Chuyển đổi điện năng của Việt Nam: Ai sẽ chi trả ? (Kỳ 1)
Tiền đâu để Việt Nam có thể chi trả cho việc phát triển hệ thống điện bắt kịp sự phát triển kinh tế? Và liệu có cách nào để các tập đoàn nhà nước tự chủ tài chính mà không tăng giá điện trung bình trên mỗi người dân không?
Bài viết dưới đây được chia làm hai phần, trong phần I này thảo luận về việc có thể giảm chi phí phát triển hệ thống bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo thay cho năng lượng hóa thạch và thúc đẩy việc tiết kiệm điện. Nhưng kể cả vậy, đó mới chỉ giải quyết được một nửa vấn đề.
Khủng hoảng liên tiếp
Chúng ta cần chuẩn bị tinh thần bởi thế kỉ này đang bước vào một giai đoạn đầy biến động. Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố đại dịch COVID-19 vào tháng 3/2020 và cho tới tháng 5/20221, số người tử vong vì đại dịch đã lên đến 21.4 triệu người. Phong tỏa và các biện pháp khác để đối phó với đại dịch đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu: nền kinh tế toàn cầu giảm 3.5% năm 2020, nghĩa là giảm khoảng 7% so với dự báo trước đó là tăng trưởng 3.4%2. Nhu cầu tiêu dùng giảm trong cuộc khủng hoảng đẩy giá nhiên liệu hóa thạch tới mức thấp chưa từng có: chẳng hạn như giá khí đốt tự nhiên ở Bắc Á (chỉ số ANEA) từ đỉnh là 6.5 USD/MMBtu (1 triệu đơn vị nhiệt Anh) vào 10/2019 xuống mức 1.8 USD/MMBtu vào tháng 5/20203.
Nền kinh tế thế giới phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021 nhưng cuộc chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022 lại kéo lùi triển vọng thế giới hồi phục về mức tăng trưởng kinh tế cân bằng. Giá năng lượng leo thang: vào tháng 3/2022, giá khí đốt tự nhiên ở châu Á đã tăng tới mức trung bình tháng là 39.3 USD/MMBtu. Trong thời điểm đó, hàng loạt cơ sở cung cấp điện chuyển sang dùng nhiều than hơn thay vì khí đốt. Lượng khí thải CO2 tăng hơn hai tỉ tấn vào năm 2021, trở về mức cao nhất trong lịch sử4. Một thực tế chắc chắn giờ đây là biến đổi khí hậu do con người ngày một lan rộng, nhanh chóng mạnh mẽ, gây ra những đứt gẫy nguy hiểm rộng khắp trong thiên nhiên và ảnh hưởng tới đời sống của hàng tỉ người: vòng tuần hoàn của nước hỗn loạn và nhiệt độ cao bất thường, với nhiệt độ kỷ lục đo được đạt tới 38.5oC ở Mái vòm C trên cao nguyên Nam Cực được đo vào ngày 28/3 vừa qua.
Tóm lại, năm 2022, thế giới đối mặt từ khủng hoảng sức khỏe tới khủng hoảng năng lượng, cộng thêm vấn đề của giá cả tăng cao từ năm 2021, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ở mức nguy cấp. Trước những thách thức đó, sự ứng phó của Việt Nam tương đối tốt hơn so với trung bình. Tới tháng 5/2022, số ca tử vong vì COVID-19 là 438 trên một triệu người, so với con số trung bình là 797 trên thế giới. Khi nền kinh tế thế giới năm 2020 suy giảm 3.5%, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2.9%. Theo Tổng cục Thống kê của Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng trung bình chỉ tăng 1.8% vào năm 2021, so với 4.7% ở Mỹ5.
Giá nhiên liệu hóa thạch vẫn cao
Thị trường dầu và khí đốt hồi phục sau cơn sốt tháng Hai – tháng Ba. Nhưng giá của chúng vẫn tăng so với trước khi đại dịch COVID xảy ra (xem Hình 1). Nhiên liệu hóa thạch gần như trở thành một loại tài sản hoặc cổ phiếu: các nhà phân tích dành rất nhiều nỗ lực tìm hiểu nhưng vẫn chưa thể dự báo giá tương lai của chúng. Xu hướng chung vẫn là sự bất định sâu sắc và tiềm ẩn đầy những bất ngờ. Trong giới hạn của những dự báo này, chúng tôi cho rằng có hai nguồn lực thúc đẩy giá thị trường tiếp tục cao trong ba năm tới: sự bất định của địa chính trị và chính sách khí hậu.
Về sự bất định địa chính trị: Sau khi khủng hoảng COVID thuyên giảm, giá dầu thô bật tăng trở lại mức 100 USD một thùng trong sự phục hồi mạnh mẽ năm 2021. Chiến tranh Nga-Ukraine phủ định bất kì một kì vọng nào về giá sẽ quay lại mức trước đại dịch. Xuất khẩu dầu và khí đốt từ Iran và Nga đang phải đối mặt với những rào cản chính trị gay gắt. Nền công nghiệp đá phiến dầu của Mỹ tiết giảm tốc độ mở rộng quy mô để bảo toàn vốn, khiến khả năng tăng quy mô sản xuất bị giới hạn. Do đó, thị trường dầu thô vẫn tiếp tục bị liên minh OPEC+ vốn muốn duy trì giá cao điều chỉnh.
Công nghệ phát điện phân tán hàng đầu hiện nay để giảm nhu cầu điện năng từ lưới điện là điện mặt trời mái nhà.
Về chính sách khí hậu: Xét về giới hạn vật chất, các cơ sở hạ tầng mới dựa trên năng lượng hóa thạch không còn được chấp nhận. Lượng carbon chỉ định cho nhiên liệu hóa thạch đã bị khai thác vượt giới hạn tương đương với nhiệt độ nóng lên toàn cầu là 1.5oC6. Xét về kinh tế: khi càng nhiều chính sách khí hậu mạnh tay với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đánh thuế carbon cao và không được trở giá, việc mở rộng các khu vực khai thác và mỏ lại càng khó thu lợi nhuận hơn. Đó là lí do tại sao dòng tiền lại đổ về các ngành công nghiệp khác, giải thích nguyên nhân các công ty dầu mỏ và khí đốt liên tục lép vế hơn hẳn các ngành kinh tế khác trên thị trường chứng khoán trong suốt 15 năm qua. Ít đầu tư vào năng lực sản xuất đồng nghĩa với giảm nguồn cung, dẫn đến giá cao. Lấy ví dụ như thị trường Khí tự nhiên hóa lỏng đã và sẽ gặp trở ngại về nguồn cung và sẽ tiếp tục như vậy trong nhiều năm tới bởi các cơ sở hóa lỏng mới chỉ vừa bắt đầu được xây dựng thêm.
Giá nhiên liệu hóa thạch cao sẽ làm tăng lạm phát. Trong năm tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng trung bình đã tăng 2.25% ở Việt Nam so với cùng kì năm 2021, chủ yếu là do tăng 16.6%7 chi phí vận chuyển. Ngoài giao thông vận tải, giá năng lượng tăng cao còn ảnh hưởng tới những ngành kinh tế khác của Việt Nam. Dầu mỏ và khí đốt được dùng để sản xuất phân bón – nguyên liệu để sản xuất ra lương thực của chúng ta. Hóa chất, sắt, thép, xi măng, bột giấy, giấy và nhôm cũng đều là những ngành dùng nhiều năng lượng. Hơn nữa, nếu một quốc gia dựa vào nhập khẩu than và khí đốt để sản xuất điện, giá nhiên liệu cao sẽ khiến giá điện tăng.
Đó là điều mà Việt Nam dự định làm – nhập khẩu nhiên liệu. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, 23 GW điện khí được dự kiến xây dựng từ nay đến năm 2030. Hình 2 thể hiện cơ sở chứa khí hóa lỏng nhập khẩu đang được thi công ở Thị Vải, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4.
Năm 2019, dự án Điện khí hóa lỏng Bạc Liêu (LNG Bạc Liêu) được bổ sung vào Quy hoạch tổng thể điện lực quốc gia sau khi các nhà đầu tư đề xuất bán điện ở mức 7 UScent/kWh. Con số này giờ đây có vẻ như quá lạc quan. Vấn đề là, một nhà máy điện khí hóa lỏng muốn bán điện ở giá 8-9 UScent/kWh, thì giá đầu vào của khí hóa lỏng phải trong khoảng 12 USD/MMBtu. Nếu giá khí hóa lỏng là 40-50USD/MMBtu, thì giá bán điện không thể thấp hơn 20UScent/kWh. EVN sẽ chỉ mua một lượng điện rất hạn chế với mức giá đó.8
Khí hóa lỏng giao ở châu Á có giá 20USD/MMBtu vào mùa hè năm 2022. Mọi công ty tư nhân đang có dự án điện khí hóa lỏng được phê duyệt ở Việt Nam đều không có biến chuyển gì về tình hình kinh tế. Họ sẽ không đầu tư nếu không thấy được triển vọng lợi nhuận. Giá khí hóa lỏng quá cao, các dự án này sẽ bị đình hoãn.
Điện tái tạo tránh giá nhiên liệu nhưng gặp giá hệ thống
Đây không phải là lần đầu tiên các dự án mở rộng nhiệt điện bị trì hoãn ở Việt Nam. Điều này đã xảy ra từ vài năm về trước9. Chính sách đối phó với việc thiếu điện là xây dựng thêm nhiều nguồn điện tái tạo.
Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân ban đầu được dự kiến có bốn dự án. Bức ảnh cho thấy chỉ có ba trên bốn dự án này được triển khai. Khu đất thứ hai từ trái sang bị để trống (quan sát dấu đỏ có ngôi sao). Đó là dự án nhà máy điện Vĩnh Tân 3 có công suất lắp đặt 1980 MW, dự kiến nối lưới vào năm 2018. Nhưng nhà đầu tư chính là One Energy (Hong Kong) rút khỏi dự án. Giờ đây khu vực này được bao quanh bởi các trang trại điện mặt trời (quan sát các dấu xanh có chấm). Năm 2017, Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ khơi mào cho ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam bằng cách công bố giá mua điện đầu vào là 9,35 UScent/kWh đối với các dự án điện mặt trời áp mái. Năm 2018, Quyết định 39 tiếp tục đưa ra giá mua điện đầu vào là 8,5 UScent/kWh đối với các dự án điện gió trên bờ, và 9,8 USccent/kWh đối với điện gió ngoài khơi. Điều này dẫn đến sự gia tăng công suất điện lắp đặt tái tạo, chủ yếu đến từ các nhà đầu tư tư nhân.
Các biểu giá bán điện nêu trên không bền vững cho cân đối tài chính của EVN. Giá điện bán lẻ của Việt Nam hiện nay là 8.3 UScent/kWh theo Quyết định 658/QĐ-BCT từ năm 2019. Một công ty không thể tồn tại trong dài hạn nếu nó bán lẻ còn rẻ hơn là giá mua buôn! May mắn thay có khả năng cao là giá mua điện từ làn sóng của các cánh đồng điện gió và điện mặt trời sắp tới nhiều khả năng sẽ thấp hơn. Dù giá các mô-đun pin mặt trời và turbine gió có thể sẽ không giảm nhanh như trước đây chủ yếu là do lạm phát trong chi phí nguyên liệu và vận chuyển, nhưng ngành này ở Việt Nam đã trưởng thành hơn so với thời điểm 2017-2018 và đã có nhiều tiến bộ kĩ thuật trong vòng năm năm qua. Theo tài liệu gần đây10, “chi phí sản xuất điện gió ngoài khơi trung bình trên toàn cầu giảm 56% từ năm 2010 đến năm 2020, từ 0.089USD/kWh vào năm 2010 đến 0.039/kWh vào năm 2020” và “chi phí sản xuất và nối lưới với dự án điện mặt trời giảm 85% từ năm 2010 đến năm 2020”.
Hơn nữa, giá tiền điện tái tạo ở Việt Nam sẽ thấp hơn giá hiện nay vì phương thức mua sắm điện sẽ dựa trên thị trường: đấu giá cạnh tranh và thỏa thuận mua điện trực tiếp. Kết quả của các cuộc đấu giá điện mặt trời và gió ở các nước khác đều dẫn đến giá điện mua vào thấp hơn con số ở Việt Nam đưa ra vào năm 2017-2020. Ví dụ giá điện mặt trời thấp nhất trong các cuộc đấu giá, chỉ khoảng 1.3 UScent/kWh đã từng xuất hiện ở Abu Dhabi, Bồ Đào Nha và Chile. Tuy nhiên, cũng phải xem xét đến một thực tế rằng chính sách đất đai cũng như cơ chế cấp phép dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam và các quốc gia khác là không giống nhau.
Tóm lại, các nhà máy điện gió và điện mặt trời có thể xây dựng trong một đến hai năm và không tốn chi phí nhiên liệu đầu vào, do đó về lâu dài giá điện tái tạo rẻ hơn giá nhiệt điện. Điện tái tạo cần nhiều vốn đầu tư ban đầu hơn nhưng dòng vốn này không nhất thiết phải đến từ ngân sách nhà nước. Phần lớn dự án điện tái tạo của Việt Nam là từ nguồn vốn đầu tư tư nhân. Vậy thì chẳng phải bài toán chuyển dịch điện năng đã giải quyết xong rồi chăng?
Rất tiếc là không. Huy động vốn tư nhân xây dựng các dự án điện tái tạo mới chỉ giải quyết được một nửa vấn đề. Phát triển một hệ thống điện đáng tin cậy cần nhiều hơn là việc chỉ xây dựng nhiều nhà máy sản xuất điện tái tạo. Nó đòi hỏi a) mạng lưới truyền tải và phân phối điện hiệu quả, b) công suất dự phòng cho những thời điểm các nguồn điện tái tạo không hoạt động và c) các giải pháp linh hoạt để bù đắp cho những thời điểm điện gió và điện mặt trời không ổn định. Cho tới năm 2022, truyền tải điện là vấn đề cấp bách nhất: nhiều nhà máy điện mặt trời và gió phải giảm công suất vì lưới điện không thể truyền tải tới khách hàng. Các nhà máy điện khí tự nhiên và thủy điện hiện có cung cấp công suất dự phòng và cung cấp giải pháp linh hoạt cho điện tái tạo. Nhưng các nhà máy này sẽ là không đủ nếu lượng điện gió và điện mặt trời tăng nhanh chóng. Trước khi thảo luận về việc ai sẽ chi trả cho đầu tư nâng cấp hệ thống, hãy thử xem liệu có thể tránh khỏi điều này không?
Ai sẽ chi trả cho…nhu cầu giảm?
Câu trả lời hay nhất cho vấn cấp vốn cho tăng công suất truyền tải bổ sung, các nguồn năng lượng dự phòng và những giải pháp linh hoạt là: tránh phải cần đến chúng. Có những cách thức để giảm đòi hỏi tăng trưởng của hệ thống điện đó là: Chính sách sử dụng điện hiệu quả, phát điện phân tán chẳng hạn như sáng kiến lắp đặt hệ thống pin mặt trời mái nhà và các chương trình linh hoạt giảm nhu cầu điện:
Sử dụng điện hiệu quả hơn, thường liên quan đến việc đầu tư vào các thiết bị mới và thực hiện các thực hành quản lý năng lượng thông minh hơn. Tiết kiệm điện năng sẽ dẫn đến tiết kiệm chi phí và nhờ đó bù đắp lại chi phí đầu tư. Những đối tượng sử dụng điện, dù là công ty tư nhân, hộ gia đình hay cơ quan nhà nước, tự xác định và đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm điện năng đem lại lợi ích tối đa. Kể cả người sử dụng điện không triển khai các sáng kiến đó, thì những công ty dịch vụ điện năng vẫn có động cơ đầu tư vào các hình thức cải tiến hiệu suất điện năng, và nhận tiền từ một tỉ lệ điện năng tiết kiệm được trong thực tế. Mô hình này đã chứng tỏ hiệu quả ở nhiều quốc gia, nhưng chưa có ở Việt Nam. Trung bình, nền kinh tế Việt Nam đang sử dụng điện kém hiệu quả hơn các nước có trình độ tương đương. Nói cách khác, Việt Nam có tiềm năng tiết kiệm được một lượng điện nhưng chưa thực hiện. Nhà nước cần can thiệp để thúc đẩy các dự án sử dụng điện hiệu quả.
Công nghệ phát điện phân tán hàng đầu hiện nay để giảm nhu cầu điện năng từ lưới điện là điện mặt trời mái nhà. Khởi đầu từ 378 MWp vào năm 2019, công suất điện mái nhà ở Việt Nam đã tăng lên 9.6 GWp vào năm 2020 với hơn 100.000 hệ thống khắp Việt Nam (xem solar.evn.com.vn). Nhiều hệ thống áp mái không do chủ tòa nhà lắp đặt mà do khối tư nhân cấp vốn. Năm 2021, cơ chế khuyến khích đầu tư vào khu vực điện mặt trời áp mái hạ nhiệt, nhưng các công ty công nghiệp tư nhân và các hộ gia đình vẫn còn nhu cầu về các nguồn điện trung hòa carbon. Cũng vẫn có tiềm năng trang bị điện mặt trời áp mái cho khu vực công như trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính. Nếu thêm pin lưu trữ và công tơ hai chiều kết nối thông minh, hệ thống điện áp nhà có thể đem lại nhiều lợi ích về mặt công nghệ đối với lưới điện hơn là đơn giản chỉ giảm tải cho nhu cầu điện vào ban ngày. Hai giải pháp này sẽ hiệu quả về mặt kinh tế hơn nhiều trong vòng 10 năm tới.
Quản lý đáp ứng nhu cầu điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện của người tiêu dùng: Các chương trình giảm cầu thường được các công ty điện vận hành. Có vẻ vô lý khi yêu cầu một công ty bán điện giảm nhu cầu dùng điện của khách hàng – kể cả đó là công ty nhà nước. Nhưng có những thời điểm trong ngày các công ty điện bán lỗ, đặc biệt là khi phụ tải điện đạt đỉnh và buộc phải dùng điện từ nguồn turbin khí đắt đỏ. Trong trường hợp đó, giảm cầu vào giờ cao điểm mới đem lại lợi nhuận cho công ty điện, và tránh được việc phải xây dựng thêm các cơ sở phát điện. Các thiết bị thông minh và công nghệ internet vạn vận hứa hẹn đem lại những cơ hội thú vị cho việc quản lý nhu cầu điện năng.
Phần lớn đầu tư cho việc giảm cầu điện sẽ đến từ khối tư nhân. Vai trò của nhà nước là phải tạo điều kiện cho thị trường đó, có thể bắt đầu từ các điển hình. Trong một xã hội trung hòa carbon, tất cả mọi cấp hành chính – Trung ương, tỉnh, thành phố – đều sẽ phải cung cấp các dịch vụ công xanh và thông minh. Điều này chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Nhưng dù các giải pháp giảm cầu có hiệu quả đến mấy cũng vẫn chưa đủ để Việt Nam không phải tăng đầu tư mở rộng hệ thống điện. Hình 4 chỉ ra rằng lối sống của các quốc gia thu nhập cao cần gấp bốn lần lượng điện mà Việt Nam sản xuất ngày nay. Các quốc gia thu nhập cao đang đi trước trong việc giảm thiểu khí thải nhà kính và nỗ lực chuyển hướng sang giảm sản xuất điện từ năm 2007. Vào thời điểm kinh tế xã hội của Việt Nam đạt đến mức thu nhập cao, các tiến bộ công nghệ có thể cho phép người ta sống thoải mái với chưa đầy 8000 kWh mỗi năm. Nhưng con số đó vẫn lớn hơn rất nhiều so với những gì ta có bây giờ, và Việt Nam không thể tránh khỏi việc phát triển hệ thống điện.
(Còn tiếp)
Hảo Linh dịch
Dương Thọ (Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam – VIET SE) hiệu đính
——
Tài liệu tham khảo:
Hannah Ritchie et al., “Coronavirus Pandemic (COVID-19),” Our World in Data, May 23, 2022, https://ourworldindata.org/excess-mortality-covid.
2Eduardo Levy Yeyati and Frederico Filippini, “Social and Economic Impact of COVID-19,” Working Paper, Brookings Global (Brookings, June 2021), https://www.brookings.edu/research/social-and-economic-impact-of-covid-19/.
3Rystad Energy, “Global Gas Report 2022” (International Gas Union / SNAM, May 2022).
4IEA, “Global Energy Review: CO2 Emissions in 2021” (International Energy Agency, March 2022), https://www.iea.org/topics/global-energy-review.
5Jongrim Ha, Ayhan Kose, and Franziska Ohnsorge, “One-Stop Source: A Global Database of Inflation,” Text/HTML, Policy Research Working Paper (Washington, DC: World Bank, 2021), https://www.worldbank.org/en/research/brief/inflation-database.
6Kjell Kühne et al., “‘Carbon Bombs’ – Mapping Key Fossil Fuel Projects,” Energy Policy, May 12, 2022, 112950, https://doi.org/10.1016/j.enpol.2022.112950.
7Nguyen Thi Thanh Huyen, “Consumer Price Index, Gold and USD Price Indexes in May of 2022,” General Statistics Office of Vietnam, May 29, 2022, https://www.gso.gov.vn/en/data-and-statistics/2022/05/consumer-price-index-gold-and-usd-price-indexes-in-may-of-2022/.
8NGUYỄN HUY HOẠCH, “Giá LNG tăng cao và vấn đề phát triển nguồn điện khí ở Việt Nam = High LNG price and the problem of gas power development in Vietnam,” Năng lượng Việt Nam Online, March 29, 2022, https://nangluongvietnam.vn/gia-lng-tang-cao-va-van-de-phat-trien-nguon-dien-khi-o-viet-nam-28490.html.
9Hoàng Quốc Vượng, “Report 58/2019/BC-BCT on the Progress of Implementing Some Key Power Source Projects in PDP VII Revised – Tình Hình Thực Hiện Các Dự Án Điện Trong Quy Hoạch Điện VII Điều Chỉnh” (MOIT, EREA, June 4, 2019), http://moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/tinh-hinh-thuc-hien-cac-du-an-%C4%91ien-trong-quy-hoach-%C4%91ien-vii-%C4%91ieu-chinh-15534-22.html.
10IRENA, “Renewable Technology Innovation Indicators: Mapping Progress in Costs, Patents and Standards” (Abu Dhabi: International Renewable Energy Agency, March 2022), https://www.irena.org/publications/2022/Mar/Renewable-Technology-Innovation-Indicators.