Chờ ngày được tôn trọng

Tháng 10 là tháng tôn vinh doanh nhân. Gần 3 triệu hộ kinh doanh và 20 vạn doanh nghiệp đang nỗ lực tranh đua tự tìm lấy cơ hội nuôi sống bản thân và gia đình, góp phần tạo việc làm cho cộng đồng, tạo của cải cho xã hội và đóng góp vào ngân khố quốc gia. Mong ước cho đến năm 2010, cứ 200 người dân nước ta sẽ có một doanh nhân, cộng đồng nửa triệu con người dũng cảm ấy tạo nên một động lực mới canh tân quốc gia. Để có được ngày ấy, cả dân tộc đang nỗ lực trong những cuộc tự học gian khổ, tập yêu lấy giới doanh nhân và tạo mọi chính sách thuận lợi cho những mầm non tương lai ấy đua tài.


Một ngày tôn vinh thật quý, song chưa quý bằng cả năm được tôn trọng. Doanh nhân Việt Nam vẫn gặp vô vàn rắc rối trong kinh doanh. Không biết có xứ sở nào trên thế giới này người ta lại quy định mỗi lần doanh nhân chỉ được mua không quá hai tập hóa đơn giá trị gia tăng trước ánh mắt xét nét của nhân viên thuế vụ như ở nước ta. Thì cũng thế, làm một hay mười con dấu đáng ra là chuyện tùy nghi của doanh nhân, song ở nước ta, con dấu trở thành một chuyện nghiêm trọng; mỗi doanh nghiệp chỉ được quyền có một con dấu. Khi xung đột lợi ích giữa người quản lí xảy ra, chỉ riêng việc biển thủ con dấu cũng đủ làm cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhiều phen tê liệt.
Sự bình đẳng với doanh nghiệp quốc hữu cho đến nay vẫn đang là một ước mơ. Nắm trong tay các nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất đai, các độc quyền và cơ hội kinh doanh cũng như sự ưu ái của các cơ quan hành chính chủ quản, doanh nghiệp nhà nước trên thực tế vẫn được ưu đãi đáng kể so với doanh nghiệp dân doanh. Chỉ có điều, trong một thế giới ngày càng bị kéo phẳng ra bởi những thế lực mới của cuộc toàn cầu hóa, nếu không cho dân doanh hưởng quy chế bình đẳng với quốc doanh trong nước, thương nhân nước ta khó có cơ hội để tự tin trong cuộc đối đầu với hằng hà sa số tư bản nước ngoài.
Ngày doanh nhân, người ta nghĩ tới những đạo luật chung đã tới tấp được ban hành với mong ước tạo bình đẳng cho doanh nhân thuộc tất cả loại hình sở hữu. Tuy vậy, ngoài pháp luật trên giấy, còn có luật của cuộc đời và luật trong nhãn quan của quan chức thừa hành. Chừng nào chiếc ghế băng mỏng manh dùng chung cho bên nguyên, bên bị trong các phiên tòa kinh tế dân sự vẫn bị hạ thấp hơn cả chỗ ngồi của viên thư lại, và quan tòa Việt Nam vẫn xét hỏi doanh nhân với khẩu khí chẳng khác gì lục vấn bị can phạm tội, thì chừng đó doanh nhân vẫn chờ ngày được tôn trọng./.
————

Ảnh trên: Trong buổi lễ “100 doanh nhân tiêu biểu năm 2006” lần thứ nhất tổ chức ngày 12/10 tại Hà Nội.


Phạm Duy Nghĩa

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)