Chiến lược Phát triển

Công cuộc phát triển của Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Thế nhưng, chặng đường đi đến thành công còn rất dài, thách thức và cơ hội đều rất lớn trong sự biến động khôn lường của cục diện phát triển toàn cầu. Để công cuộc phát triển đi đến một thành công vẻ vang đất nước nhất thiết phải có được một chiến lược phát triển sâu rộng về tầm nhìn, cao quí về cốt cách, thời đại về tư duy, tinh thông về tri thức, và quyết liệt trong hành động.

Xác quyết tầm nhìn và ý chí chiến lược
Là một dân tộc với hàng nghìn năm chịu đựng và hy sinh trong niềm khao khát về một vị thế xứng đáng của đất nước, người Việt Nam dường như ai cũng ẩn chứa trong mình một xúc cảm dân tộc mãnh liệt. Vì vậy, xác quyết tầm nhìn và ý chí chiến lược đáp ứng sự kỳ vọng của toàn dân có sức qui tụ và cổ vũ vô cùng to lớn. Trái lại, tầm nhìn hạn hẹp và ý chí mơ hồ sẽ làm xã hội thất vọng, lòng dân ly tán trong vụ lợi và chụp giật cá nhân. Xác quyết tầm nhìn và ý chí chiến lược, cần chủ ý hai điểm: Một là Việt Nam nên đặt mục tiêu nhân văn lên trên mục tiêu kinh tế; phấn đấu trở thành một đất nước phồn vinh trên nền tảng nhân văn sáng chói bởi sự thành tâm sâu sắc trong hợp tác, sự cầu thị khát khao trong học hỏi, và ý thức trách nhiệm với cộng đồng thế giới. Thứ hai, có hai mốc quan trọng để xác quyết ý chí chiến lược: đó là năm 2025 là kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và năm 2045 là kỷ niệm 100 năm ngày độc lập. Ở mốc thứ nhất, Việt Nam cần quyết tâm trở thành một quốc gia công nghiệp có sức cạnh tranh cao của châu Á, khu vực kinh tế phát triển sôi động nhất của thế giới trong nửa đầu của thế kỷ 21. Ở mốc thứ hai, Việt Nam xác định trở thành một thành viên trong cộng đồng các quốc gia phát triển.

Thấu hiểu và nắm bắt nhạy bén các cơ hội và thách thức của thời đại trên qui mô toàn cầu
Chiến lược phát triển của Việt Nam cần thấu hiểu và nhạy bén nắm bắt các xu thế định hình nền kinh tế thế giới trong những thập kỷ tới. Chẳng hạn, để nắm bắt xu thế toàn cầu hoá đang diễn ra ngày càng sâu rộng, Việt Nam cần coi khả năng cạnh tranh toàn cầu và đẳng cấp quốc tế là tiêu chí hàng đầu cho thực hiện mỗi dự án đầu tư và phát triển. Trong xu thế này, Việt Nam cũng cần chủ động cùng Campuchia và Lào gắn kết thành một khu vực kinh tế năng động để tăng sức cạnh tranh và lợi thế định vị chiến lược của cả vùng Đông Dương. Chẳng hạn, việc thiết lập đường bay vàng từ Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh là đúng hướng với tính toán hiệu quả và hiệu lực ở tầm chiến lược.
Về xu thế trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam cần có chiến lược và các chương trình nghiên cứu ráo riết hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập các thị trường này, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. 
Xu thế thống trị của ngành dịch vụ, bao gồm giáo dục, y tế, tài chính, du lịch,… gợi ý rằng Việt Nam cần coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn để dốc sức học hỏi, hợp tác, và đầu tư nhằm nhanh chóng vươn lên vị thế cạnh tranh hàng đầu.
Xu thế về sự khan hiếm năng lượng trong tương lai cho thấy đầu tư vào ngành năng lượng xanh và giảm độ thâm dụng năng lượng của nền kinh tế có ý nghĩa chiến lược hơn nhiều so với đầu tư vào nhà máy điện hạt nhân.

Đầu tư, khai thác, gia cường, và phát huy tối đa các thế mạnh cốt lõi
Trong các lợi thế cốt lõi của Việt Nam, có thể kể đến ý chí dân tộc, khả năng tiếp thu nhanh, nhạy bén, và vị trí địa chính trị ở tâm điểm của hai nền kinh tế khổng lồ đang trỗi dậy là Trung Quốc và Ấn Độ. Điều đáng lo ngại là nếu Việt Nam không chủ động đầu tư nuôi dưỡng và khai thác các thế mạnh cốt lõi này, các điểm yếu dễ tổn thương liền kề chúng sẽ trỗi dậy và hoành hành: Ý chí dân tộc bị mai một sẽ trở thành miếng đất màu mỡ cho hoài nghi và bất mãn lan tràn; Khả năng tiếp thu nhanh và sự nhạy bén trong sự thiếu vắng của nền tảng đạo đức và nhân văn làm người dân dễ bị cuốn hút vào vòng xoáy của vụ lợi cá nhân và chụp giựt ngắn hạn trong sự tổn thất chung của cộng đồng; Vị trí địa lý thuận lợi nhưng thiếu tính toán chiến lược để khai thác và phát huy có thể biến Việt Nam trở thành một quốc gia thụ động, ỷ lại.

Xác lập các nguyên tắc chỉ đạo nỗ lực phát triển
Kinh nghiệm thế giới cho thấy bảy nguyên tắc sau rất quan trọng trong tạo nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ cho các nỗ lực phát triển: tôn trọng qui luật thị trường; trọng hiền tài- tìm kiếm người tài giao trọng trách để họ có cơ hội tốt nhất phụng sự đất nước; tìm chân lý từ thực tế; tuyệt đối không giáo điều; đặc biệt coi trọng và nỗ lực nuôi dưỡng phẩm chất chân chính và lòng trung thực; cầu thị trong học hỏi, tìm kiếm tinh hoa khắp thế giới để vận dụng vào công cuộc phát triển trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước; luôn luôn chủ động và quyết đoán trong đổi thay để thích nghi với cục diện phát triển toàn cầu và cuối cùng là thành tâm và trách nhiệm trong hợp tác.

Từ các phân tích và ví dụ nêu trên, chúng tôi cho rằng, đồng lòng và dốc sức hoạch định nên một chiến lược phát triển sâu sắc và toàn diện không chỉ là đòi hỏi khẩn thiết mà còn là bước đi đột phá có ý nghĩa nền tảng cho sự nghiệp phát triển của Việt Nam trong những thập kỷ tới.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)