giờ? Thừa nhận và bảo đảm nó thì mang lại hiệu qủa tích cực. Phủ nhận, cấm đoán hậu quả có thể khôn lường, hệ lụy đổ xuống cả người biểu tình lẫn dân chúng và nhà nước.

Lý thuyết và thực tế về biểu tình và xã hội dân sự

 
Khái niệm phổ quát về “biểu tình” được hiểu là một sự “đồng tình” tập hợp “nơi công cộng” để “biểu đạt” chính kiến tư tưởng tình cảm của họ, thường xảy ra khi xuất hiện chính sách hay sự kiện nào đó, nhằm ủng hộ hay phản đối nó. Vì vậy thực tế ở những nước thừa nhận biểu tình với nội hàm trên, không bao giờ do nhà nước tổ chức. Đó chính là dấu hiệu đầu tiên phải có của biểu tình. Bởi nhà nước có trách nhiệm và đủ quyền lực để ban hành và triển khai chính sách, luật pháp; không cần và không thể giải quyết bằng biểu tình vốn mang đặc tính đám đông. Lịch sử thế giới đã chứng minh khi nhà nước sử dụng biểu tình thay thế cho pháp luật vốn được thực hiện bởi chế tài, chứ không phải bởi đám đông, hậu hoạ sẽ như thế nào. Cuộc biểu tình chống người Do Thái do Đức Quốc xã tổ chức diễn ra suốt đêm mồng 9 rạng ngày 10/11/1938, đã giết chết 400 người, phá hủy 1.400 nhà thờ, xí nghiệp, nhà ở, nghĩa điạ Do Thái, khởi đầu cho chính sách Đức Quốc xã sử dụng lò thiêu, trại tập trung, diệt chủng tới chừng sáu triệu người Do Thái, được đông đảo dân chúng Đức lúc đó cuồng tín ủng hộ.

Biểu tình là tập hợp, nhưng không do nhà nước, vậy tất yếu phải có ai đó khởi xướng, tổ chức không với danh nghĩa nhà nước. Đó là dấu hiệu thứ hai, biểu tình phải có. Trong thế giới hiện đại, gánh vác sứ mạng đó không tổ chức nào khác ngoài hội đoàn độc lập với nhà nước, hoặc do một cá nhân hay một nhóm người tự tập hợp khi sự kiện xảy ra. Những tổ chức và hoạt động như vậy thuộc phạm trù xã hội dân sự, hay xã hội công dân được khoa học mô hình hoá thành khoảng không gian công cộng nằm giữa ba vòng tròn ngoại tiếp nhau, vòng tròn nhà nứơc (hoạt động bằng quyền lực), thị trường (hoạt động bằng trao đổi, tiền bạc, kinh tế) và gia đình (hoạt động bằng tình cảm, quan hệ riêng tư). Biểu tình nằm trong không gian xã hội dân sự đó nên không thể do nhà nước tổ chức; còn nếu do nhà nước tổ chức thì đó không phải biểu tình theo nghĩa phổ quát mà là một hoạt động của nhà nước, cho dù vẫn gọi là biểu tình.

Biểu tình là hình thức biểu đạt chính kiến tư tưởng tình cảm nhưng không phải chung chung hay đối với cá nhân cụ thể, mà đối với một chính sách nào đó của nhà nước hay trước một sự kiện nào đó xảy ra mà họ muốn xã hội nhà nước quan tâm giải quyết. Đó chính là dấu hiệu thứ ba của biểu tình. Luật biểu tình nhiều nước quy định chi tiết dấu hiệu này, như không được hô khẩu hiệu hay trưng biểu ngữ nêu tên một cá nhân nào đó, còn nếu người đó phạm tội phải chống thì đã có luật hình sự chế tài, không phải việc của biểu tình. Biểu tình ở ta bùng phát do hành động Trung Quốc vi phạm chủ quyền, nên nội dung “biểu đạt” chỉ giới hạn trong phạm vi phản đối hành động đó, đồng thời với tư cách chủ nhân đất nước thể hiện “chính kiến” của mình đòi và ủng hộ nhà nước phải có biện pháp bảo vệ chủ quyền. Lấy dấu hiệu trên làm thước đo, cho thấy nhiều băng clip quay cảnh biểu tình vừa qua được truyền đi khắp thế giới có nhiều khẩu hiệu hô hào vượt ra ngoài giới hạn trên, làm giảm ý nghĩa phản kháng Trung Quốc xâm phạm mà biểu tình nhắm tới, gây ngỡ ngàng khó hiểu trong giới truyền thông quốc tế.

Là một “tập hợp” cùng “đồng tình”, biểu tình (tập hợp trong thời gian ngắn định trước) hay hội đoàn độc lập (tập hợp vô thời hạn, không định trước) đều bao gồm những con người tự nguyện không vì chính cá nhân họ. Đó là dấu hiệu thứ tư của biểu tình, hội đoàn, được thế giới trân trọng tới mức như ngày 1/5 hay 8/3 chính là thời điểm biểu tình cao đỉnh hồi đó, ngày nay được thế giới long trọng kỷ niệm. Dẫn xuất từ dấu hiệu này là cả hội đoàn lẫn biểu tình, cơ cấu tổ chức không theo nguyên tắc hành chính cấp trên ra lệnh cấp dưới chấp hành, mà chỉ là sự thoả thuận phân công công việc, tự nguyện thực hiện. Tổ chức khác đi, tôn chỉ mục đích tốt đẹp của hội đoàn hay “biểu đạt ý kiến” về vấn đề biểu tình nhắm đến, chỉ còn là phương tiện phục vụ cho động cơ người cầm đầu. Do biểu tình là tự nguyện, đồng tình, nên không ai được phép mua chuộc hay cưỡng bức ai tham gia, vốn thuộc hành vi hình sự, do luật hình sự chế tài. Tuy nhiên luật nhiều nước cũng phân định rõ hành vi ủng hộ, phục vụ biểu tình như cung cấp miễn phí đồ ăn thức uống phương tiện đi lại, hay kêu gọi, vận động… thuộc luật biểu tình điều chỉnh, không thuộc luật hình sự.

Dấu hiệu thứ năm của biểu tình là tổ chức nơi công cộng, không được diễn ra tại trụ sở công quyền, doanh nghiệp, nhà dân, đúng với bản chất của biểu tình thuộc xã hội dân sự nằm ngoài vòng tròn kinh tế, nhà nước, gia đình. Ngay cả khái niệm “nơi công cộng” cũng phải định nghĩa, luật pháp nhiều nước đưa ra những chỉ giới cụ thể để cấm biểu tình xâm phạm vào những chỗ cần tránh tập trung đông người, như nghĩa điạ, di tích, tiền sảnh nhà quốc hội, chính phủ… Làn sóng biểu tình phản đối Trung Quốc vừa qua, nhiều nơi đã vi phạm dấu hiệu này khi họ tràn vào các doanh nghiệp, nhà ở vốn không liên quan gì tới mục đích biểu tình nhắm tới.

Dấu hiệu cuối cùng cực kỳ quan trọng quyết định quyền biểu tình liệu có trở thành thực tế hay không, ngay cả khi được hiến định. Đó là không được sử dụng bạo lực – dấu hiệu phân biệt biểu tình khác với bạo lực đường phố thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hình sự, cũng khác với cách mạng bạo lực thuộc phạm trù chính trị xảy ra một khi “bên trên (nhà nước) không thể tồn tại như vậy và bên dưới (nhân dân) cũng không chịu được như vậy – Lê-nin”. Vì vậy khi nói biểu tình là đã mặc định ôn hoà, bởi không có khái niệm biểu tình bạo lực.

Khi thiếu luật biểu tình

Tuy nhiên, biểu tình dù được cho là quyền cơ bản thiêng liêng tới đâu, thì cũng khó có thể trở thành hiện thực, bởi biểu tình bao giờ cũng là một tập hợp người, khó tránh khỏi quy luật “hội chứng đám đông” dẫn tới bạo lực vượt ra ngoài khả năng phòng tránh của chính người biểu tình, nếu không được bảo đảm tiền đề pháp lý loại trừ hội chứng đó. Lý giải tại sao ở những nước thừa nhận và bảo đảm quyền biểu tình đều có luật biểu tình, xuất phát từ nguyên lý nhà nước pháp quyền được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc tới trong Thông điệp đầu năm, “nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép (tức bị chế tài, giới hạn quyền lực), còn người dân được quyền làm tất cả, chỉ trừ những gì luật cấm”, chứ không phải ngược lại, người dân bị cấm tất cả trừ khi có luật cho phép. Nói cách khác, nếu thiếu luật thì nhà nước bó tay không biết được phép làm gì, còn người dân hoàn toàn tự do không bị cấm. Do đó, rốt cuộc nhà nước cần luật biểu tình, chứ không phải người dân, và nếu vì thiếu nó dẫn tới biểu tình xảy ra bạo lực, thiệt hại, thì nhà nước có chức năng làm luật phải chịu trách nhiệm đó.

Chờ tới bao giờ?

Khác với những nước biểu tình trở thành văn hoá thường nhật, biểu tình ở ta xưa nay mang đặc thù riêng, chủ yếu do các hội đoàn nằm trong hệ thống chính trị xã hội đứng ra tổ chức, nên cả người biểu tình lẫn cơ quan chức năng nhà nước đều thấy không cần thiết luật biểu tình, bởi đã có nhà nước trực tiếp bảo đảm, và thực tế chưa bao giờ xảy ra bạo động cả để đặt ra đòi hỏi cần thiết bức bách. Hội nhập với thế giới hiện đại, biểu tình ở ta được hiến định là quyền cơ bản; người dân ý thức được quyền biểu tình của cá nhân họ. Biểu tình phản đối Trung Quốc vì vậy tất yếu đã xảy ra. Khi bạo lực chớm phát, do thiếu luật biểu tình cơ quan chức năng không thể tự động hành xử mà buộc phải báo cáo chờ chỉ đạo. Đó chính là thời gian vàng ngọc bị mất đi lẽ ra đủ để ngăn ngừa bạo lực bùng phát. Lý giải tại sao thiệt hại lớn tới mức đó, mặc dù lực lượng cảnh sát an ninh ở ta chắc không thua kém gì các nước. Trong khi những cuộc biểu tình quy mô như thế ở những nước như Đức, bạo động có xảy cũng không thể tới tầm đó, được dập tắt kịp thời. Bởi thông thường lực lượng cảnh sát được huy động chốt chặn các điểm nút biểu tình đi qua, mở đầu khoá đuôi cho đoàn biểu tình, và có mặt bất cứ lúc nào, tại bất cứ đâu chỉ cần hành vi bạo lực xuất hiện được thông báo tới, không cần bất cứ một mệnh lệnh nào từ cấp cao nhất cả. Tất cả đều do luật biểu tình điều chỉnh. Và cảnh sát, nội chính phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu để xảy ra bạo động, hay thiệt hại, do không tuân thủ luật định. Toà án sẽ phán quyết nếu có tranh chấp giữa cơ quan công lực với người biểu tình phải viện tới toà. Cách đây mấy năm, một vụ biểu tình cực hữu đăng ký trước với thành phố Leipzig, bị thành phố từ chối với lý do số lượng người biểu tình dự tính quá sức bảo vệ của lực lượng cảnh sát sẽ dẫn tới bạo động, bị họ viện tới toà án chống lại. Toà đứng về phiá biểu tình phán, nhà nước không thể vì năng lực của mình mà cấm quyền cơ bản của công dân, nếu không đủ thì phải viện tới các tỉnh thành khác hỗ trợ.

Do tầm quan trọng của nó, luật biểu tình đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất xây dựng cách đây ba năm, giao Bộ Công an soạn thảo, nằm trong dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa XIII. Lúc đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, đa số các ý kiến đều “đồng tình” phải nhanh chóng xây dựng luật này vì đây là vấn đề thực tế đòi hỏi. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đặt vấn đề thẳng thắn, không nên “sợ”, né tránh thực tế cuộc sống, quy thành vấn đề nhạy cảm, “cần sớm” có luật để người dân có thể biểu tình đúng luật.

Cơ quan hành pháp đã đề xuất, soạn thảo, Quốc hội “cơ quan quyền lực cao nhất” đã “đồng tình”, và thấy rõ “cần sớm”, nhưng ba năm đã trôi qua, thiệt hại to lớn do thiếu luật nay đã được thực tế kiểm chứng, vậy cả cơ quan công lực lẫn người dân và nhất là những người bị thiệt hại có quyền đặt câu hỏi với các đại biểu thay mặt mình, “sớm” tới bao lâu nữa mới có thể có luật biểu tình?

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)