Chính quyền địa phương
Việc đề nghị bỏ hội đồng nhân dân ở cấp huyện (và một số cấp hành chính khác) để thúc đẩy cải cách hành chính đang đặt ra rất nhiều vấn đề đáng phải băn khoăn.
Chính quyền địa phương là đơn vị hành chính. Nhưng đơn vị hành chính đặt tại các địa phương chưa chắc đã là chính quyền địa phương. Dưới thời phong kiến, chúng ta có không ít các đơn vị hành chính (như lộ, phủ, châu v.v.). Nhưng chúng ta không có chính quyền địa phương. Các đơn vị hành chính đều do chính quyền Trung ương thành lập và đại diện cho chính quyền Trung ương. Các quan chức đều do vua bổ nhiệm và đều cai trị theo mệnh lệnh của vua.
Chính quyền địa phương không đại diện cho vua, mà đại diện cho cư dân địa phương. Bầu cử địa phương vì vậy là không thể thiếu để hình thành nên chính quyền địa phương.
Trên thế giới, về cơ bản, có hai cách để hình thành nên chính quyền địa phương.
Cách thứ nhất, người dân có thể bầu trực tiếp ra cả người đứng đầu cơ quan điều hành (gọi là thị trưởng, huyện trưởng, xã trưởng…) và cả hội đồng gồm các đại biểu. Trong trường hợp này, cả người đứng đầu cơ quan điều hành và cả các vị đại biểu hội đồng đều chịu trách nhiệm trước dân. Quyền hoạch định và triển khai các chính sách địa phương (chủ yếu là liên quan đến các dịch vụ công) được trao cho người đứng đầu cơ quan điều hành. Quyền thẩm định, phê chuẩn và giám sát việc thi hành các chính sách địa phương được trao cho hội đồng. Bằng việc kiểm tra và chế ước lẫn nhau, hai cơ quan này sẽ bảo đảm chất lượng của nền quản trị công ở địa phương.
Cách thứ hai, người dân cũng có thể chỉ bầu ra hội đồng, và hội đồng lựa chọn người đứng đầu cơ quan điều hành (phần nhiều là thông qua hình thức hợp đồng tuyển dụng theo thời hạn). Trong trường hợp này, chỉ có các vị đại biểu hội đồng chịu trách nhiệm trước dân. Và chỉ có hội đồng mới có quyền (tất cả mọi quyền hành liên quan đến các chính sách địa phương kể cả việc hoạch định, phê chuẩn, thực hiện và giám sát).
Theo bất cứ mô hình bầu cử nào, thì chế độ trách nhiệm trước dân và khuyến khích phục vụ dân trong nền quản trị công ở địa phương cũng được xác lập một cách rất giản dị và hiệu quả.
Với cách thức tổ chức chính quyền địa phương phổ quát như trên, thì việc đề nghị bỏ hội đồng nhân dân ở cấp huyện (và một số cấp hành chính khác) để thúc đẩy cải cách hành chính quả thực đang đặt ra rất nhiều vấn đề đáng phải băn khoăn.
Trước hết, nếu bỏ hội đồng nhân dân do dân bầu, thì ở cấp huyện chúng ta không có chính quyền địa phương, cùng lắm chúng ta chỉ có một đơn vị hành chính.
Hai là, do không nhận được ủy quyền của dân, nên đơn vị hành chính này không thể tự nhiên có quyền, mà phải nhận được sự ủy quyền từ đâu đó. Nếu nó nhận được sự ủy quyền từ chính quyền cấp tỉnh, thì nó là cơ quan đại diện cho tỉnh. Và chúng ta có mô hình tập quyền cho tỉnh. Nếu nó nhận được sự ủy quyền từ chính quyền Trung ương, thì nó đại diện cho trung ương. Và chúng ta có mô hình tập quyền cho Trung ương. Tuy nhiên, việc tập quyền cho tỉnh (hay tập quyền cho trung ương) sẽ tốt hơn so với hiện nay là điều không dễ chứng minh.
Ba là, nếu chúng ta tin rằng một ủy ban hành chính có thể phụng sự nhân dân trong huyện tốt hơn, toàn tâm, toàn ý hơn, trong lúc nó hoàn toàn không phụ thuộc gì vào những người dân trong huyện, thì đó chỉ là một niềm tin không có căn cứ.
Cuối cùng, đúng là thời gian đã chín muồi cho những cải cách thể chế. Tuy nhiên, chỉ có những cải cách hướng tới việc tăng cường hệ thống khuyến khích phục vụ dân và hệ thống chế độ trách nhiệm trước dân mới không dẫn chúng ta đi lạc đường.