Chuyện gọi đúng tên

Nhiều người hôm nay chán ngán với tình trạng rối loạn về các tên gọi bát nháo ở khắp nơi. Sự rối loạn về tên gọi trong xã hội tất nhiên rất cần được cảnh báo.

Ai cũng mong có được các tên gọi giản dị, chính xác nhất trong phạm vi có thể. Ví dụ, nếu một sự cố rất nghiêm trọng xảy ra trong xã hội, mà rồi cuối cùng chỉ có tình trạng «kiểm điểm rút kinh nghiệm của tập thể», thì tình trạng đó cần được gọi là tình trạng «không thể truy cứu được trách nhiệm». Như thế tình trạng này hẳn sẽ rõ ràng hơn ra, và buộc chúng ta phải tìm cách tháo giải nó.

Câu chuyện mong mỏi hãy cố gắng «gọi đúng tên» sự vật, bất cứ ai cũng có nhu cầu này.

Nói chuyện này, một số người có thói quen hay nối cái nhu cầu «gọi đúng tên» giản dị với một vấn đề lịch sử nổi tiếng hơn nhiều, «thuyết chính danh của Khổng Tử».

Như thế, chuyện bé bị xé nghe kêu thật to đã đành, mà bản thân câu chuyện lại bị kê lệch đi.

Bản thân ông Khổng Tử quan tâm chính yếu đến chuyện chính trị, đức trị, và đặc biệt là lễ trị, sao cho các xã hội nhiễu nhương thời ông đang sống sẽ trở về lại được khuôn phép như thời nhà Chu lý tưởng của ông. Thời Khổng Tử sống là thời loạn lạc, việc tôi giết vua, con giết cha thường thấy xảy ra.

Một lĩnh vực cọ sát sàn sạt đời sống xã hội của mỗi chúng ta là vấn đề luật pháp. Các khái niệm của luật pháp thì không thể lơ mơ giải nghĩa tùy theo tâm trạng của quan tòa được.

Nên chuyện «chính danh» của Khổng Tử liên quan chính yếu đến «danh phận» trong xã hội, và ông Khổng Tử nổi tiếng được cũng nhờ ở chỗ đó. Câu nói nổi tiếng của ông về chính danh là lời kêu gọi «quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử», «vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, bố cho ra bố, con cho ra con». Ông hy vọng một khi đã định lại được danh phận đâu ra đấy, lễ nhà Chu sẽ thực hành lại được, và xã hội sẽ vào lại khuôn phép trật tự như xưa.

Về sau này các triều chính Đông Á lại hóa ra mê Khổng giáo, vì «quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử» thì cũng rất có lợi cho tôn ti trật tự một chiều để củng cố các triều chính. Tất thảy được đẩy lên tới cực đoan: “vua xử bề tôi chết, bề tôi  không chịu chết là đồ bất trung; bố xử con chết, bề con không chết là đồ bất hiếu”. Không còn bóng dáng của lý tưởng tự do, của quyền làm người, của bay bổng học thuật, văn hóa, nghệ thuật, khoa học.

Nếu ta dùng chữ « chính danh » theo nghĩa đời thường là « gọi đúng tên », thì không việc gì phải phiền huy động cả Khổng Tử tham gia vào đây, vì ai cũng thấy cái nhu cầu thiết thực hàng ngày này rồi. Nhưng không nên và không cần nhầm cái nhu cầu phổ biến này với cái « thuyết chính danh » lịch sử nọ của Khổng Tử.
—-
Còn làm sao «gọi đúng tên» được các sự vật, thì lại là mênh mông.

Tên gọi là một phép gán của một từ vào một đối tượng, và nếu những từ đã tồn tại từ lâu đời thì phép gán này có tính quy ước lịch sử của nó. Tỉ như chúng ta gọi cái thể chế công quyền là «nhà nước», chữ «nhà» trong đây có vấn đề của lịch sử.  Các biểu đạt cũng thế, mang nhiều tính quy ước văn hóa lịch sử. Nói «ba cây chụm lại nên hòn núi cao», chữ «cây» ở đây là nghĩa gì vậy ?

Như vậy công việc quan trọng hơn, là trong một lĩnh vực đã xác định, cần xây dựng các khái niệm được định nghĩa rõ ràng về các đối tượng, sao cho các khái niệm này chứa đựng các tri thức mang độ chính xác cao về các đối tượng, rồi xây dựng các lý thuyết hoàn chỉnh từ các khái niệm đó. Để rồi chúng ta có thể làm việc hiệu quả với các khái niệm của các lý thuyết này, mà thước đo tính hữu hiệu của các lý thuyết này là khả năng can thiệp vào thế giới các đối tượng một cách chính xác, hiệu quả, đem lại nhiều ích lợi bền vững cho đời sống.

Và câu chuyện «gọi đúng tên» rộng ra cần được hiểu như một quá trình cố gắng tiến lên về năng lực hiểu biết chính xác, phong phú về thế giới tự nhiên, thế giới con người, cùng với việc mở mang những năng lực để quản trị, để sáng tạo đời sống của chúng ta nhiều vui hạnh.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)