Chủ quyền quốc gia là tối thượng
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an, khẳng định như vậy trước hành vi xâm phạm lãnh hải Việt Nam của tàu Trung Quốc.
– Ông Lê Văn Cương: Phải khẳng định đây là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Việc làm này vi phạm thô bạo Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ) và 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình mà Trung Quốc là một trong những nước khởi xướng, vi phạm Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc đã ký kết, Tuyên bố về ứng xử biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc và ASEAN năm 1982, vi phạm những cam kết quốc tế được công nhận rộng rãi khác mà Trung Quốc đã ký kết và công nhận.
– Việc làm của Trung Quốc có phải thể hiện tham vọng của họ ở biển Đông?
– Không những có tham vọng bành trướng mà còn ngang ngược và trắng trợn. Tàu hải giám Trung Quốc đã có những hành động “quan phương” chứ không phải là “phi quan phương” vì đây chính là những tàu quân sự của Trung Quốc được cải hoán chứ không phải tàu bình thường. Việc làm này đi ngược lại những cam kết trước đây của Trung Quốc. Mới cách đây 6 tháng, tháng 10-2010, Thủ tướng Trung Quốc đã có điện gửi những người đồng nhiệm ASEAN cam kết “Trung Quốc muốn tạo dựng một vùng biển hòa bình và hợp tác”.
– Trước phản ứng của phía Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cho rằng “Việt Nam đã tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển do Trung Quốc quản lý, làm tổn hại lợi ích và quyền quản lý của Trung Quốc ở “Nam Hải”, đi ngược lại nhận thức chung của hai nước về vấn đề biển Đông”. Ông nhận xét gì về phát biểu này?
– Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tỏ ra mâu thuẫn trong những phát ngôn của mình. Ngày 21-10-2010, tại Côn Minh, trong cuộc họp vòng 5 nhóm công tác về tình hình biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN, chính bà Khương Du đã công khai tuyên bố Trung Quốc luôn coi trọng cao độ, thực hiện nghiêm túc các cam kết nhằm tăng cường lòng tin chính trị, tạo điều kiện cho việc giải quyết tranh chấp, cùng nhau giữ gìn hòa bình ổn định ở biển Đông. Điều đó cho thấy Trung Quốc đã “nói một đằng, làm một nẻo”.
– Sau phản ứng của phía Việt Nam, chúng ta cần phải làm gì để thế giới hiểu thêm về hành động ngang ngược của Trung Quốc?
– Những tuyên bố của ta là đúng lúc, thiết thực nhưng chưa đủ. Chủ quyền quốc gia là tối thượng của một dân tộc, là vĩnh cửu, là trường tồn. Không ai có quyền được mặc cả độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia mình cả. Theo tôi, phải nói rõ việc làm của Trung Quốc đã vi phạm gì, vi phạm đến đâu sự độc lập của chúng ta, để cho thế giới biết chúng ta không kích động chủ nghĩa dân tộc mà là tinh thần tự tôn dân tộc.
Theo tôi, nhân dân Trung Quốc là những người hòa hiếu, muốn quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, nhiều nhà lãnh đạo có công xây đắp mối quan hệ Việt – Trung. Vì vậy, ta phải thông báo cho người dân Trung Quốc biết về những hành động của chính phủ họ. Phải củng cố quan hệ song phương với Trung Quốc, phải cho cộng đồng quốc tế biết. Đồng thời vừa phải mở mặt trận ngoại giao vừa phải tạo sự đồng thuận ở Việt Nam để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
– Nhận định của ông về diễn biến tiếp theo trên biển Đông là gì?
– Theo tôi, từ nay đến năm 2020, Trung Quốc vẫn “diễn” tiếp mấy trò như vừa qua. Việt Nam cần phải sẵn sàng ứng phó. Chúng ta không xâm phạm chủ quyền của bất cứ nước nào nhưng ai xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ta thì ta cũng đủ sức giáng trả tương xứng. Phải củng cố khối đoàn kết toàn dân, mặt trận thống nhất trên thế giới, đồng thời sẵn sàng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.