Chuyện Tết Tây Tết Ta, lịch Tây lịch Ta
Về môn dùng lịch, người Việt theo chủ nghĩa đa nguyên quyết liệt, từ thường dân cho chí quan trường nước nhà.
Nhiều gia đình ở Việt Nam vẫn tự tay gói bánh chưng nhân dịp Xuân về. Ảnh: baoninhbinh.org.vn
Lịch Tây, người Việt dùng nó quanh năm, nhưng nó là “Tây”. Lịch Tàu, người Việt dùng nó đôi khi, nhưng nó là “Ta”. Cái này, phải rất rõ ràng.
Nếu bạn muốn chúc mừng ngày sinh của ai đó, từ trẻ em cho tới các bậc quyền trọng, nhớ nhé, lịch Tây ạ! Không ai lại đi hát “Happy birthday to you”, rồi quà cáp, với thổi nến, vào cái ngày sinh lịch Ta của họ cả. Báo chí cũng thế, nếu bạn muốn viết một bài kỉ niệm ngày sinh của các nhân vật quan trọng của thời nay, nhớ nhé, ngày sinh lịch Tây.
Nếu kỉ niệm ngày mất của người nào trong gia đình ai đó, hãy hỏi họ trước, xem gia đình kỉ niệm người ấy theo lịch gì. Nói chung, kỉ niệm ngày mất theo lịch Ta thì bí hiểm hơn, phải quy đổi, phải bấm ngón tay, phải nhăn trán, không phải ai cũng tính ra ngay được ngày Ta đâu, nên linh thiêng hơn, đốt vàng đốt mã sẽ có nhí nhẽ hơn. Tôi có mấy anh bạn rất trẻ, nhưng đã rất nổi tiếng về các môn xem đất, cắt ngày, đặt tháng, tử vi, tướng học, số học, hậu tri, tiên tri, chỉ không sành lắm về môn hiện tri thôi. Mấy anh ấy lúc uống bia bao giờ cũng nhắn nhe tôi “anh mà trót viết gì về lịch Ta, lơ vơ thôi nhé, kẻo toi đường cơm áo của bọn em”. Các nhà quân sư hoạch định, các nhà đánh quả, và kể cả các tay trộm quả, bao giờ cũng phải có lịch Ta trong đầu: làm việc gì, gặp ai, xuất quân lúc nào, chân trái hay chân phải đưa ra trước, lòng lợn-tiết canh vịt-thịt chó lúc nào… nhất cử nhất động phải chiểu theo lịch Ta, quên nó, là y như rằng mất dép.
Nhưng không thể có quy tắc “một ăn một” ở đây đâu. Dễ thế, thì viết bài này làm gì.
Ngày mất của một nhà blogger hiện đại, phải lịch Tây nhé, lịch Ta thì còn quái gì tính hiện đại. Thế còn viết một bài báo để kỉ niệm ngày mất của các nhân vật quan trọng của thời nay, nhớ nhé, gọi điện hỏi ông chủ hay bà chủ của tòa báo trước, để họ còn kịp xin ý kiến lên trên nữa, xem rằng với nhân vật ấy, thì kỉ niệm ngày mất theo lịch gì. Tây ạ, hay Ta ạ, hay cả hai ạ?
Các ngày kỉ niệm các sự kiện lịch sử thì thế nào bây giờ? Lịch sử của chúng ta, về lịch học, tôi chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn Âm Sử, theo lịch Ta, và giai đoạn Dương Sử, theo lịch Tây.
Ranh giới giữa hai giai đoạn này, thì phải biết áng chừng, thông minh là ở chỗ này. Chả có cách nào khác.
Ngày Quang Trung đại phá quân Thanh, ngày Âm. Ngày quân Pháp nổ súng vào thành Hà Nội, ngày ấy, vừa Âm, vừa Dương, tùy từng chi tiết bên phía Tây phía Ta. Ngày kí hiệp định Paris về Việtnam, ngày Dương. Ngày các cụ già Thanh Hóa dùng súng trường bắn rơi máy bay vào ban đêm, không viết ngày Âm đâu nhé.
Phức tạp đến như thế, nhưng có chí, thì nên, người Việt vận hành thành thạo cả hai cái lịch Tây Ta này, thành một cái lịch đa nguyên luận trôi chảy, chẳng thấy ai chết vì như thế cả.
Cứ bắt đầu từ mười lăm tháng Chạp lịch Ta trở đi (các bạn trẻ, kể cả tôi, rất hay nhầm tháng Chạp lịch Ta với tháng Mười-hai của lịch Tây đấy nhé), cả cái xã hội Việt bỗng quay ngoắt trở về sống với lịch của hàng trăm năm trước đó”. Mấy vị người Tây ở xứ Ta vào mấy ngày này bị mất toi phương hướng hoàn toàn, chuyện thường. Sau một hồi khó chịu, lại thấy cũng hay hay.
Các nhân viên của các công sở bắt đầu chơi trò đếm thuận, nhưng tính ngược, xem còn bao nhiêu ngày nữa thì là Tết? Càng ở cơ quan to, công việc càng thoáng, đếm tính càng hăng. Thỉnh thoảng cũng nhầm với nhau, phút chốc thành tiểu hội nghị khoa học. Còn hơn là ngồi không.
Mà thế thật. Lòng người bỗng cứ thoáng dần, nhẹ dần. Rồi lâng lâng.
Mình chợt thoát ra khỏi được cái lịch làm ăn lam lũ quanh năm, cái lịch Tây khốn kiếp nó quản thúc đời mình. Mình được thả hồn với ngày tháng phiêu diêu từ ngàn xưa vọng về. Cái lịch Ta nay chỉ quản có lễ hội với Tết nhất, đáng yêu làm sao.
Ngoài hai mươi Tết trở đi, chôn quên hẳn đi cái lịch Tây man di trói buộc nọ. Hai mươi mấy Tết thì về quê nhỉ? Hai mươi mấy Tết thì lo xong nếp đỗ thịt củi? Lá dong, cô bạn đáng yêu vẫn còn “nửa thụ thụ bất thân” đã nhất định “anh cứ buồn cười, để em lo”, vậy mà chưa thấy đâu… Chuyện nhỏ, phải khéo, lôi thôi, thành chuyện to bây giờ… Trước ba mươi mà gói xong bánh, thì đỡ cập rập bao nhiêu. Sắp ba mươi… tối về nhớ phải cài then chốt cửa cho kĩ à, mấy bác khách trộm là rất rành lịch Ta, rất thích dịp đêm ba mươi đấy. Ôi, giá mà được đốt bánh pháo đêm ba mươi này nhỉ? Chỉ tại cái dân mình, nhẹ nghĩ, ưa nặng, hễ làm được gì, là lại tí toáy lạm dụng cho bằng chết thôi? Không vươn đến tự quản nổi, thì rồi khắc bị người ta quản cho, điên thế cơ chứ. “Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, ngày xưa tuyệt thế… Bây giờ, thôi thì, “Cây nêu, lịch cũ, bánh chưng xanh” vậy.
Ngọn gió Giao thừa lặng lẽ ùa về trên đầu ngọn tre ngoài ngõ. Nhìn quanh, cái gì cũng cũ. Nhưng lòng mình chợt thoáng tươi mới lại, không nhiều, chút ít, vẫn có. Vẫn thế.
Sáng mồng Một, lặng lẽ, tinh tươm. Mùi rơm ẩm sương ở góc vườn quyện đọng hơn, thân thương hơn ngày thường. Như tờ giấy trắng được mở ra, chẳng nỡ viết điều gì phiền muộn. Con gà trống khoác lác đã kịp gân cổ gáy, giành oai quyền báo Mặt Trời của năm Ta đã dậy. Siêu nước dưới nhà chợt cất tiếng reo, giục trà mau mau vào ấm.
Hượm cái đã nào…
“Con gà gáy báo Năm Ta,
Siêu nước dưới nhà giã giục trà Ta.
Bồi hồi bóc tờ lịch Ta,
Ngày nào Đất Nước đủ đà bay lên?”