Chờ đợi thực thi Luật sở hữu trí tuệ

Trong những cuộc chạy đua để giành lấy sự thịnh vượng giữa các dân tộc, pháp luật sở hữu trí tuệ của nước ta phải được dùng uyển chuyển để khéo léo che chắn cho người trong nước bám lấy tri thức của kẻ đi trước mà tiến lên.

Xuân Thu nhị kì, thế rồi những cuộc họp Quốc hội cũng khép lại. Chỉ riêng trong năm ất Dậu, những người lập pháp nước ta đã để lại cho con cháu những kì tích lập pháp đáng nhớ. Tiếp nối hàng nghìn điều khoản dân luật và thương luật, một đạo luật về sở hữu trí tuệ với 226 điều đã được thông qua ngày 19/11/2005, hy vọng sẽ được thực thi vào giữa năm sau. Ngàn vạn con chữ, ào ạt rơi trên đầu dân chúng, sau khi được Quốc hội thông qua, bỗng chốc trở thành quy tắc dẫn lối cho 82 triệu đồng bào. Liệu Luật sở hữu trí tuệ có làm cho người dân nước ta vững tin hơn trong cuộc ganh đua với các dân tộc láng giềng để giành lấy thịnh vượng. Bài viết dưới đây góp vài thiển ý mạn bàn về những ưu tiên và ảo vọng cần tránh trong chuẩn bị thực thi đạo luật này.
Gom luật lệ của ít nhất ba lĩnh vực: (i) tác quyền, (ii) sở hữu công nghiệp, và (iii) bảo hộ giống cây trồng cùng các biện pháp bảo hộ, chính sách can thiệp của nhà nước cũng như điều tiết khế ước sử dụng các quyền tài sản đó vào một đạo luật đồ sộ là một việc làm xưa nay hiếm, hiếm ở nước ta, và hiếm cả so với thiên hạ. Thời nay, người ta thường làm các đạo luật ngắn gọn, dễ sửa, dễ hiểu, tiện ứng xử với biến đổi mau lẹ ngoài đời. Các nước thường có những đạo luật đơn lẻ về tác quyền, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hay nhãn hiệu hàng hóa; chúng luôn được bồi bổ bởi hệ thống đồ sộ những án lệ giải thích và phát triển pháp luật trên giấy cho phù hợp với cuộc đời. Bởi vậy, tạo dựng nên những bộ luật đồ sộ chắc là đã rất khó, song biến luật trên giấy đó thành thói quen ứng xử tự nguyện của dân chúng mới càng khó hơn.
Nếu không kể tới manh nha bảo vệ bí quyết và thương tín đã có tự lâu đời trong xã hội Việt Nam truyền thống, theo gót kẻ thực dân, pháp luật về sở hữu trí tuệ đã được du nhập vào nước ta từ gần 150 năm nay. Trên thực tế, việc tiếp nhận tư tưởng pháp luật Phương Tây về sở hữu trí tuệ vẫn đang tiếp diễn. Đạo lí của luật này là ban thưởng cho người sáng tạo; dành cho họ những độc quyền khai thác và hưởng dụng thành quả lao động của mình. Như các quyền tài sản tư khác, về nguyên tắc, chủ tác quyền và sở hữu công nghiệp tự do định đoạt về tài sản của mình và có quyền nại đến cơ quan nhà nước mong được bảo hộ khi các quyền đó có nguy cơ bị người thứ ba xâm phạm. Có lẽ khi nhà nước và xã hội bắt đầu thượng tôn sở hữu tư nhân và ra sức giữ gìn quyền tư hữu đó, nước ta mới có cơ hội du nhập thành công pháp luật sở hữu trí tuệ.
Gần hai mươi năm sau đổi mới, nhận thức của người dân Việt Nam về quyền tài sản trí tuệ đã từng bước thay đổi. Trong số 7.600 chứng nhận đăng kí nhãn hiệu hàng hóa thì 5.444 được cấp cho tổ chức, cá nhân trong nước. Tỷ lệ văn bằng độc quyền cấp cho kiểu dáng công nghiệp và giải pháp hữu ích cấp cho người trong nước cũng gia tăng. Mức độ quan tâm của các doanh nghiệp về gây dựng hình ảnh, bảo hộ tên thương mại, nhãn hiệu hàng hóa và sản phẩm của mình trước hàng nhái, hàng giả đã tăng lên nhanh chóng. Cục sở hữu trí tuệ cũng bắt đầu tất bật với 404 vụ khiếu nại vi phạm sở hữu công nghiệp và 429 vụ khiếu nại về văn bằng. Những vụ kiện hiếm hoi đầu tiên về tranh chấp tác quyền in ấn tác phẩm, chuyển thể và biểu diễn cũng đã lác đác xuất hiện. Người ta đã hỏi nhau về thủ tục đăng kí tác quyền tại Bộ văn hóa thông tin. Thêm vào đó, hiệp hội của những người hành nghề chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ cũng ra đời. Những bản tin và ấn phẩm của họ góp phần cùng giới truyền thông kiên nhẫn truyền vào xã hội Việt Nam những tiếng sấm báo hiệu thời đại của những nền kinh tế và xã hội dựa trên tri thức và đề cao tài sản phi vật thể.
Khi người dân nhận thức được trí tuệ là quyền tài sản tư, họ sẽ có vô vàn sáng kiến để làm sinh sôi nảy nở và bảo vệ lấy thứ tài sản đó. Khi ấy, cũng giống như nha điền địa đăng kí trước bạ nhà đất, Cục sở hữu trí tuệ về cơ bản sẽ là một cơ quan cung cấp dịch vụ đăng kí tài sản trí tuệ. Những tòa án chuyên sâu về loại tài sản này có thể cũng sẽ được hình thành, tách dần ra khỏi hệ thống tòa thường tụng ngày nay.
Ngoài sức ép đổi thay từ bên trong, việc thực thi Luật sở hữu trí tuệ còn chịu ảnh hưởng từ bên ngoài. Cứ 689 bằng sáng chế được cấp ở nước ta, thì 676 văn bằng được cấp cho cá nhân và tổ chức nước ngoài, trong đó dẫn đầu là Hoa Kỳ (356), Nhật bản (257) và Đức (134); chỉ có 22 văn bằng sáng chế được cấp cho người Việt Nam. Người ta hối thúc Việt Nam gia tăng bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng là điều dễ hiểu. Luật sở hữu trí tuệ đã đáp ứng phần lớn các yêu sách của các đối tác nước ngoài, nếu không có sự hài lòng của họ dường như cánh cửa của Tổ chức thương mại sẽ tiếp tục lầm lì đóng với dân tộc chúng ta. 
Nhìn ra thế giới, láng giềng của chúng ta ít khi đi vòng, vậy nên cơ hội để Việt Nam “đi tắt đón đầu” đã ngày càng hiếm. Tuy vậy, công nghệ thông tin và sự bùng nổ tri thức ngày nay có thể là một cứu cánh giúp người nước ta rút ngắn thời gian phát triển. Với chưa đầy 2 phút mò mẫm trên mạng, tôi đã có trong tay 82 tạp chí chuyên ngành có liên quan đến sở hữu trí tuệ bằng vô số thứ tiếng trên thế giới. Bài học “học theo và đuổi kịp” Phương Tây của người Nhật một thế kỉ rưỡi trước đây đã được nhiều nước Phương Đông lặp lại thành công. Bắt đầu bằng đồ chơi trẻ em, áo sơ mi và hàng hóa sử dụng lao động giản đơn hơn 20 năm trước đây, nay người Tàu đã tiến vào thị trường hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao với những bước đi của một người khổng lồ.
Thế mới biết trong những cuộc chạy đua để giành lấy sự thịnh vượng giữa các dân tộc, pháp luật sở hữu trí tuệ của nước ta phải được dùng uyển chuyển để khéo léo che chắn cho người trong nước bám lấy tri thức của kẻ đi trước mà tiến lên.

                                   Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia
Vào năm 1999, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra một chiến lược phát triển cho các nước đang phát triển để giảm bới cách biệt về tri thức và sử dụng tri thức gồm 03 điểm cơ bản:
(1) Thu thập tri thức: qua việc mở rộng ra quốc tế để làm quen và thích nghi với tri thức quốc tế hiện tại song song với việc xây dựng hệ thống tri thức quốc gia.
(2) Hiểu và tiếp nhận được tri thức: thông qua đầu tư vào hệ thống giáo dục, bằng cách đó tạo ra nguồn nhân lực cần thiết để có thể tiếp nhận và sử dụng tri thức.
(3)  Khai thác tri thức: qua việc đầu tư vào Nghiên cứu & Phát triển nâng cao khả năng sử dụng các công nghệ mới-chẳng hạn Internet- để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.
Quyền sở hữu trí tuệ ảnh hưởng có tính chất quyết định đối với điểm (1) và (3). Một mặt nó tạo điều kiện cho sáng tạo tri thức thông qua hỗ trợ, khuyến khích sở hữu độc quyền và thúc đẩy qúa trình chuyển giao công nghệ nội quốc gia; mặt khác, lại đồng thời hạn chế- một cách tạm thời- khả năng khai thác tri thức, điểm (3). Chính từ nhận thức cơ bản này, mà TRIPS đã dành quyền quyết định cho các nước thành viên cân nhắc tương quan giữa điểm (1) và (3) để có chiến lược xây dựng hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu phát triển của mỗi nước.
Chính sách quốc gia về sở hữu trí tuệ vì thế phải dựa trên cơ sở cân nhắc giữa mục tiêu khuyến khích sáng tạo tri thức và mục tiêu nhanh chóng phổ biến, áp dụng  tri thức cho từng giai đoạn phát triển kinh tế. Đối với các nước đang phát triển đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn do hai nguyên nhân chính: a) Tác động và ảnh hưởng của quyền sở hữu trí tuệ đến phát triển kinh tế hầu hết là gián tiếp và xẩy ra  trong những mối tương quan phức tạp và b) các nước đang phát triển chưa có nhân sự và kinh nghiệm thực tế cần thiết. Tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ đối với mỗi ngành kinh doanh, sản xuất là rất khác nhau. Nó  có giá trị lớn nhất đối với các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành đòi hỏi đầu tư lớn trong Nghiên cứu & Phát triển; sản phẩm phụ thuộc vào trình độ cao của nhân viên và tương đối dễ bị ’’bắt chước’’ dễ bị tiến bộ khoa học kỹ thuật làm cho lạc hậu. Ví dụ: Công nghiệp hóa chất và dược phẩm, công nghiệp sản xuất hàng điện tử tiêu dùng, phát triển phần mềm máy tính.
Chiến lược vĩ mô của Nhà nước, vì vậy, phải là một chiến lược toàn diện liên quan đến rất nhiều lĩnh vực như: chính sách thuế, chính sách chuyển giao công nghệ và Li xăng, chính sách nhập khẩu song song, chính sách ưu đãi đầu tư vào Nghiên cứu & Phát triển, chính sách Giáo dục-Đào tạo, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp….

                                                                                   Nguyễn Vân Nam

Phạm Duy Nghĩa  

Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)