Chân thành lắng nghe trung thực tiếp nhận
Nhiều trang báo đã đăng những ý kiến đóng góp với Đảng trong dịp thực hiện chủ trương “Góp ý kiến vào văn kiện Đại hội X”. Trong những trang báo ấy, đã có nhiều ý kiến sâu sắc, có những ý kiến đã động chạm đến những vấn đề vốn được xem là “nguyên tắc” không được bàn cãi! Trong đó, có những ý kiến đã đề cập đến những vấn đề cơ bản của lý luận vốn được xem là “thiên kinh địa nghĩa”, là “thước đo của chân lý”!
Có thể nói, đang có những dấu hiệu của sự cởi mở và mạnh dạn trong việc đăng tải nhiều ý kiến mà trước đây dễ bị truy chụp là “chệch hướng”, là “quan điểm mơ hồ”, là “chạy theo những luận điệu thù nghịch”. Và sự cởi mở này là một dấu hiệu tốt lành được nhen nhóm lên trong đời sống tinh thần của xã hội. Thế mới biết, cái áp lực nặng nề của thói độc quyền chân lý, áp đặt tư duy và tuỳ tiện quy kết vốn tự tung, tự tác một thời đầu độc bầu không khí xã hội, làm tắc nghẽn nhịp cầu nối liền Đảng với dân có tác hại như thế nào. Chính đó là nguy cơ biến Đảng lãnh đạo thành một đảng cai trị vốn hết sức xa lạ với tư tưởng Hồ Chí Minh, xa lạ với tôn chỉ mục đích của Đảng, xa lạ với bản chất chế độ được tổ chức theo nguyên lý “Quyền hành và lực lượng đều nơi dân”.
Ý kiến khơi gợi ý kiến. Vấn đề dẫn dắt vấn đề. Bầu không khí dè dặt, e ngại đã được xua bớt đi, sự lãnh cảm chính trị và xã hội trong một bộ phận không nhỏ dân chúng đã được thay thế bởi sự mạnh dạn và nhiệt tình trong nhiều ý tưởng được đăng tải trên báo, trong các câu chuyện nghiêm túc tại những cuộc trao đổi chính thức và không chính thức. Và rồi, người ta thấy rằng, những ý kiến ấy không hề làm cho uy tín của Đảng bị mất đi, không làm cho niềm tin bị giảm sút thêm mà ngược lại, một nguồn lực mới được khơi dậy, nguy cơ Đảng xa dân được giảm bớt. Đó là kết quả bước đầu của bài học chân thành lắng nghe và trung thực tiếp nhận, bài học dân chủ.
Đương nhiên, không phải mọi ý kiến đều đúng. Song thái độ ứng xử của người chân thành muốn lắng nghe sẽ giúp tạo ra sự trung thực trong việc “đãi cát tìm vàng”, tìm ra trong những ý kiến, đặc biệt là những ý kiến có vẻ trái tai, những hạt nhân duy lý để giúp tiếp cận chân lý. Chân lý không thể độc quyền, càng không thể nhân danh chân lý của người cầm quyền để ban phát tư tưởng đúng sai. Ngược lại, chân lý được tìm thấy trong sự vận động của thực tiễn.
Điều này không mới mẻ gì, sách giáo khoa của các trường Đảng vẫn thường trích dẫn ý kiến của C.Mác: “Vấn đề tìm hiểu xem tư duy của con người có thể đạt tới chân lý khách quan không, hoàn toàn không phải là một vấn đề lý luận mà là một vấn đề thực tiễn. Chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lý”. Cho nên, khi những ý kiến đề cập đến những vấn đề lý luận cơ bản mà một thời thường bị xem là cấm kỵ, thuộc những “nguyên tắc cơ bản không được đụng tới” lại chính là một ứng xử “mácxít”! Hơn nữa, lý luận thì màu xám còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi như Gớt đã khuyến cáo. Dòng sông cuộc sống triền miên tuôn chảy không bao giờ ngừng nghỉ, cũng vì thế, người ta nói rằng không một ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông. Hình ảnh đó càng đúng khi khớp nối với lý luận. Một lý luận muốn không lạc hậu để trở thành vật cản cho sự phát triển của cuộc sống, lý luận ấy phải luôn luôn tự đổi mới. Và người ta ngày càng ngẫm ra được rằng: chuẩn mực chính là sự thay đổi.
“Đổi mới” có nghĩa là vứt bỏ những gì đã bị cuộc sống vượt qua, những gì mà với khảo nghiệm khách quan và nghiêm khắc của cuộc sống, lý luận ấy đã tỏ rõ sự bất cập, sai lầm hoặc thiếu hoàn chỉnh do vậy phải bổ sung sức sống mới, nhằm hình thành những luận điểm mới, phạm trù mới giúp hoàn chỉnh một lý luận mới phản ánh được thực tiễn đang vận động. Nhờ đó, làm cho lý luận gắn kết được với thực tiễn, gần với chân lý hơn, có tác động thúc đẩy sự phát triển. Rồi cùng với những vấn đề lý luận vốn bị nhìn nhận là “hóc búa” đã được đề cập đến trên nhiều trang báo, trong những cuộc hội nghị trao đổi đóng góp ý kiến, còn có khá nhiều những đóng góp cụ thể vào nhiều vấn đề của đường lối và giải pháp kinh tế, về công tác tư tưởng, công tác tổ chức, về phương pháp lãnh đạo, về mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo và Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân….
Càng mở rộng dân chủ thì trí tuệ của Đảng càng được khơi thông và cập nhật với thời đại. Vì đó không là trí tuệ của mấy triệu đảng viên mà là trí tuệ của dân tộc. Bởi lẽ, không phải tất cả những tinh hoa của trí tuệ dân tộc đều đã nằm trong Đảng. Còn biết bao “hiền tài” vốn được xem là “nguyên khí quốc gia” đang nằm trong dân. Cách đây đúng nửa thế kỷ, Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”. Quả thật không dễ để có sự “thừa nhận” đó nếu không có được sự chân thành và trung thực muốn tiếp nhận trí tuệ của nhân dân quần chúng nhằm đưa sự nghiệp phát triển đất nước lên tầm cao mới.
Vả chăng, nói dòng sông cuộc sống miệt mài tuôn chảy không một phút giây ngừng nghỉ. Song không theo trình tự tuyến tính mà luôn nảy sinh những nhân tố mới, những tương tác mới tạo ra khả năng nảy sinh những hợp trội không dự báo trước được. Trật tự mới, tổ chức mới là do các thành phần liên kết, tương tác với nhau mà cùng tạo thành, chứ không phải được lập nên do một mệnh lệnh nào từ bên ngoài, từ bên trên quyết định. Trong dòng chảy miệt mài với những đột phá hợp trội ấy của cuộc sống, những kinh nghiệm có sẵn, những phương pháp truyền thống không còn đủ cho hành trình của dân tộc đi về phía trước. Hành trình ấy đòi hỏi phải tự nhìn lại sự hạn hẹp của nhận thức đã có, rà soát lại để nhặt ra những thô thiển, những ngộ nhận, những sai lầm để tự bổ sung cho mình những tri thức mới, giúp thay đổi cách nhìn, cách nghĩ sát với sự vận động của cuộc sống.
Chính điều ấy đòi hỏi sự chân thành và trung thực lắng nghe và tiếp nhận trí tuệ của nhân dân với nhận thức rằng: sức mạnh vô tận của nhân dân quần chúng là ngọn nguồn sức mạnh của Đảng.