Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh
Tôi nhớ cách đây hơn 40 năm một số nhà triết học, sử học và xã hội học nêu đề tài chung để cùng nghiên cứu: trong lịch sử tư tưởng dân tộc ta, thử tìm xem tư tưởng gì là tư tưởng gốc? Sau đó có chuyện giặc Mỹ phá bầu trời miền Bắc, các cơ quan ở thủ đô Hà Nội sơ tán, tôi đứt liên lạc với các bạn đồng nghiệp khác ngành, nên không nắm được tình hình nữa.
Mãi đến năm 1998 nhận được kỷ yếu của Hội thảo Quốc tế lần thứ nhất về “Việt Nam học” tổ chức ở Hà Nội, đọc kỹ bài tham luận của nhà sử học Mác-xít Trần Văn Giàu và bài của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp mà dưới đây tôi trích vài đoạn mới thấy sáng ra vấn đề tư tưởng gốc của dân tộc Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước:
“Tư tưởng chủ yếu của dân tộc Việt Nam suốt các thời kỳ lịch sử là tư tưởng yêu nước. Đúng vậy (…). Lịch sử Việt Nam trải qua bao nhiêu thời kỳ thịnh suy thì tư tưởng yêu nước có bao nhiêu thời kỳ tiến lên hay suy thoái rồi quật khởi, nhưng lúc nào thực tế cũng chứng minh rằng tư tưởng yêu nước không phải là một triết lý để nhìn đánh, mà nó là kim chỉ nam cho hành động, là một tiêu chuẩn để nhận định đúng-sai, tốt-xấu, nên-chăng. Vận nước thịnh suy, mất hay còn, nhục hay vinh, phần rất quan trọng là ở chỗ ta ứng dụng và phát huy hay ta quên lãng và chống cái thứ vũ khí tinh thần ấy mà tất cả các thế hệ tổ tiên, cha ông đều có góp công của máu xương để rèn luyện”. (Trần Văn Giầu). Tư tưởng yêu nước của dân tộc ta là Chủ Nghĩa Yêu nước; một chủ nghĩa “yêu nước” hình thành từ ngay thời đại Hùng Vương. Rồi được các thế hệ hậu duệ con Rồng, cháu Tiên phát huy ngày càng cao sâu làm nên dòng máu đậm đặc; đượm hương sắc dòng máu Lạc Hồng.
“Mãi đến khi (…) nhà yêu nước vĩ đại sinh ra đời ở đất Lam Hồng đã hấp thụ sâu sắc tinh hoa của truyền thống văn hóa Việt Nam, lại có hiểu biết sâu rộng về văn hóa Phương Đông. Trải qua bao năm bôn ba khắp bốn biển năm Châu, Người đã nhạy bén tiếp thu tinh hoa các nền văn hóa trên thế giới (…). Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam chứa một chất lượng mới, một sức mạnh mới. Người đã xây dựng một chủ nghĩa nhân văn cao cả, coi trọng quyền sống thiêng liêng của con người, một triết lý nhân văn hành động, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội, giải phóng con người”. (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Tôi nghĩ rằng chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc Lạc Việt là động lực của sự phát triển của xã hội ta và đến đầu thế kỷ XX đã được Nguyễn Ái Quốc phát huy lên đỉnh cao vời vợi để trở thành một chủ nghĩa yêu nước đã cao đẹp, lại cao đẹp thêm.
Có thể xưng tụng được chăng bằng danh hiệu: “Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh?”, khác hẳn mọi thứ chủ nghĩa dân tộc giả danh yêu nước, khoác áo dân tộc lộng lẫy mà làm hoen ố thanh danh dân tộc, thanh danh cả loài người.
Nói tóm lại nội dung của chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh gồm hai yếu tố cấu thành:
Tư tưởng yêu nước thương nòi Hồng Lạc, phát huy thành một triết lý sống:
“Ở ĐờI và LÀM NGƯờI (chữ của Bác Hồ dùng) chữ dùng rất bình dị mà ý thâm thúy biết bao. Nó diễn tả biểu tượng NHÂN NGHĨA DÂN TỘC Lạc Việt ngàn đời. “Ở đời và Làm Người”- nền tảng của chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, đạo lý làm người ở trên đời, làm một người dân thường sống và đối xử với mọi người, trọn tình trọn nghĩa, trên hết là phục vụ tận tụy đất nước, gắn liền thân mình với số phận của toàn dân tộc, luôn luôn quan tâm đến hạnh phúc của toàn dân, đến tương lai rực rỡ của giống nòi.
Tình “thương người như thể thương thân”. Tình thương bẩm sinh vốn là truyền thống lâu đời nhưng được Hồ Chí Minh phát huy lên tầm cao là tình thương nhân loại lao khổ trong thời đại mà cuộc đấu tranh giai cấp đã lên tới mức gắt gao ở khắp các nước Tây phương của nền văn minh công nghiệp: chỉ có một số rất ít người cực kì giàu sang mà làm khổ làm nhục quần chúng đông đảo, đẩy tới đại đa số nhân loại lao động vào cảnh cùng khổ tối tăm. Vì thấm sâu trong máu tinh thần yêu nước và chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc mình mà Hồ Chí Minh chắt lọc được tinh hoa của chủ nghĩa Mác-Lênin đã thấm đậm cả trái tim mình, tính nhân đạo của chủ nghĩa cộng sản. Đó cũng là chất men tinh túy của tình “BÁC ÁI” Đại cách mạng Pháp, cũng là tinh túy của lòng “NHÂN” theo tinh thần thế giới đại đồng trong triết lý phương Đông. Rõ ràng văn hóa nhân nghĩa Lạc Việt là nền tảng cao đẹp của tư tưởng người Cộng sản Yêu nước Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh. Yếu tố văn hóa truyền thống đó là nhân tố sống động mà Hồ Chí Minh góp vào trào lưu Văn hóa Dân chủ HÒA BÌNH thế giới.
Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh có điểm đặc sắc là nó bao la rộng khắp, gắn yêu nòi giống mình với mọi giống người trên trái đất. Nghĩa là nó tô đậm tinh thần văn hóa hòa bình. Chắc không ai quên mẩu chuyện nhẹ nhàng này: khi chàng thanh niên yêu nước họ Nguyễn vừa đặt chân tới nước Lênin, cuối 1923- đầu 1924 thì một phóng viên trẻ tuổi báo Ngọn lửa nhỏ tới gặp. Hai bạn trẻ chuyện trò thoải mái. Anh phóng viên là một nhà thơ, sau buổi đã tường thuật: “Ông Nguyễn đang độ thanh xuân, chưa phải chiến sĩ của Quốc tế Cộng sản, mà Ông đã gây cho người đối thoại ấn tượng kỳ lạ (…). Từ Nguyễn Ái Quốc toát ra một nền văn hóa không phải như một nền văn hóa Âu Châu mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai… Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và thanh lịch chuộng điều độ và ghét thái quá. Qua cử chỉ cao thượng và tính trầm lặng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được cả ngay mai, thấy được viễn cảnh của tình hữu ái đoàn kết, bao la như đại dương…”.
Anh bạn phóng viên trẻ của nước Nga Cộng sản đã sớm phát hiện trong không trung mùi hương hoa sen thoát tục tỏa ra kín đáo qua nụ cười nhân từ, tươi mát, hình ảnh của cả một dân tộc xa xôi mà lại rất gần với tổ quốc mình- hương vị của một nền văn hóa- Hòa Bình thanh cao mà mọi người đang mong ước, sau Cách mạng tháng Mười Nga.
——-
Chú thích ảnh: Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam