Chính sách ‘Sandbox’: Cần tìm một hướng đi khác
Sau hơn 5 năm khởi động bàn thảo về sandbox, Việt Nam vẫn chưa thực sự có sandbox nào đúng nghĩa. Và doanh nghiệp tiếp tục chọn Singapore là nơi đăng ký pháp nhân để khởi nghiệp kinh doanh công nghệ; thay vì chọn quê hương mình là Việt Nam. Để giải quyết tình trạng chậm trễ này chúng tôikhuyến nghị hai giải pháp tập trung cho hai vấn đề (1) tạo hành lang pháp lý cho sandbox nói chung; (2) thực thi cấp phép sandbox.
Khi nhà nước `án binh bất động’, Doanh nghiệp không `ngồi chờ’ sandbox
Thử nghiệm cho doanh nghiệp kinh doanh các loại hình mới ở Việt Nam vẫn đang dừng lại ở ‘cơ chế thí điểm’. Một ví dụ điển hình là kinh doanh taxi công nghệ thời điểm 3- 5 năm trước đây, khi Uber, sau đó là Grab tiếp cận thị trường Việt Nam. Mô hình khi đó là: Doanh nghiệp xây dựng đề án thí điểm – và cơ quan quản lý đồng ý thực thi có thời hạn. Dù ít nhiều có ‘dáng dấp’ của sandbox nhưng thực chất mới dừng lại ở thí điểm kinh doanh của một hoặc một vài doanh nghiệp – chứ chưa ‘thí điểm pháp lý’ – tức là chưa xác lập một bộ quy định chính thức để điều chỉnh có thời hạn các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia’. Bộ chỉ giám sát hoạt động kinh doanh như là trường hợp cá biệt; chứ chưa phát triển các quy định, dù là mang tính tạm thời cho các mô hình kinh doanh và công nghệ mới. Cần lưu ý, việc sửa đổi ‘Nghị định 186 về kinh doanh vận tải’ thời điểm đó về bản chất là ý định tạo lập khung pháp quy chính thức cho mô hình kinh doanh mới; chứ không phải tách riêng nhóm ‘taxi’ công nghệ để áp dụng các quy định mới – như bản chất của thử nghiệm pháp lý.
Trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech) – dù chưa có một thống kê chính thức về số lượng startup đăng ký thành lập ở Singapore, ở Estonia, Malaysia, Thái Lan … – nhưng quan sát trong cộng đồng khởi nghiệp khẳng định rõ nét xu thế này. Cách làm phổ biến là đăng ký pháp nhân ở nước ngoài; tuy nhiên đội sáng lập lẫn đội ngũ kỹ thuật phát triển sản phẩm và đội ngũ kinh doanh (tức là toàn bộ nhân sự) vẫn ở Việt Nam; và sản phẩm thực chất phục vụ cho thị trường Việt Nam.
Không có pháp lý rõ ràng, cũng không có ‘sandbox’, những nhóm thiệt hại trực tiếp nhất vẫn là những doanh nghiệp làm ăn chân chính; người dùng khách hàng; và cuối cùng, rộng hơn là toàn bộ nền kinh tế.
Các hạn chế và rủi ro chính của môi trường pháp lý `tranh tối, tranh sáng’
Khi pháp lý không rõ ràng, cách thức thực thi pháp lý thiếu nhất quán sẽ tạo ra những rủi ro và bất lợi dài hạn cho cả doanh nghiệp; lẫn Nhà nước; và nền kinh tế nói chung. ba hệ quả có thể xác định gồm:
Thứ nhất, với doanh nghiệp, rủi ro bị ‘hồi tố’ là luôn hiện hữu nếu không có khung pháp lý chính thức – và điều này, buộc doanh nghiệp phải tìm các giải pháp khắc phục rủi ro như ‘tị nạn pháp lý’ – đăng ký pháp nhân nước ngoài (tất nhiên, một lý do khác nữa với startup là đăng ký ở nước ngoài dễ gọi vốn, dễ mua bán – chuyển nhượng doanh nghiệp hơn là tại Việt Nam. Đối với doanh nghiệp điều này đi kèm với gia tăng chi phí pháp lý; mất cơ hội đón nhận các ưu đãi, hỗ trợ từ trong nước. Nhưng chi phí lớn nhất vẫn là giảm niềm tin về dài hạn với hệ thống pháp lý trong nước, xói mòn niềm tin vào chính sách và hệ thống pháp quyền Việt Nam.
Thứ hai, rủi ro tạo ra các ‘thị trường phi chính thức’ đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Thực tế các sản phẩm Fintech gồm tiền mã hóa, cho vay ngang hàng, tiết kiệm cá nhân – là thị trường có cầu và cung thực sự – và thị trường này hoạt động kể cả khi Ngân hàng Nhà nước không thừa nhận. Nhưng vùng xám này tạo ra một loạt rủi ro cho doanh nghiệp; cho người tiêu dùng gồm: (1) tăng nguy cơ bị lừa đảo; và gia tăng các loại tội phạm tài chính (2) khi tranh chấp xảy ra không ai bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp lẫn người dùng; (3) tạo ra tâm lý kinh doanh ‘chụp giật’ – chạy theo lợi ích ngắn hạn – do doanh nghiệp không có đủ niềm tin về việc được bảo vệ cho kinh doanh dài hạn, hợp pháp.
Thứ ba: đối với Nhà nước, hai hệ quả được xác định – (1) thất thoát về thuế – đương nhiên khi doanh nghiệp là người Việt Nam đăng ký pháp nhân nước ngoài – nguồn thuế chính thức, như thuế thu nhập doanh nghiệp; – thuộc về nước ngoài thay vì Việt Nam.
Thứ tư: với các thị trường tiềm năng mới của kinh tế chia sẻ – nơi các hoạt động kinh doanh cần gắn liền với thực thể ‘vật lý’ (physical) ở Việt Nam – động lực phát triển sẽ bị thu hẹp đáng kể. Bởi khác với dịch vụ xuyên biên giới – khi kinh doanh của doanh nghiệp là thuần túy dịch vụ, không bị các kiểm soát pháp lý ‘trong biên giới’ ràng buộc – các dịch vụ như ‘mua bán năng lượng ngang hàng’ ( Peer-to-peer energy trading), gắn chặt với môi trường kinh doanh địa phương. Do đó, khi một loạt các rào cản nêu trên không được giải quyết, lĩnh vực này khó có thể phát triển.
Cần biến cam kết vĩ mô thành hành động thực tế
Mặc dù ở tầm vĩ mô – Chính phủ nêu cam kết cao cho việc thúc đẩy ‘ cách mạng công nghiệp 4.0’ ‘kinh tế số’ ‘Make in Vietnam’ – ở tầm thực thi, các kết quả đạt được chưa rõ nét. Cả Chính phủ lẫn lãnh đạo các bộ đều tuyên bố ủng hộ Sandbox, đều đặt ra nhiều mốc thời gian khác nhau ‘hứa hẹn’ sandbox, nhưng đến thời điểm này, Việt Nam là nước duy nhất trong nhóm năm nước trong khu vực (gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia) – đến thời điểm này vẫn không thực sự thực thi Sandbox. Bản thân các đề án như ‘Đề án Kinh tế chia sẻ’; Chương trình ‘Chuyển đổi số quốc gia’, Chiến lược phát triển Kinh tế số đã ban hành thời gian gần đây là những văn bản mang tính định hướng; không trực tiếp hình thành ‘regulatory sandbox’.
Với mô hình ‘quản lý theo ngành’ như Việt Nam, thực chất thẩm quyền lập quy và cấp phép nằm trong tay các bộ. Vì vậy ‘sandbox’ thuộc về trách nhiệm của từng bộ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, chưa bộ nào hoàn thành và thực thi sandbox trên thực tế.
Với mô hình ‘quản lý theo ngành’ như Việt Nam, thực chất thẩm quyền lập quy và cấp phép nằm trong tay các bộ. Vì vậy ‘sandbox’ thuộc về trách nhiệm của từng bộ. Trong khi Chính phủ nói nhiều về tầm nhìn – thì ở góc độ thực thi ‘sandbox’ ‘tắc’ lại ở các bộ. Ví dụ: Bộ Giao thông là Sandbox cho ‘Grab, Bee, Fast Go’’; Bộ Văn hóa Thể thao vD du lịch – quản lý lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú – là ‘sandbox’ cho Aibnb, Traveloka …; Ngân hàng nhà nước là sandbox cho fintech (tiền mật mã, cho vay ngang hàng,… Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, chưa bộ nào hoàn thành và thực thi sandbox trên thực tế.
Để giải quyết tình trạng chậm trễ này chúng tôi khuyến nghị hai giải pháp tập trung cho hai vấn đề (1) tạo hành lang pháp lý cho sandbox nói chung; (2) thực thi cấp phép sandbox.
Thứ nhất: Chính phủ cần thành lập ngay tổ công tác của Chính phủ về ‘sandbox’ gồm lãnh đạo các bộ chính gồm Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để điều phối và thực thi thống nhất tầm nhìn chính sách của chính phủ về chính sách công nghệ. Đầu mối chịu trách nhiệm của tổ công tác nên là Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tư pháp. Công việc đầu tiên của Tổ công tác cần hoàn thành là đệ trình Chính phủ quy trình pháp lý và hướng dẫn thực thi ‘cơ chế thử nghiệm pháp lý’ cho các sản phẩm công nghệ. Chỉ trên cơ sở quy trình này – các bộ quản lý lĩnh vực mới có căn cứ để thực hiện. Trong tổ công tác, Bộ Tư pháp và Bộ Thông tin và Truyền thông nên là hai cơ quan phối hợp để soạn thảo nhanh chóng quy định này.
Thứ hai: Về mặt thực thi, một Văn phòng quốc gia về ‘sandbox’ nên được thành lập nhằm thực hiện chức năng ‘một cửa’ tiếp nhận hồ sơ đăng ký ‘sandbox’; cấp phép thực hiện; và giám sát thực thi các hồ sơ được cấp phép thử nghiệm. Có ba lý do cần Văn phòng quốc gia (1) tình trạng chồng chéo chức năng quản lý và ma trận văn bản quy định điều chỉnh như hiện nay là thách thức lớn với doanh ghiệp; (2) Bởi đa phần các startup là doanh nghiệp công nghệ, chưa nắm vững yêu cầu pháp lý mới. Do đó nếu giao về từng bộ riêng rẽ, sẽ rất khó cho startup biết chính xác bộ nào là ‘cửa’ mình cần gõ. Và (3) bởi tính mới của sản phẩm, công nghệ – nên một văn phòng liên ngành sẽ dễ dàng xử lý và nhận trách nhiệm – thay vì cơ quan hiện tại sẽ viện lý do: không biết căn cứ vào văn bản nào để xử lý hồ sơ. Văn phòng này vừa có chức năng nhận thông tin, tư vấn ban đầu cho startup; giúp sàng lọc và hỗ trợ thông tin; sau đó tiến tới giai đoạn nhận hồ sơ và cấp phép. Mô hình Nhật Bản – cả về quy trình lẫn tổ chức cơ quan thực thi, là một hình mẫu tốt cho Việt Nam tham khảo. □