Chống vaccine: Nhóm thiểu số đáng sợ

Hai tuần nay, trên trang cá nhân của bác sĩ Ngô Đức Hùng (khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai) đang diễn ra những cuộc “trao đổi sôi nổi” với một tài khoản Facebook. Người đàn ông đứng sau tài khoản này cương quyết từ chối tiêm vaccine COVID-19 vì cho rằng vaccine vẫn còn đang thử nghiệm. Anh ta cũng tin vaccine COVID-19 được tạo ra nhằm mục đích tiêu diệt 15% dân số toàn cầu. Không phải tới tận gần đây với sự ra đời của vaccine COVID-19, làn sóng chống vaccine mới khởi phát. Phong trào này đã bắt rễ hàng thập kỉ ở các quốc gia phát triển như Mỹ và châu Âu, bắt đầu từ phim tài liệu đầy thông tin sai lệch của đài NBC, Mỹ về vaccine phòng chống bệnh ho gà có thể gây bệnh động kinh ở trẻ em vào năm 1982 hay một nghiên cứu bịa đặt số liệu của Andrew Wakefield, Anh về mối liên hệ giữa vaccine MMR (sởi, quai bị, rubella) với chứng tự kỉ ở trẻ em vào năm 1998. Phong trào này đã không chỉ dừng chân ở Mỹ hay châu Âu mà còn vươn sang Việt Nam cách đây khoảng năm, sáu năm về trước.

Phong trào antivaxx từ Mỹ và châu Âu đã lan đến Việt Nam cách đây 5-6 năm nhờ vào mạng xã hội. Ảnh: NYtimes.com.

Hiện nay nguyên liệu của các nhóm chống tiêm chủng không chỉ dừng lại ở phim tài liệu của NBC hay nghiên cứu của Andrew Wakefield mà giờ đã đầy ắp từ chuyện tin đồn thổi phồng hay bịa đặt về tử vong, tai biến sau tiêm chủng, cho đến các thuyết âm mưu về những tỉ phú công nghệ, các tập đoàn dược muốn ăn tiền trên sức khỏe người dân hay các tổ chức tôn giáo bí hiểm muốn dùng vaccine để lập lại trật tự thế giới.

Không chỉ một mình Facebooker trên trang của bác sĩ Ngô Đức Hùng mà có thể hàng nghìn cho đến hàng chục nghìn người Việt Nam đang đặt niềm tin vào các thuyết âm mưu như vậy. Những thông tin này được dịch sang tiếng Việt rồi lan truyền trên mạng xã hội. Chúng được phát tán không chỉ trong các nhóm chuyên về vaccine mà còn “nằm vùng” trong cả các nhóm ăn kiêng một cách cực đoan, chữa bệnh bằng các liệu pháp giả khoa học hay các nhóm “dạy” về cách giữ gìn hạnh phúc gia đình, nơi các thành viên vốn đã có mối quan hệ gắn kết với nhau ở một mức độ nào đó. “Mạng xã hội có sức mạnh vì người ta tin bạn bè của mình” – TS. Nguyễn Đức An, hiện đang là GS nghiên cứu về truyền thông khoa học và sức khỏe ở thời đại hậu sự thật, Đại học Bournemouth, Anh, cho biết

Nếu có điều gì khác giữa làn sóng phản đối các vaccine trước đây và vaccine COVID-19 thì có lẽ đó là vì vaccine COVID-19 được phát triển và phê duyệt trong một thời gian thần tốc chưa đầy một năm giữa cơn hoang mang của cả cộng đồng trước virus Sars-CoV-2 quá mới và lây lan quá nhanh. Công nghệ mRNA sản xuất vaccine Pfizer, Moderna đều như chưa từng sử dụng cho thuốc điều trị hay vaccine trước đây. Quá trình triển khai tiêm ở nhiều nước cũng có thời điểm không “xuôi chèo mát mái” vì phát hiện một vài tác dụng phụ không mong muốn của vaccine khi triển khai trên hàng triệu người, dù rất hiếm gặp nhưng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng như đông máu gây ra bởi vaccine AstraZeneca và hiện tượng viêm cơ tim do vaccine Pfizer/Moderna. Vaccine không còn nhằm mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng mà nhằm đề phòng các cá nhân bị nhiễm không trở nặng và tử vong.

Những điều trên không đồng nghĩa với việc vaccine không an toàn hay không hiệu quả. Nhưng chúng vẫn là cái cớ để các nhóm chống tiêm chủng vin vào khuếch đại sự bối rối của công chúng, đặc biệt là gần đây khi vaccine được triển khai cho trẻ em 12-17 tuổi vào tháng một vừa qua và cho trẻ từ 6-12 tuổi vào tháng 4/2022 sắp tới. “Những người đọc của mình, vấn đề của họ là luôn luôn cực đoan hóa những gì họ đọc được. Nếu họ cho rằng nó là đúng là họ sẽ cực đoan là nó phải tuyệt đối. Thực ra đâu có phải thế?” – bác sĩ Ngô Đức Hùng, một trong những người đầu tiên lên tiếng về anti-vaxx ở Việt Nam chia sẻ.

Lí do vaccine COVID-19 được tung ra thị trường thần tốc như vậy là do các viện nghiên cứu, công ty dược phẩm, các cơ quan phê duyệt, quỹ đầu tư nhà nước và tư nhân đều dồn nhiều thời gian và nguồn lực chưa từng thấy để cùng thực hiện được mục tiêu này. Ngoài ra, công nghệ mRNA cũng cho phép sản xuất với tốc độ rút ngắn hơn rất nhiều so với công nghệ cũ. Dù vaccine COVID-19 là vaccine đầu tiên dùng công nghệ mRNA nhưng công nghệ này đã có nền tảng nghiên cứu hơn 30 năm. Hiện nay, vaccine đã được tiêm cho hơn 6 tỉ người trên toàn cầu và dữ liệu an toàn của nó đã rất rõ ràng.

Nhưng không dễ để thay đổi suy nghĩ của những người chống vaccine, “sự bất tín về vaccine của họ đã thành thành lũy về mặt tâm lý rồi, muốn gỡ không đơn giản” – TS. Nguyễn Đức An nói. Các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube dưới áp lực của chính phủ và dư luận đã nỗ lực loại bỏ những thông tin sai lệch, bịa đặt, chống vaccine nhưng kết quả hầu như không đáng kể. Hơn nữa, loại bỏ những tài khoản, nhóm chống vaccine cũng khó như Trò Đập chuột chũi, khóa tài khoản trên mạng xã hội này, họ lại mở tài khoản khác, trên mạng xã hội khác, lôi kéo người tham gia bằng cách khác. Rất nhiều nhóm chống vaccine hiện nay ở Việt Nam đang hoạt động ở những mạng xã hội mang danh “không kiểm duyệt”, nhỏ, ít người biết tiếng như Safechat, Minds, Gettr, Telegram…

Số ít, nhưng có đáng lo? 

Vào tháng một vừa qua, Tổ chức Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã kết hợp với Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới đã triển khai một khảo sát về quan điểm của công chúng về tiêm chủng COVID-19 trên trang Fanpage của Yan Digital. Khi đường link của cuộc khảo sát được dẫn trên Facebook, rất nhiều trong gần ba nghìn bình luận phía dưới là những lời chống đối vaccine mạnh mẽ.

Tuy nhiên, kết quả của cuộc khảo sát cho thấy một bức tranh hoàn toàn trái ngược. Có khoảng gần 15 nghìn người tham gia cuộc khảo sát, chủ yếu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó đa số (lần lượt là hơn 85% và 87%) tin vào sự an toàn và hiệu quả của vaccine. Chỉ có một số ít (lần lượt là 15% và 13%) không có niềm tin rằng vaccine an toàn và hiệu quả. Cũng cần nói thêm rằng, không phải tất cả những người này đều là những người chống vaccine.

Điều đó có nghĩa là, những người chống vaccine còn có tỉ lệ nhỏ hơn 15% nữa. Đại dịch COVID-19 mặc dù đã đồng thời sản sinh ra một đại dịch thông tin đánh vào nỗi hoang mang và lo sợ về sức khỏe trên toàn cầu nhưng cuối cùng, đại đa số công chúng vẫn tin vào khoa học. “Niềm tin vào khoa học bắt đầu tăng mạnh qua đại dịch và nhãn tiền nhất là niềm tin vào vaccine” – TS. Nguyễn Đức An chia sẻ. Tính đến tháng một năm nay, theo Bộ Y tế, vaccine COVID-19 đã phủ trên 70% dân số, trong đó hơn 90% người trên 18 tuổi đã tiêm đủ hai mũi.


Hiện nay Việt Nam đã phủ vaccine hơn 90% dân số trên 18 tuổi.

Vậy thì các nhóm chống vaccine chỉ là một thiểu số rất nhỏ, không phải là vấn đề, không đáng lo ngại nữa, phải không?

Mọi chuyện có vẻ không đơn giản như vậy. Hiện Việt Nam đang triển khai tiêm mũi tăng cường và đang tính đến việc tiêm mũi bốn cho những người có hệ miễn dịch yếu. Niềm tin vào vaccine không cố định và những người quyết định tiêm chủng vaccine COVID-19 không có nghĩa là họ đã hoàn toàn tin tưởng vào vaccine. Một nhóm nghiên cứu của các bác sĩ tại Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh khảo sát trên các nhóm đối tượng người bệnh mạn tính, sinh viên, và phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng được thực hiện trước mỗi chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19, kết quả cho thấy rằng những người e ngại vaccine chiếm tỉ lệ khoảng 16%-26%. Công bố mới nhất của nhóm này cho thấy có 26% phụ huynh chưa có ý định tiêm ngừa vaccine COVID-19 cho trẻ trong đó có cả những người đã lựa chọn tiêm vaccine COVID-19 cho chính mình. Lí do chủ yếu của sự do dự tiêm ngừa là vì lo sợ tác dụng phụ của vaccine, chiếm tỷ lệ 80%. Con số này cũng tương đồng với kết quả khảo sát của UNICEF vào tháng một vừa qua. Điều dáng nói là số người tham gia khảo sát của nhóm nghiên cứu ở Đại học Y dược đều chia sẻ rằng nguồn thông tin tham khảo chính của họ về dịch bệnh và vaccine đến từ mạng xã hội.

Nếu đã có sẵn một nỗi e ngại nào đó về vaccine COVID-19, những người này càng dễ bị lung lay bởi những thông tin tiêu cực từ những nhóm phản đối tiêm vaccine. Một trong những cách truyền thông của nhóm từ chối tiêm vaccine đó là khoét sâu vào những trường bị sốc phản vệ. Trong khi trên thực tế, nhìn rộng ra, những trường hợp này chỉ xảy ra với tỉ lệ một vài trên 100.000 ca với vaccine COVID-19, ít hơn cả rủi ro bị sét đánh. “Nhưng thống kê các con số là khô khan, mà bao giờ người ta cũng chỉ đặt câu hỏi: ‘Ôi anh chị nói nó ít khi xảy ra như vậy, với tỉ lệ một vài phần triệu mà tại sao con bé ở bên cạnh nhà tôi lại bị? Bao giờ cũng có câu hỏi ‘Tại sao lại là tôi?’ Chính vì vậy, đưa ra những trường hợp thương tâm sẽ tạo ra những ấn tượng rất lớn tới tâm lí của họ.” – BS. Ngô Đức Hùng nói.

Vaccine là câu chuyện về niềm tin hơn là câu chuyện về lý trí và lí lẽ, theo lời của TS. Nguyễn Đức An. Mạng xã hội với những thuật toán giữ chân, trói người dùng vào những thông tin mà họ muốn nghe, muốn tin, “càng làm tăng thiên kiến xác nhận” của họ, đặc biệt không nhiều người có khả năng tự phản biện lại chúng. “Có người tin vào ma quỷ hay thầy bói chẳng hạn, họ sẽ à, nghe ông kia ông ấy giỏi lắm, phán đúng y hoàn cảnh của mình luôn kìa. Tự nhiên cái niềm tin đó ngày càng được củng cố. Sự bất tín vào vaccine cũng theo một cái dạng như vậy.”– TS. Nguyễn Đức An so sánh niềm tin này như bức tường thành, xây lên ngày một cao, ngày một khó đảo ngược.

Thậm chí, các thông tin tiêu cực về vaccine không chỉ khiến cho những người vốn ngần ngại thêm lo sợ về vaccine mà còn có thể khiến những người đang có niềm tin vào vaccine thay đổi ý định. Một thí nghiệm tâm lý đăng trên tạp chí Nature Human Behavior khảo sát trên 4000 người ở Mỹ và Anh vào thời điểm 9/2020 cho thấy: tỉ lệ người quyết định đi tiêm vaccine COVID-19 giảm 6% sau khi đưa cho họ đọc những thông tin sai lệch về vaccine.

Trên thế giới, theo thống kê của Trung tâm Chống tin thù ghét trên không gian số (Center for Countering Digital Hate), Mỹ, dựa trên phân tích gần một triệu post trên Facebook và Twitter cho thấy, “gần 2/3 nội dung chống vaccine trên mạng xã hội đến từ chỉ 12 cá nhân chống vaccine”. Nhưng những thông tin này đã kéo theo hàng chục triệu các tín đồ. Ở Việt Nam cũng vậy, đứng đằng sau phong trào chống vaccine cũng chỉ là số ít, nhưng họ là “thiểu số đứng đầu to miệng, có trong tay vũ khí là mạng xã hội, tôi không nghĩ ảnh hưởng của họ là nhỏ” – TS. Nguyễn Đức An nói.

Lấy lại niềm tin vào vaccine? 

Vậy, những nhóm chống vaccine có ảnh hưởng ở quy mô như thế nào? Những tin tức tiêu cực về vaccine của những nhóm này trên mạng xã hội tác động tới công chúng nghiêm trọng ra sao? Những hội nhóm trên mạng xã hội nào hay cổ vũ việc chống vaccine? Ngoài những thông tin xoáy sâu vào những trường hợp tai biến, động lực nào khiến có người tin theo những thuyết âm mưu kì lạ tưởng như không có cơ sở nào về vaccine?

Hiện nay, rất tiếc, chúng ta chưa có những câu trả lời này ở Việt Nam. TS. Nguyễn Đức An cho rằng cần phải có những nghiên cứu liên ngành y khoa, truyền thông, tâm lý học ở Việt Nam về vấn đề này: “Tôi chỉ có thể nói nó có một mối họa tiềm ẩn”.

Kết cục của mối họa đó có thể phải trả giá bằng mạng sống. Những người không tiêm COVID-19 có nguy cơ tử vong gấp tám lần những người đã tiêm hai mũi và 16 lần so với những người tiêm mũi tăng cường. Trên thực tế, theo thống kê của một số bệnh viện điều trị COVID-19, đại đa số (lớn hơn 80%) những người nhập viện và tử vong là những người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine COVID-19.

Hơn nữa, ảnh hưởng của các nhóm chống vaccine sẽ không chỉ dừng lại ở chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 mà còn ở chiến dịch tiêm vaccine các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác cho trẻ em. Trong đó, để đạt được miễn dịch cộng đồng ở sởi, tỉ lệ tiêm chủng phải đạt hơn 95% dân số. Ở thời điểm năm 2017 – 2019 đã có nhiều tỉnh, thành ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em bị sởi, viêm màng não, ho gà, bạch hầu – những bệnh tưởng như đã bị đẩy lùi khỏi cộng đồng hàng thập kỉ nay, giờ lại quay lại do phong trào chống vaccine. Tỉ lệ tử vong của các bệnh này lên tới 50% và nếu vượt qua cửa tử thì cũng để lại những di chứng vô cùng nặng nề. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng I, TP. HCM từng thốt lên với báo Pháp luật TP. HCM “người anti vaccine sẽ chính là người gây tội ác với dân tộc”.

Làm thế nào để thuyết phục những người e ngại vaccine và chống vaccine là một vấn đề phức tạp. Theo TS. Nguyễn Đức An, “Cách duy nhất là đối thoại với họ”. Người đối thoại ở đây chính là các bác sĩ, bác sĩ y tế dự phòng – những người mà theo nhiều nghiên cứu vẫn là nguồn tin quan trọng nhất, đáng tin cậy nhất đối với công chúng về các vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, để các bác sĩ có thể lắng nghe, kiên nhẫn, thuyết phục người khác, nhất là những người vốn có thành kiến với vaccine, thì họ cần được hướng dẫn bởi một đội ngũ truyền thông khoa học mạnh.

Đó còn chưa kể là khi truyền thông, cần phân biệt giữa những người chống vaccine và những người e ngại, trì hoãn vaccine. Trong khi những người trì hoãn vaccine chủ yếu là do sợ tác dụng phụ và không chắc chắn vào hiệu quả của vaccine thì những người chống vaccine còn nhiều lí do khác nữa. Chẳng hạn, một nhóm người chống vaccine tin rằng vào miễn dịch tự nhiên, ăn uống theo một chế độ kiêng khem nào đó là đủ, vaccine là không cần thiết. Cũng có nhóm khác cho rằng, yêu cầu họ tiêm là xâm phạm quyền tự do thân thể của họ. Niềm bất tín của những người chống vaccine về độ an toàn và hiệu quả của vaccine cũng sâu sắc, cực đoan hơn so với những người e ngại, trì hoãn tiêm chủng: họ tin vaccine chỉ toàn là chất độc, họ nghi ngờ vaccine chỉ là một âm mưu thâm độc của nhà nước bắt tay với các hãng dược để tiêu diệt và kiếm lợi trên thân xác con người, họ cho rằng nhà sản xuất và nhà đầu tư gắn chip vào vaccine để theo dõi người dân… “Phải bắt đầu từng cá thể nếu muốn thay đổi họ. Phải chia thành các nhóm, các cấp độ khác nhau xem họ thuộc nhóm nào để mình có cách xử lí khác nhau” – TS. Đức An cho biết.

Nhà nước và người dân cũng phải tạo áp lực để các mạng xã hội thay đổi thuật toán và có những biện pháp để đẩy lùi và loại bỏ những thông tin sai lệch, bịa đặt. Các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter hay YouTube hiện nay, tuy đã có động thái nhưng hầu như chưa đáng kể. Thậm chí, trong vụ bê bối “the Facebook Files” (Hồ sơ Facebook) gần đây, các báo cáo cho thấy mạng xã hội lớn nhất hành tinh này còn sửa thuật toán theo hướng tạo điều kiện để các thông tin đánh vào cảm xúc, chia rẽ quan điểm người dùng có cơ hội được tiếp cận nhiều độc giả hơn.

Nhưng có một loạt các mạng xã hội dù không có thuật toán, như Telegram, Gettr, Minds, Safechat…, thì họ không kiểm soát nội dung, kể cả những tin sai lệch và bịa đặt độc hại đến sức khỏe. Đó là những “vùng đất hứa” mới cho các nhóm chống vaccine. Bởi vậy, một trong những mục tiêu của giáo dục trong thời đại này là phải nâng cao năng lực số/dân trí số (digital literacy) – người dân phải có khả năng phản biện và kiểm chứng, lật lại những thông tin mình đọc được trên mạng. Theo một nghiên cứu gần đây của UNICEF, dân trí số của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Điều thú vị là, báo chí không có vai trò thuyết phục những nhóm chống vaccine bởi chỉ có thể đưa tin theo cách “từ trên xuống”, hướng đến số đông chứ không thể đối thoại với từng cá nhân. Nhưng điều đó không có nghĩa là báo chí vô can. Nếu không đưa tin một cách cẩn trọng, báo chí có thể tiếp thêm “vũ khí, đạn dược” cho những nhóm chống vaccine. “Thông tin tốt đi vào đầu khó lắm nhưng tin dữ, tin xấu đi vào đầu nhanh lắm” – TS. Nguyễn Đức An nói. Trên thực tế, trước năm 2015, báo chí đã nhiều lần tạo dựng sự bất tín của công chúng vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Năm 2007, báo chí chỉ trích mạnh mẽ một vài trường hợp sốc phản vệ của vaccine viêm gan B ở trẻ sơ sinh đã dẫn đến tỉ lệ tiêm chủng vaccine này giảm từ hơn 60% xuống gần 27%. Năm 2013, báo chí lại xoáy vào rất ít trường hợp trẻ sơ sinh bị sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine Quinvaxem (vaccine 5 trong 1 gồm bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và Hib) làm đổ vỡ niềm tin của công chúng vào sự an toàn của vaccine. Năm đó so với năm 2012, tỉ lệ tiêm phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván giảm từ 99% xuống 83% và tỉ lệ tiêm chủng viêm gan B ở trẻ sơ sinh giảm từ 76% xuống 56%. Theo kết quả mô hình của một nhóm nhà khoa học ở WHO Việt Nam thực hiện năm 2013, điều này có thể dẫn đến 90 nghìn người bị nhiễm viêm gan B và 17.5 nghìn người có thể đã tử vong. Một nghiên cứu của TS. Trần Xuân Bách, Đại học Y Hà Nội, phỏng vấn hơn 400 phụ huynh cho thấy rằng, nếu họ đọc những tin tức về sốc phản vệ trên báo chí-truyền thông, gần 70% sẽ ngần ngại tiêm vaccine và 12% sẽ từ chối tiêm ngay lập tức.

Báo chí đúng là phải đưa tin đa chiều, phải khách quan, nhưng không có nghĩa là dành không gian cho những người từ chối và e ngại vaccine ngang với những người ủng hộ. Đưa tin về những trường hợp tử vong sau tiêm cần phải đi kèm với bối cảnh rằng những trường hợp đó rất hiếm gặp và chưa chắc nguyên nhân là do vaccine. Như lời của TS. Nguyễn Đức An, “Không đổ thêm dầu vào lửa, chỉ cần xác nhận nỗi lo vaccine thôi là các tin này sẽ được chia sẻ đầy trên các diễn đàn”.
“Báo chí phải tạo môi trường cho những thông tin tốt, chính xác để mỗi người có lo lắng lên google tìm kiếm về vaccine sẽ tìm thông tin tin cậy đối trọng lại với tin sai lệch trên mạng xã hội” – anh nói.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)