Chúng ta đã để lỡ mất rồi!
PGS-TS Nguyễn Văn Huy nói với tôi như vậy khi báo tin Giáo sư Nguyễn Văn Chiển vừa qua đời. Trái tim của một nhà khoa học chân chính vừa ngừng đập. Ông ra đi có còn điều gì băn khoăn, trăn trở? Còn với chúng tôi- những người đang mong muốn tìm hiểu về ông, về cuộc đời và những cống hiến khoa học của ông- thì vô cùng ân hận, bởi chúng tôi “đã để lỡ mất” vì sự quá chậm chạp của mình.
Tôi được biết đến GS Nguyễn Văn Chiển lần đầu tiên qua câu chuyện của GS-TS Nguyễn Vy*: “GS Chiển không quên ai cả. Tôi chỉ tham gia một chút vào công trình Tập bản đồ quốc gia Việt Nam (tên gọi khác là Atlas quốc gia), nhưng khi công trình được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, tôi cũng có tên trong đó và được chính ông mời đi nhận giải. Điều này không phải ai cũng làm được.”
Tìm hiểu về ông qua báo chí, tư liệu tôi biết ông là “người tìm đường lặng lẽ”, là “anh cả của ngành địa chất Việt Nam”, một người mà theo nhà văn Tạ Hòa Phương: “Không thể đếm hết những nẻo đường địa chất mà ông đã đặt chân, những con suối, dòng sông ông đã lội qua giữa những ngày đông giá,… Hình như lòng ham mê nghề nghiệp của ông là không bờ bến. Chẳng thế mà sau một thời kỳ trèo đèo, lội suối liên miên hàng tháng trời, trở về Hà Nội, ông tâm sự với học trò rằng: Cứ cảm thấy mặt đất dưới chân, nó chông chênh thế nào ấy… Có lẽ bởi vì mặt đất bằng phẳng, phố phường nhộn nhịp đó vốn không phải là môi trường sống và làm việc của một nhà địa chất thực thụ như ông…”. Nghề nghiệp cho tôi được cái vinh hạnh được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nhà khoa học nổi tiếng. Và với ai, tôi cũng được nghe nói về ông với tất cả sự kính trọng.
GS.NGND Nguyễn Văn Chiển – 60 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN, nguyên Viện phó Viện Khoa học Việt Nam, đã ra đi ở tuổi 91 vào hồi 11h40 phút ngày 21 tháng 7 năm 2009 tại nhà riêng ở Hà Nội. Tang lễ GS.NGND Nguyễn Văn Chiển đã được cử hành trọng thể ngày 25 tháng 7 năm 2009 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, và an táng hồi 15h cùng ngày tại quê nhà: Thôn Ngọc Nội, Xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, Tỉnh Bắc Ninh. |
Đầu tháng 6/2009, tôi còn nhớ rất rõ hôm đó là thứ hai, tôi được đi cùng PGS.TS Nguyễn Văn Huy, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn Di sản Tiến sỹ Việt Nam, đến thăm ông để chuẩn bị những cuộc phỏng vấn ông phục vụ cho ý tưởng một cuộc trưng bày của Trung tâm về “Khát khao học tập và sáng tạo của nhà khoa học”. Lên hết cầu thang ngôi nhà thuộc khu Tập thể Đại học Bách Khoa, tôi không tin vào mắt mình khi đứng trước cửa nhà ông. “Đây là nhà GS Chiển sao ạ?”- Tôi không dấu nổi sự ngạc nhiên trong câu hỏi với PGS Huy. “Ừ!”- Một câu trả lời gọn, không có bất cứ một giải thích nào thêm. Mặc cho tôi nhìn trân trân vào cái cánh cửa bằng gỗ dán đã đến thời kỳ không thể xuống cấp hơn, PGS Huy đưa tay lên gõ cửa. Và trong căn phòng không có gì đáng giá ngoài sách của vị GS đáng kính, tôi đã được nghe biết bao điều trăn trở của hai nhà khoa học với đất nước. GS Chiển khi đó vừa mới ốm dậy, giọng ông nghe thật yếu ớt, nhưng tôi cảm nhận được những gì ông lo lắng, khắc khoải, đau đớn không phải là sức khỏe của mình, không phải là những tiện nghi vật chất mà lẽ ra đối với một người có nhiều cống hiến như ông xứng đáng được hưởng mà là những vấn đề đang xảy ra trong xã hội như: vấn đề giáo dục, y tế; vấn đề Tây nguyên và bô-xit Tây Nguyên… Có lẽ sẽ không bao giờ tôi quên được ánh mắt nhìn thật buồn, giọng nói đầy chua xót của ông: “Một đất nước một thời gian dài đặt trí thức xuống cuối cùng, Công-Nông-Binh-Trí thức, và cho đến nay trí thức vẫn chưa thực sự được coi trọng, được lắng nghe thì đất nước sao phát triển tốt được? Các nhà khoa học giỏi nhất cũng chỉ là những bông hoa tô điểm mà thôi…”. Nỗi niềm của một nhà khoa học đã đi gần hết cuộc đời này tôi cũng đã được gặp lại trong một bài viết của ông với tựa đề “Nỗi niềm tâm sự” đăng trên trang Tia Sáng ít ngày sau cuộc gặp gỡ nói trên. Ông viết bài này khi đọc “Sao để họ đứng ngoài cuộc” (Tia Sáng) của GS Phạm Duy Hiển. “…Tôi có cảm giác rằng một số chương trình khoa học khá tốn kém của Nhà nước rốt cuộc biến thành những vật trang trí!…”.
Sau bao cuộc điện thoại liên hệ, lần thứ hai tôi được gặp ông thì lại ở trong… bệnh viện. Ông bị choáng, ngã khi vừa đi dự một cuộc Hội thảo do tạp chí Tia Sáng tổ chức. Tôi xót xa nhìn ông: ông còn gầy yếu hơn cả lần gặp trước. Nhưng cũng như lần trước, ông không mặn mà lắm với những câu hỏi về sức khỏe của tôi. Ánh mắt của ông tinh anh hơn, giọng nói khỏe khoắn hơn khi ông nói với chúng tôi về công việc. “Việc nghiên cứu, bảo tồn di sản các nhà khoa học của các cháu là tốt, nhưng rất khó. Làm thế nào để phân biệt thật giả? Chúng ta nhầm ít thì còn chấp nhận được. Nhưng nếu nhầm nhiều thì vô hình trung chúng ta đã làm hại cho đất nước vì sự vinh danh ấy.” Ông cũng khuyên chúng tôi nhiều điều về sự trung thực: “Không phải chỉ riêng công việc của các cháu, nghề gì cũng cần sự trung thực. Đừng bao giờ thấy sự thiếu trung thực có lợi cho mình mà làm. Làm nghề bảo tàng cũng như người nghiên cứu sử, thiếu trung thực sẽ làm sai lệch lịch sử của cả một đất nước, gây nguy hại cho các thế hệ sau…”
Chúng tôi muốn nói chuyện với ông nhiều nhưng không dám vì thấy ông đã mệt. Tôi đỡ ông nằm xuống giường và hẹn sẽ lại đến thăm ông. Bắt tay tôi, ông bảo: “Ừ, mấy hôm nữa bác về, bác cháu mình lại gặp nhau.” Nhưng… tôi đã lỡ hẹn với ông. Tôi đã không kịp gặp ông nữa. Giá như tôi liên lạc thường xuyên hơn với ông, giá như… Một trăm lần giá như, một ngàn lời ân hận bây giờ cũng đã muộn. Tôi đã không thể gặp được ông nữa. Ý tưởng quay một buổi phỏng vấn về ông vĩnh viễn tôi không thể thực hiện được. Ông đã mang theo những di sản, những tri thức, kinh nghiệm đúc rút bao năm tháng làm khoa học của mình. Chúng tôi đã để lỡ…
Vĩnh biệt ông, vĩnh biệt Thầy, vĩnh biệt một con người chỉ biết đến hai từ “cống hiến”. Vĩnh biệt một nhà khoa học mà cho đến cuối đời vẫn đau đáu một nỗi niềm: “Hy vọng trong thời gian tới, các dự án phát triển, nhất là các dự án trọng điểm của đất nước, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học không còn bị trở thành vật trang trí.”
* Nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng, Nông hóa