Cảnh báo về những núi rác khổng lồ

Thế giới đứng trước nguy cơ bị chết ngạt vì rác thải. Bất chấp mọi nỗ lực về sinh thái, sản lượng chất thải toàn cầu đang tăng lên, và theo kết quả một nghiên cứu gần đây nhất, lượng rác thải còn tiếp tục tăng, ít nhất đến năm 2075. Điều đặc biệt gây lo ngại là thành phần rác thải đang thay đổi, và nước càng giầu có thì rác thải càng độc hại.

Phải chăng trái đất này là một bãi rác khổng lồ? Theo tạp chí “Nature”, năm 2010, toàn địa cầu này mỗi ngày sản sinh ra 3,5 triệu tấn rác. Nhưng con số này nay đã trở nên quá lạc hậu, theo Daniel Hoornweg thuộc ĐH Ontario (Canada) và các đồng nghiệp của ông, lượng rác thải đang không ngững tăng vọt.

Rác thải nói chung là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc đặc biệt ở các đô thị và những địa phương đang đô thị hóa. Một người ở thành phố tạo ra lượng rác thải cao gấp hai đến gấp bốn lần so với người dân ở nông thôn trong khi đó sự đô thị hóa lại đang diễn ra rất mạnh mẽ. Năm 1900, người dân ở đô thị trên toàn thế giới mỗi ngày thải ra khoảng 300.000 tấn rác. Một trăm năm sau, con số này tăng gấp mười, lên 3 triệu tấn; đến năm 2025, con số này sẽ tăng tối thiểu gấp đôi, tức sáu triệu tấn mỗi ngày. Để vận chuyển khối rác thải hàng ngày, cần số xe ô tô chở rác xếp hàng dài khoảng 5.000 km! Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu xu hướng này không thay đổi thì đến năm 2100, mỗi ngày thế giới lại có thêm 11 triệu tấn rác thải rắn.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo, hiện nay tác động của tình trạng rác thải đối với trái đất đã rất lớn. Hạn chế tăng trưởng dân số, cải thiện công tác quản lý nguồn tài nguyên ở các thành phố và tiến bộ công nghệ, thí dụ xử dụng chất liệu đóng gói nhẹ hơn, là những yếu tố có thể tạo nên một bước ngoặt đối với tình trạng này.

Vấn đề là ở chỗ: hiện nay những biểu hiện tích cực còn rất nhỏ nhoi. Hoornweg và các đồng nghiệp của ông đưa ra ba kịch bản. Theo kịch bản lạc quan nhất thì lượng rác thải sẽ lên đến đỉnh cao vào năm 2075. Nếu xu hướng như hiện nay tiếp diễn (kịch bản hai) hoặc tình trạng còn tồi tệ hơn nữa (kịch bản ba), thì lượng rác thải còn tiếp tục tăng sau năm 2100.

Rác thải tăng nhanh ở châu Á và châu Phi

Hiện tại, các quốc gia công nghiệp ở châu Âu và Bắc Mỹ tạo ra một lượng rác thải lớn nhất. Trong kịch bản “Business as usual”, Hoornweg và các đồng nghiệp cho rằng bắt đầu từ năm 2050 lượng rác thải hàng ngày ở các quốc gia này giảm dần. Lý do là tăng trưởng dân số ngày càng giảm, ý thức về môi trường ngày một tăng và tiến bộ về công nghệ. Xu hướng này sẽ diễn ra sớm hơn ở một số thành phố nhất định: Thí dụ San Francisco đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa lượng rác thải xuống bằng không. Hiện nay tại đây 55% lượng rác thải các loại đã được tái chế để đưa vào sử dụng.

Tiếc rằng trước tin vui này lại có hai tin buồn.

•  Tin buồn thứ nhất: Trong khi ở các nước công nghiệp đang có dấu hiệu của sự cải thiện tình hình thì ở những nơi khác lượng rác thải lại có xu hướng tăng nhanh; thí dụ ở Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc. Từ năm 2025 có nhiều khả năng tình hình đó sẽ diễn ra ở Nam Á và từ năm 2050 là ở châu Phi – các nhà khoa học coi sự phát triển ở châu Phi có ý nghĩa quyết định đến mức độ và thời điểm rác thải lên đến đỉnh cao nhất.
 
•   Tin buồn thứ hai: mức sống càng cao, lượng rác thải càng giảm, nhưng sự thay đổi thành phần rác thải lại diễn ra từ trước đó và sự thay đổi này hoàn toàn không phải là một dấu hiệu tích cực.

Bài báo của tạp chí Nature nêu rõ, càng có nhiều tiền thì đóng gói bao bì càng nhiều hơn, rác thải điện tử, đồ chơi, thiết bị, đồ dùng gia đình ngày càng nhiều trong các bãi rác. Chuyên gia về bảo vệ môi trường của ĐH Dresden cũng có nhận định tương tự: “Càng công nghiệp hóa, tỷ lệ rác thải độc hại tăng lên.” Nếu xét về yếu tố bảo vệ môi trường, “điều đáng quan tâm không phải chỉ là số lượng mà phải tính cả đến chất lượng rác thải”.

“Rác thải thịnh vượng”


Bãi rác khổng lồ ở Pakistan.
Các nhà sinh thái đặc biệt quan ngại về “rác thải thịnh vượng”, thí dụ các loại nhựa tổng hợp đang tạo thành những bãi rác khổng lồ trên các đại dương, do va đập, chúng trở thành những hạt nhỏ li ti và cá, rùa biển, chim biển và các loài động vật biển khác nuốt phải những hạt nhựa độc hại này. Các nhà nghiên cứu còn nghi, những hạt mịn này ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các loài tảo mà tảo hầu như là nền tảng cho sự sống ở dưới nước.

Trên đất liền, các bãi rác là nguy cơ đe dọa nguồn nước ngầm; ngay cả việc đốt rác cũng gây nhiều điều bất lợi. Hoornweg và cộng sự ước tính, thế giới hiện có khoảng 2.000 cơ sở xử lý rác bằng cách thiêu đốt, trong đó có những cơ sở lớn nhất, mỗi ngày có thể thiêu hủy khoảng 5.000 tấn. Điều này không chỉ tốn kém mà khí thải từ những lò thiêu rác này còn ảnh hưởng xấu đến không khí, tro bụi của chúng ảnh hưởng xấu đến đất đai.

Những chất dùng trong sản xuất công nghiệp gây nhiều lo ngại nhất – với sự công nghiệp hóa ở châu Á và châu Phi, những vùng dân cư đông đúc, loại rác thải này sẽ ngày càng nhiều hơn. Hoornweg và công sự viết “Qua số liệu về sự vứt bỏ điện thoại di động, người ta có thể đọc được sự thịnh vượng của một quốc gia.”

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)